Thời gian gần đây, trên mạng xã hội facebook lan truyền những bức ảnh, caption mang chủ đề yêu đương chém giết mà chủ nhân của nó là những em nhỏ mặt còn búng ra sữa khiến ai nhìn thấy cũng phải giật mình. Nếu như trước đây “9x” là thế hệ được nhắc tới nhiều bởi sự lột xác trong cách suy nghĩ, lối sống so với các thế hệ đi trước thì có lẽ đã đến lúc “10x” mới là từ khóa cần được quan tâm nhiều hơn cả, bởi độ bạo dạn và cách thể hiện mình lớn sớm trên mạng xã hội.
1. Thể hiện quá “bạo dạn” trên facebook
Dường như nhờ có mạng xã hội, chúng ta mới biết được thực sự tâm lý tuổi 10x không như những gì người lớn vẫn tưởng tượng. Xét về độ bạo dạn thể hiện bản thân, có lẽ ai khi đọc những lời tình tứ yêu đương, những câu dọa dẫm chém giết trên facebook cá nhân của các em ai cũng phải giật mình: Hóa ra bọn trẻ bây giờ lại “lớn sớm” đến thế.
Cách đây hơn 1 tháng, một “cư dân mạng” là học sinh cấp 2 post toàn những ngôn từ "huynh đệ tương tàn", hoặc khoe thành tích yêu đương lên facebook cá nhân khiến cộng đồng mạng choáng váng. Những đoạn status có vẻ “không liên quan lắm” với gương mặt “nhân vật chính” còn non choẹt trong trang phục một bộ đồng phục học sinh: "Đâm hoặc đâm, chém hoặc chém anh em sống chết có nhau", "Bình yên những giấc chiêm bao, qua rồi một thời rong chơi rồi 1 thời yêu đương sớm tối", hay "Anh nói anh yêu em, là anh không nói dối"…
10X gây sốc trên mạng vì khoe cuộc sống tự do và yêu đương.
Được biết, cậu học trò sở hữu tài khoản này đang học lớp 6. Nhìn vào những gì cậu bé thể hiện trên facebook người ta có thể hình dung được một “cá tính” khác hẳn bạn bè đồng trang lứa khi cậu bé thường sử dụng ngôn từ như trong phim chưởng, có ăn chơi, yêu đương…. hơn cả những chàng trai trưởng thành. Nhìn vào list tình trường mà cậu khoe trên mạng xã hội, nếu không xem ảnh ở dưới thì khó ai tin đây lại là lời lẽ của một học sinh cấp 2 khi cậu hết khoác vai bạn gái này đến bạn gái khác.
Mới đây, một cặp đôi 10X khác lại gây sóng gió trên mạng khi post những bức ảnh yêu đương thắm thiết, kèm theo caption thậm chí còn sắc sảo hơn người lớn: "Yêu em này, thích em nọ, đóng họ em kia", hoặc "Đàn ông có tiền, giữ được đàn bà có sắc. Đàn ông có tình, giữ được đàn bà có tâm. Còn tôi chả có gì nên chẳng giữ được ai"...
Chủ nhân tài khoản facebook này là một cậu bé tên H. đang học lớp 8. "Chàng trai" 10X liên tục update ảnh yêu đương thắm thiết, cầm tay và hôn “bạn gái” mọi lúc mọi nơi như một cặp đôi đã trưởng thành.
Quả thực, nếu chỉ đọc đoạn caption này mà không nhìn ảnh, khó có thể nghĩ đây lại là dòng gửi gắm tâm tình của học sinh cấp 2 dành cho nhau: "Cũng hơn 2 tháng trôi qua rồi nhỉ, kể từ ngày bắt đầu làm phiền nhau, bắt đầu khiến nhau phải lo lắng, phải giận dỗi, phải ghen và phải hạnh phúc. Vợ cũng chả biết vì lý do gì vợ yêu anh như thế, xin đừng nghĩ vật chất và cũng đừng nghĩ là vì anh có tài. 2 con người sống hạnh phúc không phải vì những thứ đó mà là do thái độ và cách yêu. Bản thân vợ chẳng bằng người ta vì cái gì cả, kể về nhan sắc lẫn điều kiện, tính tình thì ương bướng... nhưng vợ cũng đã thay đổi nhiều. Anh yên tâm, vợ sẽ thay đổi thật nhiều hơn, để anh không phải bận tâm về vợ nữa, không phải lo lắng, không phải cáu và chắc chắn sẽ là 1 cô vợ tốt đấy. Thương anh, yêu anh, anh là tất cả...".
Xét về độ bạo dạn, nhiều người lớn còn phải lắc đầu trước các em lớp 6, lớp 7. Những hiện tượng trên phải chăng chỉ là cá biệt ở một vài cá nhân hay suy nghĩ của thế hệ 10x thực sự đã thay đổi, các em thực sự coi việc thể hiện tình yêu ở lứa tuổi 4 – 15 là điều đương nhiên, trong khi cả xã hội vẫn chưa theo kịp suy nghĩ đó nên mới cảm thấy “choáng váng”?
2. Cần hiểu rõ hơn tâm lý tuổi 10x
Một trong những nguyên nhân quan trọng nhất của việc bạo dạn thể hiện bản thân, thể hiện tình yêu của thế hệ 10x chính là do sự phủ sóng rộng rãi của mạng xã hội, nhiều em mới lên cấp 2 đã được gia đình sắm điện thoại cảm ứng nên dễ dàng trưng bày mọi thứ, từ tính cách đến chuyện bạn bè, yêu đương... lên Facebook. Một “cư dân mạng” khi xem những bức hình này bình luận rằng: "Nguyên nhân là do chơi Facebook sớm quá. Giờ lên mạng xã hội cái gì cũng ảo, nên các em ý cũng sống ảo và thể hiện bản thân thái quá. Có khi ngoài đời lại không như vậy".
Quả thật mạng xã hội cũng có thể là một công cụ “khuyến khích” việc lớn sớm của trẻ. Một bức hình khác thường so với lứa tuổi, một bình luận quá già dặn hoặc một cách tạo dáng quá người lớn… thường sẽ được nhiều người theo dõi, like hoặc bình luận hơn. Đó là động lực để các em – lứa tuổi đang bước vào giai đoạn “khủng hoàng” cảm thấy mình được chú ý, từ đó các em lại càng chạy đua với nhau đưa các hình ảnh gây sốc, các dòng trạng thái hoặc lời bình bá đạo hơn để thu hút được nhiều sự chú ý của cộng đồng. Thậm chí có nhiều bức ảnh hoặc dòng trạng thái chỉ là một sự cường điệu chứ không phải thực sự là suy nghĩ, cảm xúc hay hành động thường xuyên của các em.
Thêm nữa, một thực tế không thể thay đổi là ngày nay, chế độ nuôi dường tốt hơn, tuổi dậy thì của lứa tuổi vị thành niên đã sớm hơn (không còn gái thập tam - 13, nam thập lục -16 như xưa nữa) mà có thể bắt đầu từ 10, 11 tuổi. Theo đó, sự hấp dẫn giới tính mang tính bản năng con người cũng bắt đầu từ lúc này. Sự thay đổi này tất nhiên không theo mong muốn chủ quan của các em hay cha mẹ.
Đồng thời trẻ em bây giờ tiếp cận nhiều với phim ảnh có nội dung người lớn do không có cơ chế kiểm soát; cuộc sống căng thẳng, bố mẹ thiếu quan tâm và bản thân thiếu kỹ năng nên tìm tới những hành vi trên như một cách giải tỏa hay xu hướng muốn khẳng định bản thân, thể hiện mình đã lớn, có thể độc lập tương đối với bố mẹ.
Chúng ta phải chấp nhận thực tế rằng cuộc sống hiện đại đã thay đổi, và việc cấm các em học sinh dùng facebook dường như là việc làm không khả thi. Trong khi nhận thức của các em chưa đủ độ “chín” để phân biệt đâu là cái cần học theo, đâu là cái cần loại bỏ. Trong khi cha mẹ cứ đinh ninh con mình “bé tí, biết gì” thì đôi khi những hành động bồng bột của các em đã gây ra hậu quả lớn tới mức cha mẹ không thể lường trước.
Chúng ta vẫn luôn nói rằng, để định hướng các em đi có sự phát triển toàn diện, đúng đắn nhất cần sự quan tâm của cả gia đình, nhà trường và toàn xã hội, trong đó gia đình đóng vai trò then chốt nhất. Thế nhưng các bậc cha mẹ hiện đại ngày càng chạy theo guồng quay của công việc, cuộc sống mà ít đi sự quan tâm tới con cái, hoặc vẫn ngại ngần khi nói về vấn đề sức khỏe – giới tình, coi đó là chủ đề cấm kỵ.
Quan điểm không “vẽ đường cho hưu chạy” ngày nay dường như đã là một sai lầm vì nếu không thẳng thắn với con về các vấn đề giới tính thì "hươu sẽ vẫn cứ chạy", nhưng là chạy sai đường do tìm đọc các thông tin không chính thống qua internet. Vì thế cha mẹ phải đặc biệt chủ động tìm hiểu các đặc điểm tâm lý của giai đoạn này và có cách nhìn khoa học hơn về vấn đề giáo dục giới tính. Đồng thời dành thêm những khoảng thời gian nhất định trong ngày để chia sẻ, nói chuyện và chú ý đến con cái. Qua đó sẽ phát hiện sớm các vấn đề lớn sớm và kịp thời điều chỉnh hoặc can thiệp.
Với nhà trường, có lẽ thay vì nhồi nhét vào đầu các em những môn học để rồi một vài năm sau nhiều em chẳng bao giờ dùng đến nó, thì hãy dạy nhiều hơn những kiến thức xã hội thực tế, chẳng hạn như giáo dục giới tính, phổ biến pháp luật, kĩ năng sống... Bởi học sinh “cần học cách làm người trước khi trở thành nhà bác học”.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét