Thứ Hai, 11 tháng 8, 2014

Dạy con tự lập từ bé

Những bà mẹ thế hệ 8x như tôi khi dạy con thường không còn răm rắp nghe theo những kinh nghiệm mà các cụ truyền lại. Chúng tôi có internet, có sách báo, bất kỳ một điều gì khúc mắc chỉ cần gõ một câu lệnh trên Google là có thể giải quyết được tất tần tật. Chúng tôi có sẵn hàng trăm, hàng nghìn bài báo về dạy con kiểu Nhật, kiểu Mỹ…
Dạy con tự lập từ bé

Khi kinh tế của mỗi gia đình dần khấm khá hơn, hầu hết những bà mẹ hiện đại như tôi đều có chung một nỗi lo là nếu cứ dạy con kiểu bảo bọc con giống như các bà hay lo xa thì con lớn lên sẽ thành những chú “gà công nghiệp” ngơ ngác giữa cuộc đời. Hoặc biến chúng thành những kẻ lười nhác: Cơm dọn tận nơi, còn phải giục chán chê con mới chịu ăn, việc học hành, ngủ nghỉ, đều phải có người đe nẹt, nhắc nhở chúng mới chịu miễn cưỡng làm… Nghiêm trọng hơn, chúng thường sẽ sinh ra tính ích kỷ, đổ lỗi cho người khác chứ không bao giờ nhìn thấy lỗi lầm của mình mà sửa chữa.

Con trai tôi năm nay 3 tuổi, ở nhà tôi luôn bắt bé phải tự làm những việc bé có thể làm được. Và khi con mắc lỗi gì, tôi luôn chỉ cho con thấy, đồng thời nhắc nhở, phạt để lần sau con không được tái phạm nữa.  Nhưng câu chuyện mà tôi được tận mắt chứng kiến của một bà mẹ 9x khiến tôi phải suy nghĩ lại cách “dạy con tự lập” của mình.

Tôi chơi khá thân với bà mẹ 9x nhưng từ khi chúng tôi lập gia đình, lấy chồng, sinh con thì không có thời gian nhiều gặp gỡ nhau. Một buổi chiều, tôi gặp cô ấy khi cô mang một quyển vở đến trường cho đứa con 6 tuổi của mình. Thằng bé để quên cuốn sách ở nhà, nó nhờ cô giáo gọi điện cho mẹ mang đến. Tôi rất lấy làm ngạc nhiên, và nghĩ thầm rằng nếu cô cứ chiều chuộng con như thế thì nó sẽ hư hỏng và ỷ lại mất thôi. Dù sao đây cũng là một bà mẹ trẻ, lấy chồng khi mới 18 tuổi, chưa có nhiều kiến thức và kinh nghiệm sống.

Tôi hỏi cô ấy: “Em có thường xuyên mang đồ con để quên như thế không? Em cứ chiều thế lớn lên nó sẽ hư đấy, phải dạy nó biết tự lập chứ”. Cô ấy bảo: “Thằng bé không muốn để quên vở đâu chị, với lại em chỉ mang cho nó khi em đang rảnh thôi”.  “Nhưng nếu nó không chỉ quên lần này, mà còn quên thêm hai, ba lần nữa thì sao? Liệu em còn mang vở đến cho nó mãi được không?” “Nếu lúc đó em rỗi, thì em vẫn có thể mang tới cho nó”. “Sao em không dạy cho nó một bài học, rằng nếu quên vở thì sẽ không học được, bị cô giáo phạt để lần sau nó không còn quên nữa”. Bà mẹ trẻ cười cười, lắc đầu: “Không. Thằng bé cần sự giúp đỡ chị ạ. Đó là giá trị của gia đình phải không nào? Nhưng nếu khi con gọi điện em cũng đang bận việc của mình, hoặc em bị mệt thì em se bảo rằng: “Mẹ xin lỗi, nhưng hôm nay mẹ cũng đang rất bận việc, không thể tới chỗ con được. Con nói lời xin lỗi cô giáo nhé và xem có thể làm gì để bù đắp không”.

Khi tôi chuẩn bị ra về, bà mẹ trẻ ấy nói thêm: “Nếu thằng bé quả là có sự lơ đễnh “bác học” và liên tục quên, thì em sẽ cùng con ngồi lại xem nguyên nhân vì sao. Có phải vì  nó không chuẩn bị cặp sách từ tối mà đến sáng mới cuống cuồng cho sách vở vào cặp không? Hay vì các cuốn vở màu sắc quá giống nhau nên mang nhầm? Thế thì em sẽ cùng con mua nhãn vở nhiều màu sắc về dán”.

Câu nói của em làm tôi suy nghĩ rất nhiều. Từ trước tới nay vì muốn để con tự lập mà tôi luôn tự lập mà dằn giọng: “Con phải chịu hậu quả để mà nhớ lấy bài học này”.  Tôi  không biết rằng làm như thế những đứa trẻ sẽ không còn cảm thấy ấm lòng khi biết mẹ và gia đình luôn ở bên mình. Thay vì trừng phạt con, tôi có thể cùng con ngồi thảo luận và tìm ra giải pháp để con không quên nữa.

Đây quả thực là một bài học rất ý nghĩa với tôi. Nó giải phóng những ông bố bà mẹ như tôi khỏi nỗi sợ “làm hư con”, “nuông chiều con”. Nó nhắc nhở về sự gần gũi, thân mật, hỗ trợ trong gia đình.. Dạy con tự lập không có nghĩa là gạt đi tình yêu với con. Mà thực ra họ để con tự lập và vừa yêu thương con, chỉ dẫn con đúng cách. Để làm được như vậy, chính bố mẹ cũng phải hoàn thiện mình, là con người hiểu biết, có đạo đức để có thể hướng dẫn con đúng đắn. Chính cách dạy tưởng chừng như “không để con tự lập” đó lại dạy con để con không chỉ là một người tự lập, mà là một người tự lập thông thái, đầy bản lĩnh và xúc cảm. Không nên đem suy nghĩ của mình với tư tưởng mình là người đi trước thì kinh nghiệm hơn, suy nghĩ thấu đáo hơn mà áp đặt cho con cái, nếu không có thể chính bạn sẽ bóp nát cuộc đời con bạn

0 nhận xét:

Đăng nhận xét