Mới đây trên facebook cá nhân của mình, một cô giáo mầm non trẻ đã viết những dòng status “gây bão” dư luận: Ngày đầu tiên đi kiến tập cô rất mệt bởi phải bón cho 5, 6 cháu ăn cùng một lúc. Rồi thì xung quanh là tiếng kêu la, mách tội của các cháu, khiến cô giáo tương lai cảm thấy rất đau đầu và cáu bẳn. Không chỉ chia sẻ chuyện chung, cô này còn chia sẻ chuyện riêng về một cháu bé trong lớp chuyên đi trêu chọc bạn bè. Dĩ nhiên lời tâm sự mang đầy tính “bạo lực” này nhận được vô số gạch đá từ dư luận. Thế nhưng qua đây người ta cũng phần nào nhận ra đây là một nghề quá nhiều áp lực và mệt nhọc, chỉ những người có tình yêu thực sự với nghề mới có thể gắn bó lâu dài được.
Nghề của những áp lực và mệt nhọc
Gần đây các trường mầm non tư thục được mở ra khá nhiều và phổ biến, nhưng tình trạng gian nan đi tìm trường mầm non cho con của các bậc phụ huynh hầu như vẫn không được thuyên giảm, một phần vì chất lượng từ các trường mầm non tư thục khó có thể được kiểm chứng thường xuyên bỏi phụ huynh, phần vì tiền đóng hàng tháng tại các trường này thường khá cao.
Áp lực thì nghề nào cũng có, nhưng với nghề giáo viên mầm non nó nhiều gấp bội phần. Và nếu họ được trả những đồng lương xứng đáng với áp lực thì còn có thêm động lực gắn bó với nghề, nhưng đồng lương của các giáo viên mầm non hiện nay quá thấp, cho nên có lẽ chỉ có tình yêu nghề mới giữ chân được các cô giáo trẻ.
Đằng sau những hình ảnh đẹp này là rất nhiều áp lực.
Buổi sáng: 6h30 đã phải có mặt tại trường. Buổi chiều: Phải chờ phụ huynh đón hết con mới được về. Nhiều hôm phụ huynh về muộn thì phải đến 20h30 phút mới được rời trường - Đó là thời gian biểu trong một ngày của một cô giáo mầm non. Công việc sau khi nhận các cháu thông thường như sau: Cho ăn sáng nốt những cháu nào chưa ăn ở nhà; mặc quần áo, đội mũ, đi tất, bày đồ… để chuẩn bị cho các cháu chơi và tập múa hát (Đây là hình ảnh đẹp duy nhất mà mọi người thường nhớ tới); Thu dọn và xếp ngăn nắp các loại đồ chơi; kê bàn ghế, xếp đặt chén bát, muôi, thìa; bón cho các cháu ăn bữa chính, bữa phụ, ăn quà chiều, uống thuốc, uống sữa, thay bỉm, giặt quần áo do các cháu ị hoặc tè ra, dọn dẹp chỗ các cháu nôn, trớ, trả các cháu cho phụ huynh...
Kể thì có vẻ đơn giản nhưng phải trực tiếp làm hoặc chứng kiến thì mới rằng thấy mọi chuyện ăn ngủ chơi của các con không hề đơn giản. Ngoài những công việc này, các cô còn phải luôn để mắt đến cháu, không để chúng chơi đùa với nhau nhiều hay cào cấu, vì nếu chẳng may xảy ra chuyện gì, các cô sẽ là những người chịu trách nhiệm đầu tiên.
Chưa hết, gặp phụ huynh nào dễ tính còn đỡ, phải người khó tính, thậm chí lỗ mãng, thiếu tôn trọng cô thì rất khó chịu. Một số người coi con cái mình như cục vàng. Mỗi chiều đón con về, họ kiểm tra khắp mình mẩy chân tay con, nếu có xây xát tí gì là phản ánh luôn với hiệu trưởng. Cá biệt, có gia đình do nuông chiều con cái nên khiến cháu bé sinh hư, và dù nhỏ cũng đã biết nói dối. Gặp những trường hợp như thế các cô chỉ còn cách “nhịn nhục”.
Cường độ làm việc căng thẳng, vất vả cộng với trách nhiệm cao đối với các cháu bé, nhưng lương cô giáo mầm non lại thuộc loại thấp nhất. Nếu đọc những thông tin tuyển dụng giáo viên mầm non trên báo, bạn sẽ rất dễ tìm được những địa chỉ mà người ta chỉ trả cho cô giáo mức lương khởi điểm 800-900 ngàn/tháng. Đó là chưa kể những khi bị phạt, bị trừ lương vì hàng tỉ lý do.
Cần có tình yêu và hy sinh
Nhìn vào mức lương với từng ấy công việc và áp lực của một cô giáo mầm non trong cơn “bão” giá tiêu dùng, có lẽ ít ai nghĩ rằng những cô giáo trẻ có thể bám trụ với nghề. Và sự thật nếu không có đủ tình yêu với nghề và trẻ nhỏ, rất nhiều các cô giáo trẻ đã rẽ sang một con đường bằng phẳng hơn.
H. – từng làm giáo viên ở một trường mầm non công lập cho biết cô đã giã từ nghiệp “trồng người” sau khi phải mất đến mất chục triệu triệu để “chạy” vào trường vì mức lương sau mấy năm vẫn chỉ có trên 1 triệu/tháng. Quả thật với giá cả như hiện nay, mức thu nhập như vậy không thể tái tạo nổi sức lao động của con người chứ chưa nói gì các khoản khác như xăng xe, khi đau ốm và trách nhiệm với gia đình. Nhiều đồng nghiệp của H. cũng bỏ nghề để đi… chạy bàn, công nhân… và không bị áp lực công việc nhiều như thế mà mức lương cũng cao hơn gần gấp đôi.
Cũng có nhiều cô giáo trẻ cố bám trụ với nghề nhưng cũng chính vì ức chế và chán nản như vậy nên nhiều cô đã không làm chủ được bản thân và có những hành động phản giáo dục như: Dọa dẫm, quát nạt hoặc đánh trẻ. Và sự thật là một loạt những vụ bạo hành trẻ em gần đây khiến nhiều người có ác cảm đối với cô giáo mầm non. Nhưng đó cũng là một bộ phận nhỏ những “con sâu làm rầu nồi canh”. Có rất nhiều cô giáo mầm non rất yêu trẻ và thực sự tâm huyết với nghề, có sự nhẫn nại, hi sinh rất lớn đối với trẻ, đáng tiếc rằng những con người như vậy lại ít khi được nhìn nhận đúng với khả năng và tấm lòng của họ, trả cho họ mức lương hết sức rẻ mạt cộng với những quy định ngặt nghèo.
Thảo – cô giáo mầm non tương lai chia sẻ: “Bản thân mình là giáo viên mầm non nên mình biết là trông trẻ rất mệt và chịu nhiều áp lực. Nhưng thực sự mình quý trẻ con và mỗi ngày đi làm mình đều cảm thấy rất thoải mái. Để làm được nghề này phải thật sự có tâm và thật lòng yêu thương trẻ mới có thể làm được. Còn ở cùng với trẻ thì niềm vui và nụ cười cũng đâu có thiếu".
Có thể thấy để có thể gắn bó với nghề giáo viên mầm non, cần tình yêu và sự hy sinh vô cùng lớn lao. Nhưng chỉ từng ấy thôi chưa đủ. Tình yêu và sự hy sinh của các cô cần được nhìn nhận, đánh giá công bằng hơn. Đã đến lúc Nhà nước cần khẩn trương có những chính sách hợp lý và ưu đãi cho những người đang công tác tại cấp học này bởi họ đã phải chịu quá nhiều áp lực và quá nhiều thiệt thòi. Nếu không, nó sẽ là cái nghề làm giàu đối với những người chủ đầu tư chỉ biết đến hai chữ “lợi nhuận”.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét