Thứ Hai, 15 tháng 12, 2014

Cảm ơn cuộc đời đã cho tôi làm “cô giáo vùng cao”

Hoa hồng, đây là hoa hồng, các con đánh vần lại cho cô nào… Các con nhớ chưa?

Tôi kiên trì, tôi nhẫn nại. Nhưng tôi bực mình, “sao lại có những thứ ngu dốt đến vậy?”  Tôi muốn đánh vào mông, vào tay chúng, muốn gõ vào đầu chúng vì không hiểu tại sao, cũng là học sinh mà học sinh cái nơi tôi dạy lại “thiểu năng” đến thế. Tôi đã từng nghĩ thế, đã từng muốn làm thế…

Tôi, đứa con gái 22 tuổi, quyết định dứt áo ra đi, bỏ lại gia đình, bạn bè, bỏ lại chốn phồn hoa đô hội, để cầm quyết định nhận công tác tại vùng núi xa xôi chỉ để chạy trốn mối tình đầu tan vỡ. 

Nhưng khi đặt chân đến mảnh đất này, con tim tôi hỗn độn bao nhiêu cảm xúc, con người tôi bắt đầu run lên cầm cập. Run lên không phải vì rét mà là vì sợ, sợ tất cả những gì đang diễn ra trước mắt tôi. Nó quá khác so với những gì tôi đã tưởng tượng.

Vùng đất ấy là nơi có khí hậu khắc nghiệt, ruộng nương vắng lặng. Làng bản ở trên một ngọn núi cao, những ngôi nhà tồi tàn, rách nát, toàn là người Mông. Người ta gọi tôi là cô giáo, bạn bè tôi ở quê gọi tôi là “cô giáo vùng cao”.

Những ngày đầu trôi qua với tôi thật nặng nề và khủng khiếp. Một “nàng tiểu thư đài các” giờ đây phải sống trong ngôi nhà lá tạm bợ, không phòng tắm, không toilet. Xung quanh là ruộng nương vắng lặng, không chợ búa hay bất kì một cửa hàng tạp hóa nào. Tại sao chỉ cách nơi tôi đang sống vài trăm km thôi mà lại khác nhau đến vậy, nó cách quá xa thế giới văn minh, nó như thể hai thế giới biệt lập, nó quá lạ lẫm đối với tôi. Nhìn những cậu học trò mặt ngơ ngác, lấm lem, đôi chân trần giữa trời đông giá rét cứ thế ngước mắt lên nhìn tôi như thể một “vật thể lạ”, mà không, như thể chúng nhìn thấy một “bà tiên” mới đúng, mà tôi chạnh lòng. Tôi tự hỏi quyết định này của mình có đúng? Tôi tự hỏi liệu rằng ở mảnh đất này, cái chữ gieo xuống có nảy được thành mầm? Có gặt hái được ấm no, hạnh phúc khi mà con người nơi đây chỉ coi trọng hạt lúa củ khoai? Nước mắt tôi lăn dài trên má, tôi muốn lùi bước, muốn rút lui vì trước mắt tôi ngổn ngang bao nhiêu thử thách. Tôi trở nên buồn bực và cáu gắt hơn. Tôi cáu gắt với điều kiện sinh hoạt ở đây, tôi cáu gắt với những học sinh tôi cho là “ngu dốt”, tôi cáu gắt với tất cả mọi người. 


Nhưng rồi… Thấm thoắt gần một năm trôi qua, nghĩ lại những ngày tháng ấy, những cảm xúc khi mới bước chân đến nơi đây tôi đã bật cười. Bật cười rằng sao mình có thể hời hợt và nông nổi đến. Tại sao không đưa con mắt ra xa hơn, không nhìn thấy những cô giáo cũng từng là tiểu thư đài các, cũng từ những nơi thành thị giống tôi đến đây sinh sống và cống hiến. Họ vẫn vui vẻ, yêu đời, yêu người, nhiệt huyết với nghề. Họ vượt qua tất cả nối gian truân để đến đây gieo con chữ? Họ không kêu than, oán trách. Con người ở đây, tại sao tôi có thể coi họ là “thiểu năng”, là “ngu dốt”. Cuộc sống vốn không công bằng và họ là những người phải chịu bất công. Cũng là con người nhưng tôi được sinh ra ở một nơi có đủ đầy mọi thứ, được tiếp xúc với những công nghệ, tiên tiến văn minh. Còn họ, rõ ràng cũng cùng là một kiếp người nhưng sinh ra và lớn lên ở một vùng sỏi đá, miếng cơm cũng không có để ăn thì làm sao nghĩ đến những thứ xa xôi hơn mà họ cho rằng nó không nuôi họ sống được qua ngày? 

Đến đây tôi mới hiểu thế nào là “tình cảm con người”, mới biết rằng ở thành thị - nơi tôi sống ngày xưa điều đó thiếu thốn thế nào. Sự cạnh tranh, bọn chen đã làm lạc mất điều mà chúng ta cần trân trọng nhất. Công nghệ tiên tiến làm chúng ta quên đi những điều đơn giản để giúp chúng ta xích lại gần nhau hơn. Nơi tôi ở, một vùng cao “cằn cỗi” đất đai nhưng “phì nhiêu” tình người. Những cậu học trò lấm lem kia có thể học mãi mới thuộc được bảng chữ cái, mới nhớ được mặt con chữ “A” nhưng sự “tôn sư trọng đạo”, “kính trên nhường dưới” là điều chẳng cần phải dạy nhưng chúng đều biết vì điều căn bản ấy đã ngấm vào máu thịt, là cái sẵn có từ khi chúng mới sinh ra. Quả thực, phải đánh mất những gì mình đã có mới biết được giá trị đích thực của nó, mới biết mình hạnh phúc và may mắn hơn những người khác nhiều đến thế nào.

Gần một năm qua, nó là thời gian đủ dài để tôi biết rõ sự nhiệt huyết, yêu nghề của đồng nghiệp tôi đã và đang từng ngày trải qua. Tôi đã trải nghiệm được cảm giác hạnh phúc khi giảng dạy cho các em về những kỹ năng sử dụng khi còn nhỏ mà chúng tôi được học tại trường đại học. Đủ dài để hiểu tình cảm con người ở đây mộc mạc, nguyên sơ và đáng quý đến mức nào. Nhưng nó lại là thời gian quá ngắn để tôi hiểu được nỗi khổ, cuộc sống thiếu thốn, bụng đói, chân trần trong cái thời tiết lạnh tê lạnh tái này của những con người nơi đây trong những năm tháng qua. Tôi nhận ra rằng, đừng bao giờ chế giễu, chê bai, khinh thường những người nghèo rách, thiếu thốn vì họ đã gánh lấy những khuyết điểm, khổ cực thay cho ta, thay cho người thân của ta để ta có cuộc sống may mắn, khỏe mạnh, lành lặn, có cha, có mẹ, có cuộc sống đủ đầy, cơm no áo ấm như những gì ta đang được hưởng.

Cảm ơn cuộc đời đã đưa tôi đến vùng đất này!

0 nhận xét:

Đăng nhận xét