Học Tập cho Ngày mai tỏa sáng

Học tập vì tương lai tươi sáng, học tập vì ngày mai lập nghiệp.

Chia sẻ kiến thức học đường

Kiến thức học đường chia sẻ những kinh nghiệm, kiến thức cho học sinh và phụ huynh

Xây dựng ước mơ

Cùng giáo dục học đường xây dựng ước mơ tương lai cho con trẻ

Thứ Sáu, 20 tháng 6, 2014

39 điểm, con đừng vội vui mừng!

Gửi con trai!

Hôm qua con biết điểm thi Tốt nghiệp, con vui mừng chạy đến bên mẹ rồi khoe: “Con được 39 điểm mẹ ạ! 3 điểm 10 cho 3 môn Toán, Hóa, Sinh. Điểm 9 cho môn Văn”. Mẹ vui mừng biết mấy khi con là một trong những người có điểm thi tốt nghiệp cao nhất lớp. Mẹ chưa kịp chúc mừng con, chưa kịp dặn con hãy cố lên để kì thi Đại học cũng có một số điểm tuyệt vời như thế thì con đã vội chạy đi nghe điện thoại, rồi xin mẹ tiền để khao các bạn vì mình được điểm cao nhất trường.

Mẹ nói thế không phải trách con. Mẹ không trách con vì đã bỏ bữa cơm mẹ nấu dành riêng cho con nhân ngày con biết điểm tốt nghiệp. Mẹ không trách con mà bảo rằng con hoang phí, ham chơi,... Nếu là mẹ có lẽ mẹ cũng giống con thôi. Nhưng có điều làm mẹ lo lắng. Mẹ lo lắng với tuổi của con, còn bồng bột, chưa nhìn nhận được sâu sa mọi vấn đề mà nghĩ rằng mình giỏi. Con số kia sẽ làm con “ảo tưởng” sức mạnh.

Mẹ biết 39/40 điểm đâu phải là con số thấp. Nhiều người bạn của con cũng không bằng con cơ mà. Tuy nhiên, con hãy nhớ, nó cũng không phải là con số cao. Nó chỉ cao trong các kì thi kiểm tra chất lượng định kì hay trong kì thi Đại học sắp tới. Mẹ vẫn nhớ, khi kết thúc mỗi môn thi con đều nói đề thi dễ, kiến thức cơ bản, không đánh đố, con ngồi chơi quá nửa thời gian. Như vậy, đạt điểm 10 đâu có khó đúng không con?

39 điểm, con là Thủ khoa của trường. Mỗi lần mẹ ra chợ, đi ra ngoài đường là hàng xóm, bạn bè mẹ đều dành lời khen cho con. Mẹ biết, con cũng thế, cũng được nghe những lời khen tốt đẹp ấy và con vui lắm. Chẳng thế mà mỗi lần về, hễ được nhận lời khen của ai là con lại khoe với mẹ, khuôn mặt hớn hở, nụ cười có phần “đắc ý”. Mẹ lo lắng biết bao nhiêu khi nghe con nói: “Con chẳng lo kì thi Đại học nữa rồi, chả nhẽ “thủ khoa” kì thi Tốt nghiệp trường như con lại trượt Đại học trong khi có bao nhiêu bạn đỗ”.

Ảnh minh họa


Mẹ buồn! Con số kia chưa phản ánh được gì nhiều nhưng lại mang vào trong suy nghĩ của con trai mẹ những điều thật tồi tệ!

Con hãy nhớ, kì thi Đại học và kì thi Tốt nghiệp khác nhau nhiều lắm! Người ta vẫn bảo “Trượt Tốt nghiệp còn khó hơn đậu Đại học” là vì thế. Kì thi Đại học là kì thi khá căng thẳng. Thay vì con được quay ngang quay ngửa, hỏi bạn nọ bạn kia, nhắc bài người này người nọ, con sẽ phải ngồi ra tận đầu bàn, không được quay sang ai và cũng chẳng ai “tiếp chuyện” con. Các giám thị cũng khắt khe hơn nhiều. Họ không nhắm mắt làm ngơ với bất kì một hành vi vi phạm quy chế thi nào. Hơn nữa, có một điều không cần nhắc con cũng biết, đó là đề thi Đại học khó hơn kì thi Tốt nghiệp gấp trăm vạn lần. Con sẽ chẳng thể ngồi chơi mà vẫn được 10 đâu con trai ạ!

Con hãy tỉnh táo, “tâm bất biến trong dòng đời vạn biến”! Con hãy mặc con số 39 kia, hãy mặc những lời khen chê của thiên hạ mà tập trung cho kì thi Đại học. Bởi vì đây mới thực sự đánh giá đúng năng lực của con, mới quyết định tương lai của con! Mẹ hi vọng rằng, kì thi Đại học sắp tới, con, mẹ, cả gia đình ta đều nhận được lời chúc mừng từ tất cả mọi người, được tổ chức một bữa liên hoan mừng ngày con nhập học!

Thứ Sáu, 13 tháng 6, 2014

Con em chúng ta đang học trong môi trường giáo dục... thối nát?

“Thử hỏi rằng đằng sau những tờ giấy khen kia năng lực thật sự của con mình đến đâu? Hỏi rằng giáo dục 3 không (không bệnh thành tích – không tiêu cực trong thi cử - không đọc chép trong dạy học) được ban hành để làm gì mà bây giờ lại có kết quả thế này? Rồi tương lai con em mình đến đâu?

Nền giáo dục của nước nhà sẽ đến đâu? Phải làm sao kết thúc thực trạng đau lòng này để con em mình không phải học trong môi trường giáo dục thối nát? Thực sự đây là câu hỏi mà tôi cũng như các bậc phụ huynh rất muốn nghe câu trả lời từ ngành giáo dục.”

Trong suốt năm học, mỗi lần nghe con khoe được điểm 9, 10 là tôi lại hồ hởi đi mua quà, bánh về động viên con. Nhưng đến khi đi họp phụ huynh và về nhà kiểm tra kiến thức của con tôi mới ngã ngửa. Mọi chuyện không như tôi đã từng tin tưởng.

Con tôi năm nay vừa học hết lớp 1. Vợ chồng tôi đều làm ăn buôn bán, công việc bận rộn tối ngày nên không có thời gian để trực tiếp kèm cháu học. Tin tưởng sự kèm cặp và giáo dục của nhà trường, việc học hành của cháu hầu như chúng tôi nhờ các thầy cô giáo quản lý.

Suốt năm học, ngày nào cháu cũng về khoe được điểm 9, 10. Nghe vậy tôi vô cùng phấn khởi và tự hào về con mình. Không cần kèm cặp như những đứa trẻ khác mà thằng bé học hành ngoan ngoãn, bằng bạn bằng bè, như thế bố mẹ nào không tự hào cho được. Mỗi lần như thế tôi lại mua quà bánh động viên con, mong con có thêm động lực để phấn đấu.

Đến cuối năm, nhận thông báo đi họp phụ huynh mà lòng tôi rạo rực. Rạo rực vì biết điểm số của con mình như vậy thế nào cũng được học sinh xuất sắc, đứng thứ nhất thứ nhì lớp chứ chẳng đùa. Tuy nhiên, khi nghe cô giáo thông báo về tình hình học tập và thi đua của lớp, tôi hết sức bất ngờ.

Lớp có 50 học sinh nhưng có tới 49 học sinh xếp loại học lực giỏi, duy nhất 1 em xếp loại khá. Tôi ngỡ ngàng, tất cả các bậc phụ huynh cũng ngỡ ngàng. Làm sao có chuyện ấy được? Liệu cô giáo có nhầm không? Trước đây, thời chúng tôi đi học, cả lớp chỉ có 1, 2 người xếp loại học lực giỏi, còn lại là toàn khá với trung bình. Nay con em mình cứ cho là hơn mình trước đây đi, nhưng nghe kết quả này, bằng linh cảm của mình thực sự tôi thấy vô lý.
Lớp có 50 học sinh nhưng có tới 49 học sinh xếp loại học lực giỏi
Về nhà với nỗi băn khoăn. Tôi mở vở của con mình ra xem thì một điều nữa lại làm tôi choáng váng. Một bài toán nhỏ thôi nhưng chi chít lỗi, tuy nhiễn cô giáo vẫn chấm điểm 10. Tôi lật tiếp vở Tiếng Việt, một bài viết chưa đầy nửa trang nhưng mắc tới 13 lỗi chính tả, chữ viết nghệch ngoạc nhưng cô giáo cho 9 điểm.

Qúa shock và không thể tin nổi, tôi gọi con lại và bảo cháu đánh vần mấy chữ trong sách giáo khoa nhưng cháu không thể đánh vần được. Bảo cháu sắp xếp các số từ lớn đến nhỏ nhưng cháu loay hoay mãi không giải được bài toán.

Càng kiểm tra tôi càng thêm đau lòng. Tôi không hiểu nổi tại sao lại như vậy nữa. Thực chất con mình học quá kém nhưng tại sao vẫn được xét lên lớp, thậm chí được nhận giấy khen học sinh xuất sắc.

Nhìn bài con làm, nhìn điểm cô chấm, nhìn con, vò đầu, gãi tai mà không đánh vần nổi mấy chữ cái trong sách, nhìn tờ giấy khen của con mà tôi nhói lòng. Chỉ vì thành tích mà nhà trường vùi dập sự phát triển của các con, làm các con ảo tưởng sức mạnh để rồi chẳng chịu phấn đấu học hành. Thử hỏi rằng đằng sau những tờ giấy khen kia năng lực thật sự của con mình đến đâu? Hỏi rằng giáo dục 3 không (không bệnh thành tích – không tiêu cực trong thi cử - không đọc chép trong dạy học) được ban hành để làm gì mà bây giờ lại có kết quả thế này? Rồi tương lai con em mình đến đâu? Nền giáo dục của nước nhà sẽ đến đâu? Phải làm sao kết thúc thực trạng đau lòng này để con em mình không phải học trong môi trường giáo dục thối nát? Thực sự đây là câu hỏi mà tôi cũng như các bậc phụ huynh rất muốn nghe câu trả lời từ ngành giáo dục.