Thằng cu con được 25 tháng, bà ngoại thì quá xa, bà nội nằng nặc đòi về vì ông bảo: “Con chúng mày đẻ ra, chúng mày tự đi mà nuôi lấy”, không thể nghỉ việc ở nhà trông con, chị Hà bước chân vào hành trình tìm trường mầm non cho con. Mà sao cái hành trình này, chị thấy nó gian nan quá.
Mầm non công: Xếp hàng từ 4 giờ sáng vẫn không còn chỗ
Báo cáo của Sở GD&ĐT Hà Nội cho thấy, hiện nay thành phố có 948 trường mầm non với 431.000 cháu. Trong đó, công lập có 692 cơ sở, 33.900 cháu (chiếm tỷ lệ 80%). Số cơ sở mầm non ngoài công lập là 235 với hơn 84.000 cháu (chiếm 20%).
Nhiều năm nay, tránh tình trạng phụ huynh phải xếp hàng từ đêm để mua đơn cho con vào học mầm non, Hà Nội đã thực hiện bốc thăm với những trẻ đúng tuyến. Trẻ 5 tuổi được ưu tiên nhận hết nhằm thực hiện phổ cập cho các cháu chuẩn bị vào lớp 1, con chị Hà mới 2 tuổi nhưng chị vẫn cố “xếp hàng” cho con vào mầm non công.
Đã đọc nhiều thông tin về tỉ lệ chọi ở các trường mầm non cao hơn đại học, nên 4 giờ sáng chị Hà đã gọi chồng dậy mang hồ sơ đến xếp hàng vào trường mầm non của phường. Lúc ấy còn chưa xong trận bóng, chồng chị vừa ngáp ngủ vừa càu nhàu. Đến nơi, trường đã mở cửa và bảo vệ mở cổng và mời phụ huynh lên khu vực phòng tuyển sinh ngồi chờ. Phụ huynh được mời uống nước và có tivi truyền hình trực tiếp xem nốt trận bóng đá.Đúng 7h30, nhà trường thực hiện kiểm tra và phát hồ sơ tuyển sinh cho phụ huynh trên địa bàn phường. Mọi việc diễn ra khá trật tự. Đến 9h ngày đầu tiên nhận hồ sơ, đã có 51 hồ sơ đăng ký vào lớp trẻ nhà trẻ 2 tuổi được phát ra (trong khi đó chỉ tiêu là 50). “Nếu số lượng hồ sơ ở nhóm trẻ nhà trẻ 2 tuổi vẫn tiếp tục tăng, phụ huynh vẫn muốn cho con theo học tại trường thì chúng tôi buộc phải tiến hành bốc thăm để lựa chọn ngẫu nhiên trẻ được vào học như các địa bàn khác vẫn làm” – hiệu trưởng nhà trường cho biết.
Chị Hà nghe nói vậy cũng chỉ biết về nhà và chờ đợi, Trên báo đăng thông tin quận Đống Đa nơi chị sinh sống có 25 trường mầm non tuyển sinh với 243 lớp, số trẻ các trường tuyển là 2.816/20.913 trẻ trong độ tuổi điều tra. Đối với lứa tuổi nhà trẻ, cả quận tuyển sinh 30 lớp, với 905/5.484 trẻ trong độ tuổi điều tra (chỉ chiếm 16,5%) khiến chị càng thêm lo lắng. Trường mầm non chị nộp hồ sơ là trường gần nhà mà cũng có tỷ lệ “chọi” cao ngất ngưởng (30/579 trẻ). Sau một tháng chờ đợi không được hồi âm, chị Hà đến tận trường hỏi thì được biết con chị không có trong danh sách tuyển vì trường bốc thăm lựa chọn ngẫu nhiên. Thế là mặc dù tới xếp hàng từ 4 giờ sáng, con chị vẫn “trượt” vì hết chỉ tiêu.
Mầm non tư thục: Giá quá cao, phòng quá bé
Bắt được phiếu “chúc bạn may mắn lần sau” vào trường mầm non công, chị Hà đành chuyển sang tìm trường tư thục. Chị muốn tìm một trường mầm non tư thục gần cơ quan, chất lượng tốt để cho con theo học. Tham quan một số trường ở khu vực Bà Triệu, Trần Quốc Toản, Lý Nam Đế... vì những lời quảng cáo là chất lượng cao, dạy song ngữ, chưa bàn đến chất lượng, chị thấy không hài lòng vì các trường đều có diện tích nhỏ như hộp diêm. Trung bình mỗi phòng học chỉ khoảng 30-35 m2, sân chơi không đáng kể. Nhưng khi hỏi đến học phí, chị mới thật sự bất ngờ vì học phí quá “chát” so với thu nhập trung bình của vợ chồng chị: khoảng 300 – 400usd/tháng.
"Phòng chật hẹp sẽ kéo theo những vấn đề như xử lý mùi, khí tự nhiên, đặc biệt là việc phát triển vận động của trẻ trong giai đoạn hiếu động sẽ khó khăn", chị nói và băn khoăn khi các điều kiện giảng dạy chưa tốt nhưng mức phí mà phụ huynh phải trả lại khá cao.
Chị Hà đem thắc mắc ấy hỏi hiệu trưởng nhà trường và nhận được câu trả lời: "Đất nội thành rất chật hẹp, một số trường mầm non phải xây đến 5 tầng để có không gian cho trẻ. Việc đáp ứng hết nhu cầu học sinh lại vừa phải đảm bảo diện tích theo tiêu chuẩn (8 m2/trẻ) là điều rất khó khăn đối với chúng tôi". Bà ấy còn cho hay, quy định 8 m2/trẻ là chuẩn quốc gia và không chỉ riêng trường mầm non này, hiện nay chỉ có 20% trường trên cả nước đạt được tiêu chuẩn ấy.
Nhà trẻ tư nhân: Không yên tâm về chất lượng
Băn khoăn về giá cả và diện tích các trường mầm non tư thục, chị Hà lên các diễn đàn thì thấy cũng có nhiều bà mẹ như chị, thu nhập chỉ ở mức trung bình nên đành nhắm mắt đưa chân gửi con vào những nhà trẻ tư nhân.
Buổi chiều hôm ấy, chị đến một nhà trẻ tư nhân gần nhà tham khảo các thông tin. Học phí ở đây khá thấp so với các trường mầm non tư thục: 900 ngàn/tháng, ngoài ra tiền xây dựng là 50.000, tiền điều hòa 50.000, tiền ăn 25.000/ngày. Như vậy tổng mỗi tháng chị chỉ phải trả khoảng 2 triệu đồng.
Thế nhưng khi quan sát chị vẫn còn rất nhiều băn khoăn. Những cô giáo phần lớn đều còn quá trẻ, chỉ mười tám đôi mươi gì đó, chưa có gia đình, chưa có kinh nghiệm chăm trẻ. Một cô phải trông tới 5-7 em. Ở nhà chị 2 người trông thằng con trai chị còn thấy mệt, đôi lúc phát rồ lên vì những trò nghịch ngợm của nó thì làm sao chị yên tâm các cô không nổi nóng mà đánh đập con chị. Nghĩ tới những vụ việc bảo mẫu hành hạ trẻ em, có khi dẫn đến tử vong đầy rẫy trên báo phần lớn đều từ những nhà trẻ tư nhân như thế này mà chị phát sợ. Rồi còn việc cô giáo ăn bớt sữa của các cháu, việc cô giáo ngại lau rửa nên cấm các cháu đi vệ sinh dẫn tới những mối đe dọa về sức khỏe… các bà mẹ rỉ tai nhau trên các diễn đàn. Phòng ốc chật hẹp, không có không gian chơi cũng là điều chị lo lắng.
Mất cả tháng trời tìm trường mầm non cho con mà cuối cùng chị Hà vẫn chưa biết phải quyết định thế nào cho hợp lý. Lẽ nào chị đành nghe lời chồng, gửi con về quê cho ông bà nuôi đến khi con vào lớp 1 thì đón lên Hà Nội. Nhưng chị dự đoán là cuộc chiến cho con vào lớp 1 cũng gay gắt không kém. Chả nhẽ khi ấy chị lại lặp lại cái điệp khúc “gửi con về quê” hay sao? Ước gì thành phố đầu tư hơn cho giáo dục mầm non để chị có thể gửi con vào một trường công mà không phải giành giật, luồn cúi, đi cửa sau… , không phải xếp hàng từ 4 giờ sáng mà vẫn không còn vé như thế này.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét