Thứ Ba, 16 tháng 9, 2014

Học cách sống chung với việc các em học sinh dùng Facebook

Mặt trái của mạng xã hội Facebook với đời sống con người, đặc biệt là các em học sinh thì ai cũng có thể nhận ra, thế nhưng việc cấm các em sử dụng Facebook lại gần như là điều không tưởng. Sự việc mới đây  một học sinh lớp 8 ở Trường THCS Lý Tự Trọng (TP Tam Kỳ, Quảng Nam) bị đình chỉ học 1 năm vì xúc phạm thầy cô giáo trên Facebook đã dấy lên những lo lắng về việc làm thế nào để các em nhìn nhận được mặt lợi, mặt hại của mạng xã hội lớn nhất thế giới này và sử dụng nó một cách thông minh, hiệu quả. 


Biết hại nhưng không thể cấm


Facebook mang lại rất nhiều hệ lụy, trước hết là tốn thời gian khiến các em chểnh mảng học hành. Sau nữa là nhiều em đưa lên mạng các nội dung phản giáo dục, thóa mạ thầy cô giáo… Thế nhưng các em học sinh cấp 2, cấp 3, thậm chí là bậc tiểu học vẫn dùng thường xuyên, bởi các em còn quá nhỏ tuổi, nhận thức còn quá non nớt để hiểu được mặt trái của mạng xã hội này. 

Nhiều nhà giáo dục khẳng định Facebook hoàn toàn không có giá trị giáo dục, xã hội với đối với trẻ em. Tuy nhiên, Facebook có lý luận riêng của họ khi cho rằng dù muốn hay không thì hàng triệu trẻ em trong số 900 triệu người dùng hiện tại vẫn dùng mạng xã hội này và con số đó đang không ngừng tăng lên.

Trên thực tế, chính Facebook cũng đã cấm trẻ em dưới 13 tuổi sử dụng nhưng không có hiệu quả vì các em hoàn toàn có thể khai gian năm sinh để đăng ký mà không gặp trở ngại nào. Facebook cũng có một tính năng để giúp phụ huynh kiểm soát việc sử dụng mạng xã hội này bằng cách kết nối tài khoản của các em với cha mẹ nhưng ít bậc cha mẹ nào biết đến và sử dụng. Vì thế việc kiểm soát các nội dung trên trang mạng  xã hội này là điều gần như không thể.

Không quản được thì cấm, đó là cách ứng xử thường thấy ở các bậc phụ huynh và thầy cô giáo. Những rõ ràng, việc “cấm” đối với Facebook là hoàn toàn bất lực. Bên cạnh đó, nếu nhìn dưới con mắt của một người lạc quan thì Facebook mở ra nhiều cánh cửa cho các em nhìn xã hội, thế giới. Vậy thì tại sao chúng ta không biến Facebook thành công cụ giáo dục sinh động và hấp dẫn dành cho các em, đây có thể coi là cách ứng xử khả dĩ nhất hiện nay khi chưa có công cụ nào hiệu quả hơn để ngăn chặn những mặt trái của nó.

Học cách “sống chung với lũ”


Có lẽ đã đến lúc chúng ta nên đưa môn học “văn hóa trên mạng” vào giảng dạy để các em biết cách ứng xử, tự vệ trên các trang mạng xã hội, đồng thời hướng dẫn các em sủ dụng Facebook một cách hiệu quả và ngăn chặn những tác hại của nó. Thế nhưng trong lúc chờ điều đó thành sự thật, làm sao biến Facebook thành công cụ giáo dục tốt lại chính là việc của các thầy cô giáo và các bậc phụ huynh. 

Trước tiên thầy cô giáo và phụ huynh cũng nên dùng Facebook như một cách để tương tác với học sinh. Người lớn nên coi đây là phương tiện, kênh thông tin để hiểu rõ học trò, con cái của mình vì ở lứa tuổi mới lớn, các em thường có nhu cầu được chia sẻ cảm xúc về học tập, thầy cô, bạn bè, gia đình… Nhiều khi các em coi Facebook là một nơi giải tỏa tâm trạng khi ngại nói chuyện trực tiếp. Khi các thầy cô hiểu rõ được cảm xúc của các em (thích môn học nào, thầy cô nào.  buồn vì bị điểm kém, giận nhau với bạn, những khúc mắc trong gia đình…) thì có hướng điều chỉnh hợp lý và đưa các em đến những suy nghĩ, hành động tích cực.

Thầy cô và phụ huynh cũng nên khuyến khích các em sử dụng facebook như là một nơi để trao đổi về vấn đề học tập. Hãy coi nó như một công cụ giao tiếp thông thường như gặp trực tiếp, điện thoại… Đôi khi nó lại rất tiện lợi, ví dụ học sinh có thể hỏi bài nhau bất cứ khi nào hay nhờ thầy cô giảng cho mình những điều chưa hiểu trong bài học ở lớp mà không mất thời gian cần lặn lội đến tận nhà.

Thứ ba, nhà trường nên có những buổi hội thảo, hướng dẫn, giáo dục, định hướng cho cụ thể các em cách dùng Facebook: những nội dung gì được đăng tải lên trang cá nhân, hình ảnh và bình luận như thế nào… Đặc biệt, cách các em sử dụng văn hóa giao tiếp trên facebook cần được chú trọng, ngôn ngữ phải trong sáng, thuần Việt, không được văng tục hay nói xấu bất cứ ai...  Chúng ta thà vẽ đường cho hưu chạy còn hơn là để nó chạy lung tung.

Thứ tư, nhà trường nên quản lý việc quản lý học sinh sử dụng facebook bằng cách bắt học sinh phải đăng ký địa chỉ Facebook mình dùng. Nhưng điều này quả thật không dễ vì một học sinh có thể sử dụng nhiều địa chỉ. Vì thế nên cử cán bộ lớp, cán bộ tổ theo dõi các hoạt động của học sinh trong lớp, tổ, nhóm về sử dụng facebook. Khi phát hiện cá nhân nào dùng facebook không đăng ký, hoặc có dấu hiệu lệch lạc, không tốt (nói tục chửi bậy, đăng ảnh phản cảm làm ảnh hưởng xấu đến người khác, xuyên tạc tiếng Việt…) sẽ thông báo cho trường kịp thời xử lý. 

Cuối cùng nhà trường và gia đình cần tăng cường cho các em những  sân chơi lành mạnh, hấp dẫn như các hoạt động ngoại khóa, vui chơi, tình nguyện… Khi bị thu hút bởi những điều có ích ngoài đời thực, các em sẽ không còn chỉ biết “ôm” Facebook, không đắm chìm vào thế giới ảo nữa. 

Hiện nay ngày càng có nhiều ứng dụng mới, phần mềm mới, những trang mạng mới để kết nối và rất nhiều cám dỗ khác, nên việc cấm đoán các em là điều không nên và không thể làm được. Vì thế chúng ta nên hướng dẫn cho các em tiếp thu chúng một cách hiệu quả chứ không là nạn nhận của nó. Làm sao để các em đừng mê Facebook mà quên đọc sách, đừng mải nói chuyện với người trên mạng mà quên giao tiếp với người thân, đừng “phây” đến phờ phạc, phí phạm đời mình vào những điều vô nghĩa.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét