Thứ Bảy, 13 tháng 9, 2014

Chia sẻ kinh nghiệm giúp trẻ tự kỉ hòa đồng ở trường mẫu giáo

Con tôi đi mẫu giáo về kể, hôm nay các thầy cô trong trường náo loạn vì một bạn mất tích. Hóa ra bạn ấy  bị tự kỉ đã bỏ lớp đi ra ngoài mà các cô không biết, mãi sau bảo vệ trường mới tìm thấy để đưa về nhà. Nhà trường đã kỉ luật cô giáo đứng lớp và coi đó là bài học sâu sắc cho các thầy cô giáo trong trường về việc chăm sóc trẻ tự kỉ.



Thấy con có vẻ sôi nổi nói về đề tài này, tôi muốn nhân tiện giáo dục con trong việc hòa nhập với bạn bè liền hỏi: 

- Con thấy bạn ấy thế nào?

Con gái tôi trả lời: 

- Bạn ấy lạ lắm mẹ ạ, bạn ấy thường ôm khư khư một con gấu hồng không cho ai động vào. Cô giáo hỏi bạn ấy cũng không trả lời. Khi chơi xếp đoàn tàu bạn ấy cứ xếp theo ý mình, ai động vào là bạn ấy khó chịu và hung dữ lắm”.

- Con có chơi với bạn ấy không?

- Không mẹ ạ, bạn ấy thường nhại lời con mỗi khi con chơi với bạn ấy mà chả có ý nghĩa gì cả. Bực mình lắm.

Tôi dặn con: 

- Con không được khó chịu với bạn vì bạn mắc bệnh nên mới vậy. Lần sau con rủ bạn chơi cùng nhé

Hôm sau, đến lớp đón con cô giáo đã hồ hởi kể là con gái tôi ăn nhanh, xong cơm trước thấy bạn tự kỉ chưa ăn xong, cô còn chưa xúc kịp, con đã xúc cơm cho bạn ăn. Cô khen là con rất ngoan. Thấy vậy tôi đã động viên con làm đúng. Những hôm sau nữa, con còn kể là con tự động nằm ngủ cùng bạn tự kỉ và vuốt đầu, xoa tai con gấu hồng cùng bạn ấy nữa. Không thấy bạn ấy hất ra và khó chịu như mọi lần. Tôi ôm con vào lòng và bảo: Con làm đúng rồi, bạn ấy rất cần sự yêu thương như mẹ yêu con này.

Ngoài việc có sự nỗ lực của các bạn như bé Bống nhà tôi nhà trường đã cắt cử cô Hồng Nga người có chuyên muôn về dạy trẻ tự kỉ phụ trách lớp. Cô đã tìm hiểu sở thích của bé, xem bé thích ăn gì, uống gì,  thích môn học nào, các đồ dùng học tập cho bé cũng đặc biệt hơn các bạn. Cô còn rất nhẹ nhàng trong việc nói chuyện với bé, thường động viên bằng phần thưởng khi bé ngoan hơn và hòa đồng với các bạn hơn. Khi bé hung hăng muốn phá phách, cô thường đưa bé ra một chiếc ghế xa các bạn để trấn tĩnh lại. Mậc dù lớp đông nhưng lúc nào cô cũng quan sát để bé không bị rơi vào tình trạng bị cô lập.

Dần dần tình hình đã được cải thiện rất nhiều. Bé tự kỉ đã biết nói những từ đơn giản để biểu lộ cảm xúc và nhu cầu của mình như: Không, có, vâng, thích, ghét…. Bé dần chơi cùng các bạn những trò chơi đơn giản. Lên bảng bé trả lời sai cũng không tỏ ra quá sợ hãi như trước nữa vì được cô giáo động viên và các bạn cổ vũ. Bố mẹ bé đã mừng đến phát khóc khi con có sự tiến bộ như vậy. 

Bố mẹ bạn đã thừa nhận việc đưa bé đến trường học học cùng với trẻ bình thường để giúp các em hòa đồng với xã hội là việc làm đúng đắn. Không còn có sự kì thị như một số trường khác: Nhất định không nhận trẻ tự kỉ hoặc có nhận thì cũng bỏ bê và xa lánh. Các bé đã mắc bệnh là một sự thiệt thòi, lại không nhận được sự quan tâm của xã hội thì càng thiệt thòi hơn. Tương lai các bé sẽ ra sao khi ngay từ bé các bé đã phải chịu đựng những tổn thương về mặt tinh thần.

Do đó, rất cần thiết đưa trẻ tự kỉ đến trường học cùng trẻ bình thường như chính sách xã hội của nhà nước ta hiện nay đối với các trường mầm non công lập. Đồng thời, rất cần sự nỗ lực của các thầy cô và bạn bè trong việc giúp trẻ tự kỉ trở nên tốt hơn. Mỗi phụ huynh hãy giáo dục con em mình coi bạn tự kỉ như một người bạn bình thường để các em có cơ hội phát triển trong cuộc sống, đừng phân biệt đối xử mà làm thui chột đi nhân cách của một con người mà sẽ trở thành một công dân của đất nước trong tương lai.

Dù biết rằng, tìm được trường thích hợp cho các cháu mới bắt đầu đi học mẫu giáo hiện nay là việc rất khó như trong bài chúng tôi đã chia sẻ Gian nan đi tìm trường mầm non cho con, tuy vậy đó vẫn là công việc mà các bậc cha mẹ bắt buộ phải làm để cho con trẻ được học tập trong môi trường thích hợp nhất.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét