Thứ Hai, 29 tháng 12, 2014

Có nên cấm dạy thêm trong giáo dục?

Những ngày qua, khi báo Giáo dục Việt Nam đăng bài viết về một thầy giáo ở Hải Dương tổ chức dạy thêm ngay tại nhà và cho đó là hành vi đáng lên án, trái pháp luật, bài báo đã nhận được rất nhiều ý kiến trái chiều của dư luận. Trên cương vị một phụ huynh học sinh có con học thêm, cá nhân tôi cho rằng nếu tuân thủ quy định thì dạy thêm học thêm không có gì là xấu và Luật Giáo dục nước ta không nên cấm việc dạy thêm –học thêm…


Có cung thì có cầu


Trong thời buổi kinh tế thị trường hiện nay, có cung ắt có cầu. Việc các thầy cô giáo tổ chức dạy thêm học thêm trước hết là do nhu cầu của học sinh. Với học sinh ở miền xuôi và các thành phố, học thêm là để đáp ứng mong muốn hoàn thiện, mở mang kiến thức, giành nhiều điểm cao, giải thưởng cao trong các kỳ thi; đôi khi là để học giỏi hơn những bạn khác. Còn với học sinh miền núi, vùng sâu vùng xa, học thêm trước hết là để… bằng các bạn dưới miền xuôi, để có thêm nhiều cơ hội cho tương lai. Với một bài học, học sinh dưới xuôi có thể học hiểu được luôn thì với học sinh trên này, các thầy cô giáo thường phải giảng lại ít nhất 2 lần thì may ra các em mới hiểu được. 

Học sinh yếu cần học thêm để hiểu bài hơn; học sinh trung bình học thêm để nắm chắc hơn kiến thức; học sinh khá giỏi học thêm là để mở rộng và nâng cao những kiến thức đã học.  Những mục đích của việc học thêm này rất đúng với thực tế cuộc sống và quả thực chẳng có gì xấu.  

Để đáp ứng những nhu cầu này không ai khác chính là người thầy. Bằng chuyên môn của mình, người thầy có thể “bắt bệnh” từng đối tượng học sinh và “cho thuốc” đúng với từng trường hợp. Câu nói “Không thầy đố mày làm nên” vẫn là một phương ngôn đúng đắn, có giá trị ngay cả với thầy dạy thêm.

Các nghề khác được làm thêm, tại sao giáo viên lại không?


Có một thực tế rằng hiện nay đồng lương cơ bản của người giáo viên rất thấp so với mức tăng chóng mặt của giá cả tiêu dùng. Và nếu chỉ với mức lương như vậy các thầy cô giáo khó lòng đáp ứng được những nhu cầu thường ngày chứ không nói đến những nhu cầu cao hơn. Vì vậy dạy thêm, đáp ứng nhu cầu người học cũng là một cách chính đáng và nghiêm túc giúp các thầy tăng thêm thu nhập bằng lao động chân chính của mình. Tất nhiên, thu nhập bằng việc dạy thêm như thế nào phần lớn phụ thuộc vào năng lực giáo viên: thầy giỏi – trò tìm đến nhiều, đương nhiên thu nhập sẽ cao hơn.

Và thật bất công khi tất cả các ngành nghề khác được làm thêm ngoài giờ còn giáo viên thì lại không. Bác sĩ được làm thêm ở phòng khám tư, công nhân, bảo vệ, được làm tăng ca… cớ gì thầy giáo lại không được dạy thêm?

Gánh nặng chương trình


Với chương trình học quá nặng như hiện nay thì quả thực nếu chỉ học trên lớp với giờ học chính khóa, các học sinh không thể tiếp thu hết kiến thức và thầy cô cũng không thể truyền giảng hết kiến thức cần thiết. Để có thể đạt điểm cao trong các kỳ thi, vào trường chuyên, lớp chọn, vào những đại học tốt… thì học thêm là việc làm cần thiết.

Vậy liệu việc cấm giáo viên dạy thêm và học sinh học thêm có mâu thuẫn giữa chương trình của Bộ Giáo Dục trong thực tế hay không? Phải chăng do chương trình của Bộ đặt ra quá nặng nên học sinh tải không nổi trong thời gian trên lớp nên phải học thêm? Thắc mắc đó là hoàn toàn có cơ sở. Học sinh nước ta một lúc phải học nhiều môn học, cách dạy của ta nặng về cung cấp lí thuyết hơn là rèn luyện kĩ năng và thực hành, cách kiểm tra đánh giá phần lớn vẫn là học thuộc hơn là tư duy… Bấy nhiêu thứ dẫn đến sự quá tải cho não bộ, thời gian xử lí kiến thức trên lớp không đủ nên cần phải có thêm thời gian ngoài học chính khóa nữa. 

Áp lực thi cử


Một lí do nữa khó có thể cấm việc  học thêm chính là chuyện thi cử. Yêu cầu đặt ra đối với thi hết lớp hay thi tốt nghiệp THPT ở nước ta hiện nay không cao, tức là học sinh chỉ đạt mức trung bình trở lên. Thế nhưng với kì thi tuyển sinh đại học thì không hẳn thế. Nhiều trường đại học uy tín, chất lượng cao trong nước ta tuyển với mức điểm rất cao. Đại học Y khoa Hà Nội tuyển sinh năm 2013 với mức điểm 27,5 điểm cho ngành Bác sĩ đa khoa, những sĩ tử 27 điểm phải đau đớn chịu cảnh hỏng đại học với mỗi môn trung bình 9 điểm. 

Rõ ràng để đỗ vào những trường như thế này học sinh không thể lấy kiến thức trung bình của phổ thông, của những giờ học đại trà trên lớp. Đa số học sinh đỗ đại học đều trải qua các lớp học thêm của những thầy cô giỏi, có kinh nghiệm. Những lớp học này là để củng cố, nâng cao kiến thức, luyện giải các dạng đề, đảm bảo cho hiệu quả cao nhất, vượt trội nhất của một kì thi tuyển chọn.

Dạy thêm - Học thêm thế nào cho đúng?


Rõ ràng học thêm là nhu cầu thiết thực trong giáo dục hiện nay ở nước ta. Thế nhưng tình trạng dạy thêm – học thêm ở nước ta đã trở nên tràn lan trên và không tránh khỏi những tiêu cực. Những chuyện ở trường này, trường nọ, thầy này, cô kia tìm mọi cách “quay” học trò, ép học phải đi học thêm; hiện tượng mớm đề, lộ đề kiểm tra và đề thi có nguồn gốc từ các lớp dạy thêm không phải là chuyện hiếm.

Để việc dạy thêm – học thêm đúng người, đúng mục đích, không trở thành nơi nảy sinh những tiêu cực đáng tiếc, trước hết về phía phụ huynh, nên chọn những thầy giáo thật có trách nhiệm với trò, có đầu tư thực sự vào chuyên môn, không vướng những tiêu cực của chuyện dạy thêm. 

Về phía Bộ Giáo dục cần có quy định rõ ràng hơn về dạy thêm học thêm thì các thầy cô cứ theo quy định mà làm, có văn bản báo cáo thì việc dạy thêm không có gì là xấu.

Cũng cần phải nói thêm rằng, học thêm cũng chỉ là phần hỗ trợ thêm, nếu học sinh chỉ biết lệ thuộc vào học thêm mà không phát huy tính tự học thì cũng không bao giờ đưa lại hiệu quả cao trong học tập. Và cuối cùng, có lẽ mong muốn lớn nhất của các bậc phụ huynh chính là con em mình không cần học thêm mà chất lượng dạy và học vẫn đảm bảo, và nền giáo dục nước ta vẫn phát triển như các nước khác trong khu vực và trên thế giới.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét