Thứ Năm, 24 tháng 3, 2016

Xét tuyển đại học kiểu nước ngoài, xấu hay tốt?

Xét tuyển đại học kiểu nước ngoài, xấu hay tốt?Du học sinh Ngô Di Lân cho rằng mô hình tuyển thẳng học sinh giỏi từ trường chuyên kèm theo bài viết lý giải việc chọn ngành và thư giới thiệu từ giáo viên của Đại học Quốc gia TP HCM có thể nảy sinh nhiều vấn đề nếu không tính toán kỹ.
Có thể nói rằng trường Đại học Quốc gia TP HCM đóng vai trò tiên phong trong công cuộc cải cách tuyển sinh đại học khi năm nay trường quyết định dành 10% chỉ tiêu mỗi ngành để xét tuyển thí sinh theo mô hình tuyển thẳng "kiểu Tây". Từ góc độ của một du học sinh từng trải nghiệm mô hình tuyển sinh này, tôi cho rằng đây là một tín hiệu tích cực, song cũng sẽ có nhiều vấn đề chúng ta cần lưu ý để tránh việc mô hình tuyển sinh này phản tác dụng.

Để ứng tuyển vào các trường đại học ở những nước phát triển như Anh, Pháp, Mỹ hay Australia, các ứng viên thường sẽ phải nộp bộ hồ sơ ứng tuyển bao gồm bảng điểm, thư giới thiệu của giáo viên (recommendation letter hay còn gọi là reference letter), thư giới thiệu bản thân (personal statement) cùng với điểm thi chứng chỉ tiếng Anh (TOEFL/IELTS) và chứng chỉ đầu vào như SAT (đối với nhiều trường đại học ở Mỹ). Những trường đại học có yêu cầu gắt gao thậm chí sẽ yêu cầu học sinh nộp một đến hai bài tiểu luận nữa.

Về cơ bản, đây chính là mô hình tuyển sinh mà Đại học Quốc gia TP HCM đang thử nghiệm với một số đối tượng ứng tuyển. Tuy nhiên, tôi cho rằng, mô hình này nếu áp dụng ở Việt Nam, theo cách của trường đề xuất mà không tính kỹ tới các thực tiễn giáo dục trong nước thì sẽ nảy sinh khá nhiều vấn đề. Thứ nhất, tuy viết thư giới thiệu bản thân là một điều hết sức tiến bộ và đáng hoan nghênh nhưng khi đề bài chỉ đơn thuần yêu cầu thí sinh lý giải việc chọn ngành của mình thì tôi e rằng nó sẽ không mấy hiệu quả.

Theo tôi nên có một đề bài mở nhưng đủ cụ thể để giúp học sinh hình dung ra câu trả lời của mình mà không cảm thấy bị gò bó. Hơn nữa, khi mà nhiều sinh viên đại học năm 2, năm 3 còn chưa rõ ngành học hiện nay của mình có phải là "tình yêu đích thực" hay không thì việc yêu cầu các em mới tốt nghiệp THPT phải giải thích ngay tại sao muốn theo học và phù hợp với ngành nghề này là chuyện không khả thi. Nếu các em chưa được tiếp xúc với quan hệ quốc tế, tài chính, quản trị kinh doanh một ngày nào thì làm sao có thể giải thích được một cách thuyết phục rằng mình muốn học ngành này?

Chúng ta nên quan niệm rằng đại học vẫn là thời điểm để sinh viên khám phá bản thân và đam mê của chính mình. Vì vậy thay vì yêu cầu sinh viên phải lý giải việc chọn ngành học trong thư giới thiệu, chúng ta nên đặt ra các câu hỏi mở, nặng về tư duy và trải nghiệm cá nhân để các em có cơ hội bộc lộ tố chất và sự trưởng thành cũng như sáng tạo trong suy nghĩ của mình. Dù sao thì đó mới là những nền tảng cơ bản mà chúng ta tìm kiếm trong mỗi sinh viên.

Hơn nữa, đặt ra việc viết thư giới thiệu có nghĩa là chúng ta buộc chấp nhận rủi ro sẽ có quay cóp và sẽ có việc nhờ người viết hộ. Kể cả các trường đại học hàng đầu thế giới cũng không thể tránh được chuyện này. Tuy nhiên, đề càng xoáy sâu vào trải nghiệm cá nhân của học sinh thì việc quay cóp và viết hộ một cách trắng trợn càng khó. Vì sao? Vì người đọc sẽ dễ dàng nhận biết đâu là một học sinh đang viết theo khuôn mẫu, đâu là một học sinh đang nói lên những tâm tư của chính mình bởi một bài viết rập khuôn sẽ không bao giờ bộc lộ được cảm xúc thực thụ. Tựu chung thì viết thư giới thiệu bản thân là ý tưởng hay nhưng đề bài thế nào là một vấn đề cần được suy xét kỹ.

Thứ hai, việc yêu cầu phải có thư giới thiệu của giáo viên cũng sẽ dễ dẫn đến tiêu cực. Ít nhiều sẽ có chuyện học sinh phải "tặng" thầy cô "phong bì" để nhận được thư giới thiệu hay. Vì sao ở nước ngoài chuyện này khó xảy ra? Đương nhiên một phần vì họ không có văn hoá gửi phong bì thầy cô như ở Việt Nam. Nhưng quan trọng hơn vì các giáo viên rất quan tâm đến chữ tín của họ. Nhất là các giáo sư chuyên ngành vì họ ở trong cùng một mạng lưới xã hội, họ biết nhau rất kỹ nên không ai muốn giới thiệu một học sinh kém kể cả học sinh kia sẵn sàng trả tiền, vì như vậy giáo sư sẽ rất mất uy tín trong mắt đồng nghiệp và các trường đại học khác.

Ở Việt Nam thì sẽ không có chuyện này vì chẳng ai biết ai với ai cả nên cứ tâng bốc học sinh của mình "lên mây" cũng chẳng sợ ai chê trách gì. Về vấn đề này thì chúng ta chỉ có thể hy vọng rằng lương tâm của một nhà giáo sẽ ngăn họ không làm những điều tiêu cực. Nhưng kể cả những người viết thư giới thiệu cho học sinh mình có hoàn toàn ngay thẳng đi nữa thì vẫn sẽ có xu hướng khen ngợi học sinh.
Xét tuyển đại học kiểu nước ngoài, xấu hay tốt?
Thí sinh dự kỳ thi THPT quốc gia 2015. Ảnh: Nguyễn Hải.
Chê học sinh mình không phải là tự chê mình gián tiếp hay sao? Nhưng nếu ai cũng nói rằng học sinh mình rất chăm chỉ và xuất sắc thì thư giới thiệu của giáo viên còn nghĩa lý gì? Vì vậy theo tôi để khắc chế vấn đề này, đơn vị xét tuyển nên bỏ ngoài tai những lời khen chung chung của giáo viên, và chỉ coi trọng những nhận xét rất nổi bật và cụ thể, thể hiện rằng giáo viện thật sự đánh giá cao năng lực của học sinh mình.


Cuối cùng, việc xét điểm trung bình 3 môn Toán, Văn, Ngoại ngữ trong trường hợp số học sinh đăng ký ưu tiên xét tuyển nhiều hơn chỉ tiêu cho phép sẽ không công bằng đối với nhiều học sinh. Lý do đơn giản bởi không phải trường nào cũng chấm điểm như trường nào. Có những trường chấm điểm rất chặt, có những trường chấm điểm rất lỏng. Vậy với chính sách xét điểm này thì vô hình trung, chúng ta sẽ ưu tiên học sinh từ các trường chấm điểm lỏng lẻo hơn. Như vậy thì vừa hại, vừa bất công vì biết đâu những học sinh được có 7 hay 8 từ những trường chấm chặt còn giỏi hơn các bạn được 9 từ những trường chấm lỏng thì sao? Đây là vấn đề hóc búa mà chúng ta cần phải lưu ý để tìm cách khắc chế.

Là du học sinh và là một người trẻ, đương nhiên tôi cố gắng nhìn nhận những thay đổi trong cách tuyển sinh đại học một theo chiều hướng tích cực nhất. Tuy nhiên cải cách, thay đổi phải đồng bộ và có chiến lược rõ ràng để giảm thiểu rủi ro. Cuối cùng, mặc dù học hỏi từ những nước phát triển là tốt nhưng chúng ta cũng cần áp dụng mô hình của họ một cách có chọn lọc và phù hợp với thực tiễn tại đất nước mình.
Ngô Di Lân

0 nhận xét:

Đăng nhận xét