Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa ban hành thông tư sửa đổi, bổ sung quy chế thi THPT quốc gia và tuyển sinh đại học, cao đẳng chính quy, áp dụng từ năm 2016. Về cơ bản, những thay đổi trong quy chế đã giải quyết được những tồn tại, bất cập trong mùa thi năm trước; giảm áp lực cho thí sinh và người nhà. Tuy nhiên, còn một số khía cạnh, nếu làm chặt chẽ hơn thì tôi tin rằng kỳ thi THPT quốc gia và xét tuyển vào đại học, cao đẳng sẽ thành công hơn.
Cụ thể, năm ngoái việc Bộ cho phép thí sinh nộp hồ sơ dự tuyển vào các trường đại học trong đợt 1 (20 ngày) rồi có thể rút ra nộp trường khác khi thấy không an toàn đã tăng cơ hội đỗ cho thí sinh; đồng thời đảm bảo rằng những em điểm cao hơn sẽ đỗ vào trường đại học nếu có nguyện vọng. Nhưng từ quy định này đã có những xáo trộn vào những ngày cuối cùng nộp hồ sơ.
Năm nay, để tránh vấn đề mang tính kỹ thuật này, Bộ cho phép trong đợt 1 thí sinh chỉ được nộp hồ sơ vào 2 trường và mỗi trường chỉ 2 ngành học là đã giới hạn cơ hội của thí sinh. Các trường đại học được phân tầng và xếp hạng, thế nên có trường tốp trên, tốp giữa và tốp cuối, ngoài ra lại có trường cao đẳng nữa.
Thí sinh thi THPT quốc gia 2015. Ảnh: Giang Huy
Thế nên tôi cho rằng, mỗi thí sinh ít nhất phải được nộp vào 4 trường đại học, cao đẳng ngay đợt đầu. Còn mỗi trường được đăng ký vào bao nhiêu ngành học nên để các trường đại học tự quyết. Bộ không nên quyết định thay cho các trường, như thế không phù hợp với đặc thù của mỗi trường.
Thứ hai, thông tin tuyển sinh như ngành học, chỉ tiêu, tổ hợp môn xét tuyển, học bổng, hệ đào tạo, học phí... của các trường nên được trình bày dưới một form thống nhất và tập hợp vào một website chung do Bộ quản lý, ngoài website của các trường đại học để thí sinh có cái nhìn tổng quát hơn.
Quy trình tuyển sinh cần mạch lạc theo từng bước để thí sinh có thể tự làm theo mà không mất công tuyên truyền phổ biến nhiều. Hơn nữa, từ việc đăng ký xét tuyển đến khi nhận kết quả xét tuyển từ các trường chỉ nên duy trì hình thức thực hiện online mà không cần qua con đường chuyển phát nhanh vừa tiện cho các trường đại học, vừa tiện cho thí sinh. Điều này không đáng lo ngại vì ở vùng xa, các trường phổ thông đều có máy tính nối mạng để phục vụ các em.
Cuối cùng, thông tư mới quy định mỗi tỉnh, thành phố đều có hội đồng thi đại học nên để công bằng, nghiêm túc và đồng nhất, theo tôi không nên duy trì cụm thi tốt nghiệp do Sở Giáo dục chủ trì nữa. Việc duy trì đồng thời hai loại cụm thi vừa tốn kém, vừa tạo ra tâm lý không tin tưởng vào kết quả của cụm thi do Sở chủ trì.
Thầy Đào Tuấn Đạt
Hiệu trưởng THPT Anhxtanh
0 nhận xét:
Đăng nhận xét