Thứ Sáu, 5 tháng 9, 2014

Ra Hà Nội học cấp 3: Bước đi sai lầm hay đúng đắn?

Cho con ra Hà Nội học cấp 3 (tức là khi các em còn khá nhỏ) là bước đi lớn của những gia đình tiến bộ với ước mong điều tốt đẹp cho con trong tương lai và con em họ cũng toàn là học sinh giỏi giang của tỉnh nhà. Nhưng có người thì con đạt được ước nguyện của bố mẹ, có người thì con cái lại bị tuột dốc, trở nên tự ti trước cuộc sống xa hoa và náo nhiệt chốn đô thành

1.    Cho con ra Hà Nội học là bước đi đúng đắn


Hà Nội là trái tim của cả nước, nơi hội tụ những tinh hoa của dân tộc. Không chỉ phát triển về các mặt văn hóa, xã hội, kinh tế… mà giáo dục ở đây cũng tốt hơn rất nhiều so với các tỉnh thành khác. Không chỉ có các sinh viên đại học đổ về đây mà rất nhiều bạn trẻ từ khi mới vào cấp 3 cũng đã xách hành lí lên đường gia nhập vào thành phần học sinh ngoại tỉnh học tại Hà Nội với ước mơ trở thành con người giỏi giang đáng tự hào của gia đình và xã hội. Tại Hà Nội có các trường nổi tiếng mà nhiều học sinh giỏi hay đăng kí vào như Trường THPT Nguyễn Tất Thành, Amsterdam, Chu Văn An, chuyên Nguyễn Huệ, THPT Chuyên ĐH Sư Phạm, trường THPT chuyên Khoa học Tự nhiên, trường chuyên Ngữ… Đây là các trường toàn học sinh giỏi do các thầy cô giáo chuyên môn cao, kinh nghiệm vững vàng và kĩ năng sư phạm tốt giảng dạy. Do đó khi đi học ở đây, các bạn đã học giỏi lại càng giỏi hơn.


Nguyễn Minh Khang (Thanh Hóa) là một cậu con trai của một gia đình nghèo ở Thanh Hóa. Tuy gia đình không có điều kiện nhưng cậu không tự ti, cậu một thân một mình ra Hà Nội trọ học, làm thêm và thi vào trường Amsterdam với mong ước sẽ chứng minh bản thân tại ngôi trường danh tiếng này. Với tố chất của một học sinh giỏi các môn tự nhiên, cộng với nghị lực tuyệt vời của một học sinh ngoại tỉnh, cậu đã có số điểm tổng kết cao nhất lớp 10 chuyên Toán mà cậu theo học. Kết thúc năm học lớp 12, cậu đã giành được học bổng theo ngành Kinh tế tại một ngôi trường Đại học danh giá của Mỹ trong sự ngỡ ngàng của rất nhiều người. Tương lai của cậu mở ra rộng lớn vì tỉ lệ người kiếm được việc làm tốt của ngôi trường này sau khi ra trường là rất cao so với các trường Đại học khác. Cậu trở thành niềm tự hào của cả gia đình. 

Như vậy, Khang đi học ở Hà Nội đã trở thành bước đệm để cậu đến với ngôi trường bên Mỹ, nơi mở ra tương lai tươi sáng cho cậu bé nghèo. Nếu không có nghị lực phi thường và quá trình rèn luyện bản thân ở trường Ams biết đâu cậu đã phải bỏ học vì cuộc sống quá khó khăn và kết thúc tuổi trẻ của mình với cái nghề nhọc nhằn nào đó.

2.  Giá như bố mẹ không quá  ham vinh hoa



Nhiều em phải ra Hà Nội học từ khi còn bé chỉ vì bố mẹ quá ham vinh hoa - Ảnh minh họa

 Không nghèo giống như Khang, Dũng (Thái Nguyên) là một chàng trai độc nhất của một gia đình giàu có và trí thức của tỉnh. Bố cậu là hiệu trưởng của một trường cấp 3, mẹ là kế toán trưởng của chi cục Thuế. Cậu cũng là một học sinh giỏi toàn diện từ những năm cấp 2. Dù không muốn đi xuống Hà Nội học nhưng vì bố mẹ quá muốn con trở nên thành công để làm rạng danh cho gia đình nên dã đốc thúc Dũng thi vào một trường cấp 3 ở Hà Nội để học. Tuy nhiên, cậu lại không đỗ được vào trường THPT Chuyên Khoa học tự nhiên như mong muốn mà chỉ đỗ được vào trường chuyên Ngữ. 

Chỉ thích các môn tự nhiên, giờ lại phải học tiếng Anh  nên cậu chán nản. Cộng với tâm lý bị hẫng hụt do phải một thân một mình dưới Hà Nội xa bố mẹ, vốn được chiều quen, nay lại phải tự lực cánh sinh mọi thứ nên cậu đã bị sốc, thành ra cậu không hứng thú với cuộc sống dưới này. Chán học và cô đơn, cậu quay ra chơi điện tử để khuây khỏa. Từ một cậu học sinh giỏi ngoan ngoãn, cậu toàn nói dối bố mẹ để chơi điện tử. Ban đầu cậu còn chơi ít nên việc học vẫn đảm bảo nhưng đến năm lớp 12 cậu đã trượt dốc với bảng điểm toàn năm là trung bình và trượt đại học. Tưởng con thi bị ốm nên làm bài không tốt như lời con nói nên bố mẹ không trách nhưng đến năm thứ 2 thi lại cậu vẫn trượt. Bố mẹ cậu đã thật sự sốc. Lúc này, họ mới thật sự tìm hiểu con qua những người bạn và biết được thực trạng của con mình. Mẹ cậu cứ khóc khi nói chuyện với mọi người rằng, bà rất ân hận vì đã cho con xuống Hà Nội học, chỉ vì niềm tin rằng con hiệu trưởng thì phải học giỏi hơn người nên đã đẩy con vào môi trường khó khăn khi con còn non nớt chưa đủ bản lĩnh đương đầu. Vì vậy, lỗi con trượt đại học là do bố mẹ chứ không phải do con. 

Bố mẹ Dũng đã thay đổi bản thân mình bằng cách động viên con ôn thi lại và từ bỏ điện tử. Được ở với bố mẹ và chịu khó ôn tập, năm sau Dũng cũng thi được vào Cao đẳng Kinh tế Thái Nguyên. Vậy là cậu đã không chọn ngôi trường Hà Nội nữa mà theo học tại quê nhà. Cậu xác định sẽ ở với bố mẹ để họ kèm cặp cho đến khi đủ bản lĩnh rời xa bố mẹ thì mới thôi.

Tóm lại, xa nhà xuống Hà Nội theo học là một trong những bước đi quan trọng của rất nhiều gia đình có con học giỏi. Họ ước muốn rằng với một môi trường văn minh nhiều người tài như thế này thì chắc chắn con họ sẽ thành đạt. Tuy nhiên, nếu họ may mắn và có cố gắng thì sẽ thành công như Khang. Còn nếu họ bị cuộc sống xa hoa và đầy cám dỗ nơi này làm lu mờ khi tuổi đời còn quá trẻ và dễ bị giao động thì sẽ thất bại như Dũng mà thôi. Do vậy, tùy từng hoàn cảnh và điều kiện của mỗi em học sinh mà có quyết định sao cho phù hợp. Đừng quá tham lam mà làm hỏng tuổi trẻ của con em mình như trường hợp của Dũng là một ví dụ.

Có nhiều con đường để thành công trong công việc và cuộc sống, nhiều tấm gương về sự thành công trong lập nghiệp mà không qua cánh cổng đại học, họ có đủ tự tin và dũng cảm đối mặt với thử thách của cuộc sống, họ đã thành công. Còn bạn thì sao?

0 nhận xét:

Đăng nhận xét