Thứ Bảy, 9 tháng 8, 2014

Những nan giải xung quanh đề xuất: Tổ chức thi 6 môn cho kì thi Quốc gia chung

Mới đây, Bộ GD&ĐT công bố dự thảo một kỳ thi Quốc gia chung thay thế thi tốt nghiệp và thi tuyển sinh Đại học. Qua đó, TS Lê Trường Tùng - Hiệu trưởng trường Đại học FPT đã đưa ra đề xuất: Tổ chức thi 6 môn cho kì thi Quốc gia chung. Với đề xuất này, tôi xin đưa ra một vài ý kiến:
Cụ thế, ông cho rằng: “Đổi mới thi cử là khâu đột phá, phải thực hiện ngay các thay đổi khác liên quan dạy và học. Theo tôi phương án tối ưu là học và thi 6/8 môn, cụ thể:
 
Thực hiện một kỳ thi Quốc gia, mỗi thí sinh thi 6 môn trong 8 môn, trong đó 3 môn bắt buộc là Văn, Toán, Ngoại ngữ. Phương án 4 môn như dự kiến không đủ thông tin để xét tuyển Đại học, hơn nữa từ 2013 trở về trước vẫn thi tốt nghiệp phổ thông 6 môn và không có vấn đề gì.
 
Việc dạy và học THPT cũng thay đổi theo. Các lớp 10-11-12 chỉ cần học 6 môn. Với các môn không học, kiến thức về các môn này ở THCS là đủ vào đời. Đây là thay đổi mang tính “ăn theo” hết sức quan trọng, hỗ trợ cho hướng nghiệp sớm và giảm tải. Học phổ thông theo các môn tự chọn cũng là thông lệ của nhiều nước tiên tiến, với Việt Nam thì phù hợp quan điểm học gì thi nấy và tâm lý không thi thì không học”. (Nguồn: TS Lê Trường Tùng đề xuất 6 môn kỳ thi Quốc gia chung_Vnxpress.net)
TS Lê Trường Tùng - Hiệu trưởng trường Đại học FPT
Như vậy, theo ý kiến này có nghĩa  là chúng ta lại quay lại cách thi năm 2013 (tức là thi 6 môn Tốt nghiệp) thậm chí còn tăng áp lực cho thí sinh thêm nhiều lần vì các môn thi sẽ có độ khó cao hơn rất nhiều. Hơn nữa, nếu nói để tạo thuận lợi cho các trường Đại học xét tuyển thì cũng không hẳn đúng vì chúng ta không thể đảm bảo rằng gộp 2 kì thi làm một sẽ không xảy ra tiêu cực. Liên quan đến vấn đề này, liệu rằng các trường Đại học sẽ tin tưởng kết quả trong kì thi để xét tuyển hay lại tổ chức một kỳ thi tuyển sinh riêng? Nếu như trường hợp thứ 2 xảy ra (các trường Đại học tổ chức thi thêm 1 vòng nữa), chẳng phải chúng ta đang quay vòng luẩn quẩn, trở lại y như năm 2013 và tăng áp lực gấp bội cho thí sinh?
Bên cạnh đó, nếu thi 3 môn bắt buộc Văn, Toán, Ngoại ngữ, các thí sinh theo khối D sẽ phải điên đầu vì không biết phải chọn 3 môn tự chọn nào. Còn học sinh đang học khối A, B, C lại giống như bị thi hai khối bắt buộc là D+A, D+B, D+C. Như vậy, mục đích giảm áp lực cho thí sinh đã bị vô hiệu hóa mất rồi!?
Tiếp theo, ông cho rằng việc áp dụng dự thảo mới cần thực hiện ngay năm 2015. Nếu như với ý kiến của ông, chúng ta cần cắt bớt toàn bộ những môn học không có trong danh sách thi chung thì việc này lại càng khó thực hiện và có nhiều vấn đề đặt ra: Những thầy cô giáo dạy những môn đó sẽ đi về đâu? Chương trình học của 8 môn sẽ lại bị thay đổi và việc này không thể thực hiện trong ngày một ngày hai.
Cách thi năm 2014 quyết định giảm từ 6 môn xuống còn 4 môn được thực hiện nhanh chóng mà không cần quá nhiều thời gian chuẩn bị vì đây là phương án hợp lý, giảm tải, giảm áo lực, khó khăn cho học sinh, giáo viên, hội đồng thi,... Vì vậy nhận được sự đồng thuận, ủng hộ của toàn bộ xã hội. Ngược lại, phương án thi chung dù đã bàn 5 năm nhưng Bộ Giáo dục vẫn chưa thể đưa ra một phương án tốt nhất và cũng không có lộ trình, không có sự chuẩn bị đầy đủ nhất cho học sinh (bồi dưỡng giáo viên, chương trình, phương pháp dạy và học, trang thiết bị nhà trường, sách giáo khoa …) mà lại thực hiện thi ngay năm 2015 một cách đột ngột như vậy, chắc chắn kết quả sẽ rất thấp và tác hại sẽ rất lớn cho cả thế hệ học sinh. Hậu quả này ai sẽ chịu trách nhiệm hay người gánh chịu chỉ mỗi học sinh và phụ huynh?
Vì vậy, tôi tha thiết đề nghị Bộ Giáo Dục áp dụng phương án xét tốt nghiệp phổ thông dựa trên học lực 3 năm học cấp 3 vì kiến thức đã được kiểm tra trong qua trình như điểm miệng , 15 phút, 1 tiết, cuối kỳ. Còn kì thi Đại học, chúng ta nên giữ như hiện nay vì thực chất đây là kì thi chất lượng, đánh giá đúng năng lực học sinh cũng như đáp ứng được yêu cầu chất lượng đầu vào của các trường Đại học. Hoặc chí ít cũng giữ nguyên cách thi như năm 2014 đến hết năm 2016, phương án thi chung chỉ nên thực hiện từ năm 2017 để có sự chuẩn bị đầy đủ và tốt nhất cho các em học sinh sinh năm 1999 vào lớp 10 năm 2014.
Đó là ý kiến của cá nhân tôi và tôi hi vọng, Bộ Giáo dục sẽ đưa ra được giải pháp hợp lý nhằm giảm tải áp lực cho học sinh đồng thời vẫn đảm bảo chất lượng đầu vào của các trường Đại học!
Theo bạn, việc thực hiện một kỳ thi Quốc gia, mỗi thí sinh thi 6 môn trong 8 môn, trong đó 3 môn bắt buộc là Văn, Toán, Ngoại ngữ có hợp lý không? Bạn cho chúng tôi biết ý kiến nhé.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét