Thứ Ba, 30 tháng 9, 2014

“Vỡ mộng” khi trở thành sinh viên

Cũng giống như bao nhiêu người khác, khi còn học cấp 3 khao khát lớn nhất của tôi là được bước chân vào cánh cửa trường Đại học, được ngồi trên giảng đường và được gọi là sinh viên. Nhưng khi ước mơ đã thành sự thật thì tất cả những điều đó lại làm tôi thất vọng hoàn toàn, bao nhiêu điều tươi đẹp mà tôi tưởng tượng trước đó giờ đây đã thành một đống đổ nát.

Ngày cấp 3, Đại học trong tôi là một ngôi trường khang trang, khuôn viên rộng rãi, các tiết thực hành nhiều hơn lý thuyết và không có chuyện thầy đọc, trò chép một cách gò bó. Không những thế, tôi sẽ có cơ hội được tham gia vào những câu lạc bộ trong trường như câu lạc bộ bóng chuyền, bóng rổ hay guitar. Nhưng không phải thế. Khi là một sinh viên của một trường về công nghệ, mọi suy nghĩ trong tôi đã khác.

Giờ học lý thuyết vẫn chiếm đa số, các tiết thực hành chỉ có thể đếm trên đầu ngón tay. Nhiều khi đến giờ thực hành, cả lớp đang nhao nhao hí hửng để chào đón những điều thú vị thì được nghe thông báo: “Chưa kịp chuẩn bị phòng thực hành, hủy lớp và thay vào tiết lý thuyết”. Thế là những giờ thầy đọc, trò chép lại bắt đầu. Thầy giáo bảo lấy sách giáo trình ra và lấy bút… gạch chân những dòng thầy đọc. Những lúc như vậy tôi lại cảm thấy mình như quay lại thời là học sinh, còn quá bé nhỏ và mọi sự sáng tạo của mình dường như bị kìm nén bởi những tiết học máy móc như vậy.

Nhưng những tiết học trở nên quy tắc máy móc hơn khi các thầy giáo còn quá chú trọng đến việc điểm danh. Trước khi vào học, điểm danh. Cuối tiết học cũng điểm danh trong khi cả một hội trường có hàng trăm sinh viên mà tiết học chỉ có 45 phút. Nhiều khi thời gian thầy cô giáo dành ra cho việc điểm danh đã chiếm quá nửa. Hơn nữa, sinh viên đến cũng chỉ để chống đối thậm chí chúng tôi còn nhờ… điểm danh hộ vào những ngày ngại đến… điểm danh.



 Đại học – đến chỉ để… điểm danh

Không dừng lại ở đó, tôi còn chao đảo với cơ sở vật chất của trường. Khuôn viên của trường quá bé thậm chí còn không có đủ sân để phục vụ những tiết giáo dục thể chất của chúng tôi. Ngày cấp 3, sân vận động của chúng tôi rộng thênh thang nhưng chỉ phải học cùng với 1, 2 lớp khác vì bị trùng tiết. Còn Đại học thì sân vận động chỉ bằng 1/2 sân vận động cấp 3 nhưng một tiết học phải san sẻ với  5, 6 lớp. Nào là lớp bóng chuyền, nào là lớp bóng rổ, lớp học aerobic hay thể dục nhịp điệu…. Sự bon chen đó khiến chúng tôi không được thoải mái vì không có đủ diện tích để phục vụ quá trình học tập.
Sau những giờ học nhàm chán và căng thẳng như vậy những tưởng rằng chúng tôi sẽ được giải trí hay tham gia những câu lạc bộ được tổ chức trong trường giống như những bộ phim mà tôi đã từng xem. Nhưng sự tưởng tượng đó chỉ mãi là tưởng tượng. Ngày mới là sinh viên năm nhất, khi vào trường tôi đi tìm những câu lạc bộ đế sinh hoạt ngoài giờ. Nhưng hỏi thì câu lạc bộ bóng rổ không có, bóng chuyền không có, cầu lông, bơi lội cũng không, chỉ có duy nhất câu lạc bộ bóng đá cho nam. Những câu lạc bộ thu hút được đông đảo sinh viên và duy trì lâu nhất chỉ là những câu lạc bộ âm nhạc hay tình nguyện.



Đó là câu chuyện liên quan đến việc học hành khi bước chân vào Đại học còn những chuyện trong cuộc sống mà sinh viên phải trải qua cũng vô cùng vất vả.

Việc đáng để nhắc đến nhất có lẽ là việc chỗ ở của sinh viên. Đáng lẽ Kí túc xá là nơi quen thuộc và gắn bó với chúng tôi, nhưng thực tế khi bước chân vào Đại học tôi mới biết đó là nơi quá xa xỉ. Bởi lẽ không phải ai cũng được ở đó mà hầu hết đều phải ra ngoài trọ tại những khu trọ tồi tàn nhưng giá đắt cắt cổ. 

Hàng chục phòng, mỗi phòng 2-3 người nhưng dùng chung một nhà vệ sinh, một nhà tắm là cảnh quá quen thuộc với chúng tôi. Không những thế, những phòng trọ này an ninh không đảm bảo, thường xuyên xảy ra trộm cắp. Những vụ việc mất trộm laptop, quần áo, xe cộ,… diễn ra thường xuyên khiến chúng tôi luôn phải sống trong thấp thỏm, lo âu.

Đó chỉ là một vài ví dụ khiến tôi hoàn toàn thất vọng và vỡ mộng khi bước chân vào cánh cổng trường Đại học. Tuy nhiên, tôi biết không phải tất cả các trường Đại học đều mắc phải những hạn chế này, cũng có những trường có các trang thiết bị và cơ sở vật chất phục vụ cho sinh viên đầy đủ và hiện đại nhưng không phải là nhiều. Hi vọng trong tương lai, chất lượng đào tạo cũng như cơ sở vật chất của các trường Đại học sẽ được cải thiện và nâng cấp để sinh viên có một môi trường tốt nhất học tập và phát triển.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét