Chủ Nhật, 21 tháng 9, 2014

Học sinh cá biệt: Lạt mềm buộc chặt

Mười năm qua đi nhưng hình ảnh người thầy đã làm thay đổi cuộc đời tôi, tôi không sao quên được. Và cũng nhờ thầy mà tôi hiểu rằng, có những điều không hay nhưng không thể thay đổi bằng sự giận dữ. Tình yêu thương lòng bao dung và sự sáng tạo mới là thứ giúp bạn thay đổi mình, thay đổi mọi người.



 “Học sinh cá biệt” là thương hiệu gắn bó với tôi từ ngày mới cắp sách đến trường. Đó cũng là lý do tại sao tôi bị đổi lớp liên tục vì không có thầy cô giáo nào có thể “trị” nổi tôi quá một năm. Mẹ khóc, bố vò đầu: “Thằng này coi như xong!”

Năm lớp 3, tần suất Giấy mời phụ huynh được gửi về nhà bắt đầu xuất hiện những năm sau đó thì khỏi phải nói, việc đó là thường xuyên và liên tục. Chuyện đó xuất hiện như một chu kì đến nỗi 2 tuần mà chưa thấy tờ giấy mời nào là y như rằng bố tôi gắt gỏng điều tra “Có thật là mày không gây ra tội gì không?”. 

Nói về những nguyên nhân khiến bố mẹ tôi thường xuyên bị “triệu tập” đến trường thì nhiều vô kể, nó đầy đủ các thể loại, từ việc bắt nạt các bạn đến việc trêu các thầy cô, chẳng có việc gì mà tôi không làm.

Tôi nhớ, lần đầu tiên tôi bị phê vào sổ liên lạc cái thương hiệu “học sinh cá biệt” là vào năm lớp 3, cái tuổi mà tôi còn chưa biết “học sinh cá biệt” nghĩa là gì. Lớp 3, tôi đẩy một bạn xuống ao. Cầm rắn ném vào bạn khiến bạn ốm mấy ngày. Thậm chí có lần đến lượt bàn tôi mang nước cho thầy cô, tôi lấy nước ao đổ vào cốc nước của cô giáo. Khi uống… một ngụm rồi hai ngụm, cô thấy nước lờ lợ hỏi nước ở đâu nhưng cả lớp không ai ho he dám nói gì vì sợ tôi trù ẻo. Nhưng biết những trò đùa này ngoài tôi ra chẳng có ai dám làm, cô đoán ngay ra tôi và kết quả là tôi phải đứng úp mặt vào góc lớp.
Đến năm cấp 2, tôi cực ghét một thầy giáo. Thầy là tổng phụ trách, nổi tiếng là “sát thủ” vì chuyên đi “bắt” những học sinh đến lớp muộn và đi dép lê đến trường. Hầu hết những học sinh đến lớp muộn đều bị thầy “túm”  rồi bắt viết bản kiểm điểm. Dĩ nhiên tôi là đứa bị ngồi viết bản kiểm điểm nhiều nhất. Để trả mối thù này, nhiều lần tôi tụ tập bạn bè đứng chặn đường thầy thậm chí là đánh thầy giữa đường lúc trời tối. Nhẹ hơn là chúng tôi phá xe, làm hỏng vườn rau, ruộng lúa nhà thầy. Những lần ấy tôi dương dương tự đắc lắm. Tôi biết thầy biết thừa thủ phạm là ai nhưng không thể trói buộc vì thầy không có bằng chứng. 

Nhưng mọi sự cứng đầu của tôi dần dần thay đổi khi ngôi trường cũ không thể chấp nhận tôi được nữa. Tôi buộc phải chuyển đến một ngôi trường mới.

Khi nhìn sổ học bạ của tôi, thầy hiệu trường lắc đầu ngán ngẩm. Thầy toan không nhận tôi vào trường nhưng vừa lúc đó có một thầy giáo trẻ bước vào, cầm sổ học bạ, nhìn tôi một lúc rồi quay sang nói với thầy hiệu trưởng: “Học sinh này thầy cứ giao cho em”.

Câu nói của thầy khiến tôi bất ngờ, trong đầu thầm nghĩ “Ông này cũng tự phụ gớm nhỉ? Chờ xem ông ý làm gì được nào?”.

Tôi bắt đầu xét nét “đối thủ” của mình. Thầy tên là Hùng, đeo một cặp kính màu đen, dáng người cao cao và nước da ngăm ngăm. Khi mới vào lớp, việc đầu tiên là thầy xếp chỗ ngồi cho tôi. Cứ tưởng rằng thầy sẽ giống với các thầy cô khác, cho tôi ngồi lên bàn đầu tiên, đối diện với bàn thầy giáo nhưng không, thầy xếp tôi ngồi bàn thứ 3, góc trong cùng. Tôi đang không hiểu tại sao nhưng cảm giác rất sung sướng vì sẽ được tha hồ vùng vẫy. Ngồi vào chỗ, nhìn quanh  lớp 1 lượt rồi vừa kịp cười khẩy một cái, thầy đã tiến lại gần và nói nhỏ với tôi: “Thầy xếp em ngồi đây là vì thầy coi e không phải học sinh cá biệt”. 

Đến trường mới, sau một tuần tôi quen với môi trường mới và bắt đầu “phá phách”. Vào giờ học, tôi thường không chú ý đến bài giảng, chỉ tìm cách chọc ghẹo các bạn trong lớp. Thầy nhắc nhở, tôi ra khỏi lớp, không quên vác cả ghế ra ngoài ngồi cho mát. Sau lần ấy, tôi còn nghĩ ra nhiều cách để trả thù thầy. Tôi đi học thật sớm, đổ keo 502 lên bàn của thầy. Thế là khi thầy đặt sách xuống, sách dính luôn vào bàn, thầy cạy mãi không được và cuốn sách rách làm hai. Tôi còn bôi cả nến lên bảng để thầy không thể viết được.

Sau những lần quậy phá như vậy, những tưởng rằng thầy sẽ đầu hàng và khỏi tính “hênh hoang” như lần đầu tôi gặp. Ai ngờ…. Không một lần thấy nặng lời, không bao giờ thầy đưa tôi gặp thầy hiệu trưởng hay gửi giấy mời phụ huynh,… Tất cả những gì thầy làm là những lời khuyên bảo ân cần. Sau khi tan giờ, thầy thường ở lại lớp, hỏi han xem hôm nay tôi mải làm việc riêng như vậy thì nắm được bài đến đâu. Thế rồi những chỗ nào chưa biết, thầy lại kiên nhẫn ngồi lại và giảng giải cho tôi. Có những lần tôi bỏ học đi chơi, thầy đến từng quán điện tử để tìm tôi. Sau khi đi tìm hết quán này đến quán khác cuối cùng thầy cũng thấy tôi trong một quán Internet nhỏ. Thầy không vào, không kéo tôi ra, không nặng lời chỉ chích. Chơi xong ván game, tôi bước ra khỏi quán là lúc trời đã nhá nhem. Tôi sững người vì không biết từ bao giờ thấy thầy đứng ngoài cửa, cạnh chiếc xe đạp cũ… đợi tôi…

Cứ thế, thầy lúc nào cũng bao dung, tình cảm và cũng chính vì thế tôi mới nhận ra ý nghĩa và tầm quan trọng của những người quanh tôi. Không ai muốn những điều không tốt xảy ra với tôi, tất cả những điều họ làm đều là vì tôi, vì muốn tốt cho tôi. Họ có thể kiên trì, nhẫn nại vì tôi mà tôi sao lại quá tàn nhẫn…. Từ đó trở đi, tôi quyết định “cải tà quy chính”, chăm chỉ học hành và dần đã bị “loại” ra khỏi danh sách học sinh cá biệt để giờ đây có thể trở thành một chàng sinh viên của trường Đại học Ngoại Thương. 

Mười năm qua đi nhưng hình ảnh người thầy đã làm thay đổi cuộc đời tôi, tôi không sao quên được. Và cũng nhờ thầy mà tôi hiểu rằng, có những điều không hay nhưng không thể thay đổi bằng sự giận dữ. Tình yêu thương và sự sáng tạo mới là thứ giúp bạn thay đổi mình, thay đổi mọi người.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét