Thứ Sáu, 13 tháng 6, 2014

Con em chúng ta đang học trong môi trường giáo dục... thối nát?

“Thử hỏi rằng đằng sau những tờ giấy khen kia năng lực thật sự của con mình đến đâu? Hỏi rằng giáo dục 3 không (không bệnh thành tích – không tiêu cực trong thi cử - không đọc chép trong dạy học) được ban hành để làm gì mà bây giờ lại có kết quả thế này? Rồi tương lai con em mình đến đâu?

Nền giáo dục của nước nhà sẽ đến đâu? Phải làm sao kết thúc thực trạng đau lòng này để con em mình không phải học trong môi trường giáo dục thối nát? Thực sự đây là câu hỏi mà tôi cũng như các bậc phụ huynh rất muốn nghe câu trả lời từ ngành giáo dục.”

Trong suốt năm học, mỗi lần nghe con khoe được điểm 9, 10 là tôi lại hồ hởi đi mua quà, bánh về động viên con. Nhưng đến khi đi họp phụ huynh và về nhà kiểm tra kiến thức của con tôi mới ngã ngửa. Mọi chuyện không như tôi đã từng tin tưởng.

Con tôi năm nay vừa học hết lớp 1. Vợ chồng tôi đều làm ăn buôn bán, công việc bận rộn tối ngày nên không có thời gian để trực tiếp kèm cháu học. Tin tưởng sự kèm cặp và giáo dục của nhà trường, việc học hành của cháu hầu như chúng tôi nhờ các thầy cô giáo quản lý.

Suốt năm học, ngày nào cháu cũng về khoe được điểm 9, 10. Nghe vậy tôi vô cùng phấn khởi và tự hào về con mình. Không cần kèm cặp như những đứa trẻ khác mà thằng bé học hành ngoan ngoãn, bằng bạn bằng bè, như thế bố mẹ nào không tự hào cho được. Mỗi lần như thế tôi lại mua quà bánh động viên con, mong con có thêm động lực để phấn đấu.

Đến cuối năm, nhận thông báo đi họp phụ huynh mà lòng tôi rạo rực. Rạo rực vì biết điểm số của con mình như vậy thế nào cũng được học sinh xuất sắc, đứng thứ nhất thứ nhì lớp chứ chẳng đùa. Tuy nhiên, khi nghe cô giáo thông báo về tình hình học tập và thi đua của lớp, tôi hết sức bất ngờ.

Lớp có 50 học sinh nhưng có tới 49 học sinh xếp loại học lực giỏi, duy nhất 1 em xếp loại khá. Tôi ngỡ ngàng, tất cả các bậc phụ huynh cũng ngỡ ngàng. Làm sao có chuyện ấy được? Liệu cô giáo có nhầm không? Trước đây, thời chúng tôi đi học, cả lớp chỉ có 1, 2 người xếp loại học lực giỏi, còn lại là toàn khá với trung bình. Nay con em mình cứ cho là hơn mình trước đây đi, nhưng nghe kết quả này, bằng linh cảm của mình thực sự tôi thấy vô lý.
Lớp có 50 học sinh nhưng có tới 49 học sinh xếp loại học lực giỏi
Về nhà với nỗi băn khoăn. Tôi mở vở của con mình ra xem thì một điều nữa lại làm tôi choáng váng. Một bài toán nhỏ thôi nhưng chi chít lỗi, tuy nhiễn cô giáo vẫn chấm điểm 10. Tôi lật tiếp vở Tiếng Việt, một bài viết chưa đầy nửa trang nhưng mắc tới 13 lỗi chính tả, chữ viết nghệch ngoạc nhưng cô giáo cho 9 điểm.

Qúa shock và không thể tin nổi, tôi gọi con lại và bảo cháu đánh vần mấy chữ trong sách giáo khoa nhưng cháu không thể đánh vần được. Bảo cháu sắp xếp các số từ lớn đến nhỏ nhưng cháu loay hoay mãi không giải được bài toán.

Càng kiểm tra tôi càng thêm đau lòng. Tôi không hiểu nổi tại sao lại như vậy nữa. Thực chất con mình học quá kém nhưng tại sao vẫn được xét lên lớp, thậm chí được nhận giấy khen học sinh xuất sắc.

Nhìn bài con làm, nhìn điểm cô chấm, nhìn con, vò đầu, gãi tai mà không đánh vần nổi mấy chữ cái trong sách, nhìn tờ giấy khen của con mà tôi nhói lòng. Chỉ vì thành tích mà nhà trường vùi dập sự phát triển của các con, làm các con ảo tưởng sức mạnh để rồi chẳng chịu phấn đấu học hành. Thử hỏi rằng đằng sau những tờ giấy khen kia năng lực thật sự của con mình đến đâu? Hỏi rằng giáo dục 3 không (không bệnh thành tích – không tiêu cực trong thi cử - không đọc chép trong dạy học) được ban hành để làm gì mà bây giờ lại có kết quả thế này? Rồi tương lai con em mình đến đâu? Nền giáo dục của nước nhà sẽ đến đâu? Phải làm sao kết thúc thực trạng đau lòng này để con em mình không phải học trong môi trường giáo dục thối nát? Thực sự đây là câu hỏi mà tôi cũng như các bậc phụ huynh rất muốn nghe câu trả lời từ ngành giáo dục.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét