Nhà nghèo, mẹ làm lao công song Trần Thị Diệu Liên luôn nỗ lực học tập để giành được học bổng toàn phần của đại học danh giá.
Buổi tối thứ bảy 16/7, căn nhà xập xệ rộng chưa tới 20 m2 trên đường Mai Thị Lựu (quận 1, TP HCM) của Trần Thị Diệu Liên - nữ sinh vừa đoạt học bổng trị giá hơn 300.000 USD (gần 7 tỷ đồng) của Đại học Harvard rộn rã tiếng cười. Gần một tháng nữa, Diệu Liên sẽ lên đường sang Mỹ làm thủ tục nhập học nên cả nhà tranh thủ thời gian quây quần bên nhau để chuyện trò.
Bố của Liên - ông Trần Văn Dư (52 tuổi) - cho biết, con gái vốn trầm tính, khiêm tốn và nỗ lực trong học tập. "Ngay khi cả nhà nhận được tin Liên đoạt học bổng Harvard, ai cũng mừng vui nhưng cháu dặn đừng cho ai biết", ông Dư nói.
Hơn 20 năm trước, ông Dư từ Thái Bình vào Sài Gòn lập nghiệp với hai bàn tay trắng. Ông kết hôn với bà Nguyễn Thị Lộc (42 tuổi, quê Thanh Hóa) và hai năm sau đón con gái đầu lòng Trần Thị Diệu Liên. Năm Liên lên 3 tuổi, bà ngoại thương con cháu khó khăn, chưa có nhà nên cho vợ chồng ông Dư ở nhờ.
Căn nhà gia đình ông đang ở trước kia là chuồng nuôi heo, sau đó chuyển sang làm kho chứa củi. Ông Dư mua tôn lợp lên thành mái nhà, rồi mua gạch lát lại nền xi măng để làm nơi ở cho gia đình bốn người hơn chục năm nay. Hiện, ông làm nghề thiết kế biển quảng cáo, công việc không ổn định, thu nhập bấp bênh.
Ánh mắt đượm buồn xen lẫn niềm tự hào, ông Dư kể, từ hồi học mẫu giáo đến tận lớp 12, năm nào con gái đầu lòng cũng đạt danh hiệu học sinh giỏi. Mỗi năm học, cô bé mang nhiều tấm giấy khen và dán khắp nhà. Đến khi bức tường bé xíu của căn nhà không đủ chỗ dán nữa, ông Dư xếp những tấm giấy khen thành xấp đóng lên giá sách.
Trong câu chuyện về con gái đã trưởng thành, ông Dư vẫn nuối tiếc khi Liên còn bé, ông đã không đủ tiền mua cho con chiếc máy tính. "Ngày xưa, khi chưa có máy cắt decal, máy in, tôi phải làm toàn bộ công việc thiết kế biển quảng cáo bằng tay. Liên từ nhỏ đã bộc lộ khiếu công nghệ thông tin, thích mày mò, tìm hiểu máy tính. Khi học lớp 5, cháu tham gia một buổi giao lưu với thần đồng nước Mỹ sang Việt Nam và được tặng một máy tính, hai cha con dùng chung. Nếu tôi có tiền mua sớm máy tính cho cháu thì tốt biết mấy", ông kể.
Năm cuối cấp hai, Liên thi đậu vào hai trường chuyên lớn nhất ở Sài Gòn: Phổ thông Năng khiếu Đại học Quốc gia TP HCM (chuyên Sinh) và THPT chuyên Lê Hồng Phong (chuyên Anh). Sau nhiều ngày đắn do, cô chọn trường Lê Hồng Phong vì muốn rèn luyện tiếng Anh thật giỏi và người cha gật đầu ủng hộ.
Vì vợ bận bịu công việc từ sáng đến tối nên mọi chuyện học hành của con cái, ông Dư đều theo sát, từ những đợt "săn" học bổng đến các cuộc thi, từ những thành công với những tấm giấy khen, phần thưởng đến những giọt nước mắt khi thua cuộc. "Lúc nào tôi cũng vui, chẳng màng đến thành tích, phần thưởng vì thấy con mình trưởng thành, nỗ lực. Cả đời vợ chồng tôi đã sống trong nghèo khổ nên ước nguyện là mong con học giỏi để thoát nghèo", ông Dư thổ lộ.
Khác với nét điềm tĩnh của người cha, bà Lộc - mẹ của Liên - nước mắt lưng tròng khi kể về về con gái. Gần 20 năm nay, bà làm lao công cho một trường đại học tại TP HCM. Công việc vất vả, đi sớm về muộn, bà không có nhiều thời gian cho con cái. "Khi tôi về đến nhà thì lại luôn tay nấu cơm nước cho cả nhà. Liên và em gái thì đi học đến 8-9h tối mới về, lại cặm cụi học bài rồi cả nhà đi ngủ. Chỉ đến cuối tuần mẹ con mới có thời gian gần gũi", bà Lộc kể.
Người mẹ cũng thú thật chẳng biết Đại học Harvard mà con gái đoạt học bổng ở đâu, như thế nào. Chỉ khi nghe nhiều người nói đó là trường hàng đầu thế giới, dành cho những sinh viên ưu tú thì bà òa khóc vì tự hào.
Chỉ tay về bức tường treo đầy bằng khen, huy chương của con gái, bà nói: "Mỗi lần mệt mỏi vì công việc hay tủi thân vì hoàn cảnh nghèo khó, nhìn lên bức tường này là tôi quên hết tất cả". Nói đến đây, bà Lộc lại chực khóc.
Đưa tay lau những giọt nước mắt lăn dài trên má, người mẹ kể về những ngày thơ ấu nghèo khó của Liên. Nhà nghèo, chuyện ăn, học, quần áo của Liên lúc nào cũng thua thiệt chúng bạn ở Sài Gòn nhưng không lúc nào cô bé ca thán hay tự ti mà luôn năng nổ, học chăm.
"Gặp phụ huynh khác hay hàng xóm, ai cũng khen con mình khiến tôi cảm thấy thơm lây. Mình làm lao công mà có con học giỏi nên ai cũng thương", bà Lộc sụt sùi.
Người mẹ tâm sự, điều bà lo lắng nhất cho Liên lúc này là chuyện ăn ở, học hành của con gái ở xứ người. "Không biết thức ăn bên đó có hợp khẩu vị của cháu không. Thời tiết bên đó thì lạnh lắm, lỡ không may đau ốm không có ai bên cạnh thì sao. Rồi môi trường mới, bạn bè mới, không biết nó có hòa nhập được với người ta". Nói rồi, bà thủ thỉ: "Còn một tháng nữa, tôi tranh thủ nấu cho cháu món bún mắm chứ qua đó thèm cũng không có".
Thấu hiểu niềm tự hào của cha mẹ trước thành công của bản thân, song, Diệu Liên luôn từ tốn và kiệm lời khi nhắc về những thành tích của chính mình. Liên kể, hồi học cấp ba, em xin phép bố mẹ đi dạy tiếng Anh ở các mái ấm tình thương cho trẻ khuyết tật sau giờ trên lớp. Việc làm từ thiện này xuất phát từ lời căn dặn của bố mẹ là phải biết chia sẻ, thương yêu những người có hoàn cảnh kém may mắn hơn mình.
Hết lớp 12, Liên đậu vào ngành khoa học của một trường đại học tại TP HCM theo diện học bổng toàn phần. Lúc này, Liên tranh thủ đi dạy thêm tại các trung tâm ngoại ngữ, vừa kiếm thêm thu nhập phụ giúp bố mẹ, vừa trau dồi kỹ năng.
Em quyết định bảo lưu một học kỳ tại đại học này để theo đuổi học bổng du học - một "cuộc chơi" mà em từng thất bại trước đó. Đến tháng 4 vừa qua, Liên đã thành công khi Đại học Harvard gọi tên với học bổng toàn phần suốt bốn năm học trị giá gần 7 tỷ đồng.
Từng là học sinh chuyên Anh, giỏi ngoại ngữ nhưng đam mê lớn nhất của nữ sinh này lại là khoa học kỹ thuật. Từ nhỏ, Liên đã thích đọc sách về khoa học, những câu chuyện về các nhà khoa học vĩ đại của thế giới như Nobel, Edison, Newton... Liên sử dụng thành thạo các phần mềm đồ họa để giúp bố trong công việc thiết kế đồ họa.
Liên thổ lộ, con đường du học mà em quyết theo đuổi không phải là duy nhất để đến thành công. "Em đeo đuổi học bổng du học vì muốn khám phá thêm thế giới, học hỏi được nhiều điều mới lạ", Liên nói.
Trước ngày sang Mỹ, hành trang lớn nhất nữ sinh này mang theo là nghị lực và tính tự lập được rèn luyện suốt mười mấy năm qua. "Điều làm em lo lắng nhất trước khi sang Mỹ du học là khả năng tiếng Anh của mình có đáp ứng nổi chương trình hay không vì những người bạn bên đó rất xuất sắc. Nhưng, em tự tin mình sẽ thành công", Diệu Liên nở nụ cười.
Xem thêm :
Nguồn : vnexpress.net
0 nhận xét:
Đăng nhận xét