Trống báo hết giờ thi môn Sinh, báo hiệu kết thúc một ngày thi mệt mỏi của
các sĩ tử dự thi Đại học đợt 2. Từ cổng trường thi, Nam bước ra, nổi bật hơn hẳn
với các thí sinh khác.
Nam cao to, trắng
trẻo, ăn mặc sành điệu. Vừa thấy Nam, một người phụ nữ đầy vẻ giàu sang bước từ
chiếc Camry 2.5, tay cầm chiếc ô chạy ra
che cho “cậu ấm” khỏi bị nắng. Đứng giữa cổng trường, Nam được mọi người
chú ý hơn vì những cử chỉ nũng nịu, đòi mẹ tối phải đưa đi chơi Hà Nội thì mai
mới chịu... thi tiếp.
Nam quê ở Hải
Dương. Bố mẹ đều là lãnh đạo thuộc hàng “có số má” ở tỉnh. Trong khi đó, kết quả
của 12 năm học phổ thông của cậu con trai là đạt danh hiệu học sinh giỏi môn...
điện tử. Dĩ nhiên, kiến thức văn hóa của cậu thuộc hàng “một chữ bẻ đôi”.
Bố mẹ đều làm
“quan”, con lại đến tuổi thi Đại học nên đi đâu, gặp khách trong tỉnh hay ngoài
Trung ương, ai ai cũng hỏi “Cháu thi trường gì?”. Biết trình độ con, thi kiểu
gì cũng không đỗ trường nào, thậm chí còn không qua nổi điểm sàn nên ông bà đều
bảo nhau, trong những trường hợp như thế thống nhất trả lời “Cháu thi Đại học học
Y” cho oách. Vì dù sao, nghe vậy cũng oai hơn mà sau này, nếu có trượt thì cũng
là trượt Đại học Y nên cũng bớt phần hổ thẹn. Thế là cậu con trai suốt ngày
chúi đầu vào máy tính cũng nộp hồ sơ vào Đại học Y thật.
Để nâng cao số
điểm tối đa mà cậu có thể đạt được, trong suốt quá trình lớp 12, bố mẹ cậu đều
thuê gia sư về đến tận nhà kèm 3 môn Toán, Hóa, Sinh cho cậu. Tuy nhiên, tình
hình chẳng được cải thiện vì tính ương bướng, lười học, nhưng hay nũng nịu của
cậu. Hễ nhăn nhó kêu mệt, căng thẳng một chút là mẹ cậu lại xót xa, thương con
rồi không ép con học nữa. Cứ thế, “được đằng chân lân đằng đầu”, gia đình cậu
không biết tốn bao nhiêu tiền của đầu tư vào việc học cho cậu nhưng những gì nhận
về mãi là con số 0.
Trong phòng thi,
vì kiến thức quá hạn hẹp nên cậu như gà mắc tóc, hết gặm bút, lăn bút chì (mỗi
cạnh bút đều ghi đáp án A,B,C,D) để chọn đáp án cậu lại nằm gục trên bàn ngủ,
chờ đến hết giờ thì ra. Chả thế mà mỗi lần thi xong, hai má của cậu đều hằn đỏ
những vết do tì lên bàn, lên tay. Nhưng để được tiếng trượt Đại học Y nên Nam vẫn
cố đi thi để làm đẹp lòng
bố mẹ.
-
Mẹ! Đằng nào cũng trượt rồi,
thi làm gì hả mẹ? Hơn nữa, đằng nào
con cũng sang Anh để đi du học cơ mà.
Giữa trời nắng chang chang, mọi ánh mắt của các vị phụ huynh bắt đầu đổ dồn
về phía 2 mẹ con giàu sang và họ càng ngạc nhiên hơn khi nghe câu trả lời của
người mẹ:
-
Sang Anh du học
rồi nhưng vẫn phải thi Đại học ở Việt Nam vì không thi Đại học lại đi du học,
người ta lại dèm pha là không dám thi ở trong nước, phải sang Tây xin học. Như
thế cũng mang tiếng con ạ.
Trả lời xong câu hỏi, bất chợt người mẹ như nhận ra điều gì rồi vội vã giục
con lên chiếc Camry 2.5 đang đợi phía xa.
Tình trạng học cho xong, thi cho oách diễn ra khá phổ biến trong xã hội hiện
nay, thậm chí dần trở thành trào lưu vì hầu hết các sĩ tử, thậm chí các gia
đình sĩ tử cho rằng: “Cũng là chết, thà chết dưới tay kẻ mạnh còn hơn chết dưới
tay kẻ yếu. Cùng là trượt, thà trượt từ một trường cao còn hơn là trượt tại một
trường thấp”, vì như thế, ít nhất còn có được một cái “danh nổi”. Những suy
nghĩ như vậy của khá nhiều người liệu có đúng, có nên “noi theo” và thực hiện?
Đối với các sĩ tử không đủ khả năng đi thi, quả thực đây là vấn đề cần suy ngẫm.
Xem thêm: Amply karaoke cao cấp
0 nhận xét:
Đăng nhận xét