Học Tập cho Ngày mai tỏa sáng

Học tập vì tương lai tươi sáng, học tập vì ngày mai lập nghiệp.

Chia sẻ kiến thức học đường

Kiến thức học đường chia sẻ những kinh nghiệm, kiến thức cho học sinh và phụ huynh

Xây dựng ước mơ

Cùng giáo dục học đường xây dựng ước mơ tương lai cho con trẻ

Thứ Bảy, 18 tháng 10, 2014

Cấm bài tập về nhà và những ý kiến trái chiều

Tổng thống Hollande, Pháp đã từng đưa ra chỉ thị cấm giao bài tập về nhà gây nên nhiều ý kiến trái chiều về hiệu quả của việc này đối với học sinh. Dưới đây là những nhận định của chúng tôi nên hay không  nên giao bài tập về nhà cho các em học sinh tại Việt Nam

1. Giao bài tập về nhà gây hại cho học sinh và gia đình


Một nghiên cứu đối với 18.000 trẻ trong độ tuổi đến trường ở Mỹ phát hiện, việc làm bài tập giao về nhà không giúp cải thiện điểm số học tập trên lớp của các em.

Do vậy có thể khẳng định bài tập về nhà không hề có chút lợi ích gì. Một núi bài tập về nhà là quá tải với bọn trẻ học 2 buổi/ngày ở trường. Việc sao chép từ những cuốn sách giáo khoa lỗi thời sẽ không dạy cho trẻ bất cứ điều gì. Toàn bộ hệ thống giáo dục phải được cải cách. Mỗi đứa trẻ đều có cách học khác nhau và không phải đứa trẻ nào cũng học được gì đó từ bài tập về nhà. Trẻ cần được đánh giá riêng để cá nhân hóa hệ thống giáo dục. Chúng ta đang nhấn mạnh sự công bằng trong hệ thống giáo dục nhiều hơn là nhấn mạnh việc đảm bảo cho trẻ học và giữ lại những thông tin mà chúng được dạy


Lí do tiếp theo mà không nên giao bài tập về nhà là  do chúng không phát huy được tác dụng của nó như mọi người vẫn kỳ vọng. Bài tập về nhà cướp đi của trẻ cơ hội tự học theo cách của riêng mình. Khi sinh ra, trẻ đã là những người thích khám phá. Khi trẻ có thời gian của riêng mình, hãy để trẻ thoát khỏi những cuốn vở bài tập và cho phép chúng theo đuổi sự quan tâm của riêng mình.

Bài tập về nhà luôn tạo sự căng thẳng, làm mất cân bằng quá trình phát triển tâm, sinh lý của lứa tuổi tiểu học. Một nghiên cứu năm 2002 cho thấy, thời gian làm bài tập về nhà có mối liên hệ trực tiếp với sự gia tăng những cảm xúc lo âu, giận dữ, trầm cảm và các triệu chứng rối loạn tâm thần của trẻ. Ngoài ra, số lượng bài tập tăng lên làm giảm thành tích học tập khá nhiều. Theo dữ liệu của nghiên cứu Xu hướng trong Toán và Khoa học quốc tế cho thấy, thành tích học tập và thời gian làm bài tập về nhà không tương xứng.

Thêm vào đó, bài tập về nhà làm xung đột gia đình tăng lên, cha mẹ luôn phải thúc ép, quát tháo con em ngồi vào bàn học khi chúng đang mải vui chơi. Nhiều cha mẹ cảm thấy áp lực khi phải tìm mọi cách để con hoàn thành bài tập mà cô giáo giao về nhà, thậm chí phải thuê thêm gia sư để hỗ trợ. Tất nhiên, thời gian học ở nhà sẽ làm eo hẹp các hoạt động khác, làm mất đi sự cân bằng và đa đa dạng trong cuộc sống của một đứa trẻ như thể thao, âm nhạc, nghệ thuật hoặc các hoạt động ngoại khóa.

2. Thời gian ở trường là chưa đủ


Trái ngược với những quan điểm có phần cởi mở và hiện đại, vẫn còn rất nhiều người cho rằng ý tưởng bỏ bài tập về nhà là “nực cười”, “vô lý” và thiếu khoa học.

Lý do những người ủng hộ bài tập về nhà đưa ra cũng khá hợp lý. Minh Thư (Hà Nội) nhận xét: “Làm bài tập về nhà không phải là một công việc bận rộn. Mục đích của nó là để củng cố những kiến thức đã được dạy trên lớp và tạo những thói quen học tập tốt. Tác dụng của làm bài tập về nhà cần phải được đánh giá lại, không nên xóa bỏ”.

Minh Thư nói thêm: “Nếu không, học sinh sẽ có những suy nghĩ sai lầm rằng những gì chúng học trên lớp là tất cả những điều mà chúng cần biết. Bỏ bài tập về nhà sẽ là gánh nặng của các giáo viên vì họ sẽ phải một mình chịu trách nhiệm về việc học tập của trẻ thay vì chia sẻ trách nhiệm với học sinh”.


Anh Mạnh cũng có đồng quan điểm này, anh cho biết "Sau khi xem lịch học của con, anh thấy con nah có khá nhiều thời gian rảnh rỗi ở nhà. Tuy chỉ là một nhân viên bảo vệ chung cư nhưng anh rất quan tâm đến việc học hành của con, đó là việc trau dồi kiến thức cho cháu sau này ".

Đồng tình với quan điểm không nên để giáo viên một mình gánh trách nhiệm cho sự thành công của trẻ ở trường, giáo viên tiểu học Trần Phú tin rằng cả phụ huynh học sinh và giáo viên đều phải có trách nhiệm trong sự thành công của trẻ. “Cha mẹ nên chịu trách nhiệm về việc trẻ có hoàn thành bài tập về nhà hay không và chứng minh cho con cái tầm quan trọng của giáo dục. Tôi có trách nhiệm trao cho phụ huynh những công cụ hiệu quả, cụ thể là giao những bài tập về nhà được thiết kế một cách chu đáo”.

Chị cho rằng thời gian ở trường là quá ít ỏi để “đạt được tất cả mục tiêu của việc học tập”, vì thế trẻ cần sự hỗ trợ của cha mẹ.

Do vậy, nhiều nhà giáo đã lên tiếng cho rằng, trẻ cũng cần phải có bài tập về nhà để làm. Nhưng số lượng bài tập đem về nhà bao nhiêu là đủ để chúng vừa có thể ôn kiến thức đã học đồng thời vẫn có giờ để chúng vui chơi.

Theo một chuyên gia giáo dục thì thời gian làm bài tập ở nhà đối với học sinh tiểu học không quá 30 phút/ngày; bậc trung học chỉ từ 45 đến 90 phút/ngày tùy theo cấp lớp. Đối với các lớp lớn hơn, làm bài tập có thể chiếm từ 1 đến 3 tiếng một tối…

Thứ Sáu, 10 tháng 10, 2014

Con xấu hổ vì mẹ… dốt tiếng Anh

Sẽ chẳng là gì nếu như mẹ cũng biết một chút tiếng Anh, cũng phát âm chuẩn được từ “Hello”. Sẽ chẳng là gì nếu như mẹ biết tiếng Anh ở mức trung bình. Như vậy con sẽ tự tin hơn khi đi cùng mẹ. Sẽ tự tin hơn để mỗi lần mẹ đi cùng những người khác, nếu như khi nói chuyện họ có kèm thêm những từ tiếng Anh thì mẹ cũng biết họ đang nói điều gì. Nhưng mỗi lần như thế mẹ đều làm con xấu hổ. Mẹ cứ “ngơ ngác” hỏi lại người ta từ đó nghĩa là gì? Lúc đó con chỉ ước rằng có một cái lỗ lẻ để con chui xuống đó.

Các bạn của con, ai cũng giỏi tiếng Anh lắm. Nhưng mẹ có biết họ được như vậy là do ai không? Là vì mẹ của họ cũng giỏi tiếng Anh và luôn kèm họ học ngay từ ngày còn nhỏ. Con thèm được như những đứa bạn ấy, thèm được những lúc được mẹ ngồi bên dạy bảo, được mẹ dạy chỗ này cần dùng “to do”, chỗ kia cần dùng “to be”, những chỗ nào không hiểu con thèm được đi đến và hỏi mẹ, nghe mẹ trả lời. Nhưng tất cả những điều ấy với con thật là xa xỉ. Con luôn phải nỗ lực, cố gắng hơn tất cả các bạn con vì bên cạnh con, không có ai dạy thêm cho con cả.



Mẹ còn nhớ những ngày đầu tiên con biết thế nào là tiếng Anh về nhà con đọc cho mẹ nghe bảng chữ cái không? Nghe con đọc mẹ chỉ cười, con đọc sai âm nào mẹ cũng chẳng thể sửa cho con vì mẹ đâu có biết gì đâu. Vậy là đến lớp khi cô kiểm tra bài, con là đứa phát âm sai nhiều nhất vì ở nhà đứa nào cũng được bố mẹ kèm cặp, dạy bảo thêm rồi.

Mẹ biết con thích tiếng Anh và thích sách tiếng Anh, vậy là mỗi tuần, mỗi tháng hay khi nào có dịp mẹ lại mua cho con một cuốn ngữ pháp, từ vựng, truyện,… tất cả đều bằng tiếng Anh. Nhưng mẹ ơi, mẹ không biết tiếng Anh, mẹ không thể đọc, không thể hiểu nghĩa của chúng vậy là mẹ không thể kiểm soát được mẹ đã mua những gì. Mẹ có biết rằng những cuốn mẹ mua con đều có rồi. Thậm chí là mẹ đã mua cho con rồi không? Chỉ là bìa sách khác nhau thôi, còn nội dung bên trong vẫn như vậy. Thế là trong giá sách của con có không biết bao nhiêu cuốn giống nhau và con lại phải cho nó đi. Với điều kiện kinh tế nhà mình, điều đó thật là lãng phí phải không mẹ?

Thế rồi cả cái lần lớp con tổ chức đi Sapa và khuyến khích phụ huynh đi cùng nữa, lần ấy mẹ đi cùng với con. Đến đấy có thật nhiều người nước ngoài và khi gặp họ, những phụ huynh của các bạn con dù ít dù nhiều ai cũng biết nói tiếng Anh, thậm chí còn có người “nói như gió”. Vậy mà mẹ lại chẳng thể nói được câu nào, họ hỏi gì mẹ cũng phải nhờ người khác dịch giúp mặc dù bác gái đó chỉ là một bảo vệ trường học nơi con đang theo học. Con buồn và thậm chí xấu hổ nữa. Giá mà hôm ấy mẹ không đi cùng con thì tốt biết bao!

Con biết, mỗi người có một thế mạnh riêng và thế mạnh của mẹ là nấu những bữa ăn và chăm sóc gia đình nhưng thời nay như thế là chưa đủ mẹ ạ. Bởi lẽ, người phụ nữ cần phải ra ngoài và họ còn là “bộ mặt” của người chồng, người con nữa vì thế cần có những kiến thức xã hội nhất định. Con không tự nhận mình là giỏi giang hay thông minh, nhưng qua những gì con trải nghiệm, qua những gì con rút ra từ mẹ, con sẽ luôn phấn đấu để sau này con của con không phải xấu hổ vì con. Con biết, trong xã hội này có nhiều người mẹ cũng không biết tiếng Anh nhưng con cái họ vẫn giỏi giang và họ cho rằng điều đó là không cần thiết. Nhưng “mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh”. Không biết vào học trường chuyên có thực sự hoàn hảo hay không. Con đã rất nỗ lực, rất phấn đấu để giờ đây được theo học một ngôi trường chuyên Anh hàng đầu cả nước, ở đó các bạn của con đều rất tự hào về mẹ, về gia đình của họ. Con cũng muốn được như thế. Không ai có thể chọn cho mình cha mẹ, nhưng cha mẹ có thể chọn cha mẹ cho con, vì thế mẹ có thể vì con mà học hỏi thêm, mà học thêm tiếng Anh để con có thể tự hào về mẹ như bao đứa bạn khác của con được không?

Thứ Tư, 8 tháng 10, 2014

Học trường chuyên có thực sự hoàn hảo?

Theo tâm lý chung, phụ huynh nào cũng muốn con em mình được học trong môi trường tốt nhất, giáo viên giỏi nhất, các trang thiết bị đầy đủ và hiện đại nhất nhưng chi phí lại không quá đắt đỏ. Với mong muốn này, trường chuyên lớp chọn là lựa chọn tốt nhất của mỗi gia đình. Tuy nhiên, liệu gửi gắm con em mình vào môi trường học tập mang đầy tính cạnh tranh này, con em chúng ta thực sự có thể phát triển toàn diện?


Học trường chuyên mang lại nhiều cái lợi


Một sự thật mà chúng ta không thể phủ nhận đó là trường chuyên lớp chọn có môi trường học tập khá hơn hẳn các lớp đại trà. Giáo viên giỏi hơn, bạn học khá hơn, các trang thiết bị hỗ trợ học tập được trang bị đầy đủ hơn vì thế việc học hành của các em cũng dễ dàng hơn. Hơn nữa, trường chuyên lớp chọn có môi trường cạnh tranh khá lớn, nếu không đủ điểm số, không đáp ứng được điều kiện của trường, các em sẽ bị log out bất cứ lúc nào. Chính sự cạnh tranh khốc liệt này nên các em học sinh có tinh thần tự giác, có động lực học hơn rất nhiều.

Không những thế, học trường chuyên các em học sinh không phải học dàn trải tất cả các môn như trong chương trình học đại trà mà được tập trung phát triển các môn sở trường. Chính điều này tạo cho các em nhiều cơ hội tham gia vào các kì thi học sinh giỏi, các kì thi Quốc gia và khả năng đỗ Đại học cao hơn những em học sinh học ở trường làng, trường huyện. Điều đó cũng có nghĩa là trường chuyên lớp chọn tạo điều kiện cho các em thành công hơn. Đơn giản là khi thấy các bạn tham gia vào các kì thi Quốc gia, đi du học nhiều thì chính các em cũng phải cố gắng hơn. Hơn nữa, thực tế cho thấy, ở các trường Đại học tỷ lệ các sinh viên xuất thân từ những trường chuyên có sức bật, sự năng động, vốn hiểu biết khá hơn nhiều so với sinh viên của các trường khác. Vì vậy, các em có nhiều cơ hội tiến xa hơn và thành công hơn trong cuộc sống. 

Bên cạnh đó, nếu được học tập ở trường chuyên, các em sẽ có cơ hội tham gia nhiều chương trình ngoại khóa khiến các em năng động, độc lập ngay từ khi còn nhỏ. Hơn nữa, trường chuyên là một ngôi trường điểm, thường được tập trung ở thị xã, thành phố - những nơi phát triển nhất của tỉnh, của huyện vì thế các em có điều kiện tiếp cận thông tin tốt hơn nhiều đối với các em học sinh ở các trường huyện, các trường nhỏ lẻ.


Nhưng cũng không ít cái hại 


Chúng ta không thể phủ nhận những lợi ích mà trường chuyên mang lại nhưng đừng để những hào nhoáng bên ngoài, những lợi ích dễ nhận thấy che mờ đi tất cả. Bởi đằng sau những lợi ích ấy, trường chuyên cũng mang đến cho tương lai con em chúng ta không ít cái hại.

Học ở trường chuyên, các em được học ở môi trường tốt với nhiều bạn học khá, điều đó đồng nghĩa với việc các em phải sống trong môi trường cạnh tranh cao. Các em luôn phải phấn đấu làm sao để bằng bạn, hơn bạn, lúc nào cũng lo học, lo thi, bạn bè nhìn nhau như đối thủ. 

Hơn nữa, chương trình học của các em rất nặng. Thời gian biểu một ngày đa phần chỉ dành cho việc học. Ngoài giờ học theo chương trình, các em còn phải tham gia các lớp nâng cao theo từng khối vào buổi chiều. Ngày học ở trường, tối đi học thêm nhưng lượng bài vở ở nhà vô cùng lớn. Như vậy, thời gian vui chơi của các em hầu như không có.

Công bằng mà nói, để vào được những trường/lớp như vậy, các em phải chịu những áp lực và hy sinh rất lớn, không được vui chơi nhiều như các bạn khác. Gia đình cũng phải hy sinh nhiều cả về tài chính, thời gian và thường phải chăm sóc các em nhiều hơn. Hiển nhiên là các em giỏi hơn các học sinh khác về mặt kiến thức nhưng lại kém hơn về kỹ năng sống, nhất là khả năng chăm sóc người khác vì quen với việc mọi người chăm sóc mình, coi việc học của mình là trên hết! 

Bên cạnh đó, việc học ở trường chuyên vô hình chung đã tạo cho các em một áp lực và một sự “sĩ diện” lớn bởi lẽ, khi học trường chuyên, gia đình đặt kì vọng vào các em quá lớn và bản thân các em luôn mặc định trong đầu là phải đỗ Đại học. Nhưng “học tài thi phận”, giả sử một ngày không may các em trượt Đại học, các em rất dễ có cảm giác xấu hổ và chịu áp lực lớn từ phía gia đình khi mà hầu hết bạn bè của em đều đỗ Đại học. Đó cũng là nguyên nhân sau mỗi kì thi tuyển sinh, chúng ta gặp không ít những trường hợp học sinh trường chuyên tự tử vì trượt Đại học.

Tạm kết


Thực tế, kiến thức đóng vai trò quan trọng trong sự thành công nên việc hoạch định học hành cho con cái có thể là yếu tố quyết định sự thành/bại của con sau này! Nhưng hãy tùy vào năng lực và sở thích của con trẻ để chúng ta lựa chọn trường cho con phù hợp nếu không sẽ đi ngược lại với mong muốn của chúng ta. Theo tôi, có thể dựa vào 3 tiêu chí sau để lựa chọn trường cho con:

-    Hãy chọn trường/lớp có cơ sở vật chất đảm bảo việc học vì “vật chất quyết định ý thức”!

-    Hãy tìm lớp có giáo viên có kiến thức và công tâm vì nếu giáo viên dốt hoặc ngoắt nghéo, con trẻ sẽ bi thui chột quá sớm!

-    Chọn lớp có bạn bè ngoan và trình độ tương đồng với con mình. Học thầy không tày học bạn, nếu bạn quá giỏi, con mình sẽ không theo nổi, dễ bị stress. Bạn quá kém con mình cũng không có động lực cố gắng! Được dạy dỗ tự lập khi còn nhỏ sẽ khiến cho con bạn dễ hòa nhập với môi trường xung quanh, thích ứng tốt với điều kiện mới, điều đó giúp con bạn thoải mái hơn trong việc học tập.

Trường chuyên là một môi trường tốt để con em có thể học tập nhưng nó không thực sự hoàn hảo 100%. Vì thế, trước khi quyết định cho con em mình học trường nào, mong các phụ huynh có cái nhìn thật nhiều chiều để có quyết định đúng đắn và phù hợp nhất với các em.

Chủ Nhật, 5 tháng 10, 2014

Kỳ thi THPT quốc gia 2015: Những nỗi lo của phụ huynh

Phương án cho kỳ thi THPT chung quốc gia đã được chốt từ đầu năm học 2014 – 2015 nhưng cho đến tận bây giờ người ta vẫn chưa thôi băn khoăn. Kỳ thi quốc gia năm 2015 sẽ có nhiều điều mới, nhưng với giáo viên, học sinh, liệu chỉ trong một thời gian ngắn như vậy có thể học, ôn tập tốt cho kỳ thi hoàn toàn đổi mới này. Còn với những vị phụ huynh, đâu là những điều lo lắng lớn của họ trước kỳ thi quan trọng bậc nhất đối với con em họ?


Với phương án thi 4 môn, trong đó có 1 môn tự chọn, liệu các cháu có chủ động… học lệch?

Đây không chỉ là nỗi lo lắng của rất nhiều giáo viên, mà các bậc phụ huynh cũng băn khoăn. Bởi các học sinh trong độ tuổi 18 thường chưa ý thức được tác hại của việc học lệch đối với cuộc sống sau này  như thế nào. Những phụ huynh có hiểu biết, có trải nghiệm bao giờ cũng muốn con mình được trang bị những kiến thức toàn diện. Thế nhưng với phương án thi 4 môn cho kỳ thi quốc gia chung, học sinh có thể sẽ chủ động học những môn bắt buộc và lựa chọn môn thi tự chọn để học, sẽ xem nhẹ các môn còn lại, gây tình trạng học lệch. 

Bài toán chống học lệch từ lâu đã được Bộ GD – ĐT.  Chính Bộ trưởng Phạm Vũ Luận khẳng định: Kết quả tốt nghiệp THPT dựa trên nguyên tắc học gì thi đấy. Cụ thể, 50% lấy kết quả học lớp 12, còn 50% lấy kết quả thi 4 môn trong kỳ thi chung. Phương án này được Bộ GD – Đt cho là sẽ giải quyết bài toán học lệch, học sinh vẫn phải học và thi đầy đủ tất cả các môn học trong lớp 12 để làm cơ sở xét kết quả tốt nghiệp. 

Tuy nhiên, cách làm này, theo nhiều phụ huynh chỉ là cách làm đối phó và dễ nảy sinh tiêu cực trong nhà trường, nếu không có cơ chế kiểm soát chặt.

Bộ GD - ĐT yêu cầu đề thi sẽ đổi mới theo hướng vận dụng kiến thức mở. Điều này quá mơ hồ khi mà học sinh bao nhiêu năm nay vẫn theo học theo cùng một chương trình, SGK. Liệu cách học này có đáp ứng được yêu cầu của kỳ thi?

Đây là câu hỏi của phần lớn phụ huynh có con học lớp 12 và sẽ là lứa học sinh đầu tiên tham gia kỳ thi THPT quốc gia. Mặc dù khi công bố phương án thi, Thứ trưởng Bộ GDĐT Nguyễn Vinh Hiển đã khẳng định là học sinh cứ yên tâm học tập bình thường theo chương trình, các chương trình học sẽ không biến động nhiều thế nhưng phụ huynh vẫn hết sức lo lắng. 

Về điều này, theo Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục (Bộ GDĐT), đề thi sẽ theo định dạng của đề thi tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2014 theo hướng tăng cường các câu hỏi ở mức độ vận dụng, các câu hỏi mở, giảm dần yêu cầu ghi nhớ máy móc các số liệu, sự kiện hay trả lời theo khuôn mẫu có sẵn. Trước mắt, những yêu cầu trong đề thi sẽ chưa thay đổi nhiều nên các em học sinh vẫn học hay bổ sung kiến thức như trong chương trình phổ thông. Những đổi mới của kỳ thi đều nhằm theo hướng nhẹ nhàng, thuận lợi, tạo cho các em nhiều cơ hội chọn trường, chọn ngành phù hợp. Còn yêu cầu “vận dụng kiến thức mở” là nhằm định hướng để giáo viên có sự điều chỉnh phù hợp trong quá trình giảng dạy để phục vụ cho những năm sau. 

Con tôi thuộc diện “Thí sinh tự do”, cháu sẽ tham dự thi kỳ thi này như thế nào?

Thí sinh tự do chưa tốt nghiệp THPT những năm trước có thể đăng ký dự thi hoặc là chỉ để được xét công nhận tốt nghiệp hoặc với cả hai mục đích vừa để xét công nhận tốt nghiệp vừa lấy kết quả xét tuyển vào ĐH, CĐ sẽ đăng ký môn thi tùy theo mục đích dự thi của mình. Thí sinh tự do đã tốt nghiệp THPT nếu có nguyện vọng thi để lấy kết quả xét tuyển vào ĐH, CĐ thì chỉ đăng ký thi những môn thi phù hợp với khối thi của trường mà mình lựa chọn để xét tuyển, chứ không phải thi các môn không phục vụ xét tuyển vào các ngành, trường ĐH, CĐ mà các em lựa chọn. 

Lợi ích của con em chúng tôi khi thực hiện kỳ thi THPT quốc gia chung? 

Việc tổ chức một kỳ thi quốc gia rất có lợi cho thí sinh. Trước hết, các em chỉ thi một kỳ thi nhưng sử dụng kết quả đó để xét vào rất nhiều trường ĐH, CĐ. Bên cạnh đó, các em thi xong, có kết quả rồi mới đăng ký xét tuyển. Vì vậy, tránh hoàn toàn rủi ro mà quy định của kỳ thi ba chung trước đây. Đối với những học sinh đã có bằng tốt nghiệp THPT, nếu năm tới tổ chức kỳ thi quốc gia, các em chỉ thi những môn liên quan mà mình đăng ký xét tuyển, còn những môn không liên quan, các em có quyền không thi vì không sử dụng kết quả ấy để công nhận tốt nghiệp THPT. Vì vậy, cả về nội dung thi và cách thức sử dụng kết quả kỳ thi này đều có lợi cho thí sinh.

Thứ Năm, 2 tháng 10, 2014

Choáng với những khoản thu đầu năm độc, lạ

Một năm học mới lại đến. Hòa chung không khí vui tươi rộn ràng của các em học sinh trong ngày tựu trường là nỗi lo lắng của các bậc phụ huynh với các khoản đóng góp đầu năm. Năm học 2014 – 2015 này, các bậc phụ huynh phản ánh rất nhiều về những chi phí “sáng tạo” mà nhà trường quy định khiến họ không tưởng tượng nổi. Cùng điểm qua một số khoản thu độc – lạ khiến phụ huynh choáng váng này. 

Tiền “xã hội hóa” xây nhà vệ sinh thông minh


Ngoài các khoản phí thông thường, mỗi học sinh sẽ phải đóng thêm 400.000 đồng tiền xây dựng nhà vệ sinh thông minh -  Đó là quy định gây rất nhiều tranh cãi tại trường THCS Colette (quận 3, TP.HCM). Nhà trường đang có dự án xây dựng nhà vệ sinh thông minh cho học sinh với tổng kinh phí khoảng 2 tỷ đồng và số tiền đó tất nhiên được “xã hội hóa” lên đầu phụ huynh học sinh. 

Cũng tại TP. HCM, trường THCS Lê Quý Đôn (quận 3) cũng đã xây bảy lốc nhà vệ sinh thông minh lên đến 600 triệu đồng bằng tiền của phụ huynh.

Tiền phí mang nước lên tận lớp


Tại một số trường học trên địa bàn thị xã Bỉm Sơn (Thanh Hóa) nhà trường còn đặt ra những khoản phí cực kỳ sáng tạo khác đầu năm học. Có những khoản thu mà nhìn vào, các bậc phụ huynh cũng “bó tay” không hiểu như tiền Xã hội hóa giáo dục, Quỹ hoạt động hội, Quỹ nhân đạo, báo đội mua tăm tre, thuê nhân công quét dọn vệ sinh, tiền điện sáng, quạt mát, tiền nước máy, giấy vệ sinh, tiền học tăng buổi, mua ca cốc, tiền làm thẻ học sinh phục vụ cho việc khám chữa bệnh BHYT... đặc biệt là tiền thuê mang nước lên đến tận lớp. 

Tính sơ sơ rong danh sách của nhà trường có đến 18 khoản phí “khó hiểu”.

Thông báo về các khoản thu của trường Tiểu học Ngọc Trạo, Bỉm Sơn, Thanh Hóa.

Cũng “khó hiểu” không kèm là tại một trường mầm non ở quận 3, TP.HCM, phụ huynh được phát phiếu thông báo đóng tiền đầu năm gần 2 triệu đồng với 14 khoản thu trong đó có khoản tiền “nâng cao chất lượng” tới 300.000 đồng.

14 khoản phí của trường mầm non tại quận 3, TP.HCM.

Tiền mua vé ăn chay để gây quỹ đúc tượng


Theo Thanh niên nêu ra một khoản tiền lạ khác đó là nhà trường “vận động” phụ huynh mua vé ăn tiệc chay để gây quỹ đúc tượng. Đó cũng là một khoản dở khóc dở cười ở trường tiểu học Lê Quý Đôn (phường 4, thành phố Mỹ Tho, Tiền Giang).

Được biết trong năm học 2013 – 2014 nhà trường đã vận động phụ huynh đóng góp mỗi người từ 100.000 đồng trở lên cho việc đúc tượng nhà bác học Lê Quý Đôn đặt trong khuôn viên trường.  Trường có hơn 2.000 học sinh nhưng sau đó trường cho là thiếu nên đầu năm học 2014 – 2015 đã vận động đóng góp tiếp tục bằng cách  “ép” mua vé ăn chay gây quỹ với giá 100.000 đồng/vé khiến nhiều phụ huynh bức xúc. 

Đóng cả tiền mua rèm cửa, sơn sửa trường…


Mặc dù đã đóng góp tiền xây dựng trường, nhưng nhà trường vẫn lên danh sách các khoản thu lẽ ra phả được trích từ tiền xây dựng như tiền mua rèm cửa, sơn sửa tường, tiền làm mái che… 



Ở trường tiểu học Tân Trụ, quận Tân Bình, TP.HCM, phụ huynh phản ánh nhà trường thông báo phụ huynh mỗi lớp đóng góp 15 triệu đồng để trang bị rèm cửa cho lớp. Mỗi lớp khoảng 40 học sinh, vậy là số tiền mỗi em đóng góp để mua rèm cửa lên tới gần 400.000 đồng.

Tại trường tiểu học Nguyễn Đình Chiểu (phường 8, thành phố Cà Mau), phụ huynh trường được nhà trường yêu cầu đóng tiền sơn sửa trường, tiền làm mái che, tiền trồng 2 cây bàng, phí khuyến học, phí khen thưởng, phí Trung thu... 

Báo Lao Động đưa tin theo một phụ huynh lớp một trường tiểu học V.V.H (quận 9, TP.HCM) cho biết, ngay đầu năm học, cô giáo chủ nhiệm đã đề nghị mỗi học sinh đóng 400.000 đồng để mua ti vi phục vụ học tập. Ngoài ra, mỗi học sinh còn phải đóng thêm những khoản lặt vặt khác như đôi dép 30.000 đồng, ghế ngồi 70.000 đồng…

Các khoản nhà trường thu hộ


Ngoài các khoản phí đóng góp cho nhà trường như tiền xây dựng trường, học phí,  phụ huynh còn phải oằn lưng “móc hầu bao” đóng các khoản mà theo nhà trường giải thích là những khoản “thu hộ”.

Trường THCS B.Đ (Q.3, TP.HCM) thì có tới 12 khoản thu hộ, chi hộ phụ huynh phải đóng như học phí tiếng Anh tăng cường 45.000 đồng; phí phục vụ bán trú 52.000 đồng; phí vệ sinh 12.000 đồng; học vi tính 15.000 đồng; nước uống 7.500 đồng; truy bài bán trú 67.500 đồng; học với thầy nước ngoài 112.500 đồng; thu đầu năm 633.000 đồng… và một loạt các khoản thu khác như bảo hiểm y tế, bảo hiểm tai nạn, phù hiệu, sổ liên lạc - báo bài, phiếu báo điểm - học phẩm, phiếu mẫu vật thực hành...

Tại các trường học ở Thị xã Bỉm Sơn, Thanh Hóa, khi cuộc họp phụ huynh chưa diễn ra, nhà trường đã có thông báo danh sách các khoản thu gửi về tận tay từng phụ huynh một như “chiếu chỉ” phải nộp, trong đó các khoản thu hộ bao gồm: hiểm y tế (bắt buộc); bảo hiểm thân thể; các khoản dịch vụ như: tiền xe 76.000đ; nước uống 47.500đ; học thêm 9.000đ/buổi; quỹ hội chữ thập đỏ 12.000đ; học bạ khối 10 5.000đ; giấy vào lớp 10; bì đựng hồ sơ tốt nghiệp; tiền mua vở theo mẫu thống nhất (chỉ tiêu đặt ra là mỗi học sinh khối 10 là 27 cuốn, khối 11, 12 mua theo nhu cầu); tiền mua máy chiếu đa năng 300.000 cho khối 10, 200.000đ cho khối 11 và 100.000 cho khối 12; tiền mua áo đồng phục đông, hè; mua ghế chào cờ, thẻ học sinh 25.000đ, quỹ Xã hội hóa giáo dục 300.000 khối 10/gia đình, 250.000đ/gia đình học sinh khối 11 và  khối 12 là 200.000đ/gia đình….

Có thể thấy, các khoản thu đầu năm đang là một gánh nặng lớn dồn lên vai các bậc phụ huynh, nhất là khi nhà trường phát sinh nhiều khoản vô lý nhưng được hợp thức dưới hình thức xã hội hóa hay thu hộ. Thiết nghĩ cần lắm một cơ chế công khai, minh bạch cho các khoản phí đầu năm học để mỗi mùa tựu trường đến, các em học sinh được tận hưởng trọn vẹn niềm vui tới trường mà không phải nơm nớp lo sợ nói với cha mẹ thế nào về các khoản phí. Còn các bậc phụ huynh không còn phải chạy vạy đóng đủ cho các khoản phí, bởi dù thấy vô lý nhưng không dám lên tiếng vì sợ thầy cô trù dập con em mình.

Mặc dù số tiền phải đóng đầu năm học của các em mỗi năm một tăng so năm trước nhưng chất lượng đào tạo liệu có thực sự được tăng lên tương ứng với mức tiền của gia đình bỏ ra, liệu các em có được đào tạo trong môi trường giáo dục tốt hơn hay vẫn phải chịu đựng trong môi trường giáo duc thối nát như hiện nay?