Thứ Năm, 28 tháng 8, 2014

Phi lý đề án học sinh lớp 1-3 sử dụng máy tính bảng thay SGK

Vừa qua, sở Giáo dục và Đào tạo TP Hồ Chí Minh đề xuất đề án "Thí điểm mô hình đổi mới cơ bản và toàn diện giáo dục tiểu học từ lớp 1 đến lớp 3", đề án này vấp phải khá nhiều ý kiến phản đối của toàn xã hội, thậm chí còn được cho là một một ý tưởng “phi lý”.


Với kinh phí 4.000 tỷ đồng, các em học sinh từ lớp 1 đến lớp 3 tại thành phố sẽ được trang bị máy tính bảng. Các em được tương tác với tấm bảng thông minh, mỗi em sử dụng một máy tính bảng để học, làm bài tập, bài kiểm tra, giáo viên điều khiển lớp học qua máy tính, sách giáo khoa được số hóa với khả năng hiển thị hình ảnh động và âm thanh cho mỗi bài học…
Việc sử dụng SGK điện tử nhằm làm giảm chi phí ấn hành, xuất bản, giảm mua sắm cho phụ huynh và giảm mang vác cho trẻ nhỏ, đồng thời mang lại nhiều tiện ích trong học tập như các nguồn tài nguyên trên mạng, khả năng tương tác, nắm bắt hình ảnh tại chỗ... Đó là những lý do được cho là lợi ích khiến đề án này dược đề xuất. Tuy nhiên, đó có thực sự là lợi ích hay không thì chúng ta cần phải phân tích cả về tâm lý và thể chất của trẻ.



Về mặt tâm lý: Máy tính bảng là một kho tàng kiến thức, giúp trẻ có thể tìm kiếm thông tin một cách dễ dàng và nhanh chóng. Tuy nhiên, đó cũng là con dao hai lưỡi. Trong thiết bị công nghệ này, khi được kết nối với Internet tức là nó tràn ngập tất cả mọi thứ như phong cảnh, âm thanh, tin tức,... vì thể trẻ không phải tưởng tượng bất kì điều gì. Khi đó não của trẻ sẽ hoạt động ít hơn và trí tưởng tượng, khả năng tư duy của các em đương nhiên bị giảm xuống.
Không những thế, khi dành thời gian cho thiết bị công nghệ này quá nhiều, trẻ cũng thiếu đi những kiến thức, kỹ năng xã hội sơ đẳng. Chúng không quan tâm đến việc thiết lập mối quan hệ ngoài đời thực thay vào đó, chúng sẽ giành nhiều thời gian với các mối quan hệ ảo, với những nhân vật hoạt hình, các trò chơi điện tử. Vì thế, tình cảm với bố mẹ và với những người xung quanh sẽ mờ nhạt đi.
Về mặt thể chất: Nghiên cứu cho thấy 6-8 tuổi là thời kỳ trẻ có nhiều chuyển biến rõ rệt trong sự phát triển tâm, sinh lý và thể chất. Cơ bắp và xương cũng đang phát triển nên việc sử dụng sách điện tử quá nhiều có thể gây tổn hại cho sự sáng tạo, chú ý và phát triển cơ động lực của bé. Hơn nữa, trẻ em phát triển trí tuệ qua các hoạt động tay chân. Với trẻ em, không gì bằng việc học qua các đồ vật thật, sờ được tận tay, nhìn được tận mắt, kể cả việc học sách giáo khoa, viết, vẽ,... Vì thế, việc sử dụng máy tính bảng hầu như không có lợi với các em. Thay vì lật từng trang sách để rèn luyện sự tập trung, các em chỉ phải vuốt tay. Mục đích rèn luyện kĩ năng, tính cách  cũng sẽ bị gạt sang 1 bên.
Bên cạnh đó, hiện nay tỉ lệ cận thị, loạn thị của các em học sinh quá cao, có rất nhiều lớp tỷ lệ cận thị lên đến 70% mà nguyên nhân chủ yếu là vì các em tiếp xúc quá nhiều với tivi, máy vi tính,... Nếu như đề án này được thông qua, các em sẽ tiếp xúc với chiếc máy tính bảng liên tục khoảng 7-8 tiếng/ngày trong khi khoa học chứng minh, 1 ngày trẻ em chỉ nên tiếp xúc với các thiết bị công nghệ 30 phút. Chưa hết, hiện nay các lớp học đa phần không đủ ánh sáng. Nếu trẻ vừa phải đọc chữ trên máy tính bảng, vừa phải viết chữ trên vở sẽ làm cho mắt các em phải điều tiết liên tục giữa 2 môi trường sáng và thiếu sáng. Tình trạng này kéo dài có thể gây ra những tác hại cho mắt.


Khi lạm dụng máy tính bảng quá nhiều, trẻ em sẽ mất đi khả năng tư duy và tưởng tượng

Việc để trẻ tiếp xúc với máy tính bảng sẽ xảy ra tình trạng cha mẹ không kiểm soát được con chơi gì trên máy, trẻ truy cập vào web xấu, game bạo lực, trẻ nghiện máy tính, bỏ bê học hành hay nhắn tin, gọi điện tùy tiện. Không những thế, với những gia đình có điều kiện, bố mẹ tiếp xúc nhiều với các thiết bị công nghệ không nói làm gì. Tuy nhiên, với những gia đình bố mẹ chỉ làm công nhân, lao động chân tay đơn thuần, ít tiếp xúc với công nghệ thông tin thì máy tính bảng là đồ dùng lạ lẫm với họ. Như vậy cũng rất khó để bố mẹ kèm con học thêm ở nhà. Hơn nữa, sử dụng máy tính bảng trong giờ kiểm tra, trong quá trình học, đến giờ làm bài thi thì máy hết pin, máy hỏng,... thì phải làm sao?
Lập luận dùng máy tính để trẻ không phải mang cặp nặng cũng không thuyết phục. Như vậy chẳng khác nào việc chúng ta tự nhét đầy vào túi mình, tự tạo áp lực lớn để rồi lại loay hoay tìm cách giảm tải nó bằng những việc không tưởng. Có nhiều cách khác có thể giảm số cân nặng cho cặp của trẻ: Thay vì một ngày phải học thật nhiều môn thì cho trẻ học ngày 2-3 môn, không cần mang thêm quần áo để ăn ngủ ở trường… Thay vì nghĩ đến chuyện giảm nhẹ chiếc cặp sách, phải nghĩ đến việc giảm tải về kiến thức, về áp lực thành tích lên trẻ. Việc dùng máy tính bảng để trẻ khỏi mang nhiều sách vở là thay cái xấu bằng một cái tệ hơn.
Đề án dùng máy tính bảng để thay thế sách giáo khoa là điều hoàn toàn phi lý và phản khoa học. Vì thế, cơ quan chức năng cần xem xét kĩ vấn đề này để có phương án hợp lý nhất. Về phía các vị phụ huynh, rất mong nhận được ý kiến đóng góp của tất cả mọi người, góp tiếng nói để hoàn thiện hơn nữa môi trường và phương pháp giáo dục đối với con em chúng ta.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét