Chấm điểm bằng con dấu đối với học sinh Tiểu học là một trong những thay đổi lớn nhất của ngành giáo dục năm nay. Ở nhiều nước trên thế giới, phương pháp này đã được áp dụng từ lâu, tuy nhiên đến Việt Nam, việc chấm điểm bằng con dấu phù hợp đến đâu còn phụ thuộc vào cách làm việc của giáo viên vì thực tế về bản chất, phương pháp này còn nhiều bất cập.
Chấm điểm bằng số như truyền thống là việc chấm điểm mang tính chất định lượng còn chấm điểm bằng những lời nhận xét (con dấu) là mang tính chất định tính. Về lý thuyết, chấm điểm bằng nhận xét sẽ làm giảm áp lực cho các em học sinh, giảm bệnh thành tích trong giáo dục nhưng dù thế nào đi nữa, con dấu cũng không thể thay thế lời phê.
Con dấu là một cái khuôn đúc sẵn, những lời nhận xét trên con dấu chỉ dựa trên những lỗi thường xảy ra với học sinh. Tuy nhiên, thực tế bản thân mỗi học sinh tiếp thu kiến thức, năng lực học tập khác nhau. Nếu chỉ nhận xét chung chung như vậy sẽ không đánh giá hết năng lực từng của học sinh. Người giáo viên tốt là người giáo viên chỉ được cho học sinh biết từng điểm mạnh, điểm yếu của mình để các em phát huy và khắc phục. Tuy nhiên, một con dấu với nội dung chung chung như “cô khen”, “Cần cố gắng hơn”,… chắc chắn không thể bằng một lời phê “Con làm bài có tiến bộ, cố gắng không tẩy xóa”,…
Bên cạnh đó, việc sử dụng con dấu để nhận xét giáo viên khó định hướng được cho học sinh cách khắc phục lỗi một cách chi tiết và cụ thể. Hơn nữa về mặt cảm xúc giáo viên khó thể hiện cảm xúc bằng lời với học sinh một cách chân tình. Từ đó học sinh không hiểu rõ bản thân mình đạt được kết quả gì, mình sai chỗ nào, vì sao,…
Không thể phủ định rằng, sử dụng con dấu sẽ giúp giáo viên giảm tải được công việc, làm việc nhanh gọn và nhẹ nhàng hơn. Tuy nhiên, chính ưu điểm này lại là một mối lo ngại. Thay vì tốn thời gian cho việc ghi nhận xét, họ chỉ việc cộp dấu vì thế rất dễ dẫn đến tình trạng làm cho xong, làm cho nhanh, giáo viên sẽ không còn để ý đến những chi tiết trong bài. Với những lỗi phát sinh, không phù hợp với những lời nhận xét trong con dấu, giáo viên rất dễ bỏ qua, không phản ánh để học sinh và phụ huynh biết.
Ở nước ngoài, họ cũng bỏ cách chấm điểm bằng số nhưng các giáo viên vẫn có cách “chấm điểm” riêng như đánh giá theo chữ cái A, B, C, D. Nhưng số lượng học sinh ở lớp đó ít, tâm lý học sinh nước ngoài khác với tâm lý học sinh Việt Nam, các em đến lớp thoải mái, không phải lo học thêm, bình bầu, phát phiếu, giấy khen... nên việc đánh giá bằng cho điểm hay nhận xét đối với họ không đến nỗi căng thẳng như ở nước ta.
Nhìn chung, mỗi sự thay đổi đều sẽ nhận được nhiều luồng ý kiến và đều có ưu nhược điểm riêng. Việc thay đổi hình thức đánh giá học sinh bằng việc chuyển từ việc chấm điểm bằng điểm số sang việc đánh giá nhận xét sẽ giảm áp lực cho học sinh nhưng kèm theo đó cũng có khá nhiều bất cập. Tuy nhiên, dù đánh giá bằng cách này hay cách khác, học sinh có tiến bộ hay không lại phụ thuộc chủ yếu vào ý thức tự rèn luyện của học sinh và sự quan tâm chu đáo của gia đình cũng như nhà trường. Với cách làm mới này mong rằng các giáo viên sẽ có những sáng kiến phù hợp và nâng cao trách nhiệm của mình để chất lượng giáo dục nước nhà ngày một nâng cao.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét