Học Tập cho Ngày mai tỏa sáng

Học tập vì tương lai tươi sáng, học tập vì ngày mai lập nghiệp.

Chia sẻ kiến thức học đường

Kiến thức học đường chia sẻ những kinh nghiệm, kiến thức cho học sinh và phụ huynh

Xây dựng ước mơ

Cùng giáo dục học đường xây dựng ước mơ tương lai cho con trẻ

Thứ Hai, 26 tháng 1, 2015

Những bài toán tiểu học gây tranh cãi nhiều nhất trên mạng xã hội (Phần 1)

Gần đây, trên mạng xã hội người ta liên tục chia sẻ những bài toán có thể cho ra nhiều đáp án với những tranh cãi gay gắt. Những bài toán này dành cho các em học sinh tiểu học nhưng lại khiến nhiều người lớn phải đau đầu khi tìm lời giải. Cùng điểm qua một số bài toán “hóc búa” nhất nhé.


1.  Bài toán tính gà


Một bài kiểm tra của học sinh do phụ huynh đăng tải trên mạng xã hội đã nhanh chóng tạo nên cuộc tranh luận sôi nổi đâu là đáp án đúng. Bài toán đếm gà đơn giản nhưng khiến dư luận tranh cãi gay gắt về đáp số. Đề bài như sau: “Nhà Lan có 4 chuồng gà, mỗi chuồng có 8 con gà. Hỏi nhà Lan có tất cả bao nhiêu con gà? Và đưa ra 4 phương án để học sinh lựa chọn: A. 4x8=32, B. 8x4=32, C. 4+8=12, D. 8:4=2. 


Nhìn qua, tất cả mọi người đều dễ dàng đưa ra đáp số cho câu hỏi này là 32. Tuy nhiên, việc giáo viên đưa ra 2 phương án 4x8 và 8x4 để học sinh lựa chọn lại khiến phụ huynh này thắc mắc. Đặc biệt, trong bài làm giáo viên đã không chấm điểm khi học sinh này lựa chọn đáp án A (4x8=32) và đưa ra phép tính đúng phải là (8x4=32). Hầu hết người lớn khi xem đề bài này đều cho rằng 4x8 không khác 8x4 bởi cùng có chung kết quả là 32. Vì vậy, nhiều người tỏ ra bức xúc với cách ra đề và chấm bài của giáo viên này. 

Một giảng viên cho rằng cần phân biệt cho học sinh hiểu đâu là đơn vị tính đâu là số lần được gấp lên. Với câu hỏi “Hỏi nhà Lan có tất cả bao nhiêu con gà?”, số gà là đơn vị tính, sẽ viết phép tính là 8x4 (tức là 8 con gà gấp lên 4 lần). Còn viết 4x8 (sẽ được hiểu là số chuồng là 4 gấp lên 8 lần). Dù kết quả cuối cùng của phép tính đều là 32 nhưng trong khi đề yêu cầu tính số gà, vì vậy viết 4x8 sẽ sai về mặt bản chất. 

2.  Bài toán mua bò


Mới đây, các bậc phụ huynh lại có cơ hội thử tài giải bài toán... lớp 3. Mặc dù đề bài có vẻ đơn giản nhưng lại có nhiều ý kiến khác nhau về cách giải dẫn đến không ít tranh cãi gay gắt. Đề bài được cho như sau: "Bác Nam mua con bò với giá 13 triệu, sau đó bác đem bò bán với giá 15 triệu. Nhưng vì tiếc con bò nên bác Nam đã đến mua lại con bò nhưng người kia đòi bán với giá 17 triệu, vậy là bác Nam đã mua con bò với giá 17 triệu, sau đó bác Nam đem bán con bò với giá 19 triệu. Hỏi cuối cùng bác Nam đã lãi được bao nhiêu tiền?

Có 4 ô đáp án để lựa chọn là 4 triệu, 2 triệu, hòa vốn, -2 triệu.



Bài toán lớp 3 đã có rất nhiều cách giải đáp cũng như kết quả được đưa ra. Chỉ sau một ngày đăng tải lên mạng, đã có gần 1.000 bình luận với nhiều đáp án và nhiều cách giải. Đại đa số mọi người cho rằng bác Nam lãi 4 triệu. Cách giải như sau: Tổng số tiền mua là 13 + 17 = 30, tổng số tiền bán 15 + 19 = 34. Vậy Bác Nam lãi là 34 - 30 = 4 triệu.

Hay cũng là đáp án 4 triệu nhưng lại có cách giải khác là (15-13) + (19-17) = 4 (triệu). Hoặc ban đầu có 13 triệu, cuối cùng có 13 triệu thì hòa vốn, cuối cùng có được 15 triệu thì lãi 2 và cuối cùng có 17  triệu (ở đây là 19-2) thì lãi 4 triệu.

Tuy nhiên, cũng không ít lời giải có kết quả là lãi 2 triệu. Cụ thể: mua 13, bán 15 thì được 2 triệu. Bán 15 mua 17 thì lỗ 2 triệu là hòa vốn. Mua 17, bán 19 là lãi 2 triệu.

Hoặc một lý giải khác là lãi 4 triệu nhưng bù 1 lần lỗ 2 triệu là còn 2 triệu.


Một số ý kiến lại cho rằng, bác Nam lãi 0 đồng vì mua 13 bán 15 lãi 2 triệu rồi lại mua 17, bỏ vào 4 triệu là lỗ 2 triệu, bán được 19 triệu. Kết quả cuối cùng bằng 0. Hay có người cho rằng hòa vốn vì công đi lại mua bán xăng xe, ăn uống, phí nuôi bò...

Trao đổi về đề toán lớp 3 này, thạc sĩ giáo dục Phạm Phúc Thịnh (Giảng viên Trường Quốc tế Việt-Úc tại Tp.HCM) cho biết, kết quả là 4 triệu. Thạc sĩ lý giải như sau: mua 13 bán 15 lãi +2, mua lại 17 như vậy so với giá ban đầu phải bù 4 triệu nhưng đã lãi 2 nên còn phải vay 2 triệu. Sau đó bán 19 triệu lời 2 triệu đủ trả tiền vay. Vậy trong tay bác Nam có 17 triệu, trừ vốn 13 triệu thì lãi 4 triệu.

3.  Bài toán tính tuổi thuyền trưởng


Cách đây không lâu, các diễn đàn mạng đã chia sẻ thông tin về một bài toán: "Trên tàu có 45 con cừu, 5 con bị rơi xuống nước. Hỏi ông thuyền trưởng bao nhiêu tuổi?".


Nhiều ý kiến  băn khoăn về lời giải của bài toán hóc búa này. Nhiều ý kiến cho rằng "Có thể đây là bài toán để tìm học sinh thông minh, biết phát hiện sự vô lý của vấn đề. Đáp án phải là đề bài không đủ dữ liệu để giải, xin cô cho thêm dữ liệu”.

Tuy nhiên, thực tế, đây là một bài toán nghiêm túc và tác giả của nó chính là nhà giáo ưu tú Phạm Đình Thực - nguyên Trưởng Bộ môn phương pháp dạy Toán Tiểu học của Trường ĐH Sài Gòn. Nhà giáo ưu tú Phạm Đình Thực cho biết, cách ra đề kiểu này không phải là mới, lạ với thế giới. Vì đối với những người dạy học Toán, bài toán “Tuổi thuyền trưởng” đã trở thành kinh điển, không ai không biết. Bên cạnh đó, nếu chú ý, có thể thấy bài toán được đánh dấu (*) - tức là bài toán khó nhằm mục đích nâng cao năng lực nhận thức và kĩ năng phát hiện vấn đề của học sinh, đồng thời rèn luyện kĩ năng đọc kĩ đề và suy nghĩ thấu đáo trước khi làm bài.



Lời giải bài toán tính tuổi thuyền trưởng gây tranh cãi 

"Thường để cho “yên tâm” và “an toàn”, cả tác giả và Nhà xuất bản ở Việt Nam ít khi mạnh dạn chấp nhận kiểu đề toán ra theo dạng này. Nhưng, theo quan điểm đổi mới giáo dục của Đảng và của Bộ GD-ĐT, ông Thụ đã đề nghị Nhà xuất bản chấp nhận ra đề kiểu này.

Trong một bài toán có 2 phần là những cái đã cho và cái phải tìm (câu hỏi của bài toán). Câu hỏi của bài toán này không đúng vì trong các dữ kiện không có yếu tố nào liên quan đến tuổi thuyền trưởng. Tác giả cố tình vi phạm để tập cho trẻ thói quen đọc kỹ đề, phân biệt cái đã cho và cái phải tìm trước khi giải bài toán. Cũng xin lưu ý thêm rằng, trong sách bên cạnh câu hỏi còn có phần gợi ý giải; và đáp án bài toán này trong sách có ghi rõ là: "Không giải được vì đề toán sai”. 

Thứ Ba, 20 tháng 1, 2015

Làm thế nào để học tốt môn văn?

Nhiều người cho rằng Văn là môn học khoai nhất vì học văn không chỉ cần trí tưởng tượng tốt, khả năng diễn đạt mượt mà mà còn phải có trí nhớ tốt, học thuộc nhanh. Tuy nhiên, quan niệm đó là một quan niệm sai lầm. Học văn cần sự logic và khoa học nhưng không khó như các bạn nghĩ. Để học tốt môn Ngữ Văn, mời các bạn tham khảo các bước dưới đây:

Suy nghĩ tích cực và tạo cho mình niềm hứng khởi


Tâm lý là một yếu tố vô cùng quan trọng để bạn làm mọi việc. Nếu bạn bỏ bê môn này chỉ vì suy nghĩ “Mình không có năng khiếu, không đủ khả năng” thì chẳng bao giờ bạn học tốt môn này nói riêng và tất cả các môn khác nói chung. Hãy nói với bản thân mình rằng “Người khác học được mình cũng học được”. Vì không giống các môn học Tự nhiên khác như Toán, Lý, Hóa khi đã mất gốc thì rất khó để học lại, với Văn học bạn chỉ cần một chút chăm chỉ là hoàn toàn có thể giải quyết được.

Viết và viết


Nếu bạn không chăm làm, chăm viết văn thì chắc là sẽ chẳng bao giờ bạn viết hay cả. Viết sẽ giúp bạn diễn đạt tốt hơn, có nhiều cách để bày tỏ quan điểm của mình hơn.  Viết thật nhiều, đó là điều quan trọng hàng đầu của những người học giỏi văn.



Có nhiều bút khác màu mực


Nếu bạn nghĩ rằng những cây bút khác màu mực không quan trọng thì đó là quan điểm sai lầm. Khi đọc và phân tích văn bản, hãy dùng những loại bút đó, vạch ra trên SGK những dấu hiệu nghệ thuật, từ ngữ hay, câu văn nổi bật.... Hãy thử giải thích xem tại sao tác giả lại dùng những từ ngữ, biện pháp nghệ thuật đó. Như vậy, bạn sẽ tiếp thu và ghi nhớ kiến thức hơn rất nhiều.

Đọc nhiều truyện ngắn, tiểu thuyết


Đọc nhiều truyện ngắn, tiểu thuyết không những giúp  chúng ta hiểu từ  ngữ tiếng Việt mà còn giúp rèn luyện khả năng sáng tạo và trí tượng tưởng trong môn Văn. Hiện nay, khi ra nhà sách không chỉ có các tác phẩm trong nước mà các tác phẩm kinh điển của nước ngoài cũng được bày bán càng hỗ trợ cho các bạn có thêm kinh nghiệm trong lối viết văn của mình.



Khảo sát thực tế


Nguồn cảm hứng văn học lúc nào cũng bắt nguồn từ thực tế cuộc sống. Bạn hãy quan sát những cử chỉ, hành động và sự việc xung quanh, bạn sẽ có những ý tưởng cho riêng mình. Đặc biệt với văn nghị luận, đặc biệt là nghị luận xã hội, bạn cần trau dồi vốn kiến thức sâu rộng bên ngoài rất nhiều.
Nắm chắc nội dung tác phẩm

Không cần phải quá cầu kì, hoa mĩ, phân tích những thứ xa xôi, trừu tượng. Điều quan trọng để học tốt môn Văn đó chính là bạn hãy cố gắng hiểu rõ nội dung chính trong đó rồi sau đó sẽ triển khai ra các ý mới. Đó mới là cách bạn lấy điểm từ môn văn chứ không phải lời văn chau chuốt, mượt mà như nhiều người vẫn nghĩ.

Không phụ thuộc vào sách tham khảo


Sách tham khảo là con dao hai lưỡi. Nó giúp bạn có những ý tưởng sáng tạo. Tuy nhiên rất dễ khiến bạn bị phụ thuộc vào nó, từ đó sẽ kìm hãm trí tưởng tượng, tư duy sáng tạo của bạn. Chính vì thế hãy viết bằng cảm xúc, tâm hồn thật của mình thay vì đi “vay mượn” những câu chữ rập khuôn đó. Một cách khác để bạn có thể tham khảo hiệu quả là: hãy viết một bài văn theo suy nghĩ, cảm nhận của mình rồi sau đó sẽ đọc lại bài tham khảo đó. Cách này sẽ giúp ta bổ sung thêm được nhiều ý mới bên cạnh những ý mình đã triển khai trước đó. 



Soạn bài trước ở nhà


Việc soạn bài ở nhà cũng rất quan trọng vì khi đó các bạn đã đọc bài và tham khảo trước. Khi vào lớp, mọi câu hỏi được đặt ra, bạn đều có thể dễ dàng trả lời và dễ dàng trở thành “ngôi sao” của tiết học Văn hôm đó. Hơn nữa, khi soạn bài ở nhà trước, đến lớp bạn sẽ không còn bỡ ngỡ với những kiến thức thầy cô giáo giảng vì phần nào bạn đã được tiếp xúc trước rồi. Từ  đó bạn sẽ tiếp thu kiến thức dễ dàng hơn.

Tập trung lắng nghe


Tập trung chú ý nghe thầy cô giảng bài cũng là một cách hữu ích giúp  chúng mình học giỏi môn Văn hơn đấy! Chăm chú nghe giảng sẽ học được nhiều điều hay từ thầy cô mà cũng có khi thấy học trò chăm chú lại càng giúp thầy cô thêm hứng thú để truyền đạt các kiến thức cho học sinh. Bên cạnh đó, trong giờ học bạn cũng nên ghi chép cẩn thận, kĩ lưỡng để lúc nào cần thì có thể giở ra xem lại => Học kĩ vở ghi.

Thứ Sáu, 16 tháng 1, 2015

Thầy tát trò bôm bốp, trò đánh trả thầy như giang hồ

Thầy giáo tát học sinh bôm bốp, học sinh đánh trả ngay trên bục giảng tại một trường THPT ở thị trấn Phú Phong, huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định. Vụ việc được quay clip và tung lên mạng 18.2.2014 làm cho cả xã hội phải sửng sốt trước tình trạng bạo lực học đường đang gia tăng và mối quan hệ thầy – trò dường như không còn theo những chuẩn mực đạo đức truyền thống nữa.

Thầy tát trò, cả xã hội "tát" ngành giáo dục



Những cái tát mạnh và liên tục từ cánh tay người thầy giáng xuống mặt em học sinh quả thực có sức ám ảnh ghê gớm với bất kỳ ai. Nếu không được chứng kiến có lẽ chẳng ai dám tưởng tượng trong môi trường sư phạm, nơi "trồng người" của cả xã hội lại có thể xảy ra một vụ "hỗn chiến" như giang hồ đến vậy. 

Và ai cũng thấy rõ, nguyên nhân trước tiên là do hành động phi sư phạm của người thầy! Cách hành xử của thầy giáo quả là không thể chấp nhận được. Thầy dạy các em mà như huấn luyện các con thú. Với việc “trồng người” thì những hành vi chửi bới, xúc phạm, đánh đập chẳng bao giờ có thể được chấp nhận trong các kỹ năng sư phạm. 

Có thể nhiều người cho rằng trẻ em bây giờ được nuông chiều quá nên thường sinh hư, cứng đầu nên cần phải cứng rắn. Nhưng không phải vì thế mà bỏ qua vai trò của việc đi học nghiệp vụ để được trang bị những kỹ năng sư phạm, để ứng xử đúng như một người thầy trước những tình huống khó xử thường diễn ra trong môi trường giáo dục.

Những cái tát bôm bốp thầy giáo dành cho học sinh cảnh tỉnh những người thầy cần tỉnh táo và ứng xử đúng đắn trong công việc của mình. Và hành động phi sư phạm ấy cũng là cái tát của xã hội dành cho ngành giáo dục Việt Nam.

Xót xa khi trò đánh thầy như giang hồ




Em học sinh đó chỉ mới học lớp 11, đã đứng lên đánh thầy và đã trở thành một phiên bản thô kệch từ sự hung hăng của người lớn.

Em bốc đồng vô lễ và đáng trách nhưng thực ra thì cảm giác về em là sự xót xa nhiều hơn. Xót xa chứ, sao lại không xót xa cho được khi một học sinh, đáng lý ra phải kính trọng thầy giáo của mình, lại vung tay, vung chân trước chính người thầy đấy. Và có xót xa không khi chúng ta nhìn thấy đâu đấy trong bóng hình của cậu bé kia, sự kính trọng đấy đã tan vỡ. 

Các em ở cái tuối đang lớn, có sự thay đổi mạnh mẽ nên dễ bị xáo trộn và lay động. Các em dễ bị tổn thương vì tâm hồn nhạy cảm. Khi bị dồn ép quá đáng, nó sẽ trở thành sự chống đối. Đó chính là bản năng tự vệ của các em trước bất công xung quanh mình.

Các em sĩ diện và tự trọng, do đó cảm giác bị đánh như một đứa trẻ hư trước cả lớp, trong đó có cả các bạn nữ là một điều mà các em khó mà chấp nhận được. Chẳng ai có quyền làm cho cậu bé cảm thấy mình bị sỉ nhục, nhất là một người thầy giáo, người lẽ ra phải là thuyền trưởng vững vàng đưa cậu bé vượt qua những khiếm khuyết của mình. 

Chúng ta vẫn được dạy rằng: Khi đi học, điều đầu tiên là phải học đạo đức, học để trở thành người tốt rồi mới đến học kiến  thức. Tuy nhiên, liệu rằng những người học sinh đó có đủ can đảm và bản lĩnh để "tự học" cách làm người, hay sẽ trở thành một bản sao của người thầy giáo? 

Xử phạt hành vi đánh người trong nhà trường


Để ngăn chặn tình trạng bạo lực học đường như trên, Bộ GD – ĐT đã đưa ra Dự thảo Nghị định Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục, trong đó một điểm đáng chú ý đó là tại điều 20, mục 7: “Phạt tiền từ 3 triệu đồng đến 5 triệu đồng đối với hành vi ngược đãi, hành hạ, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người học. Phạt tiền từ 5 triệu đồng đến 20 triệu đồng đối với hành vi xâm phạm nhân phẩm, thân thể, danh dự của nhà giáo, nhân viên cơ sở giáo dục”.

Đây là một quy định cần thiết. Nếu làm được điều đó sẽ bảo vệ người học và người dạy khỏi những hành vi sai trái thầy đánh trò, trò đánh thầy đã bị xã hội lên án. Bên cạnh đó, quy định này còn có tác dụng giúp giáo viên có ý thức trau dồi thêm chuyên môn, nghiệp vụ sư phạm để vẫn có thể giáo dục học sinh mà không cần đòn roi, mắng chửi. Còn đối với học trò sẽ khiến các em phải tự kiềm chế, và có trách nhiệm với hành vi của mình.

Thứ Tư, 14 tháng 1, 2015

5 nguyên tắc vàng khi dạy tiếng Anh cho trẻ mầm non

Tiếng Anh là kiến thức và kỹ năng đặc biệt quan trọng ở thời điểm hiện tại, và để có được một nền tảng tiếng Anh vững chắc, mỗi người cần được bồi dưỡng từ khi còn nhỏ, giống như một cái cây, uốn càng sớm thì càng phát triển như mong muốn. Đối với trẻ nhỏ thì Tiếng Việt cũng là ngoại ngữ khi chúng nó còn nhỏ. Bởi vậy cũng không có vấn đề gì nếu cha mẹ muốn trẻ tiếp xúc với tiếng Anh song song với tiếng mẹ đẻ. Giai đoạn 2-3 tuổi là giai đoạn tốt nhất để học ngoại ngữ, đây là giai đoạn mà trẻ có thể thẩm thấu và phát âm ngoại ngữ một cách chuẩn xác nhất. Hầu hết các trẻ học tiếng Anh giai đoạn này đều có khả năng nói tiếng Anh như người bản ngữ  Thế nhưng dạy tiếng Anh cho trẻ không thể áp dụng phương pháp giống người lớn được mà phải có những phương pháp đặc biệt, phù hợp với tâm lý của lứa tuổi các em. Và dưới đây là 5 nguyên tắc vàng bạn cần lưu ý:


1.  Chơi hơn dạy


Với những em bé 2 – 5 tuổi, nếu các bậc phụ huynh hay thầy cô giáo áp dụng kiểu giảng dạy cho trẻ lớn, như học theo giaó trình hay bài học nhất định thì sẽ không bao giờ thu được kết quả. Chính xác phải nói đây là phương pháp "Dạy mà không dạy" và tư tưởng chủ đạo không phải là dạy mà là tạo sân chơi đa dạng, nhiều màu sắc bằng tiếng Anh cho trẻ. Từ đó, hướng dẫn trẻ tự làm chủ sân chơi và từng bước tự bổ sung các hoạt động khác nhau.

Hãy sử dụng các hình ảnh, trò chơi, nhạc họa, diễn kịch... nói chung là các hoạt động nhằm giúp học sinh tham gia vào môi trường sử dụng tiếng Anh một cách tự nhiên, không gượng ép. Các hoạt động đa dạng sẽ giúp học sinh từng bước hình thành phong cách riêng trong học tập. Phong cách riêng chính là nền tảng của chất lượng và hiệu quả học tập.


2.  Đa dạng các loại công cụ dạy học


Ở tuổi này các bé rất ham chơi, ưa thích những thứ mới lạ. Việc bám theo một giáo trình nào đó sẽ hạn chế năng lực sáng tạo của cả cô và trẻ. Hơn nữa, để có thể đa dạng hóa các hoạt động trong lớp, việc tăng cường đồ dùng đồ chơi là điều cần thiết.

Cha mẹ, thầy cô cần chú ý những đồ dùng, đồ chơi (kể cả bài hát, trò chơi, diễn kịch...) bình thường dễ kiếm để làm tăng hoạt động của trẻ, nhất là cần khuyến khích trẻ tìm kiếm thêm hoặc tự tạo ra đồ dùng làm phong phú hóa quá trình học tập.

Và bạn cũng đừng ngại khi sử dụng hợp lý các loại thiết bị công nghệ cao như máy nghe nhạc, điện thoại, truyền hình hay máy tính và các phần mềm kèm theo… vì những dụng cụ này sẽ giúp đẩy nhanh việc nắm bắt ngôn ngữ.

3.  Nói nhiều hơn nghe-viết


Thực tế cho thấy kỹ năng nói dễ học và bắt chước nhất trong học ngoại ngữ. Và khi nói được, trẻ đã từng bước xây dựng được tâm lý tự tin trong sử dụng tiếng Anh. Đây vốn là điểm yếu cơ bản trong giao tiếp đối với nhiều thế hệ đi trước.

Thế nhưng cũng giống như bất kỳ ngôn ngữ nào, có khi ngay cả người dạy cũng phát âm không chuẩn, từ đó bé sẽ học theo cách phát âm sai lệch đó. Để hạn chế điều này, bạn hãy tăng cường các chương trình hướng dẫn phát âm qua băng đĩa, tivi, nghe nhạc...


4.  Bắt chước hơn ngữ pháp


Bắt chước là không thể thiếu được đối với trẻ mầm non, đặc biệt trong học ngoại ngữ. Bắt chước giúp quá trình học tập đi nhanh hơn. Ngữ pháp được hình thành từng bước trong quá trình học nhưng tránh không để ngữ pháp là trở ngại trong bắt chước.

Tuy nhiên, bé có thẻ bắt chước cả những cách phát âm/cách dùng từ không đúng bởi lúc này đầu óc bé vẫn còn rất non nớt. Vì vậy giáo viên và phụ huynh hãy chủ động hướng dẫn để trẻ tự xác định tốt xấu và hành động cho phù hợp.

5.  Thi đua kích thích lòng ham học của trẻ


Việc thi đua cũng là một cách động viên trẻ cố gắng. Bạn có thể tổ chức những cuộc thi với những phần thưởng ngộ nghĩnh đáng yêu để các em tìm được niềm vui khi học tiếng Anh. Khi trẻ được động viên, trẻ sẽ nnỗ lực nhiều hơn, và ngoại ngữ chắc chắn sẽ trở thành một môn học thú vị và vô cùng thích thú đối với trẻ. Tuy nhiên, đừng bao giờ buông những lời so sánh hay miệt thị với những trẻ tiếp thu chậm, bởi trong rất nhiều trường hợp nó sẽ làm tổn thương sâu sắc tâm hồn trẻ mà bạn chẳng hề hay biết.

Thứ Bảy, 10 tháng 1, 2015

Tâm sự của một học sinh “mất nhiều hơn được” khi thi học sinh giỏi

Bắt đầu từ bậc học tiểu học, lên tới tận năm cuối của bậc THPT,  ở nước ta luôn có kỳ thi học sinh giỏi đủ các cấp từ huyện (thị xã), tỉnh (thành phố) và quốc gia. Được đi thi học sinh giỏi là vinh dự với rất nhiều học sinh. Đặc biệt với những học sinh giỏi đạt giải cao từ tỉnh, thành phố, hay quốc gia, danh hiệu học sinh giỏi sẽ trở thành một niềm tự hào, một kỷ niệm đẹp cho mỗi học sinh từ thời cắp sách đến trường. Đó cũng là một kỷ niệm không thể nào quên trong đời học sinh của tôi. Thế nhưng giờ đây, sau nhiều năm nhìn lại, tôi thấy việc thi học sinh giỏi quả thật là “mất nhiều hơn được”…


Lớp 3, lần đầu tiên trong đời tôi được nhà trường cử đi thi học sinh giỏi huyện và cứ thế, do lực học khá nên tới năm lớp 9, năm nào tôi cũng được đi thi và giành giải. Tôi không nhớ rõ cảm giác khi ấy nhưng chắc là cũng vui mừng và tự hào lắm.  Thế nhưng thực tế cuộc thi ấy chẳng nhằm một mục đích có ích nào mà chỉ kích thích những đầu óc non nớt lao vào một sự ảo tưởng, sa đà vào danh vị hão huyền. Có thể những người nghĩ ra cuộc thi này rất có thiện chí nhưng tôi thấy nó lại “phản nhân văn”. Bởi ngày ấy, trong lớp học của tôi những bạn được đi thi học sinh giỏi được các thầy cô ưu ái hơn các bạn khác trong lớp. Trong khi lẽ ra ở độ tuổi ấy chúng tôi phải được yêu mến và trân trọng như nhau chứ không thể bị phân biệt đối xử khi em này thi đỗ điểm cao, em kia không thi đỗ và có em lại còn không được đi thi học sinh giỏi. 

Đến năm lớp 9, tôi giành nhất trong ỳ thi học sinh giỏi cấp tỉnh môn Văn. Tất nhiên cảm giác mình được đạt giải, được gia đình, thầy cô và bạn bè chúc mừng làm tôi mãi không quên. Cho đến tận khi vào đại học hay ra trường đi làm, tôi vẫn rất vui và tự hào khi nhớ lại những ngày tháng ôn thi, những giây phút căng thẳng trong phòng thi hay những giây phút vỡ òa vì hạnh phúc khi nghe được kết quả thi. Tuy nhiên, không phải ai tham gia kỳ thi học sinh giỏi cũng giành được những danh hiệu. Với nhiều người bạn cùng thi với tôi, kỳ thi học sinh giỏi ấy đã lấy của các bạn rất nhiều thời gian để học tập, vui chơi và đổi lại là nỗi buồn bã, căng thẳng, xấu hổ khi không giành giải gì. Trong suốt mấy tháng trời họ đã dồn toàn tâm toàn ý để ôn tập môn văn mà bỏ bê, xao nhãng những môn học khác trên lớp. Vì thế đương nhiên họ suy sụp khi chẳng giành được giải vì thầy cô đã kỳ vọng vào họ rất nhiều.

Nhưng cái việc “mất” của tôi là bởi như đã nói ở trên, tôi trở nên ảo tưởng bản thân. Vì đoạt giải cao ở năm học lớp 9, tôi được vào thẳng lớp 10 ở trường chuyên của huyện. Ngay từ khi vào đầu năm học, tôi đã được thầy cô chú ý đặc biệt, vì thế dần sinh ra tính tự cao, chủ quan trong học tập. Lớp 12, trong kỳ thi tốt nghiệp THPT tôi suýt trượt vì không học đều các môn. Đến khi thi vào đại học, tôi cũng bị trượt nguyện vọng 1, may mắn số điểm đủ vớt vát ở nguyện vọng 2. 

Tất nhiên sự “mất” này phần nhiều do bản thân tôi không đủ bản lĩnh vượt qua những ảo tưởng, nhưng quả thật với 1 học sinh ở lứa tuổi tiểu học, nếu môi trường giáo dục đào tạo mình theo hướng đi của những con “gà chọi” thì đôi khi cũng gây những lệc lạc về nhận thức khi lớn lên. Dù vậy, tôi cũng cảm ơn sự thất bại trong kỳ thi đại học đã cho tôi những bài học đáng giá, trong suốt 4 năm học tôi đã cố gắng hết sức mình cho học tập, ngoại ngữ, giao tiếp… nên ra trường tìm được công việc như ý muốn. 

Rõ ràng vô tình kỳ thi học sinh giỏi đã tạo ra một sự tranh đua không lành mạnh giữa các em học sinh, trong khi lẽ ra tất cả các em đều phải được khuyến khích và động viên học tập tốt. Theo tôi, đối với trẻ em bậc tiểu học cứ học hành bình thường, phát triển bình thường là vĩ đại lắm rồi, đừng đòi hỏi các em phải xuất sắc, phải giỏi, phải đoạt giải này, giải kia... Với những học sinh ở bậc học cao hơn, trước khi tham gia vào các kỳ thi chọn học sinh giỏi, các em cần ước lượng được sức học của bản thân, cũng như xác định cho mình động cơ, động lực rõ ràng. Đừng để bản thân mình học lệch, rơi vào những ảo tưởng, dẫn đến “mất nhiều hơn được” khi va chạm với thực tế cuộc sống.

Thứ Ba, 6 tháng 1, 2015

7 quốc gia lý tưởng nhất để đi du học

Với xu thế hội nhập ngày nay, ngày càng có nhiều gia đình muốn đưa con em mình đi du học, tuy nhiên đâu mới là đất nước lý tưởng nhất để các ông bố, bà mẹ gửi gắm con em mình? Dưới đây là những nơi thu hút nhiều du học sinh nhất và cũng được đánh giá tốt nhất thế giới.

1.  Mỹ


Ngoài chất lượng đào tạo với hàng chục trường đại học tốt nhất thế giới, Mỹ còn có nhiều chính sách như cấp visa thông thoáng, điều kiện thoải mái khiến du học sinh không thể bỏ lỡ. Đây là lý do du học sinh Việt đổ về Mỹ ngày càng đông.


-  Học sinh thường có hai kỳ nhập học trong năm: tháng 1 và tháng 9;

-  Tốt nghiệp trung học tại Mỹ, ở một số bang, bạn sẽ được hưởng mức học phí ưu đãi dành cho người bản xứ, chỉ bằng 30% học phí dành cho SV quốc tế;

-  Với bằng tốt nghiệp THPT của Việt Nam, bạn khó có thể xin được học bổng hoặc vay hỗ trợ của chính phủ cho chi phí học đại học tại các trường của Mỹ. Nhưng với bằng THPT của Mỹ, bạn có thể tự do lựa chọn trường đại học của bất cứ quốc gia nào bạn muốn: Anh, Mỹ, Úc, Canada… và còn có thể xin được học bổng và vay hỗ trợ học phí từ quỹ khuyến học của chính phủ. Mức học bổng này có thể giúp bạn chỉ phải tốn 3.000$/năm học đại học tại Mỹ;

-  VISA dành cho chương trình THPT Mỹ luôn dễ hơn và rộng rãi hơn so với VISA cấp cho các chương trình ĐH, CĐ. 

2.  Úc (Australia)


Australia là một trong những quốc gia được lựa chọn phổ biến nhất của du học sinh Việt. Chương trình học tại xứ sở này cũng dễ thở hơn so với các quốc gia khác. Đặc biệt, các bạn còn được ở lại làm việc 2 năm sau tốt nghiệp tại đất nước xinh đẹp này.


-  Các lớp học bậc phổ thông tại Australia hoàn toàn tương ứng với các lớp học tại Việt Nam, nên rất tiện lợi ;

-  Học phí tại các trường công lập: trung bình khoảng 12.500 – 13.000AUD/năm;

-  Chi phí ăn ở cho học sinh dưới 18 tuổi tại Úc khoảng 10.000AUD/năm học;

-  Phụ huynh đuợc đi cùng để chăm sóc con dưới 18 tuổi.

3.  Canada


Điểm trừ duy nhất khi đến Canada là thủ tục xin VISA khá khó khăn vì phải chứng minh tài chính và thu nhập. Tuy nhiên, Canada vẫn là sự lựa chọn của nhiều người vì chương trình học từ Trung cấp đến ĐH rất bài bản. Bên cạnh đó, Canada còn có môi trường trong sạch, thanh bình và hiện đại đến bất ngờ.


Các bậc phụ huynh có nhiều sự chọn lựa cho con em mình ở các trường công, trường tư, trường bán trú, trường nội trú, trường dành cho nam sinh hay nữ sinh, trường Công giáo…;

-  Thời gian khai giảng lớp học 10-11-12 tương tự như ở Việt Nam, tức là vào tháng 9 hàng năm. Học sinh phải nộp hồ sơ chậm nhất 3 tháng trước ngày khai giảng để đủ thời gian làm thủ tục xin học và xin visa du học;

-  Học phí và chi phí sinh hoạt tại Canada thấp hơn nhiều quốc gia khác;

-  Canada có chính sách khuyến khích di dân tay nghề, nên sinh viên giỏi Việt Nam có thể được ở lại học hỏi và làm việc sau khi tốt nghiệp.

4.  New Zealand


Chưa kể đến những thủ tục xin visa vô cùng thuận tiện, chương trình học đa dạng cùng những chính sách ưu đãi, khuyến khích định cư, khi du học tại New Zealand bạn còn được ở lại làm việc sau một năm tốt nghiệp. Ngoài ra, ở New Zealand nếu học sau chương trình đại học có thể bảo lãnh gia đình sang quốc gia này.


-  Phổ thông tại New Zealand theo hệ 13 năm, nhưng cũng không bất tiện cho học sinh nếu học sinh có kế hoạch học tập ổn định ;

-  Thông thường, học sinh Việt Nam nộp hồ xin học, nhập học khoảng tháng 6 hoặc tháng 7 hàng năm, học tiếng Anh 6 tháng và sau đó học vào lớp tiếp theo khai giảng vào đầu tháng 2 ;

-  Học phí tại các trường công lập: Trung bình khoảng 12.500 – 14.000NZ$/năm;

-  Chi phí ăn ở cho học sinh dưới 18 tuổi tại NZ khoảng 12.000NZ$/năm học.

5.  Đức


Nhiều năm trở lại đây, Đức đang dần chiếm được cảm tình của đông đảo du học sinh trên toàn thế giới nói chung và du học sinh Việt Nam nói riêng. Hệ thống các trường ĐH ở Đức chất lượng ngày càng cao và được thế giới công nhận. Bên cạnh đó, học phí tại Đức tương đối thấp và cơ hội việc làm cho sinh viên ngày càng được mở rộng là yếu tố thu hút hàng đầu của đất nước này.


Hiện nay có 4 bang trong tống số 16 bang của Đức thực hiện việc thu học phí từ học kỳ 1, nhưng chỉ ở mức vừa phải: 500 Euro một học kỳ, tương đương 27 triệu đồng một năm (ở Anh mức học phí hiện nay đã tăng lên 9.000 bảng một năm, tương đương 306 triệu đồng). Còn lại 12 bang không thu học phí. Sinh viên nước ngoài sang du học ở Đức chỉ phải trả chi phí sinh hoạt ở mức thấp nhất châu Âu (trung bình: 4800 đến 5400 Euro một năm), sinh viên có thể làm thêm 90 ngày trong một năm. Với mức lương bình quân là 7 Euro một giờ, sinh viên có thể kiếm thêm khoảng 5040 Euro một năm (= 90 ngày x 8h/ngày x 7 Euro/h), có nghĩa với mức thu nhập này sinh viên đã có thể tự trang trải chi phí sinh hoạt của mình. Tại Đức việc làm thêm tương đốidễ kiếm chính vì vậy nhiều bạn du học tại Đức hầu hết có thể tự nuôi sống bản thân mình mà không cần phải xin tiền thêm từ gia đình

6.  Singapore


Singapore nổi tiếng với môi trường trong sạch trình độ phát triển cao, có nền văn hóa gần gũi với phong cách người Việt mà lại rất gần nữa, chỉ tầm 2 giờ đồng hồ là bạn có thể đi vòng quanh quốc đảo này rồi.

Singapore sở hữu 3 ngôi trường công lập danh tiếng nằm trong top 100 trường tốt nhất thế giới. Nếu theo học được ở những trường công lập này, bạn hoàn toàn yên tâm về nghề nghiệp tương lai, thậm chí, ngay cả khi các bạn chưa ra trường, các tập đoàn quốc tế lớn đã tới và kí nhận các bạn vào làm việc ngay khi vừa tốt nghiệp.


Hệ thống các trường tư Singapore có chất lượng tương đương với các trường ở Anh, Úc, Mỹ. Các trường tư Singapore luôn lựa chọn các trường đối tác có thế mạnh về chuyên ngành đào tạo của mình. Sau khi tốt nghiệp, bằng cấp của bạn sẽ được trường đối tác cấp và có giá trị trên toàn thế giới. Bạn nghiễm nhiên có tấm bằng quốc tế mà không cần phải sang tận nước đó để theo học.

7.  Vương quốc Anh


Không còn xa lạ khi nước Anh nằm trong top những quốc gia được du học sinh Việt chọn lựa cho sự nghiệp học tập. Với nền giáo dục lâu đời và nổi tiếng bậc nhất thế giới, Vương quốc Anh khiến nhiều người không khỏi xuýt xoa mỗi khi nhắc tới.


Ngoài ra khi đi du học ở Anh, các bạn còn có cơ hội trải nghiệm nền văn hóa Châu Âu, chi phí học hợp với túi tiền. Đặc biệt, đối với những mem vào trình độ tiếng anh IELTS từ 5.5 vẫn có thể được nhập học dễ dàng.