Học Tập cho Ngày mai tỏa sáng

Học tập vì tương lai tươi sáng, học tập vì ngày mai lập nghiệp.

Chia sẻ kiến thức học đường

Kiến thức học đường chia sẻ những kinh nghiệm, kiến thức cho học sinh và phụ huynh

Xây dựng ước mơ

Cùng giáo dục học đường xây dựng ước mơ tương lai cho con trẻ

Thứ Năm, 27 tháng 11, 2014

Có nên cho trẻ học trực tuyến?

Học trực tuyến (e-learning) là phương thức học ảo thông qua một máy vi tính nối mạng đối với một máy chủ ở nơi khác có lưu giữ sẵn bài giảng điện tử phần mềm cần thiết để có thể hỏi/yêu cầu/ra đề cho học viên học trực tuyến từ xa. Hoặc giáo viên có thể truyền tải hình ảnh và âm thanh qua đường truyền băng thông rộng hoặc kết nối không dây (WiFi, WiMAX), mạng nội bộ (LAN) v.v…Mở rộng ra, các cá nhân hay các tổ chức đều có thể tự lập ra một trường học trực tuyến (E-school), mà nơi đó vẫn nhận đào tạo học viên, đóng học phí và có các bài kiểm tra như các trường học khác. 


Lớp học trực tuyến được xem như thành quả của thế giới thông tin điện tử toàn cầu. Ở Việt Nam, nhiều ông bố bà mẹ cũng đã có xu hướng chọn cho con mình những lớp học trực tuyến. Hãy xem, hình thức học mới mẻ này khác gì với lớp học truyền thống và vì sao nên chọn nó cho con bạn nhé.

1.  Tiết kiệm thời gian, tiền bạc


Với một lớp học trực tuyến, phụ huynh có thể phụ đạo cho con mình ngay tại nhà, điều đó sẽ giúp các bậc cha mẹ tiết kiệm được một khoản kha khá chi phí cho các khoản chi phí về cơ sở vật chất của trường, chi phí đi lại…  Cha mẹ chỉ tốn chi phí trong việc đăng kí khoá học và có thể đăng kí bao nhiêu khoá học mà họ cần, đây có thể xem là một lựa chọn tốt trong thời kì khủng hoảng kinh tế hiện nay. 

Ngoài ra, học trực tuyến cũng giúp tiết kiệm thời gian rất nhiều (khoảng từ 20-40%) so với phương pháp giảng dạy truyền thống do rút giảm sự phân tán và thời gian đi lại, thời gian học khá linh hoạt…  Nó còn rất tiện lợi ở chỗ cha mẹ vừa có thể phụ đạo con học trực tuyến vừa làm việc do việc đào tạo trực tuyến có thể diễn ra ở bất cứ đâu, bất cứ lúc nào, không giới hạn vị trí địa lí, địa điểm….

2.  Hình ảnh, nội dung sinh động


Hiện nay các giáo trình học trực tuyến hầu như đều được các chuyên gia biên soạn phù hợp với khả năng nhận thức và đặc thù của lứa tuổi các em. Thay vì cắm cúi vào game, trẻ có thể vừa học vừa chơi bằng các bài giảng và trò chơi thực hành trên các thiết bị công nghệ bởi những bài giảng trực tuyến hiện nay có hình ảnh, màu sắc… minh họa rất bắt mắt, phù hợp với độ tuổi của các em. Cách học này giúp trẻ cảm thấy thích thú, tiếp nhận được nhiều kiến thức mà không cảm thấy bị nhồi nhét. Nhờ vậy, tính tự giác học bài và khả năng ghi nhớ của trẻ cũng được cải thiện.


Trẻ vừa thỏa sức khám phá những điều mới mẻ, vừa phát triển 6 năng lực cốt lõi: giao tiếp và hợp tác; đọc viết và làm chủ ngôn ngữ; tư duy độc lập và sáng tạo; tính toán và giải quyết vấn đề; áp dụng kiến thức vào thực tế và tự điều hướng việc học. 

3.  Tính thực tế cao


Đừng nghĩ học trực tuyến là trẻ không được tiếp xúc với thực tế. Hiện nay, với các giáo trình trực tuyến, ngoài việc truyền tải những kiến thức trong sách vở, mỗi bài học đều chú trọng khai thác khả năng mô phỏng cuộc sống, giúp trẻ dễ dàng lĩnh hội kiến thức ngay tại nhà. Trẻ được tiếp xúc với các nhân vật trong bài học, trong các tình huống gần gũi với thực tiễn cuộc sống.

Cha mẹ cũng đừng lo lắng rằng các bài học trực tuyến sẽ hình thành lối sống, cách học đơn độc nơi trẻ bởi trên mạng trực tuyến, trẻ sẽ được giao tiếp với thầy cô, bạn bè giống như ngoài đời thực chứ không bị bỏ mặc tương tác với thiết bị. Ngoài ra, trẻ còn được tạo cơ hội giao lưu, chia sẻ qua email, chat, diễn đàn và thảo luận với cộng đồng người học. Một số hoạt động offline như hội thảo, hội trại, cuộc thi, tham quan... cũng được kết hợp với chương trình học online


Các nhân vật trong bài học tương tác với trẻ.

4.  Cha mẹ có thể quản lý con cái


Tất nhiên, trẻ học ngay tại nhà thì cha mẹ có thể giám sát gần như hoàn toàn việc học của con mình, nắm được rõ khả năng tiếp thu, điểm mạnh điểm yếu của các con. Nếu như cha mẹ quá bận rộn không có thời gian ở nhà để theo dõi việc học của con thì các giáo trình trực tuyền cũng có những công cụ hỗ trợ cha mẹ giám sát và quản lý thời gian trẻ tham gia các bài học trực tuyến.

5.  Những lưu ý khi cho trẻ học trực tuyến


-  Để bảo vệ thị giác và sức khỏe cho trẻ, cha mẹ chỉ nên cho con học trực tuyến trong khoảng thời gian vừa đủ. Cha mẹ cũng có thể chọn các giáo trình trực tuyến được lập trình thời gian, chỉ cho phép trẻ ngồi học với thiết bị điện tử tối đa 2-3 tiếng mỗi ngày.

-  Nên chọn những giáo trình được biên soạn phù hợp nhất với độ tuổi phát triển, tâm lý của trẻ.

Ngoài ra bạn có thể tham khảo thêm các bí quyết giúp trẻ thông minh hơn khác để chăm sóc tốt cho con mình.

Thứ Ba, 25 tháng 11, 2014

Chấm điểm bằng con dấu: Lợi bất cập hại

Chấm điểm bằng con dấu đối với học sinh Tiểu học là một trong những thay đổi lớn nhất của ngành giáo dục năm nay. Ở nhiều nước trên thế giới, phương pháp này đã được áp dụng từ lâu, tuy nhiên đến Việt Nam, việc chấm điểm bằng con dấu phù hợp đến đâu còn phụ thuộc vào cách làm việc của giáo viên vì thực tế về bản chất, phương pháp này còn nhiều bất cập.

Chấm điểm bằng số như truyền thống là việc chấm điểm mang tính chất định lượng còn chấm điểm bằng những lời nhận xét (con dấu) là mang tính chất định tính. Về lý thuyết, chấm điểm bằng nhận xét sẽ làm giảm áp lực cho các em học sinh, giảm bệnh thành tích trong giáo dục nhưng dù thế nào đi nữa, con dấu cũng không thể thay thế lời phê.

Con dấu là một cái khuôn đúc sẵn, những lời nhận xét trên con dấu chỉ dựa trên những lỗi thường xảy ra với học sinh. Tuy nhiên, thực tế bản thân mỗi học sinh tiếp thu kiến thức, năng lực học tập khác nhau. Nếu chỉ nhận xét chung chung như vậy sẽ không đánh giá hết năng lực từng của học sinh. Người giáo viên tốt là người giáo viên chỉ được cho học sinh biết từng điểm mạnh, điểm yếu của mình để các em phát huy và khắc phục. Tuy nhiên, một con dấu với nội dung chung chung như “cô khen”, “Cần cố gắng hơn”,… chắc chắn không thể bằng một lời phê “Con làm bài có tiến bộ, cố gắng không tẩy xóa”,…


Bên cạnh đó, việc sử dụng con dấu để nhận xét giáo viên khó định hướng được cho học sinh cách khắc phục lỗi một cách chi tiết và cụ thể. Hơn nữa về mặt cảm xúc giáo viên khó thể hiện cảm xúc bằng lời với học sinh một cách chân tình. Từ đó học sinh không hiểu rõ bản thân mình đạt được kết quả gì, mình sai chỗ nào, vì sao,…

Không thể phủ định rằng, sử dụng con dấu sẽ giúp giáo viên giảm tải được công việc, làm việc nhanh gọn và nhẹ nhàng hơn. Tuy nhiên, chính ưu điểm này lại là một mối lo ngại. Thay vì tốn thời gian cho việc ghi nhận xét, họ chỉ việc cộp dấu vì thế rất dễ dẫn đến tình trạng làm cho xong, làm cho nhanh, giáo viên sẽ không còn để ý đến những chi tiết trong bài. Với những lỗi phát sinh, không phù hợp với những lời nhận xét trong con dấu, giáo viên rất dễ bỏ qua, không phản ánh để học sinh và phụ huynh biết.

Ở nước ngoài, họ cũng bỏ cách chấm điểm bằng số nhưng các giáo viên vẫn có cách “chấm điểm” riêng như đánh giá theo chữ cái A, B, C, D. Nhưng số lượng học sinh ở lớp đó ít, tâm lý học sinh nước ngoài khác với tâm lý học sinh Việt Nam, các em đến lớp thoải mái, không phải lo học thêm, bình bầu, phát phiếu, giấy khen... nên việc đánh giá bằng cho điểm hay nhận xét đối với họ không đến nỗi căng thẳng như ở nước ta.

Nhìn chung, mỗi sự thay đổi đều sẽ nhận được nhiều luồng ý kiến và đều có ưu nhược điểm riêng. Việc thay đổi hình thức đánh giá học sinh bằng việc chuyển từ việc chấm điểm bằng điểm số sang việc đánh giá nhận xét sẽ giảm áp lực cho học sinh nhưng kèm theo đó cũng có khá nhiều bất cập. Tuy nhiên, dù đánh giá bằng cách này hay cách khác, học sinh có tiến bộ hay không lại phụ thuộc chủ yếu vào ý thức tự rèn luyện của học sinh và sự quan tâm chu đáo của gia đình cũng như nhà trường. Với cách làm mới này mong rằng các giáo viên sẽ có những sáng kiến phù hợp và nâng cao trách nhiệm của mình để chất lượng giáo dục nước nhà ngày một nâng cao.

Thứ Năm, 20 tháng 11, 2014

Bỏ 3 năm trung học phổ thông: Phương án cải cách bất khả thi

Những năm gần đây, cải cách giáo dục dâng lên như một làn sóng dữ dội. Ở bất kì một cuộc họp, một hội thảo và ngay trong Quốc hội những ý kiến cải cách giáo dục liên tục được đề xuất: Nên bỏ kì thi tốt nghiệp hay Đại học? Thi bao nhiêu môn trong kì thi tốt nghiệp,… đều được bàn luận sôi nổi. Và đặc biệt, ý kiến của Hiệu trưởng trường Đại học FPT Lê Trường Tùng cũng nhận được sự quan tâm khá lớn của dư luận đó là: Nên bỏ 3 năm trung học phổ thông! Liệu đây có là một ý kiến hay và chúng ta có nên thực hiện?


Hiệu trưởng trường Đại học FPT Lê Trường Tùng

Nguyên nhân khiến ông đưa ra đề xuất này là vì theo chuyên gia, hiện nay chương trình giáo dục của nước ta còn quá rườm rà và lạc hậu. Theo như mô hình giáo dục Anh quốc, học sinh nước này thay vì mất tới 12 năm học chương trình phổ thông như nước ta, họ chỉ còn khoảng 9-10 năm, sau đó có thể học CĐ hoặc học dự bị ĐH trước khi vào ĐH. Và theo mô hình này, học sinh chỉ chọn 6-7 môn, chứ không phải học tất cả các môn như hiện nay. Bên cạnh đó, chúng ta hoàn toàn sử dụng 2/3 chương trình sách giáo khoa của Anh cho các môn khoa học tự nhiên Toán, Lý, Hóa,… và chỉ phải biên soạn lại chương trình các môn Khoa học xã hội.

Thực tế đề xuất này cũng có cái lý của nó vì quả thực, xét cho cùng chương trình đào tạo với 12 môn học ở chương trình phổ thông còn máy móc. Tuy nhiên, bỏ đi tới 3 năm chương trình học phổ thông liệu là điều hợp lý?

Mặc dù chương trình đào tạo của nước ta hiện nay còn nhiều bất cập, chưa theo kịp với thế giới tuy nhiên, không phải đương nhiên mà trước đây các chuyên gia Giáo dục xây dựng chương trình đào tạo với 4 cấp: Tiểu học, Trung học, Trung học phổ thông và Đại học/ Cao đẳng. Thực tế, kiến thức cấp 3 là tiền đề quan trọng cho học sinh khi bước vào Đại học. Các kiến thức này đủ khó để các em tư duy và phát triển, để các em dày dạn hơn trong việc nhìn nhận vấn đề từ đó khi bước lên cấp Đại học, các em không còn quá non nớt để tiếp thu những ý kiến của các bậc Giáo sư, Tiến sĩ ở cấp Đại học. Hay nói một cách cụ thể hơn, những đứa trẻ 14, 15 tuổi chưa đủ nhận thức để theo học các lớp ở trình độ Đại học

Bên cạnh đó, nếu nói chương trình cấp 3 quá tải với nhiều môn học rườm rà, không cần thiết mà cắt bớt thì chúng ta cần phải cắt bớt tất cả các cấp chứ không riêng gì cấp 3. Vì thực tế, ở mỗi cấp học đều chứa đựng một sự rườm rà riêng, cho đến nay chưa chương trình ở cấp học nào thực sự hoàn thiện. Nếu như chúng ta muốn cải cách, phải thay đổi cần phải xem xét toàn bộ chương trình giáo dục từ Mầm non đến Đại học và thay đổi toàn bộ chương trình ở các cấp đó. Các kiến thức không quan trọng sẽ phải cắt bớt, sau đó dồn kiến thức ở các lớp trên cao xuống lớp thấp hơn, gom góp sao cho “nhét” được những kiến thức nền tảng cho các em trong 9 năm học chứ không thể cắt toàn bộ và bỏ toàn bộ các kiến thức cấp 3 như ý kiến nêu trên. Mặc dù vậy, với cách làm này theo tôi con số 9 năm vẫn còn ít bởi vì như thế việc giảm tải mà chúng ta đang hướng đến chẳng phải đã bị “vô hiệu hóa” rồi sao? Các em sẽ phải học các trương trình quá khó so với lứa tuổi, từ đó không lĩnh hội hết được các kiến thức trong chương trình. Ở các nước khác, chương trình đào tạo phổ thông của họ chỉ kéo dài 9 năm, đến năm 20 tuổi học sinh đã có thể cầm tấm bằng Đại học và đi làm. Tuy nhiên họ làm được điều đó là vì họ cũng mất nhiều năm nghiên cứu để chương trình giáo dục phù hợp với tư duy, văn hóa con người nước họ. Việc chúng ta lấy giáo trình của họ ốp sang nền giáo dục nước mình là điều vô cùng nguy hiểm. 

Hơn nữa, với người Việt Nam, giai đoạn cấp 3 là giai đoạn có nhiều sự chuyển biến mạnh mẽ về tâm sinh lý, lứa tuổi, rất cần sống trong một môi trường có sự quan tâm, giáo dục nghiêm ngặt của người lớn. Nếu như cắt chương trình phổ thông để các em rời xa nhà gia đình lên các thành phố lớn học Đại học, các em sẽ thiếu đi sự kèm cặp của gia đình vào thời điểm có nhiều biến động nhất về tâm sinh lý, rất dễ khiến các em sa ngã hay có những quyết định sai lầm.

Thiết nghĩ cải cách giáo dục là vấn đề cần thiết tuy nhiên cải cách thế nào cho phù hợp mới là điều quan trọng. Việc cắt bớt toàn bộ chương trình cấp 3 để các em chuyển thẳng lên Đại học, xét trên nhiều bình diện đều không phù hợp. Nếu như muốn rút ngắn khoảng thời gian các em học phổ thông, chúng ta cần cải cách và sửa đổi toàn bộ chương trình giáo dục từ Tiểu học cho đến cấp 3, giảm tải những kiến thức không cần thiết để dồn số năm lại theo cách làm mà tôi đã nêu ở trên. Hy vọng, với những nỗ lực cải cách giáo dục chúng ta sẽ đưa ra những phương án hiệu quả để có một chương trình đào tạo hợp lý, vừa giảm tải được lượng kiến thức cho học sinh, vừa có thể bắt kịp với thế giới để nền giáo dục của nước ta không còn lạc hậu.

Thứ Hai, 17 tháng 11, 2014

Người thầy trẻ mãi trong trái tim tôi

Đã gần 10 năm trôi qua kể từ khi chia tay mái trường trung học phổ thông, chia tay thời áo trắng, nhưng những kỷ niệm thời tinh khôi ấy như dòng suối mát lành. Đôi khi chúng tôi cũng về thăm trường mỗi khi có thể, vẫn mái trường ấy, vẫn bác bảo vệ trường học ấy, vẫn là những hàng cây trên sân trường đó, tất cả đều gợi cho chúng tôi nhiều kỷ niệm của thời học trò, mỗi khi nhớ về nó tôi luôn có một cảm giác yên bình kỳ lạ. Và hình bóng thầy, luôn có mặt trong những hoài niệm quá khứ ấy, những ký ức tươi đẹp nhất trong cuộc đời mỗi con người.  

Lứa học sinh khóa học 2003 – 2006 của trường THPT Ba Đình ngày ấy là những học trò cuối cùng trong đời dạy học của thầy. Thầy dạy môn Lịch Sử - môn học mà có lẽ bây giờ khi nhắc đến hầu hết học sinh đều cảm thấy “sợ”. Chẳng hiểu vì lý do gì tôi lại có một niềm yêu thích đặc biệt với môn học được coi là khô khan với toàn những sự kiện, những con số… Có lẽ chính thầy đã truyền cảm hứng, làm cho một môn học khô khan trở nên dễ gần và hứng thú hơn.

Có lẽ tôi mãi là đứa học sinh nhút nhát, tự ti về bản thân nếu năm ấy không gặp thầy và thầy chuyển về làm chủ nhiệm lớp. Không hiểu vì sao trong 40 học sinh của lớp, thầy luôn chú ý đặc biệt tới tôi và trao cho tôi những cơ hội khẳng định bản thân mà đôi khi chính tôi còn chẳng dám tin vào năng lực của mình. Năm học lớp 11 tôi được trở thành đại diện của trường tham gia gameshow về kiến thức do tỉnh nhà tổ chức. Năm lớp 12 tôi được cử đi thi học sinh giỏi cấp quốc gia. Và có lẽ những nỗ lực và cố gắng của tôi cũng đã phần nào không làm thầy thất vọng.


Thầy sống rất nhiệt tâm và cần mẫn làm việc như những con tằm nhả tơ mà không ngại sự xoay vần của tạo hóa. Trên cương vị là một người thầy giáo, thầy đã dành trọn tình yêu thương cho học trò. Hình như thầy chưa bao giờ nói nặng lời với chúng tôi. Với thầy, tất cả đều là sự cảm thông và bao dung. Dù khi ấy tuổi đã cao, đi lại khó khăn, những cơn ho khi trái gió trở trời luôn hành hạ nhưng thầy luôn tranh thủ thời gian đến thăm gia đình của các bạn có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. 

Vậy mà có lần, chúng tôi đã làm thầy phải khóc… Một người trong suốt cuộc đời mình có tới mấy chục năm chiến đấu ở chiến trường đã phải khóc trên bục giảng vì học sinh nghỉ học quá nhiều. Tôi nhớ ngày ấy vào khoảng đầu năm lớp 12, vì môn Sử không nằm trong chương trình thi tốt nghiệp nên học sinh rất chểnh mảng. Dù đây là môn bắt buộc những đứa học sinh khối C như tôi phải vượt qua để bước vào cổng trường đại học nhưng có lẽ kỳ thi tốt nghiệp trước mắt quan trọng hơn, cũng có thể môn học này quá khô khan cứng nhắc, hoặc cũng có thể bạn bè tôi lúc ấy có một lý do đặc biệt nào đó… mà buổi học thêm môn Sử chỉ có 15/45 bạn đi học. Và thầy buông phấn, ngồi kể chuyện đời, chuyện nghề của thầy cho chúng tôi nghe. Bất chợt những giọt nước mắt ứa ra trên gò má nhăn nheo những dấu vết cuộc đời. Có phải khi càng nhiều tuổi, người ta càng dễ nghĩ ngợi và hay tủi thân hơn không?

Một kỷ niệm tôi không thể nào quên trong đời học sinh là kỳ thi học sinh giỏi quốc gia môn lịch sử. Cả trường chỉ chọn 1 học sinh vào đội tuyển của tỉnh. Trong vòng sơ loại, điểm số của tôi thấp hơn cô bạn cùng lớp. Nhưng điểm số cao bất thường của cô bạn ấy lại khiến mọi người không khỏi ngạc nhiên bởi sức học trong lớp chỉ ở mức trung bình. Sau này chính thầy phát hiện ra đề thi của vòng sơ khảo bị lộ do bố cô bạn là một cán bộ trưởng phòng của huyện. Khi ấy dù nhà trường đã chốt danh sách và không muốn thay đổi nhưng thầy kiên quyết đấu tranh đến cùng với những sự không công bằng trong thi cử. Cuối cùng do có điểm số đứng thứ hai nên tôi được cử đi thi.

Những tưởng một người chính trực, tận tâm như thế thì cuộc đời sẽ giành cho thầy những ưu ái đặc biệt.  Thế nhưng niềm vui chưa trọn thì nỗi lo lại ập đến. Căn bệnh ung thư phổi hiểm nghèo đã đến với thầy khi lứa học sinh của chúng tôi còn chưa đến ngày tốt nghiệp . Bình thường chúng tôi chỉ thấy thầy ho, có khi ho thành từng cơn không dứt nhưng chẳng biết mọi thứ lại nghiêm trọng đến thế.  Khi thầy phát hiện ra thì đã ở giai đoạn cuối. Chỉ hai tháng sau ngày thầy nghỉ dạy, chúng tôi đã không bao giờ còn được gặp thầy… 

Tiễn đưa thầy trong một buổi chiều đông, mọi ân hận, hối tiếc với chúng tôi đã quá muộn màng.  Thì ra thầy đã biết bệnh mình trước đó nhưng cố giấu người thân, bạn bè vì lo chúng tôi đã đến gần những ngày thi cử, đổi giáo viên sẽ phải làm quen từ đầu. Vả lại đối với thầy, không còn được đứng trên bục giảng cũng giống như tự tay cắt đứt khúc ruột của mình. Vậy mà tâm huyết ấy của thầy không được chúng tôi đón nhận khi buổi học thêm ngày hôm ấy chúng tôi nghỉ học quá nhiều. Chúng tôi đã khiến thầy ra đi trong nỗi buồn và sự day dứt bởi môn Lịch Sử ngày càng ít được học sinh coi trọng. 

Đã gần 10 năm trôi qua kể từ ngày ấy, nhưng nỗi đau và sự ân hận trong tôi vẫn còn đó. Các bạn tôi ngày ấy mỗi khi nhắc đến thầy đều mang một niềm hối tiếc Ước gì chúng tôi được quay ngược lại thời gian để được một lần nói với thầy lời xin lỗi…

Thứ Tư, 12 tháng 11, 2014

Chăm sóc trẻ ngày đông

Mùa đông là khoảng thời gian các bậc phụ huynh thường lo lắng nhất trong năm bởi trẻ rất dễ mắc các bệnh về đường hô hấp như cảm lạnh, cảm cúm… Thử áp dụng những cách dưới đây để bảo vệ sức khỏe của bé trong mùa đông năm nay nhé.  Bạn cũng nên lưu ý, khi trẻ đã đi lớp (bậc học mầm non) thì nên thống nhất cùng với các cô  áp dụng để có hiệu quả cao nhất. 

1.  Mặc đủ ấm và thoải mái



Có 4 vị trí trên cơ thể của bé cần giữ ấm: bàn chân, ngực, cổ và đầu. Đối với trẻ mầm non, khi đưa con đi học buổi sớm bạn nên chú ý giữ ấm cho con, nhất là vùng mũi của bé. Đừng quên mũ, khăn và găng tay cho bé nếu phải ra ngoài khi trời gió (bé có thể mất đến 50% nhiệt độ cơ thể do thoát nhiệt ở đầu). Không khí lạnh buổi sáng là nguyên nhân chính của các bệnh về đường hô hấp ở cả người lớn và trẻ em.

Tuy nhiên khi bé chơi ở trong nhà, bạn nên chọn cho bé những trang phục thoải mái và dễ chịu nhất. Nên chọn cho bé những loại quần áo lót cotton mỏng, dễ thấm mồ hôi, tránh hiện tượng thấm ngược dẫn tới cảm lạnh.  

Vào ban đêm, nhiệt độ thường xuống rất thấp nên việc ủ ấm cho trẻ là rất quan trọng. Đa số trẻ em bị nhiễm lạnh dẫn tới viêm đường hô hấp trên là do cha mẹ để các em ngủ ở những nơi không đủ ấm, hoặc không mặc đủ ấm khi ngủ, ngủ trong phòng máy lạnh với nhiệt độ quá thấp. Do vậy, khi đi ngủ, cần mặc ấm cho trẻ. 

2.  Dinh dưỡng


Khí hậu khô hanh, những thực phẩm chứa nhiều nước rất tốt cho sức khỏe của bé. Chẳng hạn như củ cải có thể chữa ho và tiêu đờm, thông cổ họng, đồng thời lại rất mát cho cơ thể, giải độc.  Một số loại rau giàu vitamin cải bắp, cải chíp, đậu, rau bina, rau diếp, khoai lang, khoai tây… giúp phòng bệnh nhiễm trùng đường hô hấp, tăng cường chức năng miễn dịch. 


Chế độ ăn uống giàu chất xơ có thể điều tiết sự  hấp thu hấp và bài tiết thực phẩm, ngăn táo bón, xả chất độc trong cơ thể. Ngoài ra, chất xơ còn có vai trò kiểm soát cân nặng.

Bạn lưu ý: - Tuyệt đối không cho trẻ ăn đồ ăn, thức uống có nước đá hay những đồ ăn mới lấy trực tiếp ra từ tủ lạnh. Tất cả các loại thực phẩm có nhiệt độ dưới 25°C đều cần hâm nóng trước khi cho trẻ ăn hoặc uống. Đảm bảo đồ ăn của bé luôn ấm nóng. 

3.  Uống đủ nước


Nhiều cha mẹ chỉ chú ý đến chế độ nước cho bé vào mùa hè mà quên mất, mùa đông hanh khô, bé rất cần uống đủ nước. Với những bé phải nằm quạt (đèn) sưởi hoặc điều hòa thì khả năng mất nước càng lớn. Lưu ý không cho bé uống nước đá, nước có ga…

4.  Tắm cho bé


Những ngày nhiệt độ xuống thấp, đôi khi các bà mẹ ngại tắm cho con vì sợ con lạnh. Tuy nhiên, cha mẹ lại không biết rằng nếu bé không được tắm rửa sạch sẽ khó chịu, mệt mỏi và chậm lớn.


Bạn đừng nên  tắm cho bé sớm quá hoặc muộn, thời gian lý tưởng nhất là từ 10h - 10h30 hoặc từ sau 13h đến trước 16h. Bạn lưu ý:

- Sưởi ấm quần áo cho bé bằng quạt sưởi hoặc ôm vào người trước khi mặc.

- Cần đóng kín cửa sổ và cửa ra vào, không để gió lọt vào phòng. 

- Không nên tắm quá lâu, thời gian tắm cho các bé không kéo dài quá 5 phút kể từ khi cho bé xuống nước đến lúc cho bé ra khỏi chậu. 

5.  Vệ sinh thân thể


Ngoài việc tắm thường xuyên cho bé, bạn cần phải:

- Vệ sinh răng miệng cho bé sạch sẽ sau khi ăn và trước khi đi ngủ bằng nước ấm chi con. 

- Sát trùng họng: Mỗi sáng thức dậy và trước khi đi ngủ bạn nên cho bé súc miệng bằng nước muối sinh lý để sát trùng họng cho bé, tránh sự thâm nhập và phát triển của các vi khuẩn. Đây là biện pháp phòng tránh bệnh viêm họng, viêm amidan ở cả người lớn và trẻ em.

- Rửa tay: Rửa tay thường xuyên là việc đơn giản nhưng hiệu quả nhất để đánh bật vi trùng gây cảm. Vì thế, cần rửa tay của bạn sau khi thay tã hoặc xỉ mũi cho con, cũng như trước khi chuẩn bị đồ ăn. Đồng thời, cũng nên rửa tay cho bé thường xuyên, nhất là trước khi ăn và sau khi bé đi nhà trẻ (mẫu giáo) hoặc ra bên ngoài về.

6.  Phòng ngủ và phòng chơi



Thời tiết mùa đông vốn khô hanh, gió nhiều và ít độ ẩm, nếu có điều kiện bạn có thể tạo môi trường khí ẩm, nóng trong phòng ngủ hoặc phòng chơi của bé bằng các loại máy tạo độ ẩm. Độ ẩm điều hòa trong phòng sẽ giúp cho bé hít thở dễ dàng hơn. Cho bé chơi, ngủ trong phòng thoáng khí nhưng không có gió lùa.

Nếu bạn dùng các loại máy sưởi, lò sưởi cũng như quạt sưởi, bạn không nên để bé đến quá gần trong vòng bán kính 1,5 m vì tại khu vực sát lò sưởi, lượng oxy trong không khí sẽ rất thấp.

7.  Tắm nắng


Bé cần vitamin D từ ánh sáng mặt trời để tổng hợp canxi cho xương mạnh khỏe. Nghiên cứu gần đây còn chứng minh rằng, vitamin D từ mặt trời còn giúp bé duy trì hệ miễn dịch mạnh khỏe. Với những bé đã đi nhà trẻ bạn vẫn cần tắm nắng cho bé. 


Và mùa đông, không phải ngày nào cũng có nắng ấm. Do đó, tranh thủ những ngày có nắng, bạn nên cho bé tắm nắng. Thời điểm lý tưởng để tắm nắng vẫn là buổi sáng sớm và chiều muộn (không nên coi thường nắng mùa đông vì vào lúc trưa, ánh nắng vẫn đầy những tia cực tím gây hại). Ngoài ra, cũng nên tăng cường các thực phẩm chứa vitamin D cho bé.

Trên đây là những kinh nghiệm chăm sóc sức khỏe cho bé vào mùa đông giữ cho sức khỏe của bé được đảm bảo, nhưng bạn cũng không nên vì chăm lo cho bé mà lơ đãng bản thân mình, khoảng thời gian này có nhiều loại bệnh dễ gặp phải trong mùa đông, cho nên bạn cũng phải tránh để cho mình bị bệnh, ảnh hưởng tới sức khỏe của mình và có thể trực tiếp hay gián tiếp ảnh hưởng tới sức khỏe của bé.

Thứ Hai, 10 tháng 11, 2014

Những kĩ năng cần dạy con ngay từ khi còn nhỏ

Mỗi người đều phải có khả năng tự lập chính vì thế hãy rèn rũa con bạn ngay từ khi còn nhỏ. Hãy dạy chúng tính tự giác, tự biết cách chăm sóc bản thân để sau này khi rời xa vòng tay của cha mẹ chúng đều có thể tự mình đối mặt với mọi khó khăn mà không còn quá bỡ ngỡ. Đó mới là cách dạy con khoa học và đúng đắn.

Bạn có thể tham khảo thêm về những cách day con thông minh vượt trội và áp dụng những cách mà bạn cảm thấy hợp lý nhất với con mình.


Kỹ năng tự chăm sóc bản thân là gì? 


Là kỹ năng giúp con bạn dần làm chủ được bản thân, bao gồm.

- Thực hiện chỉ dẫn gồm 2-3 bước (ví dụ như con hãy cất hết sách lên giá rồi ra đây chơi xếp hình với mẹ)

- Tự dọn dẹp sau khi ăn nhẹ, tự cất đồ chơi sau khi chơi xong.

- Tự thực hiện vệ sinh cá nhân cơ bản như đi vệ sinh, tự rửa tay rửa mặt, đánh răng… (bố mẹ chú ý mặc quần áo rộng rãi cho con để con dễ dàng tự vệ sinh cá nhân).

- Tự mặc quần áo với sự hỗ trợ rất ít từ bố mẹ (mặc áo, mặc quần, đi giày)

- Học cách tập trung chú ý khi chơi/học với các bạn trong nhóm từ 15-20 phút.

- Học và thuộc thông tin cá nhân như tên, ngày sinh của mình, địa chỉ nhà, số điện thoại và tên của bố mẹ.


- Tắm: Mặc dù vẫn còn cần đến sự giúp đỡ của mẹ như khi kỳ cọ hay gội đầu nhưng một số trẻ em ở độ tuổi này vẫn muốn có thể tự tắm. Mẹ có thể tạo cho bé cảm giác “ người lớn” bằng cách chuẩn bị nước tắm sẵn sàng cho bé và đứng ở bên ngoài trợ giúp mỗi khi bé cần.

- Chuẩn bị ba lô của mình: Bạn có thể nhắc nhở bé nên mang những đồ dùng nào đi học, trời rét nên mang những quần áo như thế nào. Hay chuẩn bị sẵn những thứ cần thiết để bé tự cất vào ba lô. Tuy nhiên, bạn cũng cần kiểm tra lại để tránh bé quên những thứ quan trọng

Đây là những việc làm rất đơn giản và bố mẹ chỉ mất một vài phút để giúp con hoàn thành xong mọi việc. Tuy nhiên, để con có được tính tự lập bạn hãy dạy bé từ những điều nhỏ nhất. Bạn sẽ phải rất kiên nhẫn để hướng dẫn con làm những công việc cụ thể. Con sẽ có trách nhiệm hơn khi thành thạo các kỹ năng tự chăm sóc bản thân. Cuối cùng, bố mẹ chỉ nên theo dõi và giúp đỡ con khi thật cần thiết.

Bồi dưỡng khả năng tự chăm sóc bản thân cho con



- Theo dõi dấu hiệu chứng tỏ con đã sẵn sàng học kỹ năng mới. Hãy để con quan sát cách bố mẹ làm, sau đó giúp con tự thực hiện.

- Đối vai và giúp con thực hiện kỹ năng mới. Ví dụ như đưa cho con những bình nước, cốc, bát, đĩa vừa cỡ để con có thể tự tập rót nước, gắp thức ăn cho mình.

- Khi con làm một việc nhưng chưa ưng ý, bạn không nên làm lại hoàn toàn cho bé mà hãy hướng dẫn bé làm lại để hoàn thiện kĩ năng.

- Tạo ra nhiều cơ hội để con học hỏi và rèn luyện những kĩ năng mới và chỉ nhắc nhở khi nào thật cần thiết.

Thứ Năm, 6 tháng 11, 2014

9 bí quyết dạy con thông minh vượt trội

Con thông minh, khỏe mạnh là điều bất cứ người làm cha, làm mẹ nào cũng mong muốn. Tuy nhiên con bạn thông minh hay không không hoàn toàn là do bẩm sinh, tự nhiên mà có mà phụ thuộc chủ  yếu vào sự chăm sóc, dạy bảo của cha mẹ. “Con không lựa chọn được cha mẹ nhưng cha mẹ có thể lựa chọn cha mẹ cho con”, vì thế hãy tích lũy kiến thức để chăm sóc con bạn khỏe mạnh và thông minh để trở thành cha mẹ tốt nhất.


1.  Tương tác với con


Những đứa trẻ không được cha mẹ, người thân ôm ấp, yêu thương và chơi cùng thường không phát triển não bộ, không phát triển đồng  đều và thường có cảm giác chán nản thậm chí là tử vong. Mặt khác, có nhiều chứng minh cho thấy những tương tác như ôm ấp, chơi với con giúp phát triển trí tuệ và ảnh hưởng mạnh mẽ đến sự phát triển kĩ năng tư duy của trẻ.


2.  Nói chuyện với trẻ


Nói chuyện với trẻ và lắng nghe những gì trẻ nói sẽ giúp củng cố khả năng giao tiếp và ngôn ngữ của trẻ. Bên cạnh đó, bạn có thể đọc sách, hát cho con nghe. Hãy đọc sách cho con ngay từ khi con chưa biết chữ, điều này sẽ giúp đặt nền móng cho sự phát triển kĩ năng ngôn ngữ và niềm đam mê đọc sách của trẻ. 

3.  Cho trẻ vui chơi


Khi trẻ vui chơi là trẻ đang được phát triển các kĩ năng, trí tuệ, xã hội, thể chất, tình cảm,…. Và khi chơi cùng những đứa trẻ khác cũng là lúc trẻ học hỏi và phát triển kĩ năng phối hợp, kết hợp ý tưởng, sự chú ý và cảm nhận của người khác. Hãy tập cho bé có tư duy tự lập từ khi còn nhỏ để con bạn linh hoạt trong cuộc sống hơn.

4.  Khuyến khích trẻ tập thể dục


Nhiều nghiên cứu đã chứng minh việc tập thể dục không những khiến trẻ khỏe mạnh mà còn giúp trẻ phát triển thông minh. Các bài tập sẽ điều hòa lượng máu lên não và tái tạo tế bào não vì thế có tác dụng lâu dài đối với sự phát triển của não bộ.


5.  Cho trẻ nghe nhạc


Âm nhạc không những giúp trẻ phát triển trí nhớ, sự tập trung, động lực và việc học tập mà còn giúp giảm thiểu căng thẳng – nguyên nhân phá hoại não bộ của trẻ. Bên cạnh đó, bạn cũng có thể cho trẻ học chơi 1 loại nhạc cụ nào đó, điều đó sẽ ảnh hưởng đến khả năng suy nghĩ của não và cách đưa ra những lập luận – việc này đặt nền tảng tốt cho việc phát triển môn toán học trừu tượng sau này. 

6.  Để cho trẻ quan sát, chứng kiến bạn làm những việc sáng tạo


Trẻ con học thông qua việc bắt chước những hành động của người lớn. Nếu trẻ nhìn thấy bạn gắn bó với những cuốn sách, viết lách hoặc làm những công việc sáng tạo chúng sẽ bắt chước và thông qua đó, dần dần theo quá trình chúng sẽ tìm tòi, khám phá và thông minh hơn.

7.  Cho trẻ chơi những trò chơi thông minh trên máy tính


Thông qua những trò chơi thông minh trên máy tính, trẻ có thể học được các con số, toán học, phát âm,… Các trò chơi này sẽ giúp trẻ triển các kĩ năng phối hợp tay và mắt và “đào tạo” trẻ những kĩ năng liên quan đến máy tính, công nghệ sau này. 


Tuy nhiên cũng không nên cho trẻ chơi quá nhiều vì rất dễ làm ảnh hưởng xấu đến thị lực của trẻ và làm trẻ “nghiện” các trò chơi game sau này.

8.  Cho trẻ ăn uống đúng cách


Việc cho trẻ ăn đúng cách là điều vô cùng quan trọng với con trẻ. Điều này sẽ giúp trẻ phát triển khỏe mạnh và thông minh hơn. Các mẹ chú ý nên bổ sung các đồ ăn giàu protein như trứng, cá, thịt, đậu, lạc… sẽ giúp cải thiện sư chú ý, mức độ tỉnh táo và tư duy của trẻ. Carbohydrates giúp cung cấp năng lượng để não sử dụng trong quá trình tư duy. Nguồn carbohydrates dồi dào nhất bạn có thể tìm thấy trong ngũ cốc nguyên hạt và các loại trái cây. Các loại carbohydrate chế biến và đường có ảnh hưởng xấu đến khả năng và mức độ tập trung của trẻ, vì vậy bạn cần lưu ý điều này. Vitamin và khoáng chất cũng rất quan trọng.

9.  Đưa trẻ đi chơi


Một số địa điểm tốt bạn có thể đưa bé đến là viện bảo tàng và các điểm du lịch thu hút khách. Đưa trẻ đi du lịch nước ngoài với giá cả phải chăng cũng là một lựa chọn tốt để trẻ có thể khám phá những điều mới.

Thứ Ba, 4 tháng 11, 2014

“Cô gái một chân” và ước mơ mở công ty cho người khuyết tật

Ở ấp Hòa Quới (xã Hiệp Đức, huyện Cai Lậy, Tiền Giang) hình như ai cũng biết cô sinh viên 20 tuổi Trần Thị Phúc Trân bởi nghị lực phi thường khi cô không từ bỏ ước mơ dù trên chặng đường thực hiện ước mơ, số phận đã thử thách cô bằng biết bao trắc trở, bi kịch.  Dù mang trọng bệnh, bị cắt một chân nhưng Phúc Trân vẫn đang từng ngày nỗ lực theo đuổi ước mơ trở thành một kế toán giỏi và mở một công ty kế toán dành riêng cho những người thiệt thòi như mình.

Phúc Trân trong ngôi nhà đơn sơ của mình.

Tuổi thơ cơ cực và căn bệnh quái ác


Trong một ngôi nhà nhỏ đơn sơ nằm khuất trong vườn nhãn đã già cỗi, chẳng có mấy vật dụng gì đáng giá, Phúc Trân nói về những bi kịch trong cuộc đời mình bằng giọng điệu nhẹ tênh, như thể những điều khủng khiếp em trải qua là của một ai đó xa lạ nào khác.  

Phúc Trân sinh ra trong một gia đình có 4 thành viên, ít đất đai canh tác và là diện hộ nghèo nhất ấp Hòa Quới. Cha mẹ em vì thế phải đi làm thuê làm mướn kiếm ăn qua ngày. Nhưng cũng chính vì điều kiện khó khăn mà  Phúc Trân rất chăm chỉ,  chịu khó học hành với nhiều năm liền là học sinh giỏi. Ngoài giờ học em cũng đi làm mướn cho người ta để giúp bố mẹ phần nào. Thế nhưng cuộc sống nghèo khổ không yên ả trôi qua như thế…

Cuối năm 2008, khi đang học lớp 8 thì chân trái của Trân thường hay bị đau nhức, gia đình đưa em đến bệnh viện huyện rồi sau đó chuyển lên Bệnh viện Chợ Rẫy TP.HCM để khám chữa. Tại đây, các bác sĩ chẩn đoán chân trái của em bị SARCOM xương chày, cần phải cắt bỏ chân trái, nếu không phải tháo bỏ khớp háng. Lúc đó gia đình sợ cháu Trân buồn, ảnh hưởng đến việc học nên giấu em. Mãi đến ngày em lên bàn mổ, gia đình mới cho em biết…  Vì thế nụ cười vô tư của em khi tưởng mình không sao khiến những người thân đau lòng xé ruột. 

Gia đình chạy vạy vay mượn khắp nơi, thế chấp nhà cửa đất đai rồi cuối cùng cũng đủ tiền để em được mổ cắt bỏ chân. Ngày lên bàn phẫu thuật, Trân khóc ròng. Em kể khi biết được sự thật về căn bệnh của mình, em cảm thấy tất cả như sụp đổ, mọi hy vọng, mọi điều tốt đẹp của cuộc sống như muốn rời bỏ em. Đó là một cú sốc quá lớn với em, chưa bao giờ em nghĩ mình sẽ bị tàn phế như thế… Sau khi phẫu thuật, em còn thường xuyên phải vào viện để tiến hành nhiều đợt xạ trị.

Cuộc sống của em sau ngày xuất viện là những chuỗi ngày buồn kéo dài lê thê, có lúc em đã từng nghĩ quẩn. Em không đủ can đảm để soi gương vì thân hình xác xơ, tiều tụy và mái tóc dài thướt tha đã rụng gần hết. Việc đi đứng của em hết sức khó khăn và em phải bắt đầu tập đi dựa vào đôi nạng gỗ. Từ đó em luôn mặc cảm với bạn bè về khuyết tật của mình và có ý định nghỉ học. Thế nhưng may mắn là em được rất nhiều thầy cô, bạn bè an ủi, động viên trở lại học tập. Cảm thông trước hoàn cảnh gia đình khó khăn và đức tính chịu khó ham học hỏi của Trân, các thầy cô ở Trường THCS Hiệp Đức đã miễn hoàn toàn học phí cho em và cử thầy cô trực tiếp phụ giúp việc đưa đón Trân đến trường khi gia đình em có việc bận. Ngay cả bác bảo vệ trường học cũng giúp đỡ việc đưa em đi học hàng ngày. “Cũng có lúc ngồi một mình bên cửa sổ lớp nhìn ra sân thấy các bạn chạy nhảy một cách vô tư, nước mắt em như chực trào ra. Nhưng, bây giờ, em phải chiến đấu với bệnh tật. Em nghĩ nếu mình buồn thì cha mẹ sẽ buồn theo mà cha mẹ đã khổ cực quá nhiều rồi. Từ đó, em tự động viên mình phải sống lạc quan, học thật giỏi để không phụ lòng tin của mọi người”. Trân tâm sự. Và em đã mạnh mẽ vượt lên những trớ trêu của số phận…

Vượt lên số phận


PhúcTrân đạt được nhiều giải thưởng.

Đối với những người nghèo, học tập gần như là con đường duy nhất mở ra tương laic ho họ. Với Phúc Trân, em học không chỉ để thoát nghèo mà còn để bù đắp những thiệt thòi mà cơ thể mình phải gành chịu. Dẫu nghỉ học khá lâu nhưng khi trở lại trường, Phúc Trân vẫn học tập tốt làm cho nhiều thầy cô, bạn bè hết sức bất ngờ. Dù sách vở luôn là xin lại của anh chị, nhưng em luôn giữ vững danh hiệu học sinh giỏi.  Ngoài thời gian học trên lớp, em còn giúp đỡ cha mẹ nấu cơm, giặt giũ, làm cỏ vườn… và nhận dạy kèm cho một số em nhỏ trong xóm để khuây khỏa nỗi buồn. 

Từ những năm học cấp 2, Phúc Trân đã có ước mơ trở thành một một giáo viên để dạy cho các em nhỏ của địa phương mình. Nhưng từ sau khi phẫu thuật cắt chân, em cay đắng nhận ra mình không hợp với ngành sư phạm bởi việc đi lại khó khăn. Vì thế em nghĩ đến công việc kế toán – một nghề ít đòi hỏi sự di chuyển. 

Năm 2013, em Phúc Trân dự thi và đỗ vào ngành Kế toán của Trường đại học Tiền Giang với số điểm khá cao. Đó cũng là lúc cha mẹ em đối mặt với những nỗi lo lắng chất chồng: gia đình nghèo khó, sức khỏe Phúc Trân rất yếu, phải đi lại nhiều ở những tòa nhà cao tầng… Thế nhưng chính em đã động viên và cùng bố mẹ vượt qua tất cả mặc dù bản thân em nhiều khi cũng rất nản. Như những khi phải leo mấy cầu thang để lên tới giảng đường đã khiến em mệt rã rời, nhưng “Những lúc khó khăn nhất, em luôn nghĩ đến cha mẹ và những điều mà cha mẹ dành cho mình thì em lại có động lực để vượt qua số phận”. 

Ngoài ra, bản thân em Phúc Trân là một người lạc quan và thích tự lập. Từ khi còn học phổ thông em đã lien tục giành được những giải thưởng cao về các môn Toàn – Lý – Hóa trong các kỳ thi học sinh giỏi cấp huyện cấp tỉnh. Khi bắt đầu học đại học, em cũng vượt qua mặc cảm đi dạy kèm để đỡ bớt gánh nặng cho gia đình.  Ở đại học Trân đã hòa đồng rất nhanh và tham gia tích cực phong trào của lớp, trường. Chính cô giáo của lớp đại học của Phúc Trân đã nhận xét: “Trân  là một sinh viên rất lạc quan và chăm học. Với nghị lực học tập không mệt mỏi của mình Phúc Trân đã làm nên kỳ tích bằng cách viết lại câu chuyện của chính cuộc đời mình”.

Khi kể về ước mơ lớn nhất, Phúc Trân nở nụ cười chia sẻ chân thành: “Ước mơ lớn nhất của em bây giờ là sau khi ra trường sẻ tìm được việc làm ổn định. Và sau 10 năm nữa, em dự định mở được một công ty kế toán tư nhân, trong đó đa phần những người làm việc sẽ là những người khuyết tật. Em muốn mọi người nhìn thấy được khả năng của họ. Họ có thể làm được tất cả những gì mà họ mong muốn, đam mê, cũng như bản thân em luôn mong muốn làm những điều thiết thực nhất, niềm đam mê phải bắt đầu từ những suy nghĩ và hành động thiết thực". 

Vẫn biết con đường vượt qua hoàn cảnh khó khăn và bệnh tật để đến với ánh sáng tri thức sẽ còn lắm vất vả, nhưng với niềm tin và nghị lực phi thường của cô bé Phúc Trân, chúng ta có niềm tin rằng ước mơ của em sẽ thành hiện thực.