Học Tập cho Ngày mai tỏa sáng

Học tập vì tương lai tươi sáng, học tập vì ngày mai lập nghiệp.

Chia sẻ kiến thức học đường

Kiến thức học đường chia sẻ những kinh nghiệm, kiến thức cho học sinh và phụ huynh

Xây dựng ước mơ

Cùng giáo dục học đường xây dựng ước mơ tương lai cho con trẻ

Thứ Tư, 23 tháng 7, 2014

Gia đình làm “quan”, con thi cho… oách!

Trống báo hết giờ thi môn Sinh, báo hiệu kết thúc một ngày thi mệt mỏi của các sĩ tử dự thi Đại học đợt 2. Từ cổng trường thi, Nam bước ra, nổi bật hơn hẳn với các thí sinh khác. 

Nam cao to, trắng trẻo, ăn mặc sành điệu. Vừa thấy Nam, một người phụ nữ đầy vẻ giàu sang bước từ chiếc Camry 2.5, tay cầm chiếc ô chạy ra  che cho “cậu ấm” khỏi bị nắng. Đứng giữa cổng trường, Nam được mọi người chú ý hơn vì những cử chỉ nũng nịu, đòi mẹ tối phải đưa đi chơi Hà Nội thì mai mới chịu... thi tiếp.
Nam quê ở Hải Dương. Bố mẹ đều là lãnh đạo thuộc hàng “có số má” ở tỉnh. Trong khi đó, kết quả của 12 năm học phổ thông của cậu con trai là đạt danh hiệu học sinh giỏi môn... điện tử. Dĩ nhiên, kiến thức văn hóa của cậu thuộc hàng “một chữ bẻ đôi”.

Bố mẹ đều làm “quan”, con lại đến tuổi thi Đại học nên đi đâu, gặp khách trong tỉnh hay ngoài Trung ương, ai ai cũng hỏi “Cháu thi trường gì?”. Biết trình độ con, thi kiểu gì cũng không đỗ trường nào, thậm chí còn không qua nổi điểm sàn nên ông bà đều bảo nhau, trong những trường hợp như thế thống nhất trả lời “Cháu thi Đại học học Y” cho oách. Vì dù sao, nghe vậy cũng oai hơn mà sau này, nếu có trượt thì cũng là trượt Đại học Y nên cũng bớt phần hổ thẹn. Thế là cậu con trai suốt ngày chúi đầu vào máy tính cũng nộp hồ sơ vào Đại học Y thật. 

Để nâng cao số điểm tối đa mà cậu có thể đạt được, trong suốt quá trình lớp 12, bố mẹ cậu đều thuê gia sư về đến tận nhà kèm 3 môn Toán, Hóa, Sinh cho cậu. Tuy nhiên, tình hình chẳng được cải thiện vì tính ương bướng, lười học, nhưng hay nũng nịu của cậu. Hễ nhăn nhó kêu mệt, căng thẳng một chút là mẹ cậu lại xót xa, thương con rồi không ép con học nữa. Cứ thế, “được đằng chân lân đằng đầu”, gia đình cậu không biết tốn bao nhiêu tiền của đầu tư vào việc học cho cậu nhưng những gì nhận về mãi là con số 0.

Trong phòng thi, vì kiến thức quá hạn hẹp nên cậu như gà mắc tóc, hết gặm bút, lăn bút chì (mỗi cạnh bút đều ghi đáp án A,B,C,D) để chọn đáp án cậu lại nằm gục trên bàn ngủ, chờ đến hết giờ thì ra. Chả thế mà mỗi lần thi xong, hai má của cậu đều hằn đỏ những vết do tì lên bàn, lên tay. Nhưng để được tiếng trượt Đại học Y nên Nam vẫn cố  đi thi để làm đẹp lòng bố mẹ.

-         Mẹ! Đằng nào cũng trượt rồi, thi làm gì hả mẹ? Hơn nữa, đằng nào con cũng sang Anh để đi du học cơ mà.
Giữa trời nắng chang chang, mọi ánh mắt của các vị phụ huynh bắt đầu đổ dồn về phía 2 mẹ con giàu sang và họ càng ngạc nhiên hơn khi nghe câu trả lời của người mẹ:

-         Sang Anh du học rồi nhưng vẫn phải thi Đại học ở Việt Nam vì không thi Đại học lại đi du học, người ta lại dèm pha là không dám thi ở trong nước, phải sang Tây xin học. Như thế cũng mang tiếng con ạ.

Trả lời xong câu hỏi, bất chợt người mẹ như nhận ra điều gì rồi vội vã giục con lên chiếc Camry 2.5 đang đợi phía xa.


Tình trạng học cho xong, thi cho oách diễn ra khá phổ biến trong xã hội hiện nay, thậm chí dần trở thành trào lưu vì hầu hết các sĩ tử, thậm chí các gia đình sĩ tử cho rằng: “Cũng là chết, thà chết dưới tay kẻ mạnh còn hơn chết dưới tay kẻ yếu. Cùng là trượt, thà trượt từ một trường cao còn hơn là trượt tại một trường thấp”, vì như thế, ít nhất còn có được một cái “danh nổi”. Những suy nghĩ như vậy của khá nhiều người liệu có đúng, có nên “noi theo” và thực hiện? Đối với các sĩ tử không đủ khả năng đi thi, quả thực đây là vấn đề cần suy ngẫm.

Thứ Bảy, 19 tháng 7, 2014

Những sự thật đau lòng về các trẻ bị bỏ rơi ở chùa Bồ Đề

Chùa Bồ Đề là một ngôi chùa ở quận Long Biên, Hà Nội, chùa nổi tiếng vì nhận nuôi rất nhiều trẻ em bị bố mẹ bỏ rơi và được cộng đồng quan tâm, thường xuyên có những người tới đây làm từ thiện, chăm sóc các cháu bé.

Nhưng những ngày gần đây, câu chuyện mà mẹ Thỏ Bun chia sẻ về một bé gái bị các sư thầy chùa Bồ Đề “bỏ rơi” khi em phải vào viện vì thoát vị não và hẹp hộp sọ những ngày qua làm dấy lên những nỗi nghi ngờ về tấm lòng nhân từ của những vị sư khoác trên mình chiếc áo cà sa và những câu tụng kinh niệm Phật. Rất nhiều câu chuyện đã được cư dân mạng kể tiếp trên các diễn đàn, qua đó chúng ta thấy được phần nào những sự thật đằng sau những ngôi chùa hiện đang nuôi giữ rất nhiều trẻ mồ côi như thế.

Nhà chùa chỉ thích nhận tiền, không thích nhận quà


Nhiều bạn trên các diễn đàn lamchame.com, webtretho.com… bức xúc chia sẻ về việc nhiều người trong chùa tỏ ra không hài lòng khi các bạn mua đồ mang đến chia cho các em nhỏ.

Bạn Julie Tu Dinh bức xúc: "Thật buồn nhưng điều này lại là sự thật! Cách đây 6 năm em có chuyến từ thiện cùng bạn bè sang chùa Bồ Đề, khi sang bọn em mua bánh, sữa, quần áo… nói chung là vật dụng cho các cháu chứ ko góp tiền (ngày ấy vừa ra trường còn nghèo lắm ạ), vào đến nơi muốn gặp sư trụ trì mấy sư thầy cứ nhăn nhó tỏ vẻ khó chịu (rất trịch thượng ).

Mấy chị được gọi là "mẹ" lân la một lát là kể hết, có chị còn nói thẳng: lần sau bọn em đừng mang đồ dùng, nhà chùa chỉ thích lấy tiền thôi, mà tốt nhất em thấy cháu nào dễ thương cứ nhận nuôi và chu cấp cho cháu đấy, đừng nộp chi phí qua nhà chùa em ah!”.

Theo kinh nghiệm của những người thường xuyên đi từ thiện thì mặc kệ các sư tỏ ra khó chịu, các bạn khi đến chùa từ thiện nên mua đồ ăn và xuống các phòng trực tiếp đưa cho các bé và những người già để tránh việc nhà chùa đem những đồ ăn ra các cửa hàng bán lại lấy tiền.  “Nếu các mẹ mang đồ ủng hộ sang đó thì tốt nhất là nên mang đồ ăn tươi (giò, bánh chưng, bánh giò, hoa quả, sữa tươi...) và mang vào tận từng phòng chia cho từng cụ già, trẻ nhỏ. Những thứ mình vừa liệt kê thì khó bán ra cửa hàng hơn vì chúng phải sử dụng ngay, nên các cụ và các bé còn có cơ may được dùng, còn các món khác như bỉm, mì tôm, sữa bột... thường sẽ được mang ra cửa hàng bán lại hết; chỉ để lại 1 phần nhỏ để dùng” – một bà mẹ trên diễn đàn lamchame.com chia sẻ.

Tiền gửi xe vào túi ai?

Nhiều người cũng cảm thấy khá bất ngờ và không hài lòng khi mang đồ tới chùa cống hiền mà nhiều chùa lại thu tiền gửi xe. Tiền gửi xe thực ra không đáng là bao nhưng nó thể hiện thái độ của nhà chùa, gây cảm giác khó chịu cho những tấm lòng hảo tâm khi tới chùa.

Bên cạnh đó, ở các chùa nhận nuôi trẻ bị bỏ rơi, ngày nào cũng có hàng trăm lượt ra vào làm từ thiện, số tiền gửi xe nhân lên chắc chắn không phải con số nhỏ. Vấn đề là khoản tiền khổng lồ từ đó sẽ được sử dụng vào mục đích gì?

Nhiều bà mẹ tiết lộ thông tin tiền gửi xe đó thuộc về nhà chùa: “Toàn bộ tiền trông xe trong khuôn viên chùa đều thuộc về nhà chùa, không phải người dân quanh đó thu đâu các mẹ ạ. Khi thì chú bảo vệ, khi thì cho 1 thằng bé ở chùa (rất hay nói tục) thu tiền.”

Rất khó làm thủ tục nhận con nuôi


Nhiều người than thở  rằng có rất nhiều cặp vợ chồng hiếm muộn muốn xin trẻ ở chùa về nuôi, nhưng việc đó tưởng chừng dễ mà lại không dễ chút nào! Các sư ở đây thường nói là chùa này chỉ nuôi chứ không cho làm con nuôi.  Phải thật khéo léo, thật kiên trì và phải chi tiền sau một cuộc ngã giá dưới hình thức "công đức" cho nhà chùa (thường là vài chục triệu) mới xin được một bé ở đó về nuôi. Nếu việc này có thật thì sẽ chẳng khác gì mua bán trẻ em cả. “Ngày em còn đi làm thêm cho nhà họ hàng em trên phố cổ để luyện kỹ năng nghe và nói với người nước ngoài. Em rất hay hỏi chuyện người ta, có vài đôi vợ chồng họ nhận con nuôi người Việt, em hỏi thì họ có chia sẻ là họ đã phải mất 1 khoản tiền khá lớn làm từ thiện để có được những đứa con đó” – bạn Mạnh Hùng chia sẻ trên facebook.

Thậm chí lại có người còn nói có rất nhiều bé sau 1 thời gian sống ở chùa đột nhiên "mất tích".

Các cháu thiếu sự dạy dỗ

Trong khi nhiều người kêu ca nhà chùa ăn bớt đồ từ thiện của các con, dùng các con như một “món hàng” kêu gọi sự hảo tâm để trục lợi thì nhiều người khác lại phàn nàn về việc một số bé không được dạy dỗ đến nơi đến chốn dẫn đến vô lễ.

“Cũng chính do thiếu sự chỉ bảo, nên có nhiều bé hỗn, lại quen được mọi người mang quà bánh sang, nhiều khi bọn em sang bên ấy, có những bé đòi mua cái này cái khác, mà không được mua cho là thể hiện thái độ, bĩu môi, vùng vằng... Rất là buồn cho các bé ấy”.

“Từ lúc bước ra khỏi cái nhà quyên góp đó chúng tôi bị vây quanh bởi những đứa trẻ nhếch nhác. Chạy bám theo và phải nói là... rất vô kỉ luật. Khi vào sân trong, quanh chúng tôi là những người già nằm la liệt trên giường dưới những tấm bạt căng che mưa gió. Những đứa trẻ nháo nhác và chỉ chăm chăm nhảy xổ vào chúng tôi muốn giằng xé những món đồ trên tay chúng tôi...”

Vấn đề vệ sinh cực kỳ “nóng”

Hầu hết những người đã đến chùa từ thiện đều nói rằng vấn đề vệ sinh ở các chùa thực sự đáng báo động.   Môi trường sống bẩn thường dễ dẫn đến việc các con bị nhiễm bệnh. Khi bị bệnh các con lại không được khám chữa kịp thời nên bệnh càng  lâu khỏi hoặc thành quá nặng.


“Có những cô bé, cậu bé nhếch nhác bám lấy chúng tôi, chúng bẩn thỉu từ quần áo đến gương mặt. Một cậu bé bám lấy tôi... ôi nó cần tôi bế! Tôi ôm bé vào lòng và hỏi: "Con tên gì?". " Con là chuột… Chuột Cống". Cậu bé trả lời, nước mắt tôi trào ra và nghẹn ngào. Thật tội nghiệp thằng bé, tôi nghĩ đến con tôi ở nhà, có bố có mẹ, có cuộc sống đầy đủ trong khi những đứa bé này thì bị bỏ nơi đây, không hiểu cuộc sống sẽ ra sao? Tôi vẫn ôm thằng bé đi vào sâu trong các gian nhà nơi nuôi các em bé. Để các em đi phân phát đồ cho các buồng, tôi lặng lẽ đi và quan sát các gian nhà. Không gian chật hẹp thiếu không khí và cực kì nhếch nhác nơi đây khiến tôi thấy lòng xót xa quá. Các con từ sơ sinh đến vài tuổi nằm la liệt ở các buồng, nét ngây thơ vẫn trên nét mặt. Chúng thản nhiên ngủ trong khi xung quanh ầm ĩ. Có khi còn bị anh chị nó dẫm cả lên người..!!” – câu chuyện của một bà mẹ đến chùa Bồ Đề khiến nhiều người phải suy nghĩ.

Sử dụng các cháu như một công cụ để kiếm tiền

Sau lời chia sẻ của bạn Thỏ Bun, cộng đồng mạng bao gồm những người đã từng đến chùa Bồ Đề đã lên tiếng về những vấn đề của ngôi chùa này. Nhiều ý kiến cho rằng chùa Bồ Đề không chăm sóc những đứa trẻ bị bỏ rơi và họ sử dụng những đứa trẻ này để "xin" tiền công đức của Phật tử khắp nơi.



"Ở nơi này tất cả phải tuân thủ theo một mệnh lệnh là phải để cho bọn trẻ sống chật chội, bẩn thỉu nhem nhuốc như vậy để mọi người nhìn vào thấy tội nghiệp mới cho nhiều. Một số nhóm từ thiện là bạn bè người quen của mình thậm chí mạnh về tài chính và cơ sở vật chất muốn chia sẻ bằng cách nhận một số con về cơ sở của họ để cưu mang đều bị Sư thầy từ chối. Có thể lý giải rất dễ dàng thực trạng này là khi đến Chùa thăm tụi nhỏ cứ quấn chặt lấy các cô bác không muốn rời,ánh mắt thì lúc nào cũng buồn rười rượi,thương lắm..."  - Bạn có nickname Minh van Ha chia sẻ.

Bỏ rơi khi bị bệnh và đòi nhận về khi đã khỏe lại


Theo như chia sẻ của Thỏ Bun, em bé được sinh ra và sau đó thì được chính mẹ đẻ đem để lại nơi cửa Phật. Tuy nhiên, sau khi các sư thầy ở chùa Bồ Đề nhận nuôi bé được vài ngày thì phát hiện ra đứa trẻ này bị thoát vị não và hẹp hộp sọ. Sư thầy chùa Bồ Đề đã đưa em bé đến bệnh viện rồi bỏ rơi ở đây, không chăm sóc, nuôi nấng. "Các vị sư thầy đáng kính quấn trên người con chiếc khăn màu đỏ, để lại đó 1 chiếc chậu và 1 chiếc khăn mặt dưới gậm giường cùng vài bộ quần áo cũ nát, đặt con lại giường bệnh, nói với điều dưỡng là ra ngoài mua mấy thứ rồi không bao giờ trở lại. Con ở đó, chấp nhận số phận bị bỏ rơi lần thứ hai , bởi tay những người nhân từ khoác lên mình bộ áo nâu miệng tụng những từ nam mô mà không hiểu tâm họ có nhận thức được nó?"

Sau khi bị bỏ rơi, Kiều Hương Anh đã được bạn Thỏ Bun và mọi người giúp đỡ. Cô bé đã vượt qua ca mổ khó khăn để giành giật sự sống. Điều khiến mọi người bức xúc đó là khi em bé vừa khỏe mạnh trở lại thì những sư thầy "vô tâm" kia bất ngờ trở lại để đưa đứa trẻ về lại chùa.

Các sư thầy khi đến nhận lại đứa trẻ đã ngụy biện mọi lỗi lầm và chối bỏ rằng mình không "vứt bỏ" đứa trẻ này.: "Họ chối bỏ mọi sự việc đã qua, mọi lỗi lầm đã từng. Họ nói lúc con được đặt trước cửa chùa, sư trụ trì đang đi Công Tác Nước Ngoài, nên không nắm rõ được sự việc, có cô phật tử thấy con bị bỏ rơi nên đón vào chùa, tự đặt tên cho con mà không báo với sư cụ, thấy con ốm rồi đưa con vào viện mà QUÊN không báo lại. QUÊN sự tồn tại của một đứa trẻ chỉ mới vài ngày tuổi ? Hỏi nhân đức ở đâu ?"

Qua những chia sẻ trên, chúng ta có thể phần nào hình dung ra vấn nạn "sư giả" đang khiến cộng đồng Phật tử và cộng đồng mạng xôn xao là hoàn toàn có thật và cần được lên tiếng.

Thứ Năm, 17 tháng 7, 2014

Trung tâm Anh ngữ “đầu voi, đuôi chuột”

Với sự hội nhập Quốc tế chóng mặt của xã hội cũng như nền kinh tế nước nhà, tiếng Anh ngày càng trở nên vô cùng quan trọng. Ý thức được điều này, tôi luôn rèn giũa, trau dồi vốn ngoại ngữ của  mình. Tôi chẳng ngại đầu tư một khoản tiền lớn để đi học thêm tiếng Anh tại Trung tâm Anh ngữ Quốc tế Z. Tuy nhiên, khi chính thức bước chân vào đây tôi mới hiểu mình đã mất tiền “ngu”.



ĐẦU VOI

Trước khi chính thức bắt đầu thực hiện dự định của mình, tôi thường xuyên lên mạng tìm hiểu thông tin về các trung tâm Anh ngữ. Được biết, trung tâm Anh ngữ Quốc tế Z là trung tâm có vốn đầu tư 100% của nước ngoài, có các giáo sư Ngôn ngữ người bản địa về dạy với cơ sở vật chất tốt, mỗi lớp chỉ có từ 15-18 học viên. Nghe những lời quảng cáo hấp dẫn đó, tôi quyết định chọn cho mình một trung tâm Anh ngữ để theo học. Nhưng khi đến nơi, thực tế còn làm tôi choáng ngợp hơn....

Trụ sở để đăng kí học của Trung tâm Anh ngữ mà tôi lựa chọn hòa lẫn trong một “thế giới” Trung tâm Anh ngữ Quốc tế Z xung quanh với những bảng quảng cáo lớn nhỏ được treo khắp nơi. Trên các panô, băngrôn, apphich... đầy các nội dung bắt mắt như: Hệ thống phòng lap hiện đại cao cấp, đối tác quốc tế, giáo viên bản xứ (Anh, Mỹ, Úc...), phương pháp phản xạ độc quyền, cấp bằng quốc tế, giáo trình quốc tế... Biển hiệu cao lêu nghêu tương đương một tòa nhà, phong tỏa các mặt tiền của các tuyến đường lớn,...

Ngày ấy tuổi còn trẻ, được nghe và được nhìn những lời quảng cáo hào nhoáng ấy tôi hứng khởi lắm. Hoành tráng thế cơ mà. Sau khi đăng kí học xong, tôi hồi hộp chờ đến ngày khai giảng lớp học (Lớp học và trụ sở đăng kí lớp học của trung tâm ở 2 địa chỉ khác nhau ). Và ngày ấy cuối cùng cũng đến và giấc mơ của tôi dần dần được hiện thực một cách phũ phàng....

ĐUÔI CHUỘT

Mặt tiền lớp học rất hoành tráng, một bảng quảng cáo cỡ lớn chiếm toàn bộ không gian phía trước. Đằng sau phòng ghi danh học viên sáng trưng, bài trí đẹp mắt. Nhưng người học muốn vào các lớp chỉ có một lối duy nhất là con đường nằm bên hông, chiều ngang khoảng 1,2m, dài khoảng 10m. Cuối đường có một cầu thang sắt được thiết kế tạm bợ dẫn lên tầng hai, nơi có các phòng học được cải tạo lại từ phòng ở. Tại đây, có duy nhất một phòng vệ sinh nằm ở chân cầu thang. Trung tâm mà tôi đăng kí được cải tạo từ một ngôi nhà thuê của dân nên không có hệ thống thoát hiểm nếu xảy ra hỏa hoạn.

Một cảm giác bất an bất chợt chạy ngang qua cơ thể tôi. Tôi đã phần nào hiểu được những thông tin mà thế giới ảo cung cấp cho tôi. Cái gọi là “phòng ốc thoáng mát, rộng rãi, hiện đại, lớp học 15 – 18 học viên” giờ đây nó trái ngược hoàn toàn. Lớp học chật chội, gần 30 học viên ngồi kín trong một phòng hơn 20m2, lối đi quá chật nên giáo viên đành đứng một chỗ suốt buổi học, không tổ chức trò chơi hay sinh hoạt theo nhóm được.

Hơn nữa, cái mà tôi đón chờ nhất là được học giáo viên nước ngoài cũng không làm tôi hài lòng. Ngày đầu tiên đi học, một cô giáo khá trẻ bước vào và nói, tuần đầu tiên sẽ có 1-2 buổi Giáo sư người bản địa dạy. Thế nhưng, phải đợi gần 2 tháng mới có một vị Giáo sư xuất hiện.

Dẫu biết rằng những gì nhận được không xứng với những gì mình bỏ ra nhưng đã chót đầu tư một đống tiền nên tôi quyết tâm kiên trì bám trụ đến cùng. Những tưởng rằng phải chịu đủ thứ thiệt thòi về cơ sở vật chất để đổi lại được học Giáo viên bản ngữ, thôi thì tôi cũng chấp nhận. Tuy nhiên, càng dấn chân tôi càng hối hận.

Tôi chẳng hiểu vị giáo viên được giới thiệu là Giáo sư người Úc kia bằng cấp hoành tránh thế nhưng khi vào lớp, thay vì dạy chúng tôi tiếng Anh thì vị giáo viên này lại... tranh thủ học tiếng Việt. Ông dành nhiều thời gian để chỉ trỏ, hỏi đồ vật này tiếng Việt gọi là gì, phát âm như thế nào. Có nhiều lần chúng tôi đã kiến nghị lên Trung tâm để đổi giáo viên, nhưng thay vì được đổi giáo viên nước ngoài, chúng tôi lại “được” học những giáo viên... “bản địa người Việt”.

KẾT CỤC TẤT YẾU

Học hết khóa học, dĩ nhiên tôi không đăng kí học tiếp tại trung tâm này nữa. Nhưng sau khi goodbye Trung tâm, một thời gian sau, vô tình tôi lại biết được thông tin khá thú vị xung quanh người giáo viên nước ngoài kia cũng như Trung tâm tôi theo học.

Ông đơn giản chỉ là một người nước ngoài đến du lịch bụi tại Việt Nam, mà người ta hay gọi là Tây balo. Do quen với Giám đốc Trung tâm nên được mời về và đương nhiên được “phong” lên làm Giáo sư Ngôn ngữ học.

Về phần Trung tâm, do nhận được quá nhiều phản hồi tiêu cực từ các học viên mà thông tin này nhanh chóng lọt vào tai các nhà báo. Dần dần sự thật được bóc mẽ. Chẳng bao lâu sau Trung tâm bị “đánh sập” bởi cơ quan chức năng vào cuộc.

------------------
Có lẽ tôi là một trong những người không may nên mới “vớ” phải Trung tâm Anh ngữ “đầu voi, đuôi chuột” như vậy. Vì thế, các bạn hãy thận trọng hơn trong việc lựa chọn lớp học để tránh đi vào “vết xe đổ” của tôi. Nếu như có điều kiện và có một quyết tâm cháy bỏng nâng cao hơn nữa vốn tiếng Anh của mình, các Viện Ngôn ngữ Quốc tế ILA, Trung tâm Anh ngữ Apollo Việt Nam, Anh ngữ CleverLearn, Trung tâm Tiếng Anh Quốc tế APU,... là một gợi ý khá tốt cho bạn (tuy nhiên, các bạn hãy chuẩn bị trước tinh thần đóng học phí ở các Trung tâm này vì nó khá đắt). Nếu không, bạn có thể tự học tiếng Anh bằng cách, thực hành nghe nói tiếng Anh qua radio, truyền hình, phim ảnh nhiều hơn. Hay tốt nhất, bạn nên kết bạn với một người bạn nước ngoài. Họ sẽ giúp bạn rèn luyện kĩ năng đọc hiểu, nghe nói tốt hơn bất cứ một Trung tâm nào.

Xem thêm sản phẩm Amply Jarguar chất lượng

Thứ Bảy, 12 tháng 7, 2014

Thất nghiệp tôi đi làm osin trông trẻ

Thất nhiệp với tôi tưởng như là một dấu chấm hết cho sự nghiệp, nhưng  thực ra nó lại là một sự mở đầu cho những ý tưởng thú vị mới trong tương lai.

Tôi vốn học cao đẳng sư phạm của tỉnh, tôi đi dạy học cho một trung tâm gia sư được 3 năm thì lấy chồng. Tôi sinh con ngay sau đó, tính toán việc đi dạy với mức lương 3 triệu và thuê người chăm con cũng mất 3 triệu, tôi ở nhà với con để giảm chi phí, đồng thời được gần gũi với con hơn.Khi con tôi được 2,5 tuổi tôi cho đi nhà trẻ, thời gian khủng hoảng với tôi mới bắt đầu. Đúng lúc thời buổi khó khăn, cộng với việc tôi lại ở nhà lâu hao mòn kiến thức, tôi không sao xin được việc nữa. Nửa năm trôi qua mà hồ sơ của tôi vứt só, không có người dùng. Tôi tính chuyển nghề. Nhưng biết làm gì khi tôi không được học cái gì khác ngoài sư phạm. Bạn tôi đùa: Mày chỉ có thể đi làm osin được thôi. Ý tưởng này chỉ thoáng qua trong đầu tôi, nhưng khi thời gian ở nhà càng ngày càng dài mà tôi vẫn không xin được việc. Tôi tính đến việc đi làm osin trông trẻ thật.

ảnh minh họa


Nung nấu ý tưởng phải đi làm tôi lên mạng tìm việc, tôi lên 2 trang lớn có việc làm cho người giúp việc là webtretho và lamchame. Tôi thấy rất nhiều mẹ thuê người giúp việc trông trẻ theo giờ hành chính với mức lương 3 triệu/tháng, nghỉ 1 ngày chủ nhật. Nick meyeucon yêu cầu trông trẻ trai, 2,5 tuổi, giờ hành chính từ 8h sáng – 5h30 chiều, mức lương 3 triệu/tháng. Cân nhắc mức lương đáp ứng nhu cầu tối thiểu của mình, mình được về từ 5h30 chiều để đón con đi nhà trẻ, đồng thời với bé trai 2,5 tuổi thì tôi cũng có kinh nghiệm từ việc chăm sóc con mình nên tôi gọi điện cho mẹ đó. Mẹ yêu cầu tôi đến nhà gặp để bàn bạc và gặp bé. Đến nơi mới biết bé chậm nói có dấu hiệu của tự kỷ và mẹ bé đề nghị tôi suy nghĩ kĩ vì chăm bé rất cần nhiều kĩ năng, nhất là tình yêu thương và cần cả dạy bé nói nữa. Vì quá muốn đi làm, nên tôi gật đầu đồng ý mà không tính đến sự khó khăn.

Quả thật là chăm bé thật vất vả. Bé 3 tuổi rồi mà chưa nói được, nên bé chưa biết gọi đái ỉa. Tôi phải rửa ráy và thay cho bé mỗi khi bé tè dầm hoặc ị đùn. Quần áo của bé thì phải giặt bằng tay mặc dù có máy giặt. Những việc này đơn giản thôi, khó nhất là chơi với bé và dạy bé nói. Bé hầu  như không tập trung vào điều gì cả. Đôi mắt cứ xa xăm. Tôi nhận thấy là bé thiếu vắng tình cảm của bố mẹ. Bố đi làm xa từ khi bé được mấy tháng tuổi, còn mẹ thì cũng đi làm từ sáng đến chiều phải thuê ô sin từ nhỏ. Nhưng chẳng mấy osin ở được lâu vì nhiều lí do khác nhau. Tôi là osin thứ 7 rồi. Nhưng đi làm thì phải làm được việc nên tôi rất quyết tâm. Đồng thời cũng thương bé thiếu thốn tình thương nên tôi hết lòng dạy bé. Đầu tiên tôi thường ôm bé vào lòng thủ thỉ, thỉnh thoảng lại hôn lên má bé. Sau này tôi hay kể chuyện cổ tích cho bé nghe. Lúc đi ngủ tôi hát ru cho bé ngủ như là đang ru con tôi ngủ vậy. Tôi dạy bé học vẽ, chỉ đơn giản là dùng bút màu vẽ nguệch ngoạc lên giấy. Sau phát hiện ra bé thích vẽ vì mỗi khi tôi dạy bé vẽ, bé tập trung hơn và đôi mắt sáng hơn trông thấy. Tôi đề nghị mẹ bé cho bé đi học vẽ nhưng bé lại sợ thầy dạy, do đó tôi lại trở thành người dùng kiến thức ít ỏi về vẽ của mình để dạy cho bé. Tôi dạy bé vẽ những thứ đơn giản như ông mặt trời, hoa, nhà và vẽ bố mẹ. Bé tiếp thu rất nhanh và say sưa vẽ. Tuy nét vẽ nguệch ngoạc và chưa thành hình nhưng bé không còn thu mình lại khi say sưa với những màu sắc. Một điều rất vui là bé rất quyến luyến tôi. Mỗi khi tôi chuẩn bị ra về là bé lại như sắp khóc. Tôi thấy mừng vì điều đó vì nó thể hiện tôi đã chiếm được tình cảm của bé.

Chính vì bé quyến luyến tôi nên tôi cũng coi bé như người thân, nhiều khi tôi cho con nghỉ nhà trẻ để đến chơi với bé. 2 đứa chơi với nhau rất hợp và thân thiết. Con tôi thường bày trò chơi cho bạn và hướng dẫn bạn chơi. Ban đầu, bé chỉ ngắm nhìn và không biết cách chơi, nhưng sau đó bé bắt đầu làm theo hướng dẫn của bạn. Thế là chúng tự chơi với nhau rất vui. Mẹ của bé cũng ủng hộ việc chúng chúng cùng chơi vì như thế bé có bạn đỡ cô đơn.

Dạy bé nói từ mới là việc khó nhất. Tôi chỉ tập trung dạy bé nói 1 từ là từ Mẹ. Tôi thường vẽ hình người mẹ ra hoặc mang ảnh mẹ bé ra và chỉ vào đó để bé học nói từ mẹ. Sau đó tôi cũng bảo con tôi nói từ mẹ cho bé nói theo. Bé hiểu ý nhưng hầu như rất khó nói. Nhưng một lần, mẹ bé về sớm một cách bất ngờ, khi mẹ vừa bước chân vào cửa phòng bé ngạc nhiên quay ra và hét lên: “Mẹ!”. Mẹ bé bất ngờ và mừng rơi nước mắt. Tôi hôm đó cũng vui mừng mãi mới ngủ được. Không ngờ những nỗ lực của tôi đã thành công.

Từ đó tôi bắt đầu dạy bé những từ đơn giản khác nữa, phải đến hàng tuần hoặc đôi khi đến hàng tháng bé mới có thể nói thêm 1 từ mới. Nhưng bé đã phát triển ngôn ngữ tốt hơn rất nhiều. Theo lời khuyên của tôi, mẹ bé đã dành nhiều thời gian hơn cho bé, chị chỉ đi làm buổi sáng còn buổi chiều ở nhà với con, chăm con và dạy con nói. Công việc của tôi vì thế mà cũng ít đi. Tôi nhận thấy vai trò của mình đã hoàn thành, mặc dù chị mời tôi ở lại cùng chị nuôi dạy bé nhưng tôi thấy mình làm thế là đủ. Với lại tôi cũng có ý tưởng mới: Thành lập công ty chuyên cung cấp người trông trẻ cho các gia đình. Thế là tôi chấm dứt công việc làm ôsin trông trẻ từ đó. Từ đây tôi đảm nhiệm vai trò quản lý mới, với kinh nghiệm chăm sóc bé và những hiểu biết về thị trường lao động hiện nay, tôi tin mình sẽ thành công.
Như vậy, thất nghiệp với tôi không phải là chấm hết, nó  mở ra một hướng đi mới cho sự nghiệp của tôi trong tương lai.


Thứ Sáu, 4 tháng 7, 2014

Hãy tự đánh ngã mình trước khi đời đánh mình ngã

Chắc hẳn trong số các bạn cũng không ít bạn giống như tôi. Có thể may mắn vẫn tắc đường mà chưa đến được với tôi. Cũng bởi vì vậy, mà tôi chỉ biết than vãn và trách mình kém cỏi.

Tôi luôn tự hỏi cái số mình có phải là “số chó”?. Ở cái tuổi của mình, có nhiều đứa nó thành đạt, từ công việc, đến gia đình. Cớ sao tôi chẳng có gì trong tay. Tôi luôn trách rằng cuộc sống thật bất công.

Nhưng không phải vậy, cuộc sống này vốn dĩ rất công bằng. “Bởi mọi việc xảy ra trong cuộc sống này đều bắt nguồn từ một lý do cụ thể”

Kết quả của cuộc sống này đều có nguyên nhân hay nói cách khác đó là “quy luật nhân quả của cuộc sống.



Thành công không đến với những kẻ lười

Những năm học cấp 3, tôi vốn là một đứa học hành cũng thuộc hạng khá và giỏi. Nhưng chẳng bao giờ tôi dám rời xa gia đình để theo học một trường chuyên nào đó. Bởi tôi sợ mỗi buổi tối chẳng có người thân bên canh, tôi sợ phải ngủ một mình, và hơn hết tôi sợ phải làm việc nhà…

Lên Đại học, bạn sợ đường phố đông đúc. Bạn sợ những con phố quanh co, bạn sợ xe cộ ngược xuôi,... Vậy là bạn chẳng bao giờ đi đâu, chỉ biết đến con đường quen thuộc từ nhà đến trường. Thế là đến năm 2, năm 3, trong khi các bạn của bạn thuộc từng ngóc ngách con phố thì bạn cứ hễ đi 1 mình là lạc ngược lạc xuôi.

Bạn suốt ngày than thở rằng tại sao đến tận bây giờ bạn vẫn còn độc thân? Ngày 8/3, 20/10, Valentine,... bạn cùng phòng của bạn váy ngắn váy dài đi hẹn hò, ăn uống,... Bạn lên facebook, tự hào và viết status kêu gào: “Tắc đường đi, tắc đường đi! Cho cái bọn đi hẹn hò hít no xăng xe! Độc thân muôn năm!”, rồi bạn “lập đàn cầu mưa”, bạn chụp ảnh bánh kẹo tung lên facebook kèm theo caption “Ai bảo FA là khổ?”,...

Nhưng xin thưa, tất cả những hành động của bạn chỉ là sự ngụy biện, là ghen tỵ cho sự thèm khát của bạn mà thôi. Bạn thèm lắm được yêu thương, chia sẻ. Nhưng cho đến giờ bạn vẫn cô đơn. Vì sao ư? Vì những ngày tháng qua bạn không đi đâu, bạn không tiếp xúc với ai thì làm sao bạn gặp được người mình yêu và người yêu mình? Thế rồi lại tự an ủi, sau này có công việc ổn định rồi yêu và cưới sau!

Nhưng nếu ai đang có suy nghĩ như thế, luôn luôn sợ với những gì đáng ra ta cần đối mặt thì xin hãy dừng lại!
Nếu không dám đối mặt với những thử thách bản thân bạn cứ tưởng rằng là to tát kia đi – nhưng thực chất nó lại chẳng là gì so với những biến cố sau này bạn phải gặp trong đời – thì bạn chẳng có chút hành trang nào để bước vào đời. Những thứ nhỏ nhoi ấy sẽ từng ngày, từng ngày, từng chút, từng chút rèn rũa, tôi luyện bạn cứng rắn hơn.

Bạn va vấp càng nhiều, bạn đúc rút được càng nhiều kinh nghiệm. Những kinh nghiệm nhỏ bé dần dần tích lũy lại thành một khối kinh nghiệm lớn và từ đây, bạn có thể lấy nó ra bất cứ lúc nào để giải quyết những vấn đề bạn gặp trong cuộc sống! Chính những va vấp ấy sẽ làm cuộc sống của bạn đa sắc màu hơn.

Tôi muốn kể cho các bạn nghe câu chuyện của tôi. Câu chuyện mà có lẽ cả đời này tôi không thể quên vì nó cho tôi một bài học vô giá!

Năm ấy tôi làm khóa luận Đại học. Khóa luận của tôi gần như xong xuôi hết, chỉ việc in ra và chờ đến ngày bảo vệ. Nhưng cách ngày bảo vệ 15 ngày, chiếc máy tính của tôi không cánh mà bay. Cả thế giới trước mặt tôi sụp đổ. Khóa luận tôi làm suốt 3 tháng trời, đến những ngày cuối cùng thì không còn gì hết. Không còn lựa chọn nào khác, tôi gạt nước mắt, gồng mình, tận dụng hết những gì còn sót lại để hoàn thành khóa luận. Tôi vỡ òa trong niềm sung sướng khi khóa luận của mình thành công. Nhưng mọi chuyện chưa kết thúc. Tôi ra trường không có máy tính trong tay, chẳng công ty nào chịu nhận tôi cả. Lại một lần nữa, bằng chính đôi chân của mình, tôi lại đứng lên. Ngày đêm tôi học, rèn luyện tiếng Trung để xin học bổng sang Singapore và kiếm việc làm thêm. Sau bao chông gai, may mắn cuối cùng cũng mỉm cười với tôi. Tôi kiếm được tiền, tự mua cho mình chiếc máy tính và cũng tự trả được khoản nợ trước đó tôi ngậm đắng nuốt cay chạy vạy vay tiền. Và đây cũng là lần đầu tiên tôi biết đến sức mạnh của mình, sức mạnh có thể phá vỡ cái kén để thành một con bướm tự do tung bay nhìn ngắm cuộc đời!

Sau lần ấy, tôi hiểu được rằng, nếu ta không tự quẳng mình vào giông bão cuộc đời thì cuộc đời cũng tự xô ta vào giông tố. Như vậy, chi bằng ta hãy tình nguyện, sẵn sàng đối mặt với khó khăn thử thách, để mà cố gắng cựa mình thật mạnh, để mà trau dồi những kinh nghiệm, tạo cho mình một hành trang để bước vào đời.

Hãy mạnh dạn lên và đừng sợ bất cứ điều gì, có như vậy bạn mới biết cuộc sống quanh ta tươi đẹp lắm! Hãy tự đáng ngã mình trước khi đời đánh mình ngã, như thế bạn sẽ cứng cáp và tự hào về sức mạnh của bản thân– sức mạnh mà chưa bao giờ bạn có dịp khám phá.

Có thể bạn quan tâm: Dịch vụ thiết kế nội thất showroom của Công ty Cổ phần đầu tư thương mại và trang trí nội thất VDF Việt Nam

Thứ Tư, 2 tháng 7, 2014

Xin hãy trả lại tuổi thơ cho các em!

Ép các em học quá nhiều phải chăng đã biến cái việc học kia thành nỗi ám ảnh của các em. Hơn nữa, nếu quan sát kĩ hơn ta có thể thấy, những em học sinh xếp nhất, nhì lớp khi ra đời (tính về mặt tài sản) chưa chắc đã bằng những người trước đây chuyên đội sổ trong lớp. Vậy tại sao chúng ta cứ phải ép con em mình học bài qua sách vở một cách máy móc?

Tôi là một cô sinh viên năm thứ 3 Đại học. Như những người bạn khác của mình, ngoài thời gian học trên lớp tôi còn đi làm thêm dịch vụ gia sư để kiếm thêm thu nhập. Nhưng khi đi làm mới biết, những gì công việc này đem lại không chỉ giúp tôi đỡ đần bố mẹ khoản tiền học phí, không chỉ cho tôi những đứa học trò đáng yêu, những lời chúc mừng nhân ngày 20/11 mà quan trọng hơn, nó cho tôi biết quý trọng tuổi thơ của mình và thấy đáng thương cho những đứa trẻ không có tuổi thơ.

Như bao đứa trẻ làng quê khác, tuổi thơ tôi tràn ngập cái cảm giác rạo rực mỗi khi hè về. Giữa cái nắng chang chang của mùa hè oi ả, tôi theo các anh chị trong xóm rong ruổi khắp tán cây bắt ve sầu, bắt chuồn chuồn cho cắn rốn tập bơi,... Chúng tôi lê la khắp cánh đồng, bãi cỏ để thả diều, thổi sáo. Cả những trưa nắng hè nóng bức, mấy đứa con gái tha nhau ra nhà trẻ lấy trộm cây hoa giống về trồng,... Chuỗi ngày hè sôi động cứ thế đến mỗi năm mà xen lẫn với nó là cái cảm giác nhớ trường, nhớ lớp khi phải xa thầy, xa cô. Những lúc ấy lại mong được đi học, lại yêu cái việc học đến nhường nào.

Mỗi khi nhớ đến tuổi thơ lung linh sắc màu ấy, tôi lại mong được bé đi 1 lần để tận hưởng những ngày tháng không suy nghĩ, lo âu. Thế rồi lại tự đặt câu hỏi, nếu như mình sinh ra vào thời đại bây giờ liệu có được sống những ngày tươi đẹp ngắn ngủi của cuộc đời ấy không?


Xin hãy trả lại tuổi thơ cho các em
Có lẽ là không! Có lẽ tôi lại có cuộc sống giống như những đứa trẻ mà tôi đang dạy. Ngày nối ngày gắn mình với bài vở. Ban ngày học trên lớp 2 buổi sáng, chiều. Tối về bố mẹ lại ngồi kèm học bài đến 9, 10 giờ tối. Mà nếu như gia đình có điều kiện, chắc hẳn các thầy cô giáo gia sư thay phiên nhau ngồi kè kè bên cạnh học bài với những bài toán nâng cao vào mỗi buổi tối và những ngày chủ nhật.

Thế rồi ngày hè đến, những ngày rong ruổi rãi nắng, dầm mưa cũng chẳng thể có. Thay vào đó là lịch học kín mít cả tuần giống như những em học sinh của tôi. Mỗi tuần 3 buổi học Toán, 2 buổi học Văn, 2 buổi học Lý và 4 buổi học tiếng Anh. Cả mùa hè, trong tuần, em chỉ được nghỉ học ngày Chủ nhật, nhưng không có nghĩa được đi chơi mà ở nhà ôn bài dưới sự kèm cặp của tôi.

Nhìn cặp kính của em mà rơi nước mắt. Theo thời gian nó cứ thế dày lên vì phải học quá nhiều. Nghe em than thở mà thấy đắng lòng. Những ngày hè không bao giờ là nỗi mong mỏi của các em vì nó chẳng khác gì trong năm học cả thậm chí còn vất vả hơn.

Đâu rồi cái cảm giác mong đến ngày nghỉ hè của những em học sinh? Đâu rồi cái cảm giác nhớ thầy, nhớ cô khi mỗi dịp hè về? Những ngày đắm chìm trong sách vở các em sẽ chẳng thể nhận ra giá trị của nó để mà “thèm” được đi học. Ép các em học quá nhiều phải chăng đã biến cái việc học kia thành nỗi ám ảnh của các em. Hơn nữa, nếu quan sát kĩ hơn ta có thể thấy, những em học sinh xếp nhất, nhì lớp khi ra đời (tính về mặt tài sản) chưa chắc đã bằng những người trước đây chuyên đội sổ trong lớp. Vậy tại sao chúng ta cứ phải ép con em mình học bài qua sách vở một cách máy móc?

Hè đã đến, mong rằng các ông bố, bà mẹ hãy hiểu rằng: Trẻ em có quyền được tham gia các hoạt động vui chơi, giải trí phù hợp với lứa tuổi, tự do tham gia đời sống văn hóa, nghệ thuật. Vì thế xin hãy để cho các em được hưởng những gì mà các em đáng được hưởng. Những ngày hè là khoảng thời gian quý báu nhất của các em. Hãy tạo điều kiện để các em có được khoảnh khắc thỏa mái hiếm hoi của tuổi thơ!


Bạn có thể quan tâm: Những bộ dàn karaoke gia đình giá rẻ