Thứ Ba, 20 tháng 1, 2015

Làm thế nào để học tốt môn văn?

Nhiều người cho rằng Văn là môn học khoai nhất vì học văn không chỉ cần trí tưởng tượng tốt, khả năng diễn đạt mượt mà mà còn phải có trí nhớ tốt, học thuộc nhanh. Tuy nhiên, quan niệm đó là một quan niệm sai lầm. Học văn cần sự logic và khoa học nhưng không khó như các bạn nghĩ. Để học tốt môn Ngữ Văn, mời các bạn tham khảo các bước dưới đây:

Suy nghĩ tích cực và tạo cho mình niềm hứng khởi


Tâm lý là một yếu tố vô cùng quan trọng để bạn làm mọi việc. Nếu bạn bỏ bê môn này chỉ vì suy nghĩ “Mình không có năng khiếu, không đủ khả năng” thì chẳng bao giờ bạn học tốt môn này nói riêng và tất cả các môn khác nói chung. Hãy nói với bản thân mình rằng “Người khác học được mình cũng học được”. Vì không giống các môn học Tự nhiên khác như Toán, Lý, Hóa khi đã mất gốc thì rất khó để học lại, với Văn học bạn chỉ cần một chút chăm chỉ là hoàn toàn có thể giải quyết được.

Viết và viết


Nếu bạn không chăm làm, chăm viết văn thì chắc là sẽ chẳng bao giờ bạn viết hay cả. Viết sẽ giúp bạn diễn đạt tốt hơn, có nhiều cách để bày tỏ quan điểm của mình hơn.  Viết thật nhiều, đó là điều quan trọng hàng đầu của những người học giỏi văn.



Có nhiều bút khác màu mực


Nếu bạn nghĩ rằng những cây bút khác màu mực không quan trọng thì đó là quan điểm sai lầm. Khi đọc và phân tích văn bản, hãy dùng những loại bút đó, vạch ra trên SGK những dấu hiệu nghệ thuật, từ ngữ hay, câu văn nổi bật.... Hãy thử giải thích xem tại sao tác giả lại dùng những từ ngữ, biện pháp nghệ thuật đó. Như vậy, bạn sẽ tiếp thu và ghi nhớ kiến thức hơn rất nhiều.

Đọc nhiều truyện ngắn, tiểu thuyết


Đọc nhiều truyện ngắn, tiểu thuyết không những giúp  chúng ta hiểu từ  ngữ tiếng Việt mà còn giúp rèn luyện khả năng sáng tạo và trí tượng tưởng trong môn Văn. Hiện nay, khi ra nhà sách không chỉ có các tác phẩm trong nước mà các tác phẩm kinh điển của nước ngoài cũng được bày bán càng hỗ trợ cho các bạn có thêm kinh nghiệm trong lối viết văn của mình.



Khảo sát thực tế


Nguồn cảm hứng văn học lúc nào cũng bắt nguồn từ thực tế cuộc sống. Bạn hãy quan sát những cử chỉ, hành động và sự việc xung quanh, bạn sẽ có những ý tưởng cho riêng mình. Đặc biệt với văn nghị luận, đặc biệt là nghị luận xã hội, bạn cần trau dồi vốn kiến thức sâu rộng bên ngoài rất nhiều.
Nắm chắc nội dung tác phẩm

Không cần phải quá cầu kì, hoa mĩ, phân tích những thứ xa xôi, trừu tượng. Điều quan trọng để học tốt môn Văn đó chính là bạn hãy cố gắng hiểu rõ nội dung chính trong đó rồi sau đó sẽ triển khai ra các ý mới. Đó mới là cách bạn lấy điểm từ môn văn chứ không phải lời văn chau chuốt, mượt mà như nhiều người vẫn nghĩ.

Không phụ thuộc vào sách tham khảo


Sách tham khảo là con dao hai lưỡi. Nó giúp bạn có những ý tưởng sáng tạo. Tuy nhiên rất dễ khiến bạn bị phụ thuộc vào nó, từ đó sẽ kìm hãm trí tưởng tượng, tư duy sáng tạo của bạn. Chính vì thế hãy viết bằng cảm xúc, tâm hồn thật của mình thay vì đi “vay mượn” những câu chữ rập khuôn đó. Một cách khác để bạn có thể tham khảo hiệu quả là: hãy viết một bài văn theo suy nghĩ, cảm nhận của mình rồi sau đó sẽ đọc lại bài tham khảo đó. Cách này sẽ giúp ta bổ sung thêm được nhiều ý mới bên cạnh những ý mình đã triển khai trước đó. 



Soạn bài trước ở nhà


Việc soạn bài ở nhà cũng rất quan trọng vì khi đó các bạn đã đọc bài và tham khảo trước. Khi vào lớp, mọi câu hỏi được đặt ra, bạn đều có thể dễ dàng trả lời và dễ dàng trở thành “ngôi sao” của tiết học Văn hôm đó. Hơn nữa, khi soạn bài ở nhà trước, đến lớp bạn sẽ không còn bỡ ngỡ với những kiến thức thầy cô giáo giảng vì phần nào bạn đã được tiếp xúc trước rồi. Từ  đó bạn sẽ tiếp thu kiến thức dễ dàng hơn.

Tập trung lắng nghe


Tập trung chú ý nghe thầy cô giảng bài cũng là một cách hữu ích giúp  chúng mình học giỏi môn Văn hơn đấy! Chăm chú nghe giảng sẽ học được nhiều điều hay từ thầy cô mà cũng có khi thấy học trò chăm chú lại càng giúp thầy cô thêm hứng thú để truyền đạt các kiến thức cho học sinh. Bên cạnh đó, trong giờ học bạn cũng nên ghi chép cẩn thận, kĩ lưỡng để lúc nào cần thì có thể giở ra xem lại => Học kĩ vở ghi.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét