Bộ GD-ĐT đã công bố chọn phương án thi 4 môn (gồm Toán, Văn, Ngoại ngữ và một môn tự chọn) cho kỳ thi quốc gia chung vào năm 2015. Quyết định này của Bộ GD-ĐT vẫn đang gây nhiều tranh cãi và những ý kiến trái chiều trong dư luận nhưng phải thừa nhận nó có rất nhiều điểm mới mẻ, tiến bộ. Và trong 3 phương án Bộ GD- ĐT đưa ra thì phương án thi 4 môn này có vẻ hợp lý hơn cả.
Tiết kiệm chi phí
Điều đầu tiên phải nói đến là khi gộp hai kỳ thi tốt nghiệp THPT và đại học vào làm một sẽ giảm chi phí rất nhiều. Đầu tiên là chi phí ăn ở, đi lại. Nếu như trước đây thi đậu tốt nghiệp THPT, các thí sinh và người nhà phải di chuyển đến địa điểm các trường đại học mình đăng ký tổ chức thi, thuê nhà trọ, ăn uống với giá đắt đỏ… thì với phương án này các em hoàn toàn không mất khoản phí đó.
Thêm vào đó là chi phí tổ chức, nhân lực. Trước đây,thí sinh tham dự cả 2 kỳ thi thì ít nhất phải làm bài với 7 lượt môn thi (gồm 4 môn thi trong kỳ thi tốt nghiệp THPT và 3 môn thi tuyển sinh ĐH hoặc CĐ); nhiều thí sinh tham dự 3 đợt thi với 10 lượt môn thi (gồm 4 môn thi trong kỳ thi TN THPT, 3 môn thi tuyển sinh ĐH đợt 1 và 3 môn thi tuyển sinh ĐH đợt 2); có những thí sinh tham dự tất cả 4 đợt thi với 13 lượt môn thi (gồm 4 môn thi trong kỳ thi tốt nghiệp THPT, 3 môn thi tuyển sinh ĐH đợt 1, 3 môn thi tuyển sinh ĐH đợt 2 và 3 môn thi trong đợt tuyển sinh CĐ). Nhưng trong kỳ thi THPT quốc gia mỗi thí sinh chỉ phải dự thi 4 môn thi tối thiểu, nhiều nhất là 8 môn thi và phổ biến sẽ là 5 hoặc 6 môn thi; với các thí sinh tự do (đã tốt nghiệp THPT từ 2014 về trước) thì số môn thi còn giảm đi, do vậy áp lực thi cử sẽ giảm đi rất nhiều. Thí sinh, gia đình và xã hội cũng sẽ giảm được chi phí cho kỳ thi.
Ngoài ra với kỳ thi THPT quốc gia, Bộ chỉ phải xây dựng một bộ đề thi chứ không phải xây dựng nhiều bộ đề thi như trước đây (ít nhất là 4 bộ đề thi cho kỳ thi tốt nghiệp và 3 đợt thi ĐH, CĐ) nên cũng sẽ giảm rất nhiều chi phí cho công tác này.
Không làm thí sinh bị sốc
Đây là phương án gần giống với hình thức thi như vẫn áp dụng ở những năm trước nhất. Tuy gộp thành 1 kỳ thi nhưng vẫn thi những môn như thi tốt nghiệp và đại học nên các em ít bị bỡ ngỡ. Điểm khác duy nhất là Ngoại ngữ thành môn thi bắt buộc.
Ngoại ngữ là một môn học rất quan trọng, nhất là trong thời hội nhập này. Nếu theo đúng dự kiến thì năm 2015 thị trường ASEAN sẽ là một, kể cả thị trường lao động. Nhưng thực tế hiện nay ngoại ngữ vẫn chưa được chú ý đào tạo đúng mức, nhất là ở khu vực nông thôn và vùng sâu vùng xa. Việc đưa Ngoại ngữ trở thành môn thi bắt buộc sẽ là động lực để các thế hệ học sinh sau chú tâm học Ngoại ngữ hơn, đáp ứng được yêu cầu của thị trường lao động.
Tuy nhiên, ở những trường chưa có điều kiện học Ngoại ngữ tốt, học sinh vẫn được phép chọn môn thay thế nên sẽ không bị áp lực
Ngoài ra, theo thầy Đào Tuấn Đạt - Hệu trưởng THPT Anhxtanh Hà Nội, có 5 điểm quan trọng mà phương án đưa ra vừa thực tế, vừa tiến bộ. Đó là để xét tốt nghiệp THPT, học sinh chỉ phải dự thi 4 môn thi tối thiểu, trong đó một môn tự chọn là vừa sức. Bên cạnh đó, học sinh được chủ động chọn môn thi sở trường để lấy kết quả xét tuyển vào đại học. Khi các trường đại học chọn theo môn để xét tuyển, thay vì theo khối thi truyền thống A, B, C, D… cứng nhắc như hiện nay sẽ giúp trường tuyển được thí sinh có thế mạnh, phù hợp với ngành nghề đào tạo. Sự phân hóa và thay đổi theo xu hướng đánh giá năng lực sẽ giảm được lối học vẹt, học tủ... Kỳ thi với sự chủ trì của các trường đại học cũng tạo ra sự yên tâm cho các trường về sự nghiêm túc để tuyển chọn được những sinh viên đủ năng lực
Những thay đổi quan trọng cần lưu ý
Thay đổi thi là vấn đề lớn và nhạy cảm, vì vậy để tạo sự yên tâm, học sinh, thầy cô giáo và phụ huynh cần lưu ý những điểm quan trọng sau trong kỳ thi quốc gia chung được tiến hành vào năm 2015:
- Ngoài 4 môn thi nói trên, các trường ĐH, CĐ có thể quy định thi thêm một môn để tuyển chọn được những sinh viên phù hợp nhất cho trường của mình.
- Với những học sinh, học viên không được học Ngoại ngữ hoặc học trong điều kiện không đảm bảo chất lượng thì được chọn môn thay thế trong số các môn: Vật lý, Hóa học, Sinh học, Lịch sử và Địa lý.
- Thí sinh có chứng chỉ Ngoại ngữ theo quy định do Bộ GD&ĐT công bố sẽ được miễn thi tốt nghiệp THPT môn Ngoại ngữ.
- Thí sinh đã tốt nghiệp THPT các năm trước chỉ phải đăng ký các môn thi phục vụ cho tuyển sinh ĐH, CĐ.
- Thời gian: Kỳ thi THPT quốc gia năm 2015 sẽ diễn ra vào các ngày 9-12/6.
- Hình thức thi: Các môn Toán, Ngữ văn, Lịch sử, Địa lý, thí sinh thi tự luận, thời gian 180 phút. Các môn Vật lý, Hóa học, Sinh học, Ngoại ngữ thi trắc nghiệm, thời gian 90 phút.
- Nội dung đề thi tiếp tục được đổi mới theo hướng đánh giá năng lực người học, tăng dần các câu hỏi ở mức độ vận dụng, các câu hỏi mở; giảm dần yêu cầu ghi nhớ máy móc số liệu, sự kiện hay trả lời theo khuôn mẫu có sẵn.
- Việc coi thi, chấm thi sẽ được tổ chức theo cụm. Bộ GD&ĐT sẽ công bố các cụm thi và giao nhiệm vụ chủ trì tổ chức cho các trường đại học đủ năng lực. Tại các địa phương không có cụm thi do trường đại học chủ trì, Bộ GD&ĐT sẽ thống nhất với UBND cấp tỉnh tổ chức một số cụm thi do các sở GD&ĐT chủ trì.
Với nền giáo dục hiện nay của nước ta, đổi mới để phát triển là việc làm vô cùng cần thiết. Tuy phương án tổ chức một kỳ thi quốc gia chung chưa phải là phương án tối ưu và được ủng hộ tuyệt đối, nhưng nhìn nhận một cách khách quan đây là phương án hợp lý nhất trong thời điểm này. Do đó rất cần sự ủng hộ của các thầy cô giáo, học sinh và phụ huynh trên toàn quốc.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét