Thứ Năm, 2 tháng 10, 2014

Choáng với những khoản thu đầu năm độc, lạ

Một năm học mới lại đến. Hòa chung không khí vui tươi rộn ràng của các em học sinh trong ngày tựu trường là nỗi lo lắng của các bậc phụ huynh với các khoản đóng góp đầu năm. Năm học 2014 – 2015 này, các bậc phụ huynh phản ánh rất nhiều về những chi phí “sáng tạo” mà nhà trường quy định khiến họ không tưởng tượng nổi. Cùng điểm qua một số khoản thu độc – lạ khiến phụ huynh choáng váng này. 

Tiền “xã hội hóa” xây nhà vệ sinh thông minh


Ngoài các khoản phí thông thường, mỗi học sinh sẽ phải đóng thêm 400.000 đồng tiền xây dựng nhà vệ sinh thông minh -  Đó là quy định gây rất nhiều tranh cãi tại trường THCS Colette (quận 3, TP.HCM). Nhà trường đang có dự án xây dựng nhà vệ sinh thông minh cho học sinh với tổng kinh phí khoảng 2 tỷ đồng và số tiền đó tất nhiên được “xã hội hóa” lên đầu phụ huynh học sinh. 

Cũng tại TP. HCM, trường THCS Lê Quý Đôn (quận 3) cũng đã xây bảy lốc nhà vệ sinh thông minh lên đến 600 triệu đồng bằng tiền của phụ huynh.

Tiền phí mang nước lên tận lớp


Tại một số trường học trên địa bàn thị xã Bỉm Sơn (Thanh Hóa) nhà trường còn đặt ra những khoản phí cực kỳ sáng tạo khác đầu năm học. Có những khoản thu mà nhìn vào, các bậc phụ huynh cũng “bó tay” không hiểu như tiền Xã hội hóa giáo dục, Quỹ hoạt động hội, Quỹ nhân đạo, báo đội mua tăm tre, thuê nhân công quét dọn vệ sinh, tiền điện sáng, quạt mát, tiền nước máy, giấy vệ sinh, tiền học tăng buổi, mua ca cốc, tiền làm thẻ học sinh phục vụ cho việc khám chữa bệnh BHYT... đặc biệt là tiền thuê mang nước lên đến tận lớp. 

Tính sơ sơ rong danh sách của nhà trường có đến 18 khoản phí “khó hiểu”.

Thông báo về các khoản thu của trường Tiểu học Ngọc Trạo, Bỉm Sơn, Thanh Hóa.

Cũng “khó hiểu” không kèm là tại một trường mầm non ở quận 3, TP.HCM, phụ huynh được phát phiếu thông báo đóng tiền đầu năm gần 2 triệu đồng với 14 khoản thu trong đó có khoản tiền “nâng cao chất lượng” tới 300.000 đồng.

14 khoản phí của trường mầm non tại quận 3, TP.HCM.

Tiền mua vé ăn chay để gây quỹ đúc tượng


Theo Thanh niên nêu ra một khoản tiền lạ khác đó là nhà trường “vận động” phụ huynh mua vé ăn tiệc chay để gây quỹ đúc tượng. Đó cũng là một khoản dở khóc dở cười ở trường tiểu học Lê Quý Đôn (phường 4, thành phố Mỹ Tho, Tiền Giang).

Được biết trong năm học 2013 – 2014 nhà trường đã vận động phụ huynh đóng góp mỗi người từ 100.000 đồng trở lên cho việc đúc tượng nhà bác học Lê Quý Đôn đặt trong khuôn viên trường.  Trường có hơn 2.000 học sinh nhưng sau đó trường cho là thiếu nên đầu năm học 2014 – 2015 đã vận động đóng góp tiếp tục bằng cách  “ép” mua vé ăn chay gây quỹ với giá 100.000 đồng/vé khiến nhiều phụ huynh bức xúc. 

Đóng cả tiền mua rèm cửa, sơn sửa trường…


Mặc dù đã đóng góp tiền xây dựng trường, nhưng nhà trường vẫn lên danh sách các khoản thu lẽ ra phả được trích từ tiền xây dựng như tiền mua rèm cửa, sơn sửa tường, tiền làm mái che… 



Ở trường tiểu học Tân Trụ, quận Tân Bình, TP.HCM, phụ huynh phản ánh nhà trường thông báo phụ huynh mỗi lớp đóng góp 15 triệu đồng để trang bị rèm cửa cho lớp. Mỗi lớp khoảng 40 học sinh, vậy là số tiền mỗi em đóng góp để mua rèm cửa lên tới gần 400.000 đồng.

Tại trường tiểu học Nguyễn Đình Chiểu (phường 8, thành phố Cà Mau), phụ huynh trường được nhà trường yêu cầu đóng tiền sơn sửa trường, tiền làm mái che, tiền trồng 2 cây bàng, phí khuyến học, phí khen thưởng, phí Trung thu... 

Báo Lao Động đưa tin theo một phụ huynh lớp một trường tiểu học V.V.H (quận 9, TP.HCM) cho biết, ngay đầu năm học, cô giáo chủ nhiệm đã đề nghị mỗi học sinh đóng 400.000 đồng để mua ti vi phục vụ học tập. Ngoài ra, mỗi học sinh còn phải đóng thêm những khoản lặt vặt khác như đôi dép 30.000 đồng, ghế ngồi 70.000 đồng…

Các khoản nhà trường thu hộ


Ngoài các khoản phí đóng góp cho nhà trường như tiền xây dựng trường, học phí,  phụ huynh còn phải oằn lưng “móc hầu bao” đóng các khoản mà theo nhà trường giải thích là những khoản “thu hộ”.

Trường THCS B.Đ (Q.3, TP.HCM) thì có tới 12 khoản thu hộ, chi hộ phụ huynh phải đóng như học phí tiếng Anh tăng cường 45.000 đồng; phí phục vụ bán trú 52.000 đồng; phí vệ sinh 12.000 đồng; học vi tính 15.000 đồng; nước uống 7.500 đồng; truy bài bán trú 67.500 đồng; học với thầy nước ngoài 112.500 đồng; thu đầu năm 633.000 đồng… và một loạt các khoản thu khác như bảo hiểm y tế, bảo hiểm tai nạn, phù hiệu, sổ liên lạc - báo bài, phiếu báo điểm - học phẩm, phiếu mẫu vật thực hành...

Tại các trường học ở Thị xã Bỉm Sơn, Thanh Hóa, khi cuộc họp phụ huynh chưa diễn ra, nhà trường đã có thông báo danh sách các khoản thu gửi về tận tay từng phụ huynh một như “chiếu chỉ” phải nộp, trong đó các khoản thu hộ bao gồm: hiểm y tế (bắt buộc); bảo hiểm thân thể; các khoản dịch vụ như: tiền xe 76.000đ; nước uống 47.500đ; học thêm 9.000đ/buổi; quỹ hội chữ thập đỏ 12.000đ; học bạ khối 10 5.000đ; giấy vào lớp 10; bì đựng hồ sơ tốt nghiệp; tiền mua vở theo mẫu thống nhất (chỉ tiêu đặt ra là mỗi học sinh khối 10 là 27 cuốn, khối 11, 12 mua theo nhu cầu); tiền mua máy chiếu đa năng 300.000 cho khối 10, 200.000đ cho khối 11 và 100.000 cho khối 12; tiền mua áo đồng phục đông, hè; mua ghế chào cờ, thẻ học sinh 25.000đ, quỹ Xã hội hóa giáo dục 300.000 khối 10/gia đình, 250.000đ/gia đình học sinh khối 11 và  khối 12 là 200.000đ/gia đình….

Có thể thấy, các khoản thu đầu năm đang là một gánh nặng lớn dồn lên vai các bậc phụ huynh, nhất là khi nhà trường phát sinh nhiều khoản vô lý nhưng được hợp thức dưới hình thức xã hội hóa hay thu hộ. Thiết nghĩ cần lắm một cơ chế công khai, minh bạch cho các khoản phí đầu năm học để mỗi mùa tựu trường đến, các em học sinh được tận hưởng trọn vẹn niềm vui tới trường mà không phải nơm nớp lo sợ nói với cha mẹ thế nào về các khoản phí. Còn các bậc phụ huynh không còn phải chạy vạy đóng đủ cho các khoản phí, bởi dù thấy vô lý nhưng không dám lên tiếng vì sợ thầy cô trù dập con em mình.

Mặc dù số tiền phải đóng đầu năm học của các em mỗi năm một tăng so năm trước nhưng chất lượng đào tạo liệu có thực sự được tăng lên tương ứng với mức tiền của gia đình bỏ ra, liệu các em có được đào tạo trong môi trường giáo dục tốt hơn hay vẫn phải chịu đựng trong môi trường giáo duc thối nát như hiện nay?

0 nhận xét:

Đăng nhận xét