Thứ Bảy, 10 tháng 1, 2015

Tâm sự của một học sinh “mất nhiều hơn được” khi thi học sinh giỏi

Bắt đầu từ bậc học tiểu học, lên tới tận năm cuối của bậc THPT,  ở nước ta luôn có kỳ thi học sinh giỏi đủ các cấp từ huyện (thị xã), tỉnh (thành phố) và quốc gia. Được đi thi học sinh giỏi là vinh dự với rất nhiều học sinh. Đặc biệt với những học sinh giỏi đạt giải cao từ tỉnh, thành phố, hay quốc gia, danh hiệu học sinh giỏi sẽ trở thành một niềm tự hào, một kỷ niệm đẹp cho mỗi học sinh từ thời cắp sách đến trường. Đó cũng là một kỷ niệm không thể nào quên trong đời học sinh của tôi. Thế nhưng giờ đây, sau nhiều năm nhìn lại, tôi thấy việc thi học sinh giỏi quả thật là “mất nhiều hơn được”…


Lớp 3, lần đầu tiên trong đời tôi được nhà trường cử đi thi học sinh giỏi huyện và cứ thế, do lực học khá nên tới năm lớp 9, năm nào tôi cũng được đi thi và giành giải. Tôi không nhớ rõ cảm giác khi ấy nhưng chắc là cũng vui mừng và tự hào lắm.  Thế nhưng thực tế cuộc thi ấy chẳng nhằm một mục đích có ích nào mà chỉ kích thích những đầu óc non nớt lao vào một sự ảo tưởng, sa đà vào danh vị hão huyền. Có thể những người nghĩ ra cuộc thi này rất có thiện chí nhưng tôi thấy nó lại “phản nhân văn”. Bởi ngày ấy, trong lớp học của tôi những bạn được đi thi học sinh giỏi được các thầy cô ưu ái hơn các bạn khác trong lớp. Trong khi lẽ ra ở độ tuổi ấy chúng tôi phải được yêu mến và trân trọng như nhau chứ không thể bị phân biệt đối xử khi em này thi đỗ điểm cao, em kia không thi đỗ và có em lại còn không được đi thi học sinh giỏi. 

Đến năm lớp 9, tôi giành nhất trong ỳ thi học sinh giỏi cấp tỉnh môn Văn. Tất nhiên cảm giác mình được đạt giải, được gia đình, thầy cô và bạn bè chúc mừng làm tôi mãi không quên. Cho đến tận khi vào đại học hay ra trường đi làm, tôi vẫn rất vui và tự hào khi nhớ lại những ngày tháng ôn thi, những giây phút căng thẳng trong phòng thi hay những giây phút vỡ òa vì hạnh phúc khi nghe được kết quả thi. Tuy nhiên, không phải ai tham gia kỳ thi học sinh giỏi cũng giành được những danh hiệu. Với nhiều người bạn cùng thi với tôi, kỳ thi học sinh giỏi ấy đã lấy của các bạn rất nhiều thời gian để học tập, vui chơi và đổi lại là nỗi buồn bã, căng thẳng, xấu hổ khi không giành giải gì. Trong suốt mấy tháng trời họ đã dồn toàn tâm toàn ý để ôn tập môn văn mà bỏ bê, xao nhãng những môn học khác trên lớp. Vì thế đương nhiên họ suy sụp khi chẳng giành được giải vì thầy cô đã kỳ vọng vào họ rất nhiều.

Nhưng cái việc “mất” của tôi là bởi như đã nói ở trên, tôi trở nên ảo tưởng bản thân. Vì đoạt giải cao ở năm học lớp 9, tôi được vào thẳng lớp 10 ở trường chuyên của huyện. Ngay từ khi vào đầu năm học, tôi đã được thầy cô chú ý đặc biệt, vì thế dần sinh ra tính tự cao, chủ quan trong học tập. Lớp 12, trong kỳ thi tốt nghiệp THPT tôi suýt trượt vì không học đều các môn. Đến khi thi vào đại học, tôi cũng bị trượt nguyện vọng 1, may mắn số điểm đủ vớt vát ở nguyện vọng 2. 

Tất nhiên sự “mất” này phần nhiều do bản thân tôi không đủ bản lĩnh vượt qua những ảo tưởng, nhưng quả thật với 1 học sinh ở lứa tuổi tiểu học, nếu môi trường giáo dục đào tạo mình theo hướng đi của những con “gà chọi” thì đôi khi cũng gây những lệc lạc về nhận thức khi lớn lên. Dù vậy, tôi cũng cảm ơn sự thất bại trong kỳ thi đại học đã cho tôi những bài học đáng giá, trong suốt 4 năm học tôi đã cố gắng hết sức mình cho học tập, ngoại ngữ, giao tiếp… nên ra trường tìm được công việc như ý muốn. 

Rõ ràng vô tình kỳ thi học sinh giỏi đã tạo ra một sự tranh đua không lành mạnh giữa các em học sinh, trong khi lẽ ra tất cả các em đều phải được khuyến khích và động viên học tập tốt. Theo tôi, đối với trẻ em bậc tiểu học cứ học hành bình thường, phát triển bình thường là vĩ đại lắm rồi, đừng đòi hỏi các em phải xuất sắc, phải giỏi, phải đoạt giải này, giải kia... Với những học sinh ở bậc học cao hơn, trước khi tham gia vào các kỳ thi chọn học sinh giỏi, các em cần ước lượng được sức học của bản thân, cũng như xác định cho mình động cơ, động lực rõ ràng. Đừng để bản thân mình học lệch, rơi vào những ảo tưởng, dẫn đến “mất nhiều hơn được” khi va chạm với thực tế cuộc sống.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét