Vừa qua, trong Hội nghị Tổng kết năm học 2013-2014, Bộ Giáo dục đề xuất 3 phương án môn thi cho kì thi Quốc gia và dự kiến sẽ áp dụng ngay trong năm 2015. Động thái này cho thấy Bộ Giáo dục đang nỗ lực và quyết tâm cải thiện nền giáo dục nước nhà và giảm tải áp lực cho học sinh. Tuy nhiên, 3 phương án vừa đề xuất còn khá nhiều nan giải, chưa thể giải quyết được mong muốn chính đáng của toàn xã hội.
Ba phương án môn thi cho kì thi Quốc gia còn nhiều nan giải |
Theo đó, 3 phương án môn thi cho kì thi Quốc gia có nội dung như sau:
Phương án 1 là theo môn thi. 8 môn gồm Toán, Văn, Lý, Hoá, Sinh, Sử, Địa và Ngoại ngữ. Có 8 buổi thi trong 4 ngày, mỗi buổi thi một môn. Để được xét công nhận tốt nghiệp, mỗi thí sinh phải dự thi 4 môn gồm 3 môn bắt buộc là Toán, Văn, Ngoại ngữ và một môn do thí sinh tự chọn trong số các môn Hoá, Lý, Sinh, Sử, Địa.
Phương án 2 là thi theo bài. Trong kỳ thi, 8 môn học ở lớp 12 gồm Toán, Văn, Lý, hoá, Sinh, Sử, Địa và Ngoại ngữ được chọn để tổng hợp thành 5 bài thi gồm bài thi Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ, bài thi Khoa học tự nhiên (gồm Lý, Hóa, Sinh) và bài thi Khoa học xã hội (gồm Sử và Địa).
Mỗi thí sinh phải thi 4 bài gồm 3 bài thi bắt buộc là Toán, Văn, Ngoại ngữ. Thí sinh chọn một trong hai bài thi Khoa học tự nhiên hoặc Xã hội.
Mỗi thí sinh phải thi 4 bài gồm 3 bài thi bắt buộc là Toán, Văn, Ngoại ngữ. Thí sinh chọn một trong hai bài thi Khoa học tự nhiên hoặc Xã hội.
Phương án 3 cũng thi theo bài. 11 môn học lớp 12 THPT gồm: Toán, Ngữ văn, Vật lí, Hóa học, Sinh học, Lịch sử, Địa lí, Ngoại ngữ, Tin học, Công nghệ và Giáo dục công dân được tuyển chọn để tổng hợp thành 4 bài thi.
Theo đó, sẽ có bài thi Toán – Tin (gồm các môn Toán và Tin học); Bài thi Khoa học tự nhiên (Vật lí, Hóa học, Sinh học và Công nghệ); Bài thi Khoa học xã hội (Ngữ văn, Lịch sử, Địa lí và Giáo dục công dân); Bài thi Ngoại ngữ. Tất cả sẽ có 4 buổi thi được tổ chức trong 2 ngày, mỗi buổi thi một bài.
Về việc gộp 2 kì thi Tốt nghiệp THPT và Đại học thành một kỳ thi Quốc gia chung có tác dụng làm giảm tải áp lực thi cử vốn nặng nề cho thí sinh và mô hình này đã được nhiều Quốc gia trên thế giới áp dụng. Tuy nhiên, chương trình giáo dục cấp 3 của họ đã được xây dựng nhằm phục vụ cho kì thi như vậy. Ví dụ như ở Thụy Điển, trong suốt quá trình học THPT, học sinh chỉ phải học 6 môn, trong đó có 3 môn bắt buộc và 3 môn tự chọn. Khi tốt nghiệp, học sinh thi tất cả các môn và sử dụng điểm đó để xét vào các Đại học mà họ đã đăng đi trước đó. Mỗi Đại học sẽ có yêu cầu riêng về tổng điểm, hoặc tổng điểm và điểm một môn nhất định nào đó để vào được khoa chuyên ngành. Hay như ở Anh, học sinh cũng chỉ phải học 4 môn tự chọn trong khi học phổ thông. Bước sang năm thứ 2, tùy vào kết quả thi và định hướng tương lai mà học sinh có thể bỏ một môn để tập trung vào 3 môn còn lại.
Còn với nền giáo dục của chúng ta thì sao? Nếu áp dụng ngay phương án kì thi Quốc gia chung trong năm tới, có nghĩa là chúng ta cho học sinh thi vài môn để xét tuyển tốt nghiệp và thi Đại học nhưng vẫn yêu cầu học sinh học 11, 12 môn trong suốt 3 năm học phổ thông. Và những môn không có mặt trong danh sách thi lại không ảnh hưởng đến kết quả cuối cùng. Chương trình đào tạo của chúng ta liệu có hợp lý?
Đó là vấn đề về việc gộp 2 kì thi Tốt nghiệp và Đại học làm một, quay trở lại việc đánh giá về 3 phướng án cho kì thi Quốc gia chung, tôi có một vài ý kiến như sau:
Về phương án thứ nhất: Để xét tốt nghiệp THPT, học sinh phải thi 4/8 môn trong trong đó có tới 3 môn bắt buộc là Toán, Văn, Ngoại ngữ và 1 môn tự chọn. Kết quả này lại là cơ sở để xét tuyển Đại học. Như vậy với phương án này, những thí sinh chỉ có thiên hướng các môn Tự nhiên có thể không làm bài tốt ở môn Văn và ngược lại. Điều này ảnh hưởng đến tổng điểm thi và đương nhiên cả việc vào Đại học. Hơn nữa, phương án này cũng rất khó có thể làm cơ sở cho các trường xét tuyển Đại học. Ví dụ, trường kỹ thuật yêu cầu Toán, Lý, Hóa phải tốt nhưng điểm thi của thí sinh lại bị phụ thuộc vào 1 nửa số môn thi không liên quan đến ngành học.
Về phương án thứ 2: Vấn đề gặp phải cũng tương tự như phương án thứ nhất, thí sinh chỉ được chọn 1 môn trong khi có tới 3 môn bắt buộc. Ngoài ra việc làm bài thi tổng hợp rất dễ gây dàn trải thì vấn đề chấm thi cũng khá rắc rối. Chúng ta sẽ chấm thi thế nào đây? Giả sử với bài thi của thí sinh chọn khối Khoa học xã hội sẽ có nội dung của 2 môn học: Sử và Địa. Nếu như bài thi đó có 2 giáo viên phụ trách chấm bài (giáo viên chấm phần trả lời môn Sử sau đó chuyển sang cho giáo viên chấm môn Địa) thì quả thực đó lại là điều không đơn giản, quản lý không tốt rất dễ xảy ra tiêu cực. Còn nếu như chỉ có1 giáo viên chấm bài kiêm cả 2 phần trả lời thì chắc chắn điều này không ổn vì giáo viên dạy Địa không thể chấm bài môn Sử được.
Về phương án thứ 3: Lại là một phương án cho đề thi tổng hợp và vấn đề chúng ta gặp phải tương tự như phương án thứ 2 thậm chí còn rắc rối hơn vì bài thi tổng hợp ở phương án này có nhiều môn thi hơn và cũng có nhiều bài thi tổng hợp hơn. Nhưng điều đáng nói hơn cả đó là với phương án này Bộ Giáo dục đã quá tham vọng vì muốn học sinh phải học tốt toàn diện tất cả các môn. Điều đó cũng đồng nghĩa với việc, chúng ta đang tạo thêm gánh nặng học tập của các em học sinh. Thiết nghĩ , chúng ta nên đặt vấn đề nhu cầu của xã hội cần những con người giỏi về chuyên môn, lĩnh vực cụ thể, chứ không cần những con người cái gì cũng biết nhưng không chuyên sâu vấn đề gì, dẫn đến tình trạng thừa thầy, thiếu thợ như hiện nay.
Bên cạnh đó, có một điểm chung cho 3 phương án đó là cả 3 đều có môn bắt buộc là Toán, Văn, Ngoại ngữ. Như vậy, không có sự công bằng giữa các địa phương vì ở nhiều nơi, đặc biệt là các nơi vùng sâu vùng xa, Ngoại ngữ chưa phải môn học phổ biến. Ngoại ngữ là môn bắt buộc cũng là lợi thế cho những học sinh có định hướng học các môn thuộc khối D.
Như vậy, một trong 3 phương án trên, dù phương án nào được chọn thì nó cũng còn tồn tại quá nhiều vấn đề và thực sự vội vàng nếu như phương án này được áp dụng ngay trong năm 2015. Hơn nữa, tại sao bỗng dưng chúng ta lại đổ dồn toàn lực vào lo cho vấn đề thi cử trong khi thi cử chỉ là điểm cuối của 1 quá trình học tập. Tôi hiểu, yêu cầu và mong muốn của toàn xã hội là muốn nền giáo dục của chúng ta được chấn chỉnh, nhưng tôi nghĩ chúng ta nên thực hiện việc này chậm mà chắc, đổi mới từ từ chương trình đào tạo cũng như cách dạy và học của giáo viên, sau cuối mới đến đổi mới cách thi. Sức ép muốn mau chóng thay đổi mới của xã hội vô tình đã khiến Bộ phải đưa ra giải pháp tình thế là thay đổi cách thi, trong khi căn bản của giáo dục không phải là THI, mà là HỌC.
Đó là quan điểm cá nhân của riêng tôi, còn các bạn thì sao? Rất mong các bạn có thêm đóng góp để góp phần giúp nền Giáo dục của chúng ta hoàn thiện hơn, đồng thời cũng giảm áp lực nhưng vẫn đảm bảo tính công bằng cho chính con em chúng ta.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét