Thứ Năm, 20 tháng 11, 2014

Bỏ 3 năm trung học phổ thông: Phương án cải cách bất khả thi

Những năm gần đây, cải cách giáo dục dâng lên như một làn sóng dữ dội. Ở bất kì một cuộc họp, một hội thảo và ngay trong Quốc hội những ý kiến cải cách giáo dục liên tục được đề xuất: Nên bỏ kì thi tốt nghiệp hay Đại học? Thi bao nhiêu môn trong kì thi tốt nghiệp,… đều được bàn luận sôi nổi. Và đặc biệt, ý kiến của Hiệu trưởng trường Đại học FPT Lê Trường Tùng cũng nhận được sự quan tâm khá lớn của dư luận đó là: Nên bỏ 3 năm trung học phổ thông! Liệu đây có là một ý kiến hay và chúng ta có nên thực hiện?


Hiệu trưởng trường Đại học FPT Lê Trường Tùng

Nguyên nhân khiến ông đưa ra đề xuất này là vì theo chuyên gia, hiện nay chương trình giáo dục của nước ta còn quá rườm rà và lạc hậu. Theo như mô hình giáo dục Anh quốc, học sinh nước này thay vì mất tới 12 năm học chương trình phổ thông như nước ta, họ chỉ còn khoảng 9-10 năm, sau đó có thể học CĐ hoặc học dự bị ĐH trước khi vào ĐH. Và theo mô hình này, học sinh chỉ chọn 6-7 môn, chứ không phải học tất cả các môn như hiện nay. Bên cạnh đó, chúng ta hoàn toàn sử dụng 2/3 chương trình sách giáo khoa của Anh cho các môn khoa học tự nhiên Toán, Lý, Hóa,… và chỉ phải biên soạn lại chương trình các môn Khoa học xã hội.

Thực tế đề xuất này cũng có cái lý của nó vì quả thực, xét cho cùng chương trình đào tạo với 12 môn học ở chương trình phổ thông còn máy móc. Tuy nhiên, bỏ đi tới 3 năm chương trình học phổ thông liệu là điều hợp lý?

Mặc dù chương trình đào tạo của nước ta hiện nay còn nhiều bất cập, chưa theo kịp với thế giới tuy nhiên, không phải đương nhiên mà trước đây các chuyên gia Giáo dục xây dựng chương trình đào tạo với 4 cấp: Tiểu học, Trung học, Trung học phổ thông và Đại học/ Cao đẳng. Thực tế, kiến thức cấp 3 là tiền đề quan trọng cho học sinh khi bước vào Đại học. Các kiến thức này đủ khó để các em tư duy và phát triển, để các em dày dạn hơn trong việc nhìn nhận vấn đề từ đó khi bước lên cấp Đại học, các em không còn quá non nớt để tiếp thu những ý kiến của các bậc Giáo sư, Tiến sĩ ở cấp Đại học. Hay nói một cách cụ thể hơn, những đứa trẻ 14, 15 tuổi chưa đủ nhận thức để theo học các lớp ở trình độ Đại học

Bên cạnh đó, nếu nói chương trình cấp 3 quá tải với nhiều môn học rườm rà, không cần thiết mà cắt bớt thì chúng ta cần phải cắt bớt tất cả các cấp chứ không riêng gì cấp 3. Vì thực tế, ở mỗi cấp học đều chứa đựng một sự rườm rà riêng, cho đến nay chưa chương trình ở cấp học nào thực sự hoàn thiện. Nếu như chúng ta muốn cải cách, phải thay đổi cần phải xem xét toàn bộ chương trình giáo dục từ Mầm non đến Đại học và thay đổi toàn bộ chương trình ở các cấp đó. Các kiến thức không quan trọng sẽ phải cắt bớt, sau đó dồn kiến thức ở các lớp trên cao xuống lớp thấp hơn, gom góp sao cho “nhét” được những kiến thức nền tảng cho các em trong 9 năm học chứ không thể cắt toàn bộ và bỏ toàn bộ các kiến thức cấp 3 như ý kiến nêu trên. Mặc dù vậy, với cách làm này theo tôi con số 9 năm vẫn còn ít bởi vì như thế việc giảm tải mà chúng ta đang hướng đến chẳng phải đã bị “vô hiệu hóa” rồi sao? Các em sẽ phải học các trương trình quá khó so với lứa tuổi, từ đó không lĩnh hội hết được các kiến thức trong chương trình. Ở các nước khác, chương trình đào tạo phổ thông của họ chỉ kéo dài 9 năm, đến năm 20 tuổi học sinh đã có thể cầm tấm bằng Đại học và đi làm. Tuy nhiên họ làm được điều đó là vì họ cũng mất nhiều năm nghiên cứu để chương trình giáo dục phù hợp với tư duy, văn hóa con người nước họ. Việc chúng ta lấy giáo trình của họ ốp sang nền giáo dục nước mình là điều vô cùng nguy hiểm. 

Hơn nữa, với người Việt Nam, giai đoạn cấp 3 là giai đoạn có nhiều sự chuyển biến mạnh mẽ về tâm sinh lý, lứa tuổi, rất cần sống trong một môi trường có sự quan tâm, giáo dục nghiêm ngặt của người lớn. Nếu như cắt chương trình phổ thông để các em rời xa nhà gia đình lên các thành phố lớn học Đại học, các em sẽ thiếu đi sự kèm cặp của gia đình vào thời điểm có nhiều biến động nhất về tâm sinh lý, rất dễ khiến các em sa ngã hay có những quyết định sai lầm.

Thiết nghĩ cải cách giáo dục là vấn đề cần thiết tuy nhiên cải cách thế nào cho phù hợp mới là điều quan trọng. Việc cắt bớt toàn bộ chương trình cấp 3 để các em chuyển thẳng lên Đại học, xét trên nhiều bình diện đều không phù hợp. Nếu như muốn rút ngắn khoảng thời gian các em học phổ thông, chúng ta cần cải cách và sửa đổi toàn bộ chương trình giáo dục từ Tiểu học cho đến cấp 3, giảm tải những kiến thức không cần thiết để dồn số năm lại theo cách làm mà tôi đã nêu ở trên. Hy vọng, với những nỗ lực cải cách giáo dục chúng ta sẽ đưa ra những phương án hiệu quả để có một chương trình đào tạo hợp lý, vừa giảm tải được lượng kiến thức cho học sinh, vừa có thể bắt kịp với thế giới để nền giáo dục của nước ta không còn lạc hậu.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét