Dù thời điểm “vàng” để khơi gợi tiềm năng cho trẻ nhỏ là trong độ tuổi từ 3 - 5 tuổi, nhưng điều quan trọng là cần khơi gợi đúng và trúng với những năng khiếu của từng trẻ. Đừng quá áp lực cho các bé bắt các em đi học năng khiếu mà hiệu quả sẽ ngược lại mong muốn, khiến trẻ phát triển lệch lạc.
1. Học năng khiếu nhiều nhưng hiệu quả chưa cao
Ngày nay ở các trường mầm non rộ lên phong trào cho con đi học các môn năng khiếu như Múa, vẽ, võ, hát, bơi lội, tiếng Anh… với mục đích bồi dưỡng cho các em trong lứa tuổi vàng phát triển tiềm năng ( từ 3-5 tuổi gọi là tuổi vàng phát triển tiềm năng). Tuy nhiên các em thi nhau học nhưng hiệu quả chẳng thấy đâu. Như trường hợp con gái anh Tuấn (Mỹ Đình) là một ví dụ. Anh cho con đi học bơi theo phong trào của nhà trường đã 2 năm rồi mà con chưa biết bơi, ngoài ra cháu học tiếng Anh cũng được 1 kỳ rồi mà khi bố hỏi con gà là gì thì cháu trả lời là: ò ó o.
Anh Tuấn cho biết, tiền học phí chẳng đáng là bao tổng 1 tháng khoảng 70.000, nhưng có lẽ vì thời gian học quá ít 30 phút/ngày/môn, 1 tuần học từ 1-2 buổi nên dù các thấy cô rất cố gắng, các cháu vẫn không đạt kết quả cao.
2. Vì sao đua nhau cho con đi học năng khiếu
* Học năng khiếu để bớt xem ti vi
Trong điều kiện thiếu đồ chơi cho trẻ, các hoạt động vui chơi còn nghèo nàn nên nhiều trường sáng tạo bằng cách cho trẻ xem tivi. Dùng tivi để thay thế các hoạt động giảng dạy là phản khoa học. Trẻ đến trường chỉ biết ngồi xem tivi sẽ tạo ra tâm lý ù lì, thụ động, về lâu dài sẽ dễ bị các tật về mắt. Hiệu trưởng một trường mầm non thừa nhận cũng chính vì nguyên nhân này mà nhiều phụ huynh dù không mặn mà cho con học năng khiếu vẫn bất đắc dĩ tham gia vì sợ trẻ phải ở lại lớp xem tivi.
Chị Huyền My, phụ huynh có con theo học tại một trường mầm non tại quận Đống Đa, cho biết con trai mới 3 tuổi nhưng chị phải đăng ký cho con đi học... võ. “Không rõ trẻ mới 3 tuổi mà học võ thì học những gì, việc luyện tập ra sao nhưng hầu hết phụ huynh trong lớp đều đăng ký nên phải cho cháu học. Nếu không cho con học thì cháu phải ở lại lớp xem tivi lại càng nguy hiểm hơn nữa” - chị My kể
* Đi học vì sợ thua bạn kém bè
Mặc dù biết là tốn tiền nhưng chị Lan (quận 7, tp. Hồ Chí Minh) cho biết chị vẫn phải đăng kí đủ các môn năng khiếu cho con học vì sợ trong khi các bạn học mà con mình ngồi nhìn thì thiệt thòi và tội. Nghe nói giai đoạn từ 3-5 tuổi là thời điểm vàng của trẻ nên cố gắng cho con tham gia các môn năng khiếu vì sợ sẽ bỏ lỡ cơ hội “có một không hai” này. Bên cạnh đó, tôi thấy nhiều bé khác trong lớp cũng học nên không muốn con mình thua kém bạn bè. Tuy vậy, kết quả học tập của con khiến chị phải cân nhắc lại xem có cho cháu tiếp tục theo học hay không
* Hi vọng con thành tài
Nhiều cha mẹ thì hi vọng con sẽ phát triển thành ông nọ bà kia trong tương lai nên vội vàng đăng kí con đi học năng khiếu. Tuy nhiên cô Phạm Thị Hà - Hiệu trưởng một trường mầm non tư thục ở quận Hà Đông khuyên nhủ cha mẹ không nên đặt nặng chuyện hiệu quả vì điều này sẽ gây áp lực cho trẻ. Bên cạnh đó, nếu bố mẹ thúc ép, bắt con luyện tập quá nhiều có thể gây phản tác dụng, khiến trẻ mệt mỏi, sợ hãi ngay cả khi trẻ có năng khiếu thực sự.
Còn theo bác sỹ - Tiến sỹ Tâm lý Hoàng Cẩm Tú, dù thời điểm “vàng” để khơi gợi tiềm năng cho trẻ nhỏ là trong độ tuổi từ 3 - 5 tuổi, nhưng điều quan trọng là cần khơi gợi đúng và trúng với những năng khiếu của từng trẻ. Điều đáng lo ngại là hiện nay, số trẻ trong độ tuổi từ 4 - 5 tuổi mắc các bệnh về tâm lý ngày càng nhiều. Một số phụ huynh thấy con có biểu hiện thích vẽ, thích hát… đã cho rằng con có năng khiếu nên ra sức “bồi dưỡng”, khiến trẻ từ chỗ nhanh nhẹn trở thành nhút nhát, sợ đi học. Trong khi đó, trẻ ở lứa tuổi mẫu giáo có tâm lý thích học đàn, học hát, học vẽ là chuyện bình thường.
3. Để việc học năng khiếu hiệu quả phụ thuộc vào cha mẹ và thầy cô
Để trẻ phát triển tốt nhất trong khả năng của mình, khi trẻ tỏ ra đặc biệt thích một lĩnh vực nào đó, phụ huynh cần phối hợp với cô giáo ở trường để theo dõi và định hướng cho trẻ đúng lúc. Nếu phát hiện thấy con mình có năng khiếu thực sự, cha mẹ cần tạo cho trẻ niềm say mê hứng thú. Bên cạnh đó, phụ huynh cũng nên quan tâm, động viên trẻ kịp thời, không nên tỏ ra thất vọng khi con không phát triển năng khiếu như mình mong muốn bởi không phải năng khiếu nào cũng có thể phát triển thành thiên tài.
Ngoài ra, các bậc cha mẹ cũng không nên đăng ký học năng khiếu cho trẻ mầm non một cách tràn lan theo kiểu phong trào, vừa gây áp lực cho trẻ vừa lãng phí tiền của một cách vô ích. Đó chính là lý do vì sao mà các bậc cha mẹ thường rất gian nan khi tìm trường mầm non cho con trong khoảng thời gian hiện nay.
Còn đối với các thầy cô giảng dạy thì yêu cầu phải có chuyên môn, nghiệp vụ sư phạm. Đành rằng các môn năng khiếu không nằm trong danh mục đánh giá, nhận xét trẻ nên các trường tổ chức tùy theo tình hình thực tế. Nhưng ở góc độ quản lý, trường mầm non nào tổ chức dạy năng khiếu phải có báo cáo đầy đủ cho phòng Giáo dục về kế hoạch giảng dạy, giáo trình và giáo viên và phải trên nguyên tắc phụ huynh hoàn toàn tự nguyện.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét