Thứ Sáu, 16 tháng 1, 2015

Thầy tát trò bôm bốp, trò đánh trả thầy như giang hồ

Thầy giáo tát học sinh bôm bốp, học sinh đánh trả ngay trên bục giảng tại một trường THPT ở thị trấn Phú Phong, huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định. Vụ việc được quay clip và tung lên mạng 18.2.2014 làm cho cả xã hội phải sửng sốt trước tình trạng bạo lực học đường đang gia tăng và mối quan hệ thầy – trò dường như không còn theo những chuẩn mực đạo đức truyền thống nữa.

Thầy tát trò, cả xã hội "tát" ngành giáo dục



Những cái tát mạnh và liên tục từ cánh tay người thầy giáng xuống mặt em học sinh quả thực có sức ám ảnh ghê gớm với bất kỳ ai. Nếu không được chứng kiến có lẽ chẳng ai dám tưởng tượng trong môi trường sư phạm, nơi "trồng người" của cả xã hội lại có thể xảy ra một vụ "hỗn chiến" như giang hồ đến vậy. 

Và ai cũng thấy rõ, nguyên nhân trước tiên là do hành động phi sư phạm của người thầy! Cách hành xử của thầy giáo quả là không thể chấp nhận được. Thầy dạy các em mà như huấn luyện các con thú. Với việc “trồng người” thì những hành vi chửi bới, xúc phạm, đánh đập chẳng bao giờ có thể được chấp nhận trong các kỹ năng sư phạm. 

Có thể nhiều người cho rằng trẻ em bây giờ được nuông chiều quá nên thường sinh hư, cứng đầu nên cần phải cứng rắn. Nhưng không phải vì thế mà bỏ qua vai trò của việc đi học nghiệp vụ để được trang bị những kỹ năng sư phạm, để ứng xử đúng như một người thầy trước những tình huống khó xử thường diễn ra trong môi trường giáo dục.

Những cái tát bôm bốp thầy giáo dành cho học sinh cảnh tỉnh những người thầy cần tỉnh táo và ứng xử đúng đắn trong công việc của mình. Và hành động phi sư phạm ấy cũng là cái tát của xã hội dành cho ngành giáo dục Việt Nam.

Xót xa khi trò đánh thầy như giang hồ




Em học sinh đó chỉ mới học lớp 11, đã đứng lên đánh thầy và đã trở thành một phiên bản thô kệch từ sự hung hăng của người lớn.

Em bốc đồng vô lễ và đáng trách nhưng thực ra thì cảm giác về em là sự xót xa nhiều hơn. Xót xa chứ, sao lại không xót xa cho được khi một học sinh, đáng lý ra phải kính trọng thầy giáo của mình, lại vung tay, vung chân trước chính người thầy đấy. Và có xót xa không khi chúng ta nhìn thấy đâu đấy trong bóng hình của cậu bé kia, sự kính trọng đấy đã tan vỡ. 

Các em ở cái tuối đang lớn, có sự thay đổi mạnh mẽ nên dễ bị xáo trộn và lay động. Các em dễ bị tổn thương vì tâm hồn nhạy cảm. Khi bị dồn ép quá đáng, nó sẽ trở thành sự chống đối. Đó chính là bản năng tự vệ của các em trước bất công xung quanh mình.

Các em sĩ diện và tự trọng, do đó cảm giác bị đánh như một đứa trẻ hư trước cả lớp, trong đó có cả các bạn nữ là một điều mà các em khó mà chấp nhận được. Chẳng ai có quyền làm cho cậu bé cảm thấy mình bị sỉ nhục, nhất là một người thầy giáo, người lẽ ra phải là thuyền trưởng vững vàng đưa cậu bé vượt qua những khiếm khuyết của mình. 

Chúng ta vẫn được dạy rằng: Khi đi học, điều đầu tiên là phải học đạo đức, học để trở thành người tốt rồi mới đến học kiến  thức. Tuy nhiên, liệu rằng những người học sinh đó có đủ can đảm và bản lĩnh để "tự học" cách làm người, hay sẽ trở thành một bản sao của người thầy giáo? 

Xử phạt hành vi đánh người trong nhà trường


Để ngăn chặn tình trạng bạo lực học đường như trên, Bộ GD – ĐT đã đưa ra Dự thảo Nghị định Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục, trong đó một điểm đáng chú ý đó là tại điều 20, mục 7: “Phạt tiền từ 3 triệu đồng đến 5 triệu đồng đối với hành vi ngược đãi, hành hạ, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người học. Phạt tiền từ 5 triệu đồng đến 20 triệu đồng đối với hành vi xâm phạm nhân phẩm, thân thể, danh dự của nhà giáo, nhân viên cơ sở giáo dục”.

Đây là một quy định cần thiết. Nếu làm được điều đó sẽ bảo vệ người học và người dạy khỏi những hành vi sai trái thầy đánh trò, trò đánh thầy đã bị xã hội lên án. Bên cạnh đó, quy định này còn có tác dụng giúp giáo viên có ý thức trau dồi thêm chuyên môn, nghiệp vụ sư phạm để vẫn có thể giáo dục học sinh mà không cần đòn roi, mắng chửi. Còn đối với học trò sẽ khiến các em phải tự kiềm chế, và có trách nhiệm với hành vi của mình.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét