Thứ Sáu, 26 tháng 12, 2014

Gian nan hành trình dạy trẻ tự kỷ

Đối với những “học trò đặc biệt” trẻ tự kỷ dưới 6 tuổi, nhiều cô giáo phải bật khóc vì bất lực trong dạy dỗ, nhưng bằng tình yêu thương và kỹ năng sư phạm, các cô đã làm được nhiều điều đáng nói mà các bậc phụ huynh có nằm mơ cũng không tin được. Như nhiều bạn chia sẻ về cách chăm sóc và giúp trẻ tự kỉ hòa đồng hơn tại trường học, có khá nhiều phương pháp được ứng dụng để giúp cho trẻ tự kỷ trở nên tốt hơn, đem lại hạnh phúc cho gia đình.

Con tiến bộ, bố mẹ mừng phát khóc


Dạy trẻ bình thường khó khăn một thì dạy trẻ tự kỷ khó khăn gấp vạn lần. Nói, rồi hướng dẫn 10; 20 lần thậm chí 100 lần, trẻ mới làm được những cử chỉ, thói quen đơn giản nhất. 

Chia sẻ khó khăn khi tiếp xúc, giúp đỡ những đứa trẻ đặc biệt này, cô Trần Thu Dung (Hiệu trưởng một trường mầm non đặc biệt ở Cầu Giấy, Hà Nội) – người có kinh nghiệm nhiều năm dạy trẻ tự kỷ tâm sự: "Đôi khi tôi phát khóc khi trẻ làm được những điều đơn giản, một thời gian dài hướng dẫn trẻ biết ngồi xổm, chỉ tay, lăn đất nặn, ngồi trên ghế, ăn cháo, biết ngồi bô… Tôi còn nhớ có một bé quê ở Phú Thọ không biết nói nhưng sau 6 tháng ròng rã bé nói được 1 từ, biết chỉ ngón tay khiến cô và bố mẹ mừng rơi nước mắt".


Công việc này rất cần tình yêu thương và sự kiên nhẫn. Cô Dung vẫn nhớ cậu bé tên Minh Ðức, 4 tuổi, có biểu hiện không ưng ý cái gì là nổi khùng, lao vào đánh bạn, húc đầu vào bụng các cô. Để xử lý hành vi này, khi con chuẩn bị đánh bạn, cô Dung cầm tay con lại, dùng bàn tay nhỏ nhắn đó vuốt ve tay bạn và nói nhẹ nhàng "Minh Đức yêu bạn lắm, Đức không đánh bạn đâu". Cứ khi nào con chuẩn bị dùng bạo lực là cô lại vỗ về nhẹ nhàng xoa dịu tâm tính của con. Sau khoảng 4 tháng thì con hết hành vi này. Cha mẹ cứ cảm ơn cô mãi.

Tuy vậy, Đức vẫn phải học nhiều nữa, để tăng khả năng giao tiếp cho con, các cô giáo dạy bé biết yêu cầu khi cần thiết. Dần dần em tìm sự giúp đỡ những khi khát nước, muốn đi vệ sinh hay bị bạn giật đồ chơi. "Con còn biết đi rửa cốc, bát khi cô yêu cầu. Dáng điệu khi đó của con rất vui, cười tủm tỉm. Từ chỗ không biết giao tiếp, con tỏ ra vui mừng khi được đi học. Giờ con còn biết nghe nhạc, khi có nhu cầu là cắm tai nghe, đưa cho cô và nói 'Nghe nhạc'", cô Dung cho biết.

Dạy chữ cho Đức cũng rất vất vả. Phải mất 3 tháng để tập tô các nét cơ bản như hình vuông, hình tròn, cái ao. Sau đó mới cho tập viết chữ, mỗi ngày kèm khoảng một tiếng và sau chục ngày con có thể viết được một chữ. 

Theo cô Dung, trẻ tự kỷ cần can thiệp sớm. Khi được can thiệp sớm và đúng cách các con có thể tự phục vụ bản thân những nhu cầu cơ bản như mặc quần áo, tắm rửa, ăn uống, đánh răng... Nhiều trẻ vẫn đi học, vào đại học được. Có những trẻ còn phát triển được tài năng của mình.

Bị trẻ cào, cắn… là bình thường


Chị Hạnh, Khoa Giáo dục đặc biệt trong một lần đi thực tập đã bị "sốc" khi gặp cháu bé 3 tuổi bị tự kỷ cứ gặp người lạ sẽ gào khóc dữ dội.

"Lúc đầu bé gào khóc, đẩy tôi ra xa, nhưng tôi vẫn không ngại, đến buổi thứ 2 bé ít khóc hơn, dỗ mãi cũng không được. Lúc đó tôi phải giả vờ không để ý bé, ngồi chơi một mình, thấy vậy bé dừng khóc, thỉnh thoảng liếc mình. Những cái liếc trộm nhiều hơn, dần dần tham gia chơi nhiều hơn. Bé còn mắc tật nói ngọng nữa nên mất thời gian dài kiên trì dạy trẻ phát âm những từ đầu tiên o, a…", chị Hạnh kể lại.


Dạy trẻ tự kỷ không chỉ khó mà việc bị trẻ cào, cắn không còn mấy xa lạ. Điều này đòi hỏi người giáo viên phải phản ứng thật nhanh. Những lúc các cháu "bùng nổ", việc kiểm soát hành vi của trẻ rất quan trọng. Có trường hợp một cậu bé có tật nghe thấy ai khóc là khó chịu và dẫn đến hành vi cắn tay, cào cấu bạn bè, cậu bé khiến chị Hạnh nhớ mãi.

Niềm vui từ những điều giản dị


Dù sự tiến bộ của từng trẻ tự kỷ khi học không nhiều nhưng chỉ cần sự thay đổi ở từng hành vi nhỏ nhất, thói quen đơn giản nhất cũng là "niềm vui lớn hơn so với dạy trẻ bình thường". Phải có tình thương yêu thực sự, nhiệt huyết với công việc cũng như sự kiên trì, những người thầy cô đặc biệt này mới có thể làm được điều kỳ diệu như vậy.

“Những lời cảm ơn của phụ huynh có con đã phục hồi ra trường hàng năm hay những bức hình ngộ nghĩnh nguệch ngoạc, bưu thiếp do chính các bé làm hoặc làm cùng ông bà, bố mẹ tặng thầy …chính là những món quà quý giá nhất mà mình nhận được trong những năm tháng gắn bó với nghề”, cô Dung tâm sự.

Với kinh nghiệm nhiều năm dạy trẻ tự kỷ, cô Dung cho biết những điều kể trên chỉ là nỗi vất vả vụn vặt trong nghề. Điều khiến người làm nghề này buồn nhất là thái độ xa lánh của xã hội, của một số gia đình có con mắc bệnh. Có những phụ huynh gặp cô giáo ngoài đường thì cúi mặt lảng tránh vì rất sợ chào hỏi mọi người sẽ biết con cái họ bị bệnh này. Không ít gia đình phó thác toàn bộ việc dạy trẻ cho các cô, không dạy dỗ con em mình ở gia đình, dù đã được hướng dẫn kỹ năng... Những điều trên càng làm khó khăn với nghề dạy trẻ tự kỷ nặng gánh hơn. Hành trình giúp một đứa trẻ tự kỷ có thể hòa nhập được với môi trường xung quanh và xã hội có lẽ sẽ mãi là câu chuyện dài không có hồi kết, nếu như không có sự nỗ lực thật sự của cả gia đình – nhà trường và cả cộng đồng.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét