Chuyện các cầu thủ đá láo trên sân, nói tục chửi bậy, sa ngã vào những tệ nạn, cá độ và bán độ… lâu nay vẫn là vấn đề nhức nhối của ngành văn hóa. Rõ ràng công tác giáo dục, dạy văn hoá cho các cầu thủ đang có lỗ hổng lớn nhưng lại được rất ít người quan tâm. Không được đào tạo tới nơi tới chốn, các cầu thủ dù có đá hay, vẫn có thể sa ngã bất cứ khi nào. Tấm gương của Văn Quyến cho đến giờ vẫn là bài học quá lớn của bóng đá Việt Nam. Nhưng trận thắng 4-1 của U19 Việt Nam trước Myanmar và những gì họ thể hiện trên sân vừa qua, người hâm mộ bóng đá Việt Nam có quyền hy vọng rằng “Bài toán giáo dục trong bóng đá đã được giải quyết ở đội U19 của bầu Đức” khi ông không đi theo chiều hướng “cứ phát triển chuyên môn thôi, có thành tích là tốt rồi” nữa.
Bầu Đức đã đào tạo như thế nào?
Bầu Đức và những cầu thủ trẻ.. |
Bầu Đức (tên thường gọi của ông Đoàn Nguyên Đức) là người dành rất nhiều tình cảm cho bóng đá nước nhà, đặc biệt là lứa cầu thủ trẻ ông đặt trọn niềm tin: Đội U19 – những người vừa làm nên kỳ tích khi kiến tạo những pha bóng đẹp mắt trong trận đấu gặp Myanmar tối 11.9 vừa qua. Thành công của U19 Việt Nam có dấu ấn rất lớn từ lò “luyện gà nòi” của bầu Đức. Hơn 6 năm trước, ông Đức đích thân tuyển chọn lứa cầu thủ rồi kết hợp với mô hình đào tạo của Arsenal để tạo nên một Học viện có quy mô, chuyên nghiệp bậc nhất Việt Nam (Học viện Hàm Rồng). U19 được kỳ vọng sẽ là tương lai của bóng đá nước nhà, trong bối cảnh tuyển quốc gia và U23 Việt Nam ngày càng tệ và đánh mất hết niềm tin.
Vậy từ khi bước chân vào Học viện Hàm Rồng, các cầu thủ nhí khi đó mới là những cậu bé 12 – 13 tuổi đã được đào như thế nào?
Trước hết và quan trọng nhất các em được đào tạo về những kỹ năng trong bóng đá, nhưng là những kỹ năng của một người đá bóng “có văn hóa”. Bầu Đức luôn “chỉnh” cầu thủ của mình để mong các em đi đúng hướng. Ông không cho phép có thứ bóng đá xấu xí, triệt hạ đối phương tồn tại trong đội hình mà ông đặt nhiều tâm huyết. Nghĩa là ông không quan trọng đặt thành tích cao hơn tất cả mọi thứ, đạt thành tích bằng bất cứ giá nào như nhiều người vẫn làm. Các cầu thủ U19 Việt Nam hiểu rõ: nếu đá láo, đá xấu xí thì chuẩn bị tâm lý rời khỏi đội. Thực tế là trong trận giao hữu quốc tế trên sân Thống Nhất, từng có một cầu thủ bị loại khỏi đội vì phạm lỗi khiến cầu thủ đội bạn chấn thương nặng.
Thứ hai, ông “dạy” các em cách ứng xử có văn hóa cả trên sân bóng và cả ngoài đời thường. Theo dõi một trận đấu, ông Đức không chỉ xem những pha bóng, tình huống xử lý mà còn xem thái độ các cầu thủ trên sân. Ông không cho phép cầu thủ được nói tục chửi thề, ngay cả trong những tình huống tức giận nhất. Sau trận đấu gặp U19 Australia, bầu Đức liên hệ ngay với ban huấn luyện để nhắc nhở rất nhiều, trong đó có nói đến tình huống Quang Hải “nóng máu” với thủ môn đội bạn.
Thứ ba, ông dạy các em biết yêu thương gia đình của mình. Vì thế dù đưa các em về học tập trung ở Học viện Hàm Rồng, ông vẫn rất quan tâm đến cả gia đình của chúng. Hiểu được tâm lý phụ huynh muốn được trực tiếp chứng kiến sự trưởng thành của con cái, còn các em cần cha mẹ ở bên trong những trận đấu quan trọng để thêm động lực thi đấu, bầu Đức mới “bao” toàn bộ chi phí ăn ở cho người thân của cầu thủ về xem các trận đấu của U19 Việt Nam. Cách đây 7 tháng, tại giải đấu trên sân Thống Nhất, TP HCM, ông cũng đã áp dụng chính sách này.
Thứ tư, ông cho rằng việc học văn hóa luôn là nhiệm vụ bắt buộc, thậm chí còn quan trọng hơn bóng đá. Ông đặt mục tiêu các cầu thủ phải có văn hóa (văn hóa ứng xử và bằng cấp) khi ra trường. Thậm chí bầu Đức không tiếc tiền khi thuê nhiều chuyên gia, giáo viên nước ngoài dạy học cho các cầu thủ trẻ. Các thành viên U19 HAGL không chỉ đá bóng giỏi mà còn hoàn thành 12 năm phổ thông, bước vào giảng đường đại học.
Cuối cùng, ông “dạy” các cầu thủ lòng yêu nước, tinh thần thi đấu vì màu cờ sắc áo chứ không phải vì tiền thưởng. Ông dặn họ tuân thủ triết lý cứ cho đi rồi sẽ nhận lại rất nhiều và nghĩ về bản thân, gia đình, về đất nước…các em sẽ có sức mạnh vượt qua những cám dỗ.
Thành quả
Vụ việc bán độ của cầu thủ trẻ tài năng Văn Quyến cho đến giờ vẫn được nhắc lại như một bài học lớn cho các cầu thủ trẻ. Bởi không ít cầu thủ trẻ xác định đến với bóng đá như một cách thoát nghèo, có người nghĩ xa hơn thì cố gắng kiếm vài trăm đến vài tỷ đồng để sau này giải nghệ, sẽ chuyển hướng làm công việc khác… nên khi bị dụ dỗ bán độ, họ bị đồng tiền làm cho mờ mắt. Nhưng ở U19, các em được giáo dục từ nhỏ để “miễn dịch” với những cám dỗ và ông Đức đảm bảo cho tương lai của các em nên việc bán độ cho đến giờ vẫn chưa có.
Chuyện học không bao giờ là đủ, bởi học nữa, học mãi mới thành người. Mới đây, theo thỏa thuận giữa bầu Đức và hiệu trưởng trường Đại học Sư phạm TDTT TP HCM, các cầu thủ U19 Việt Nam thuộc Học viện bóng đá HAGL sẽ được đào tạo đại học trong 7 năm. Chương trình sẽ được bắt đầu ngay sau khi các em tốt nghiệp THPT, vào mùa hè năm nay.
Không chỉ được trang bị đủ kiến thức, các cầu thủ U19 còn được mở rộng sự hiểu biết của mình với thế giới, được học nhiều ngoại ngữ để có thể giao tiếp khi ra nước ngoài. Hình ảnh những cầu thủ U19 Việt Nam trả lời báo chí nước ngoài bằng tiếng Anh, tiếng Pháp thông thạo khiến người hâm mộ rất ngưỡng mộ và thêm tự hào với đội quân trẻ của Việt Nam.
Những trận đấu của U19 Việt Nam trước bất cứ đối thủ nào hiếm khi thấy họ đá láo, chơi xấu, phạm lỗi với đối phương. Vì thế, U19 rất ít khi phải nhận thẻ vàng, chứ chưa nói tới thẻ đỏ.
“Ở HAGL, chúng em được học văn hóa rất tốt nên có thể tránh sa ngã, hiểu mình cần làm gì”, Công Phượng - người vừa giúp đỡ gia đình xây lại căn nhà mới từ tiền đi đá bóng - nói trước giải đấu đã cho người hâm mộ có thêm niềm hy vọng rằng: Bài toán giáo dục trong ngành thể thao đã có lời giải đáp.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét