Học Tập cho Ngày mai tỏa sáng

Học tập vì tương lai tươi sáng, học tập vì ngày mai lập nghiệp.

Chia sẻ kiến thức học đường

Kiến thức học đường chia sẻ những kinh nghiệm, kiến thức cho học sinh và phụ huynh

Xây dựng ước mơ

Cùng giáo dục học đường xây dựng ước mơ tương lai cho con trẻ

Thứ Hai, 29 tháng 12, 2014

Có nên cấm dạy thêm trong giáo dục?

Những ngày qua, khi báo Giáo dục Việt Nam đăng bài viết về một thầy giáo ở Hải Dương tổ chức dạy thêm ngay tại nhà và cho đó là hành vi đáng lên án, trái pháp luật, bài báo đã nhận được rất nhiều ý kiến trái chiều của dư luận. Trên cương vị một phụ huynh học sinh có con học thêm, cá nhân tôi cho rằng nếu tuân thủ quy định thì dạy thêm học thêm không có gì là xấu và Luật Giáo dục nước ta không nên cấm việc dạy thêm –học thêm…


Có cung thì có cầu


Trong thời buổi kinh tế thị trường hiện nay, có cung ắt có cầu. Việc các thầy cô giáo tổ chức dạy thêm học thêm trước hết là do nhu cầu của học sinh. Với học sinh ở miền xuôi và các thành phố, học thêm là để đáp ứng mong muốn hoàn thiện, mở mang kiến thức, giành nhiều điểm cao, giải thưởng cao trong các kỳ thi; đôi khi là để học giỏi hơn những bạn khác. Còn với học sinh miền núi, vùng sâu vùng xa, học thêm trước hết là để… bằng các bạn dưới miền xuôi, để có thêm nhiều cơ hội cho tương lai. Với một bài học, học sinh dưới xuôi có thể học hiểu được luôn thì với học sinh trên này, các thầy cô giáo thường phải giảng lại ít nhất 2 lần thì may ra các em mới hiểu được. 

Học sinh yếu cần học thêm để hiểu bài hơn; học sinh trung bình học thêm để nắm chắc hơn kiến thức; học sinh khá giỏi học thêm là để mở rộng và nâng cao những kiến thức đã học.  Những mục đích của việc học thêm này rất đúng với thực tế cuộc sống và quả thực chẳng có gì xấu.  

Để đáp ứng những nhu cầu này không ai khác chính là người thầy. Bằng chuyên môn của mình, người thầy có thể “bắt bệnh” từng đối tượng học sinh và “cho thuốc” đúng với từng trường hợp. Câu nói “Không thầy đố mày làm nên” vẫn là một phương ngôn đúng đắn, có giá trị ngay cả với thầy dạy thêm.

Các nghề khác được làm thêm, tại sao giáo viên lại không?


Có một thực tế rằng hiện nay đồng lương cơ bản của người giáo viên rất thấp so với mức tăng chóng mặt của giá cả tiêu dùng. Và nếu chỉ với mức lương như vậy các thầy cô giáo khó lòng đáp ứng được những nhu cầu thường ngày chứ không nói đến những nhu cầu cao hơn. Vì vậy dạy thêm, đáp ứng nhu cầu người học cũng là một cách chính đáng và nghiêm túc giúp các thầy tăng thêm thu nhập bằng lao động chân chính của mình. Tất nhiên, thu nhập bằng việc dạy thêm như thế nào phần lớn phụ thuộc vào năng lực giáo viên: thầy giỏi – trò tìm đến nhiều, đương nhiên thu nhập sẽ cao hơn.

Và thật bất công khi tất cả các ngành nghề khác được làm thêm ngoài giờ còn giáo viên thì lại không. Bác sĩ được làm thêm ở phòng khám tư, công nhân, bảo vệ, được làm tăng ca… cớ gì thầy giáo lại không được dạy thêm?

Gánh nặng chương trình


Với chương trình học quá nặng như hiện nay thì quả thực nếu chỉ học trên lớp với giờ học chính khóa, các học sinh không thể tiếp thu hết kiến thức và thầy cô cũng không thể truyền giảng hết kiến thức cần thiết. Để có thể đạt điểm cao trong các kỳ thi, vào trường chuyên, lớp chọn, vào những đại học tốt… thì học thêm là việc làm cần thiết.

Vậy liệu việc cấm giáo viên dạy thêm và học sinh học thêm có mâu thuẫn giữa chương trình của Bộ Giáo Dục trong thực tế hay không? Phải chăng do chương trình của Bộ đặt ra quá nặng nên học sinh tải không nổi trong thời gian trên lớp nên phải học thêm? Thắc mắc đó là hoàn toàn có cơ sở. Học sinh nước ta một lúc phải học nhiều môn học, cách dạy của ta nặng về cung cấp lí thuyết hơn là rèn luyện kĩ năng và thực hành, cách kiểm tra đánh giá phần lớn vẫn là học thuộc hơn là tư duy… Bấy nhiêu thứ dẫn đến sự quá tải cho não bộ, thời gian xử lí kiến thức trên lớp không đủ nên cần phải có thêm thời gian ngoài học chính khóa nữa. 

Áp lực thi cử


Một lí do nữa khó có thể cấm việc  học thêm chính là chuyện thi cử. Yêu cầu đặt ra đối với thi hết lớp hay thi tốt nghiệp THPT ở nước ta hiện nay không cao, tức là học sinh chỉ đạt mức trung bình trở lên. Thế nhưng với kì thi tuyển sinh đại học thì không hẳn thế. Nhiều trường đại học uy tín, chất lượng cao trong nước ta tuyển với mức điểm rất cao. Đại học Y khoa Hà Nội tuyển sinh năm 2013 với mức điểm 27,5 điểm cho ngành Bác sĩ đa khoa, những sĩ tử 27 điểm phải đau đớn chịu cảnh hỏng đại học với mỗi môn trung bình 9 điểm. 

Rõ ràng để đỗ vào những trường như thế này học sinh không thể lấy kiến thức trung bình của phổ thông, của những giờ học đại trà trên lớp. Đa số học sinh đỗ đại học đều trải qua các lớp học thêm của những thầy cô giỏi, có kinh nghiệm. Những lớp học này là để củng cố, nâng cao kiến thức, luyện giải các dạng đề, đảm bảo cho hiệu quả cao nhất, vượt trội nhất của một kì thi tuyển chọn.

Dạy thêm - Học thêm thế nào cho đúng?


Rõ ràng học thêm là nhu cầu thiết thực trong giáo dục hiện nay ở nước ta. Thế nhưng tình trạng dạy thêm – học thêm ở nước ta đã trở nên tràn lan trên và không tránh khỏi những tiêu cực. Những chuyện ở trường này, trường nọ, thầy này, cô kia tìm mọi cách “quay” học trò, ép học phải đi học thêm; hiện tượng mớm đề, lộ đề kiểm tra và đề thi có nguồn gốc từ các lớp dạy thêm không phải là chuyện hiếm.

Để việc dạy thêm – học thêm đúng người, đúng mục đích, không trở thành nơi nảy sinh những tiêu cực đáng tiếc, trước hết về phía phụ huynh, nên chọn những thầy giáo thật có trách nhiệm với trò, có đầu tư thực sự vào chuyên môn, không vướng những tiêu cực của chuyện dạy thêm. 

Về phía Bộ Giáo dục cần có quy định rõ ràng hơn về dạy thêm học thêm thì các thầy cô cứ theo quy định mà làm, có văn bản báo cáo thì việc dạy thêm không có gì là xấu.

Cũng cần phải nói thêm rằng, học thêm cũng chỉ là phần hỗ trợ thêm, nếu học sinh chỉ biết lệ thuộc vào học thêm mà không phát huy tính tự học thì cũng không bao giờ đưa lại hiệu quả cao trong học tập. Và cuối cùng, có lẽ mong muốn lớn nhất của các bậc phụ huynh chính là con em mình không cần học thêm mà chất lượng dạy và học vẫn đảm bảo, và nền giáo dục nước ta vẫn phát triển như các nước khác trong khu vực và trên thế giới.

Thứ Sáu, 26 tháng 12, 2014

Gian nan hành trình dạy trẻ tự kỷ

Đối với những “học trò đặc biệt” trẻ tự kỷ dưới 6 tuổi, nhiều cô giáo phải bật khóc vì bất lực trong dạy dỗ, nhưng bằng tình yêu thương và kỹ năng sư phạm, các cô đã làm được nhiều điều đáng nói mà các bậc phụ huynh có nằm mơ cũng không tin được. Như nhiều bạn chia sẻ về cách chăm sóc và giúp trẻ tự kỉ hòa đồng hơn tại trường học, có khá nhiều phương pháp được ứng dụng để giúp cho trẻ tự kỷ trở nên tốt hơn, đem lại hạnh phúc cho gia đình.

Con tiến bộ, bố mẹ mừng phát khóc


Dạy trẻ bình thường khó khăn một thì dạy trẻ tự kỷ khó khăn gấp vạn lần. Nói, rồi hướng dẫn 10; 20 lần thậm chí 100 lần, trẻ mới làm được những cử chỉ, thói quen đơn giản nhất. 

Chia sẻ khó khăn khi tiếp xúc, giúp đỡ những đứa trẻ đặc biệt này, cô Trần Thu Dung (Hiệu trưởng một trường mầm non đặc biệt ở Cầu Giấy, Hà Nội) – người có kinh nghiệm nhiều năm dạy trẻ tự kỷ tâm sự: "Đôi khi tôi phát khóc khi trẻ làm được những điều đơn giản, một thời gian dài hướng dẫn trẻ biết ngồi xổm, chỉ tay, lăn đất nặn, ngồi trên ghế, ăn cháo, biết ngồi bô… Tôi còn nhớ có một bé quê ở Phú Thọ không biết nói nhưng sau 6 tháng ròng rã bé nói được 1 từ, biết chỉ ngón tay khiến cô và bố mẹ mừng rơi nước mắt".


Công việc này rất cần tình yêu thương và sự kiên nhẫn. Cô Dung vẫn nhớ cậu bé tên Minh Ðức, 4 tuổi, có biểu hiện không ưng ý cái gì là nổi khùng, lao vào đánh bạn, húc đầu vào bụng các cô. Để xử lý hành vi này, khi con chuẩn bị đánh bạn, cô Dung cầm tay con lại, dùng bàn tay nhỏ nhắn đó vuốt ve tay bạn và nói nhẹ nhàng "Minh Đức yêu bạn lắm, Đức không đánh bạn đâu". Cứ khi nào con chuẩn bị dùng bạo lực là cô lại vỗ về nhẹ nhàng xoa dịu tâm tính của con. Sau khoảng 4 tháng thì con hết hành vi này. Cha mẹ cứ cảm ơn cô mãi.

Tuy vậy, Đức vẫn phải học nhiều nữa, để tăng khả năng giao tiếp cho con, các cô giáo dạy bé biết yêu cầu khi cần thiết. Dần dần em tìm sự giúp đỡ những khi khát nước, muốn đi vệ sinh hay bị bạn giật đồ chơi. "Con còn biết đi rửa cốc, bát khi cô yêu cầu. Dáng điệu khi đó của con rất vui, cười tủm tỉm. Từ chỗ không biết giao tiếp, con tỏ ra vui mừng khi được đi học. Giờ con còn biết nghe nhạc, khi có nhu cầu là cắm tai nghe, đưa cho cô và nói 'Nghe nhạc'", cô Dung cho biết.

Dạy chữ cho Đức cũng rất vất vả. Phải mất 3 tháng để tập tô các nét cơ bản như hình vuông, hình tròn, cái ao. Sau đó mới cho tập viết chữ, mỗi ngày kèm khoảng một tiếng và sau chục ngày con có thể viết được một chữ. 

Theo cô Dung, trẻ tự kỷ cần can thiệp sớm. Khi được can thiệp sớm và đúng cách các con có thể tự phục vụ bản thân những nhu cầu cơ bản như mặc quần áo, tắm rửa, ăn uống, đánh răng... Nhiều trẻ vẫn đi học, vào đại học được. Có những trẻ còn phát triển được tài năng của mình.

Bị trẻ cào, cắn… là bình thường


Chị Hạnh, Khoa Giáo dục đặc biệt trong một lần đi thực tập đã bị "sốc" khi gặp cháu bé 3 tuổi bị tự kỷ cứ gặp người lạ sẽ gào khóc dữ dội.

"Lúc đầu bé gào khóc, đẩy tôi ra xa, nhưng tôi vẫn không ngại, đến buổi thứ 2 bé ít khóc hơn, dỗ mãi cũng không được. Lúc đó tôi phải giả vờ không để ý bé, ngồi chơi một mình, thấy vậy bé dừng khóc, thỉnh thoảng liếc mình. Những cái liếc trộm nhiều hơn, dần dần tham gia chơi nhiều hơn. Bé còn mắc tật nói ngọng nữa nên mất thời gian dài kiên trì dạy trẻ phát âm những từ đầu tiên o, a…", chị Hạnh kể lại.


Dạy trẻ tự kỷ không chỉ khó mà việc bị trẻ cào, cắn không còn mấy xa lạ. Điều này đòi hỏi người giáo viên phải phản ứng thật nhanh. Những lúc các cháu "bùng nổ", việc kiểm soát hành vi của trẻ rất quan trọng. Có trường hợp một cậu bé có tật nghe thấy ai khóc là khó chịu và dẫn đến hành vi cắn tay, cào cấu bạn bè, cậu bé khiến chị Hạnh nhớ mãi.

Niềm vui từ những điều giản dị


Dù sự tiến bộ của từng trẻ tự kỷ khi học không nhiều nhưng chỉ cần sự thay đổi ở từng hành vi nhỏ nhất, thói quen đơn giản nhất cũng là "niềm vui lớn hơn so với dạy trẻ bình thường". Phải có tình thương yêu thực sự, nhiệt huyết với công việc cũng như sự kiên trì, những người thầy cô đặc biệt này mới có thể làm được điều kỳ diệu như vậy.

“Những lời cảm ơn của phụ huynh có con đã phục hồi ra trường hàng năm hay những bức hình ngộ nghĩnh nguệch ngoạc, bưu thiếp do chính các bé làm hoặc làm cùng ông bà, bố mẹ tặng thầy …chính là những món quà quý giá nhất mà mình nhận được trong những năm tháng gắn bó với nghề”, cô Dung tâm sự.

Với kinh nghiệm nhiều năm dạy trẻ tự kỷ, cô Dung cho biết những điều kể trên chỉ là nỗi vất vả vụn vặt trong nghề. Điều khiến người làm nghề này buồn nhất là thái độ xa lánh của xã hội, của một số gia đình có con mắc bệnh. Có những phụ huynh gặp cô giáo ngoài đường thì cúi mặt lảng tránh vì rất sợ chào hỏi mọi người sẽ biết con cái họ bị bệnh này. Không ít gia đình phó thác toàn bộ việc dạy trẻ cho các cô, không dạy dỗ con em mình ở gia đình, dù đã được hướng dẫn kỹ năng... Những điều trên càng làm khó khăn với nghề dạy trẻ tự kỷ nặng gánh hơn. Hành trình giúp một đứa trẻ tự kỷ có thể hòa nhập được với môi trường xung quanh và xã hội có lẽ sẽ mãi là câu chuyện dài không có hồi kết, nếu như không có sự nỗ lực thật sự của cả gia đình – nhà trường và cả cộng đồng.

Thứ Hai, 15 tháng 12, 2014

Cảm ơn cuộc đời đã cho tôi làm “cô giáo vùng cao”

Hoa hồng, đây là hoa hồng, các con đánh vần lại cho cô nào… Các con nhớ chưa?

Tôi kiên trì, tôi nhẫn nại. Nhưng tôi bực mình, “sao lại có những thứ ngu dốt đến vậy?”  Tôi muốn đánh vào mông, vào tay chúng, muốn gõ vào đầu chúng vì không hiểu tại sao, cũng là học sinh mà học sinh cái nơi tôi dạy lại “thiểu năng” đến thế. Tôi đã từng nghĩ thế, đã từng muốn làm thế…

Tôi, đứa con gái 22 tuổi, quyết định dứt áo ra đi, bỏ lại gia đình, bạn bè, bỏ lại chốn phồn hoa đô hội, để cầm quyết định nhận công tác tại vùng núi xa xôi chỉ để chạy trốn mối tình đầu tan vỡ. 

Nhưng khi đặt chân đến mảnh đất này, con tim tôi hỗn độn bao nhiêu cảm xúc, con người tôi bắt đầu run lên cầm cập. Run lên không phải vì rét mà là vì sợ, sợ tất cả những gì đang diễn ra trước mắt tôi. Nó quá khác so với những gì tôi đã tưởng tượng.

Vùng đất ấy là nơi có khí hậu khắc nghiệt, ruộng nương vắng lặng. Làng bản ở trên một ngọn núi cao, những ngôi nhà tồi tàn, rách nát, toàn là người Mông. Người ta gọi tôi là cô giáo, bạn bè tôi ở quê gọi tôi là “cô giáo vùng cao”.

Những ngày đầu trôi qua với tôi thật nặng nề và khủng khiếp. Một “nàng tiểu thư đài các” giờ đây phải sống trong ngôi nhà lá tạm bợ, không phòng tắm, không toilet. Xung quanh là ruộng nương vắng lặng, không chợ búa hay bất kì một cửa hàng tạp hóa nào. Tại sao chỉ cách nơi tôi đang sống vài trăm km thôi mà lại khác nhau đến vậy, nó cách quá xa thế giới văn minh, nó như thể hai thế giới biệt lập, nó quá lạ lẫm đối với tôi. Nhìn những cậu học trò mặt ngơ ngác, lấm lem, đôi chân trần giữa trời đông giá rét cứ thế ngước mắt lên nhìn tôi như thể một “vật thể lạ”, mà không, như thể chúng nhìn thấy một “bà tiên” mới đúng, mà tôi chạnh lòng. Tôi tự hỏi quyết định này của mình có đúng? Tôi tự hỏi liệu rằng ở mảnh đất này, cái chữ gieo xuống có nảy được thành mầm? Có gặt hái được ấm no, hạnh phúc khi mà con người nơi đây chỉ coi trọng hạt lúa củ khoai? Nước mắt tôi lăn dài trên má, tôi muốn lùi bước, muốn rút lui vì trước mắt tôi ngổn ngang bao nhiêu thử thách. Tôi trở nên buồn bực và cáu gắt hơn. Tôi cáu gắt với điều kiện sinh hoạt ở đây, tôi cáu gắt với những học sinh tôi cho là “ngu dốt”, tôi cáu gắt với tất cả mọi người. 


Nhưng rồi… Thấm thoắt gần một năm trôi qua, nghĩ lại những ngày tháng ấy, những cảm xúc khi mới bước chân đến nơi đây tôi đã bật cười. Bật cười rằng sao mình có thể hời hợt và nông nổi đến. Tại sao không đưa con mắt ra xa hơn, không nhìn thấy những cô giáo cũng từng là tiểu thư đài các, cũng từ những nơi thành thị giống tôi đến đây sinh sống và cống hiến. Họ vẫn vui vẻ, yêu đời, yêu người, nhiệt huyết với nghề. Họ vượt qua tất cả nối gian truân để đến đây gieo con chữ? Họ không kêu than, oán trách. Con người ở đây, tại sao tôi có thể coi họ là “thiểu năng”, là “ngu dốt”. Cuộc sống vốn không công bằng và họ là những người phải chịu bất công. Cũng là con người nhưng tôi được sinh ra ở một nơi có đủ đầy mọi thứ, được tiếp xúc với những công nghệ, tiên tiến văn minh. Còn họ, rõ ràng cũng cùng là một kiếp người nhưng sinh ra và lớn lên ở một vùng sỏi đá, miếng cơm cũng không có để ăn thì làm sao nghĩ đến những thứ xa xôi hơn mà họ cho rằng nó không nuôi họ sống được qua ngày? 

Đến đây tôi mới hiểu thế nào là “tình cảm con người”, mới biết rằng ở thành thị - nơi tôi sống ngày xưa điều đó thiếu thốn thế nào. Sự cạnh tranh, bọn chen đã làm lạc mất điều mà chúng ta cần trân trọng nhất. Công nghệ tiên tiến làm chúng ta quên đi những điều đơn giản để giúp chúng ta xích lại gần nhau hơn. Nơi tôi ở, một vùng cao “cằn cỗi” đất đai nhưng “phì nhiêu” tình người. Những cậu học trò lấm lem kia có thể học mãi mới thuộc được bảng chữ cái, mới nhớ được mặt con chữ “A” nhưng sự “tôn sư trọng đạo”, “kính trên nhường dưới” là điều chẳng cần phải dạy nhưng chúng đều biết vì điều căn bản ấy đã ngấm vào máu thịt, là cái sẵn có từ khi chúng mới sinh ra. Quả thực, phải đánh mất những gì mình đã có mới biết được giá trị đích thực của nó, mới biết mình hạnh phúc và may mắn hơn những người khác nhiều đến thế nào.

Gần một năm qua, nó là thời gian đủ dài để tôi biết rõ sự nhiệt huyết, yêu nghề của đồng nghiệp tôi đã và đang từng ngày trải qua. Tôi đã trải nghiệm được cảm giác hạnh phúc khi giảng dạy cho các em về những kỹ năng sử dụng khi còn nhỏ mà chúng tôi được học tại trường đại học. Đủ dài để hiểu tình cảm con người ở đây mộc mạc, nguyên sơ và đáng quý đến mức nào. Nhưng nó lại là thời gian quá ngắn để tôi hiểu được nỗi khổ, cuộc sống thiếu thốn, bụng đói, chân trần trong cái thời tiết lạnh tê lạnh tái này của những con người nơi đây trong những năm tháng qua. Tôi nhận ra rằng, đừng bao giờ chế giễu, chê bai, khinh thường những người nghèo rách, thiếu thốn vì họ đã gánh lấy những khuyết điểm, khổ cực thay cho ta, thay cho người thân của ta để ta có cuộc sống may mắn, khỏe mạnh, lành lặn, có cha, có mẹ, có cuộc sống đủ đầy, cơm no áo ấm như những gì ta đang được hưởng.

Cảm ơn cuộc đời đã đưa tôi đến vùng đất này!

Thứ Bảy, 13 tháng 12, 2014

Giật mình chuyện 10x “yêu bạo” trên facebook

Thời gian gần đây, trên mạng xã hội facebook lan truyền những bức ảnh, caption mang chủ đề yêu đương chém giết mà chủ nhân của nó là những em nhỏ mặt còn búng ra sữa khiến ai nhìn thấy cũng phải giật mình. Nếu như trước đây “9x” là thế hệ được nhắc tới nhiều bởi sự lột xác trong cách suy nghĩ, lối sống so với các thế hệ đi trước thì có lẽ đã đến lúc “10x” mới là từ khóa cần được quan tâm nhiều hơn cả, bởi độ bạo dạn và cách thể hiện mình lớn sớm trên mạng xã hội.


1.  Thể hiện quá “bạo dạn” trên facebook


Dường như nhờ có mạng xã hội, chúng ta mới biết được thực sự tâm lý tuổi 10x không như những gì người lớn vẫn tưởng tượng. Xét về độ bạo dạn thể hiện bản thân, có lẽ ai khi đọc những lời tình tứ yêu đương, những câu dọa dẫm chém giết trên facebook cá nhân của các em ai cũng phải giật mình: Hóa ra bọn trẻ bây giờ lại “lớn sớm” đến thế.

Cách đây hơn 1 tháng, một “cư dân mạng” là học sinh cấp 2 post toàn những ngôn từ "huynh đệ tương tàn", hoặc khoe thành tích yêu đương lên facebook cá nhân khiến cộng đồng mạng choáng váng. Những đoạn status có vẻ “không liên quan lắm” với gương mặt “nhân vật chính” còn non choẹt trong trang phục một bộ đồng phục học sinh: "Đâm hoặc đâm, chém hoặc chém anh em sống chết có nhau", "Bình yên những giấc chiêm bao, qua rồi một thời rong chơi rồi 1 thời yêu đương sớm tối", hay "Anh nói anh yêu em, là anh không nói dối"…


10X gây sốc trên mạng vì khoe cuộc sống tự do và yêu đương.

Được biết, cậu học trò sở hữu tài khoản này đang học lớp 6. Nhìn vào những gì cậu bé thể hiện trên facebook người ta có thể hình dung được một “cá tính” khác hẳn bạn bè đồng trang lứa khi cậu bé thường sử dụng ngôn từ như trong phim chưởng, có ăn chơi, yêu đương…. hơn cả những chàng trai trưởng thành.  Nhìn vào list tình trường mà cậu khoe trên mạng xã hội, nếu không xem ảnh ở dưới thì khó ai tin đây lại là lời lẽ của một học sinh cấp 2 khi cậu hết khoác vai bạn gái này đến bạn gái khác.

Mới đây, một cặp đôi 10X khác lại gây sóng gió trên mạng khi post những bức ảnh yêu đương thắm thiết, kèm theo caption thậm chí còn sắc sảo hơn người lớn: "Yêu em này, thích em nọ, đóng họ em kia", hoặc "Đàn ông có tiền, giữ được đàn bà có sắc. Đàn ông có tình, giữ được đàn bà có tâm. Còn tôi chả có gì nên chẳng giữ được ai"...



Chủ nhân tài khoản facebook này là một cậu bé tên H. đang học lớp 8. "Chàng trai" 10X liên tục update ảnh yêu đương thắm thiết, cầm tay và hôn “bạn gái” mọi lúc mọi nơi như một cặp đôi đã trưởng thành.

Quả thực, nếu chỉ đọc đoạn caption này mà không nhìn ảnh, khó có thể nghĩ đây lại là dòng gửi gắm tâm tình của học sinh cấp 2 dành cho nhau: "Cũng hơn 2 tháng trôi qua rồi nhỉ, kể từ ngày bắt đầu làm phiền nhau, bắt đầu khiến nhau phải lo lắng, phải giận dỗi, phải ghen và phải hạnh phúc. Vợ cũng chả biết vì lý do gì vợ yêu anh như thế, xin đừng nghĩ vật chất và cũng đừng nghĩ là vì anh có tài. 2 con người sống hạnh phúc không phải vì những thứ đó mà là do thái độ và cách yêu. Bản thân vợ chẳng bằng người ta vì cái gì cả, kể về nhan sắc lẫn điều kiện, tính tình thì ương bướng... nhưng vợ cũng đã thay đổi nhiều. Anh yên tâm, vợ sẽ thay đổi thật nhiều hơn, để anh không phải bận tâm về vợ nữa, không phải lo lắng, không phải cáu và chắc chắn sẽ là 1 cô vợ tốt đấy. Thương anh, yêu anh, anh là tất cả...".

Xét về độ bạo dạn, nhiều người lớn còn phải lắc đầu trước các em lớp 6, lớp 7.  Những hiện tượng trên phải chăng chỉ là cá biệt ở một vài cá nhân hay suy nghĩ của thế hệ 10x thực sự đã thay đổi, các em thực sự coi việc thể hiện tình yêu ở lứa tuổi 4 – 15 là điều đương nhiên, trong khi cả xã hội vẫn chưa theo kịp suy nghĩ đó nên mới cảm thấy “choáng váng”?

2.  Cần hiểu rõ hơn tâm lý tuổi 10x


Một trong những nguyên nhân quan trọng nhất của việc bạo dạn thể hiện bản thân, thể hiện tình yêu của thế hệ 10x chính là do sự phủ sóng rộng rãi của mạng xã hội, nhiều em mới lên cấp 2 đã được gia đình sắm điện thoại cảm ứng nên dễ dàng trưng bày mọi thứ, từ tính cách đến chuyện bạn bè, yêu đương... lên Facebook. Một “cư dân mạng” khi xem những bức hình này bình luận rằng: "Nguyên nhân là do chơi Facebook sớm quá. Giờ lên mạng xã hội cái gì cũng ảo, nên các em ý cũng sống ảo và thể hiện bản thân thái quá. Có khi ngoài đời lại không như vậy".

Quả thật mạng xã hội cũng có thể là một công cụ “khuyến khích” việc lớn sớm của trẻ.  Một bức hình khác thường so với lứa tuổi, một bình luận quá già dặn hoặc một cách tạo dáng quá người lớn… thường sẽ được nhiều người theo dõi, like hoặc bình luận hơn. Đó là động lực để các em – lứa tuổi đang bước vào giai đoạn “khủng hoàng” cảm thấy mình được chú ý, từ đó các em lại càng chạy đua với nhau đưa các hình ảnh gây sốc, các dòng trạng thái hoặc lời bình bá đạo hơn để thu hút được nhiều sự chú ý của cộng đồng. Thậm chí có nhiều bức ảnh hoặc dòng trạng thái chỉ là một sự cường điệu chứ không phải thực sự là suy nghĩ, cảm xúc hay hành động thường xuyên của các em.

Thêm nữa, một thực tế không thể thay đổi là ngày nay, chế độ nuôi dường tốt hơn, tuổi dậy thì của lứa tuổi vị thành niên đã sớm hơn (không còn gái thập tam - 13, nam thập lục -16 như xưa nữa) mà có thể bắt đầu từ 10, 11 tuổi. Theo đó, sự hấp dẫn giới tính mang tính bản năng con người cũng bắt đầu từ lúc này. Sự thay đổi này tất nhiên không theo mong muốn chủ quan của các em hay cha mẹ. 

Đồng thời trẻ em bây giờ tiếp cận nhiều với phim ảnh có nội dung người lớn do không có cơ chế kiểm soát; cuộc sống căng thẳng, bố mẹ thiếu quan tâm và bản thân thiếu kỹ năng nên tìm tới những hành vi trên như một cách giải tỏa hay xu hướng muốn khẳng định bản thân, thể hiện mình đã lớn, có thể độc lập tương đối với bố mẹ.

Chúng ta phải chấp nhận thực tế rằng cuộc sống hiện đại đã thay đổi, và việc cấm các em học sinh dùng facebook dường như là việc làm không khả thi. Trong khi nhận thức của các em chưa đủ độ “chín” để phân biệt đâu là cái cần học theo, đâu là cái cần loại bỏ. Trong khi cha mẹ cứ đinh ninh con mình “bé tí, biết gì” thì đôi khi những hành động bồng  bột của các em đã gây ra hậu quả lớn tới mức cha mẹ không thể lường trước. 


Chúng ta vẫn luôn nói rằng, để định hướng các em đi có sự phát triển toàn diện, đúng đắn nhất cần sự quan tâm của cả gia đình, nhà trường và toàn xã hội, trong đó gia đình đóng vai trò then chốt nhất. Thế nhưng các bậc cha mẹ hiện đại ngày càng chạy theo guồng quay của công việc, cuộc sống mà ít đi sự quan tâm tới con cái, hoặc vẫn ngại ngần khi nói về vấn đề sức khỏe – giới tình, coi đó là chủ đề cấm kỵ.  

Quan điểm không “vẽ đường cho hưu chạy” ngày nay dường như đã là một sai lầm vì nếu không thẳng thắn với con về các vấn đề giới tính thì "hươu sẽ vẫn cứ chạy", nhưng là chạy sai đường do tìm đọc các thông tin không chính thống qua internet. Vì thế cha mẹ phải đặc biệt chủ động tìm hiểu các đặc điểm tâm lý của giai đoạn này và có cách nhìn khoa học hơn về vấn đề giáo dục giới tính. Đồng thời dành thêm những khoảng thời gian nhất định trong ngày để chia sẻ, nói chuyện và chú ý đến con cái. Qua đó sẽ phát hiện sớm các vấn đề lớn sớm và kịp thời điều chỉnh hoặc can thiệp.

Với nhà trường, có lẽ thay vì nhồi nhét vào đầu các em những môn học để rồi một vài năm sau nhiều em chẳng bao giờ dùng đến nó, thì hãy dạy nhiều hơn những kiến thức xã hội thực tế, chẳng hạn như giáo dục giới tính, phổ biến pháp luật, kĩ năng sống... Bởi học sinh “cần học cách làm người trước khi trở thành nhà bác học”.

Thứ Ba, 9 tháng 12, 2014

4 phương pháp đào tạo học sinh cá biệt

Học sinh cá biệt là những học sinh có sự thất thường về tính cách, không có động cơ học tập, tâm lý không ổn định, luôn có quan niệm thích học thì học, không thích thì đùa giỡn, quậy phá lớp học, gây gổ đánh nhau. Chính vì thế, chắc chắn rằng bất kì người giáo viên nào cũng không muốn lớp học mình có những trường hợp “đau đầu” như thế. Nhưng khi rơi vào trường hợp này, là người giáo viên bạn cần phải làm gì? Phải có những biện pháp như thế nào để giáo dục được những học sinh cá biệt này?


1.  Giáo dục học sinh thông qua giờ sinh hoạt trường


Cần thông báo cho các em biết được hạnh kiểm (HK) của mình đang ở mức độ nào và giúp các em nắm bắt được việc đánh giá HK dựa vào những tiêu chí nào. Hiểu được thì các em sẽ tránh được vi phạm mà các em mắc phải, để rồi các em khỏi phải bị xếp loại HK yếu.

-  Tổ chức cho HS thảo luận nội qui nhà trường và hướng dẫn cho các em thực hiện nội qui, có chế độ khen chê công bằng, khách quan .

-  Trong buổi chào cờ đầu tuần, cần phải đánh giá nhận xét chu đáo, nêu gương người tốt, việc tốt để các em noi theo, hạn chế những vi phạm nội qui lớp học , trường học .

2.  Giáo dục học sinh thông qua giờ sinh hoạt


Thông qua giờ sinh hoạt lớp, giáo viên chủ nhiệm, cán bộ lớp sẽ có cơ hội uốn nắn những sai lầm, khuyết điểm của học sinh khi vi phạm, lấy tình cảm bạn bè, lấy nghĩa  thầy trò làm cho các em thấy được khuyết điểm của mình. Tuy nhiên, trong khi giáo dục các em, giáo viên chủ nhiệm không nên nặng nề về kiểm điểm, phê bình mà phải tìm ra và xác định đúng nguyên nhân đã tác động đến các em làm cho các em mắc sai lầm, vi phạm, giúp các em thấy được phạm vi vi phạm ở mức độ nào và nêu ra hướng cho các em khắc phục.

3.  Phối hợp với các đoàn thể và các lực lượng khác trong xã hội


Nhà trường cần phối hợp với các Đoàn thể ở địa phương để giáo dục học sinh. Các đoàn thể, chính quyền giúp cho từng gia đình trên địa bàn xây dựng gia đình văn hóa, hạn chế tình trạng cha mẹ bỏ mặc con cái đi làm ăn, những mối bất hòa trong gia đình ngày càng hạn chế, từ đó sẽ có điều kiện để chăm sóc con tốt hơn.

4.  Dùng phương pháp kết bạn


Lứa tuổi học sinh là lứa tuổi dễ bị ảnh hưởng bởi những yếu tố bên ngoài nhất. Các em dễ học những thói hư tật xấu nhưng cũng dễ tiếp thu những điều hay lẽ phải, dễ hòa mình vào những trò chơi có tính tập thể, tính giáo dục cao . Do đó giáo viên chủ nhiệm nên phân công một nhóm bạn tốt, cùng hoàn cảnh, cùng sở thích, uớc mơ ... sinh hoạt, học tập với đối tượng này dần dần lôi kéo các em hòa nhập vào các cuộc chơi bổ ích, từ đó xóa bỏ các mặc cảm là học sinh hư để rồi cùng với các thành viên trong lớp xây dựng tập thể vững mạnh .

Mặt khác, thông qua nhóm bạn tốt, giáo viên chủ nhiệm giao cho học sinh đó thực hiện một số công việc, tạo những điều kiện để những học sinh này hoàn thành và động viên khích lệ các em để các em xóa những tự ti, mặc cảm là học sinh cá biệt để hòa mình với bạn bè.

Thứ Hai, 1 tháng 12, 2014

Giáo viên mầm non: Muốn gắn bó với nghề cần có tình yêu

Mới đây trên facebook cá nhân của mình, một cô giáo mầm non trẻ đã viết những dòng status “gây bão” dư luận: Ngày đầu tiên đi kiến tập cô rất mệt bởi phải bón cho 5, 6 cháu ăn cùng một lúc. Rồi thì xung quanh là tiếng kêu la, mách tội của các cháu, khiến cô giáo tương lai cảm thấy rất đau đầu và cáu bẳn. Không chỉ chia sẻ chuyện chung, cô này còn chia sẻ chuyện riêng về một cháu bé trong lớp chuyên đi trêu chọc bạn bè. Dĩ nhiên lời tâm sự mang đầy tính “bạo lực” này nhận được vô số gạch đá từ dư luận. Thế nhưng qua đây người ta cũng phần nào nhận ra đây là một nghề quá nhiều áp lực và mệt nhọc, chỉ những người có tình yêu thực sự với nghề mới có thể gắn bó lâu dài được.


Nghề của những áp lực và mệt nhọc


Gần đây các trường mầm non tư thục được mở ra khá nhiều và phổ biến, nhưng tình trạng gian nan đi tìm trường mầm non cho con của các bậc phụ huynh hầu như vẫn không được thuyên giảm, một phần vì chất lượng từ các trường mầm non tư thục khó có thể được kiểm chứng thường xuyên bỏi phụ huynh, phần vì tiền đóng hàng tháng tại các trường này thường khá cao.

Áp lực thì nghề nào cũng có, nhưng với nghề giáo viên mầm non nó nhiều gấp bội phần. Và nếu họ được trả những đồng lương xứng đáng với áp lực thì còn có thêm động lực gắn bó với nghề,  nhưng đồng lương của các giáo viên mầm non hiện nay quá thấp, cho nên có lẽ chỉ có tình yêu nghề mới giữ chân được các cô giáo trẻ.


Đằng sau những hình ảnh đẹp này là rất nhiều áp lực.

Buổi sáng: 6h30 đã phải có mặt tại trường. Buổi chiều: Phải chờ phụ huynh đón hết con mới được về. Nhiều hôm phụ huynh về muộn thì phải đến 20h30 phút mới được rời trường - Đó là thời gian biểu trong một ngày của một cô giáo mầm non.  Công việc sau khi nhận các cháu thông thường như sau: Cho ăn sáng nốt những cháu nào chưa ăn ở nhà; mặc quần áo, đội mũ, đi tất, bày đồ… để chuẩn bị cho các cháu chơi và tập múa hát (Đây là hình ảnh đẹp duy nhất mà mọi người thường nhớ tới);  Thu dọn và xếp ngăn nắp các loại đồ chơi; kê bàn ghế, xếp đặt chén bát, muôi, thìa; bón cho các cháu ăn bữa chính, bữa phụ, ăn quà chiều, uống thuốc, uống sữa, thay bỉm, giặt quần áo do các cháu ị hoặc tè ra, dọn dẹp chỗ các cháu nôn, trớ, trả các cháu cho phụ huynh... 

Kể thì có vẻ đơn giản nhưng phải trực tiếp làm hoặc chứng kiến thì mới rằng thấy mọi chuyện ăn ngủ chơi của các con không hề đơn giản. Ngoài những công việc này, các cô còn phải luôn để mắt đến cháu, không để chúng chơi đùa với nhau nhiều hay cào cấu, vì nếu chẳng may xảy ra chuyện gì, các cô sẽ là những người chịu trách nhiệm đầu tiên. 

Chưa hết, gặp phụ huynh nào dễ tính còn đỡ, phải người khó tính, thậm chí lỗ mãng, thiếu tôn trọng cô thì rất khó chịu. Một số người coi con cái mình như cục vàng. Mỗi chiều đón con về, họ kiểm tra khắp mình mẩy chân tay con, nếu có xây xát tí gì là phản ánh luôn với hiệu trưởng.  Cá biệt, có gia đình do nuông chiều con cái nên khiến cháu bé sinh hư, và dù nhỏ cũng đã biết nói dối. Gặp những trường hợp như thế các cô chỉ còn cách “nhịn nhục”.

Cường độ làm việc căng thẳng, vất vả cộng với trách nhiệm cao đối với các cháu bé, nhưng lương cô giáo mầm non lại thuộc loại thấp nhất. Nếu đọc những thông tin tuyển dụng giáo viên mầm non trên báo, bạn sẽ rất dễ tìm được những địa chỉ mà người ta chỉ trả cho cô giáo mức lương khởi điểm 800-900 ngàn/tháng. Đó là chưa kể những khi bị phạt, bị trừ lương vì hàng tỉ lý do.


Cần có tình yêu và hy sinh


Nhìn vào mức lương với từng ấy công việc và áp lực của một cô giáo mầm non trong cơn “bão” giá tiêu dùng, có lẽ ít ai nghĩ rằng những cô giáo trẻ có thể bám trụ với nghề. Và sự thật nếu không có đủ tình yêu với nghề và trẻ nhỏ, rất nhiều các cô giáo trẻ đã rẽ sang một con đường bằng phẳng hơn.

H. – từng làm giáo viên ở một trường mầm non công lập cho biết cô đã giã từ nghiệp “trồng người” sau khi phải mất đến mất chục triệu triệu để “chạy” vào trường vì mức lương sau mấy năm vẫn chỉ có trên 1 triệu/tháng. Quả thật với giá cả như hiện nay, mức thu nhập như vậy không thể tái tạo nổi sức lao động của con người chứ chưa nói gì các khoản khác như xăng xe, khi đau ốm và trách nhiệm với gia đình. Nhiều đồng nghiệp của H. cũng bỏ nghề để đi… chạy bàn, công nhân… và không bị áp lực công việc nhiều như thế mà mức lương cũng cao hơn gần gấp đôi. 

Cũng có nhiều cô giáo trẻ cố bám trụ với nghề nhưng cũng chính vì ức chế và chán nản như vậy nên nhiều cô đã không làm chủ được bản thân và có những hành động phản giáo dục như: Dọa dẫm, quát nạt hoặc đánh trẻ. Và sự thật là một loạt những vụ bạo hành trẻ em gần đây khiến nhiều người có ác cảm đối với cô giáo mầm non. Nhưng đó cũng là một bộ phận nhỏ những “con sâu làm rầu nồi canh”. Có rất nhiều cô giáo mầm non rất yêu trẻ và thực sự tâm huyết với nghề, có sự nhẫn nại, hi sinh rất lớn đối với trẻ, đáng tiếc rằng những con người như vậy lại ít khi được nhìn nhận đúng với khả năng và tấm lòng của họ, trả cho họ mức lương hết sức rẻ mạt cộng với những quy định ngặt nghèo.

Thảo – cô giáo mầm non tương lai chia sẻ: “Bản thân mình là giáo viên mầm non nên mình biết là trông trẻ rất mệt và chịu nhiều áp lực. Nhưng thực sự mình quý trẻ con và mỗi ngày đi làm mình đều cảm thấy rất thoải mái. Để làm được nghề này phải thật sự có tâm và thật lòng yêu thương trẻ mới có thể làm được. Còn ở cùng với trẻ thì niềm vui và nụ cười cũng đâu có thiếu".

Có thể thấy để có thể gắn bó với nghề giáo viên mầm non, cần tình yêu và sự hy sinh vô cùng lớn lao. Nhưng chỉ từng ấy thôi chưa đủ. Tình yêu và sự hy sinh của các cô cần được nhìn nhận, đánh giá công bằng hơn. Đã đến lúc Nhà nước cần khẩn trương có những chính sách hợp lý và ưu đãi cho những người đang công tác tại cấp học này bởi họ đã phải chịu quá nhiều áp lực và quá nhiều thiệt thòi. Nếu không, nó sẽ là cái nghề làm giàu đối với những người chủ đầu tư chỉ biết đến hai chữ “lợi nhuận”.