Học Tập cho Ngày mai tỏa sáng

Học tập vì tương lai tươi sáng, học tập vì ngày mai lập nghiệp.

Chia sẻ kiến thức học đường

Kiến thức học đường chia sẻ những kinh nghiệm, kiến thức cho học sinh và phụ huynh

Xây dựng ước mơ

Cùng giáo dục học đường xây dựng ước mơ tương lai cho con trẻ

Thứ Ba, 30 tháng 9, 2014

“Vỡ mộng” khi trở thành sinh viên

Cũng giống như bao nhiêu người khác, khi còn học cấp 3 khao khát lớn nhất của tôi là được bước chân vào cánh cửa trường Đại học, được ngồi trên giảng đường và được gọi là sinh viên. Nhưng khi ước mơ đã thành sự thật thì tất cả những điều đó lại làm tôi thất vọng hoàn toàn, bao nhiêu điều tươi đẹp mà tôi tưởng tượng trước đó giờ đây đã thành một đống đổ nát.

Ngày cấp 3, Đại học trong tôi là một ngôi trường khang trang, khuôn viên rộng rãi, các tiết thực hành nhiều hơn lý thuyết và không có chuyện thầy đọc, trò chép một cách gò bó. Không những thế, tôi sẽ có cơ hội được tham gia vào những câu lạc bộ trong trường như câu lạc bộ bóng chuyền, bóng rổ hay guitar. Nhưng không phải thế. Khi là một sinh viên của một trường về công nghệ, mọi suy nghĩ trong tôi đã khác.

Giờ học lý thuyết vẫn chiếm đa số, các tiết thực hành chỉ có thể đếm trên đầu ngón tay. Nhiều khi đến giờ thực hành, cả lớp đang nhao nhao hí hửng để chào đón những điều thú vị thì được nghe thông báo: “Chưa kịp chuẩn bị phòng thực hành, hủy lớp và thay vào tiết lý thuyết”. Thế là những giờ thầy đọc, trò chép lại bắt đầu. Thầy giáo bảo lấy sách giáo trình ra và lấy bút… gạch chân những dòng thầy đọc. Những lúc như vậy tôi lại cảm thấy mình như quay lại thời là học sinh, còn quá bé nhỏ và mọi sự sáng tạo của mình dường như bị kìm nén bởi những tiết học máy móc như vậy.

Nhưng những tiết học trở nên quy tắc máy móc hơn khi các thầy giáo còn quá chú trọng đến việc điểm danh. Trước khi vào học, điểm danh. Cuối tiết học cũng điểm danh trong khi cả một hội trường có hàng trăm sinh viên mà tiết học chỉ có 45 phút. Nhiều khi thời gian thầy cô giáo dành ra cho việc điểm danh đã chiếm quá nửa. Hơn nữa, sinh viên đến cũng chỉ để chống đối thậm chí chúng tôi còn nhờ… điểm danh hộ vào những ngày ngại đến… điểm danh.



 Đại học – đến chỉ để… điểm danh

Không dừng lại ở đó, tôi còn chao đảo với cơ sở vật chất của trường. Khuôn viên của trường quá bé thậm chí còn không có đủ sân để phục vụ những tiết giáo dục thể chất của chúng tôi. Ngày cấp 3, sân vận động của chúng tôi rộng thênh thang nhưng chỉ phải học cùng với 1, 2 lớp khác vì bị trùng tiết. Còn Đại học thì sân vận động chỉ bằng 1/2 sân vận động cấp 3 nhưng một tiết học phải san sẻ với  5, 6 lớp. Nào là lớp bóng chuyền, nào là lớp bóng rổ, lớp học aerobic hay thể dục nhịp điệu…. Sự bon chen đó khiến chúng tôi không được thoải mái vì không có đủ diện tích để phục vụ quá trình học tập.
Sau những giờ học nhàm chán và căng thẳng như vậy những tưởng rằng chúng tôi sẽ được giải trí hay tham gia những câu lạc bộ được tổ chức trong trường giống như những bộ phim mà tôi đã từng xem. Nhưng sự tưởng tượng đó chỉ mãi là tưởng tượng. Ngày mới là sinh viên năm nhất, khi vào trường tôi đi tìm những câu lạc bộ đế sinh hoạt ngoài giờ. Nhưng hỏi thì câu lạc bộ bóng rổ không có, bóng chuyền không có, cầu lông, bơi lội cũng không, chỉ có duy nhất câu lạc bộ bóng đá cho nam. Những câu lạc bộ thu hút được đông đảo sinh viên và duy trì lâu nhất chỉ là những câu lạc bộ âm nhạc hay tình nguyện.



Đó là câu chuyện liên quan đến việc học hành khi bước chân vào Đại học còn những chuyện trong cuộc sống mà sinh viên phải trải qua cũng vô cùng vất vả.

Việc đáng để nhắc đến nhất có lẽ là việc chỗ ở của sinh viên. Đáng lẽ Kí túc xá là nơi quen thuộc và gắn bó với chúng tôi, nhưng thực tế khi bước chân vào Đại học tôi mới biết đó là nơi quá xa xỉ. Bởi lẽ không phải ai cũng được ở đó mà hầu hết đều phải ra ngoài trọ tại những khu trọ tồi tàn nhưng giá đắt cắt cổ. 

Hàng chục phòng, mỗi phòng 2-3 người nhưng dùng chung một nhà vệ sinh, một nhà tắm là cảnh quá quen thuộc với chúng tôi. Không những thế, những phòng trọ này an ninh không đảm bảo, thường xuyên xảy ra trộm cắp. Những vụ việc mất trộm laptop, quần áo, xe cộ,… diễn ra thường xuyên khiến chúng tôi luôn phải sống trong thấp thỏm, lo âu.

Đó chỉ là một vài ví dụ khiến tôi hoàn toàn thất vọng và vỡ mộng khi bước chân vào cánh cổng trường Đại học. Tuy nhiên, tôi biết không phải tất cả các trường Đại học đều mắc phải những hạn chế này, cũng có những trường có các trang thiết bị và cơ sở vật chất phục vụ cho sinh viên đầy đủ và hiện đại nhưng không phải là nhiều. Hi vọng trong tương lai, chất lượng đào tạo cũng như cơ sở vật chất của các trường Đại học sẽ được cải thiện và nâng cấp để sinh viên có một môi trường tốt nhất học tập và phát triển.

Thứ Sáu, 26 tháng 9, 2014

Những điểm mới trong kỳ thi quốc gia vào năm 2015

Bộ GD-ĐT đã công bố chọn phương án thi 4 môn (gồm Toán, Văn, Ngoại ngữ và một môn tự chọn) cho kỳ thi quốc gia chung vào năm 2015. Quyết định này của Bộ GD-ĐT vẫn đang gây nhiều tranh cãi và những ý kiến trái chiều trong dư luận nhưng phải thừa nhận nó có rất nhiều điểm mới mẻ, tiến bộ.  Và trong 3 phương án Bộ GD- ĐT đưa ra thì phương án thi 4 môn này có vẻ hợp lý hơn cả. 



Tiết kiệm chi phí


Điều đầu tiên phải nói đến là khi gộp hai kỳ thi tốt nghiệp THPT và đại học vào làm một sẽ giảm chi phí rất nhiều. Đầu tiên là chi phí ăn ở, đi lại. Nếu như trước đây thi đậu tốt nghiệp THPT, các thí sinh và người nhà phải di chuyển đến địa điểm các trường đại học mình đăng ký tổ chức thi, thuê nhà trọ, ăn uống với giá đắt đỏ… thì với phương án này các em hoàn toàn không mất khoản phí đó. 

Thêm vào đó là chi phí tổ chức, nhân lực. Trước đây,thí sinh tham dự cả 2 kỳ thi thì ít nhất phải làm bài với 7 lượt môn thi (gồm 4 môn thi trong kỳ thi tốt nghiệp THPT và 3 môn thi tuyển sinh ĐH hoặc CĐ); nhiều thí sinh tham dự 3 đợt thi với 10 lượt môn thi (gồm 4 môn thi trong kỳ thi TN THPT, 3 môn thi tuyển sinh ĐH đợt 1 và 3 môn thi tuyển sinh ĐH đợt 2); có những thí sinh tham dự tất cả 4 đợt thi với 13 lượt môn thi (gồm 4 môn thi trong kỳ thi tốt nghiệp THPT, 3 môn thi tuyển sinh ĐH đợt 1, 3 môn thi tuyển sinh ĐH đợt 2 và 3 môn thi trong đợt tuyển sinh CĐ). Nhưng trong kỳ thi THPT quốc gia mỗi thí sinh chỉ phải dự thi 4 môn thi tối thiểu, nhiều nhất là 8 môn thi và phổ biến sẽ là 5 hoặc 6 môn thi; với các thí sinh tự do (đã tốt nghiệp THPT từ 2014 về trước) thì số môn thi còn giảm đi, do vậy áp lực thi cử sẽ giảm đi rất nhiều. Thí sinh, gia đình và xã hội cũng sẽ giảm được chi phí cho kỳ thi.

 Ngoài ra với kỳ thi THPT quốc gia, Bộ chỉ phải xây dựng một bộ đề thi chứ không phải xây dựng nhiều bộ đề thi như trước đây (ít nhất là 4 bộ đề thi cho kỳ thi tốt nghiệp và 3 đợt thi ĐH, CĐ) nên cũng sẽ giảm rất nhiều chi phí cho công tác này.

Không làm thí sinh bị sốc


Đây là phương án gần giống với hình thức thi như vẫn áp dụng ở những năm trước nhất. Tuy gộp thành 1 kỳ thi nhưng vẫn thi những môn như thi tốt nghiệp và đại học nên các em ít bị bỡ ngỡ.  Điểm khác duy nhất là Ngoại ngữ thành môn thi bắt buộc.

Ngoại ngữ là một môn học rất quan trọng, nhất là trong thời hội nhập này. Nếu theo đúng dự kiến thì năm 2015 thị trường ASEAN sẽ là một, kể cả thị trường lao động. Nhưng thực tế hiện nay ngoại ngữ vẫn chưa được chú ý đào tạo đúng mức, nhất là ở khu vực nông thôn và vùng sâu vùng xa. Việc đưa Ngoại ngữ trở thành môn thi bắt buộc sẽ là động lực để các thế hệ học sinh sau chú tâm học Ngoại ngữ hơn, đáp ứng được yêu cầu của thị trường lao động.  

Tuy nhiên, ở những trường chưa có điều kiện học Ngoại ngữ tốt, học sinh vẫn được phép chọn môn thay thế nên sẽ không bị áp lực

Ngoài ra, theo thầy Đào Tuấn Đạt - Hệu trưởng THPT Anhxtanh Hà Nội, có 5 điểm quan trọng mà phương án đưa ra vừa thực tế, vừa tiến bộ. Đó là để xét tốt nghiệp THPT, học sinh chỉ phải dự thi 4 môn thi tối thiểu, trong đó một môn tự chọn là vừa sức. Bên cạnh đó, học sinh được chủ động chọn môn thi sở trường để lấy kết quả xét tuyển vào đại học. Khi các trường đại học chọn theo môn để xét tuyển, thay vì theo khối thi truyền thống A, B, C, D… cứng nhắc như hiện nay sẽ giúp trường tuyển được thí sinh có thế mạnh, phù hợp với ngành nghề đào tạo.  Sự phân hóa và thay đổi theo xu hướng đánh giá năng lực sẽ giảm được lối học vẹt, học tủ... Kỳ thi với sự chủ trì của các trường đại học cũng tạo ra sự yên tâm cho các trường về sự nghiêm túc để tuyển chọn được những sinh viên đủ năng lực

Những thay đổi quan trọng cần lưu ý


Thay đổi thi là vấn đề lớn và nhạy cảm, vì vậy để tạo sự yên tâm, học sinh, thầy cô giáo và phụ huynh cần lưu ý những điểm quan trọng sau trong kỳ thi quốc gia chung được tiến hành vào năm 2015: 

-  Ngoài 4 môn thi nói trên,  các trường ĐH, CĐ có thể quy định thi thêm một môn để tuyển chọn được những sinh viên phù hợp nhất cho trường của mình.

-  Với những học sinh, học viên không được học Ngoại ngữ hoặc học trong điều kiện không đảm bảo chất lượng thì được chọn môn thay thế trong số các môn: Vật lý, Hóa học, Sinh học, Lịch sử và Địa lý.

- Thí sinh có chứng chỉ Ngoại ngữ theo quy định do Bộ GD&ĐT công bố sẽ được miễn thi tốt nghiệp THPT môn Ngoại ngữ. 

- Thí sinh đã tốt nghiệp THPT các năm trước chỉ phải đăng ký các môn thi phục vụ cho tuyển sinh ĐH, CĐ.

- Thời gian: Kỳ thi THPT quốc gia năm 2015 sẽ diễn ra vào các ngày 9-12/6. 

- Hình thức thi: Các môn Toán, Ngữ văn, Lịch sử, Địa lý, thí sinh thi tự luận, thời gian 180 phút. Các môn Vật lý, Hóa học, Sinh học, Ngoại ngữ thi trắc nghiệm, thời gian 90 phút.

- Nội dung đề thi tiếp tục được đổi mới theo hướng đánh giá năng lực người học, tăng dần các câu hỏi ở mức độ vận dụng, các câu hỏi mở; giảm dần yêu cầu ghi nhớ máy móc số liệu, sự kiện hay trả lời theo khuôn mẫu có sẵn. 

- Việc coi thi, chấm thi sẽ được tổ chức theo cụm. Bộ GD&ĐT sẽ công bố các cụm thi và giao nhiệm vụ chủ trì tổ chức cho các trường đại học đủ năng lực. Tại các địa phương không có cụm thi do trường đại học chủ trì,  Bộ GD&ĐT sẽ thống nhất với UBND cấp tỉnh tổ chức một số cụm thi do các sở GD&ĐT chủ trì.

Với nền giáo dục hiện nay của nước ta, đổi mới để phát triển là việc làm vô cùng cần thiết. Tuy phương án tổ chức một kỳ thi quốc gia chung chưa phải là phương án tối ưu và được ủng hộ tuyệt đối, nhưng nhìn nhận một cách khách quan đây là phương án hợp lý nhất trong thời điểm này. Do đó rất cần sự ủng hộ của các thầy cô giáo, học sinh và phụ huynh trên toàn quốc.

Chủ Nhật, 21 tháng 9, 2014

Học sinh cá biệt: Lạt mềm buộc chặt

Mười năm qua đi nhưng hình ảnh người thầy đã làm thay đổi cuộc đời tôi, tôi không sao quên được. Và cũng nhờ thầy mà tôi hiểu rằng, có những điều không hay nhưng không thể thay đổi bằng sự giận dữ. Tình yêu thương lòng bao dung và sự sáng tạo mới là thứ giúp bạn thay đổi mình, thay đổi mọi người.



 “Học sinh cá biệt” là thương hiệu gắn bó với tôi từ ngày mới cắp sách đến trường. Đó cũng là lý do tại sao tôi bị đổi lớp liên tục vì không có thầy cô giáo nào có thể “trị” nổi tôi quá một năm. Mẹ khóc, bố vò đầu: “Thằng này coi như xong!”

Năm lớp 3, tần suất Giấy mời phụ huynh được gửi về nhà bắt đầu xuất hiện những năm sau đó thì khỏi phải nói, việc đó là thường xuyên và liên tục. Chuyện đó xuất hiện như một chu kì đến nỗi 2 tuần mà chưa thấy tờ giấy mời nào là y như rằng bố tôi gắt gỏng điều tra “Có thật là mày không gây ra tội gì không?”. 

Nói về những nguyên nhân khiến bố mẹ tôi thường xuyên bị “triệu tập” đến trường thì nhiều vô kể, nó đầy đủ các thể loại, từ việc bắt nạt các bạn đến việc trêu các thầy cô, chẳng có việc gì mà tôi không làm.

Tôi nhớ, lần đầu tiên tôi bị phê vào sổ liên lạc cái thương hiệu “học sinh cá biệt” là vào năm lớp 3, cái tuổi mà tôi còn chưa biết “học sinh cá biệt” nghĩa là gì. Lớp 3, tôi đẩy một bạn xuống ao. Cầm rắn ném vào bạn khiến bạn ốm mấy ngày. Thậm chí có lần đến lượt bàn tôi mang nước cho thầy cô, tôi lấy nước ao đổ vào cốc nước của cô giáo. Khi uống… một ngụm rồi hai ngụm, cô thấy nước lờ lợ hỏi nước ở đâu nhưng cả lớp không ai ho he dám nói gì vì sợ tôi trù ẻo. Nhưng biết những trò đùa này ngoài tôi ra chẳng có ai dám làm, cô đoán ngay ra tôi và kết quả là tôi phải đứng úp mặt vào góc lớp.
Đến năm cấp 2, tôi cực ghét một thầy giáo. Thầy là tổng phụ trách, nổi tiếng là “sát thủ” vì chuyên đi “bắt” những học sinh đến lớp muộn và đi dép lê đến trường. Hầu hết những học sinh đến lớp muộn đều bị thầy “túm”  rồi bắt viết bản kiểm điểm. Dĩ nhiên tôi là đứa bị ngồi viết bản kiểm điểm nhiều nhất. Để trả mối thù này, nhiều lần tôi tụ tập bạn bè đứng chặn đường thầy thậm chí là đánh thầy giữa đường lúc trời tối. Nhẹ hơn là chúng tôi phá xe, làm hỏng vườn rau, ruộng lúa nhà thầy. Những lần ấy tôi dương dương tự đắc lắm. Tôi biết thầy biết thừa thủ phạm là ai nhưng không thể trói buộc vì thầy không có bằng chứng. 

Nhưng mọi sự cứng đầu của tôi dần dần thay đổi khi ngôi trường cũ không thể chấp nhận tôi được nữa. Tôi buộc phải chuyển đến một ngôi trường mới.

Khi nhìn sổ học bạ của tôi, thầy hiệu trường lắc đầu ngán ngẩm. Thầy toan không nhận tôi vào trường nhưng vừa lúc đó có một thầy giáo trẻ bước vào, cầm sổ học bạ, nhìn tôi một lúc rồi quay sang nói với thầy hiệu trưởng: “Học sinh này thầy cứ giao cho em”.

Câu nói của thầy khiến tôi bất ngờ, trong đầu thầm nghĩ “Ông này cũng tự phụ gớm nhỉ? Chờ xem ông ý làm gì được nào?”.

Tôi bắt đầu xét nét “đối thủ” của mình. Thầy tên là Hùng, đeo một cặp kính màu đen, dáng người cao cao và nước da ngăm ngăm. Khi mới vào lớp, việc đầu tiên là thầy xếp chỗ ngồi cho tôi. Cứ tưởng rằng thầy sẽ giống với các thầy cô khác, cho tôi ngồi lên bàn đầu tiên, đối diện với bàn thầy giáo nhưng không, thầy xếp tôi ngồi bàn thứ 3, góc trong cùng. Tôi đang không hiểu tại sao nhưng cảm giác rất sung sướng vì sẽ được tha hồ vùng vẫy. Ngồi vào chỗ, nhìn quanh  lớp 1 lượt rồi vừa kịp cười khẩy một cái, thầy đã tiến lại gần và nói nhỏ với tôi: “Thầy xếp em ngồi đây là vì thầy coi e không phải học sinh cá biệt”. 

Đến trường mới, sau một tuần tôi quen với môi trường mới và bắt đầu “phá phách”. Vào giờ học, tôi thường không chú ý đến bài giảng, chỉ tìm cách chọc ghẹo các bạn trong lớp. Thầy nhắc nhở, tôi ra khỏi lớp, không quên vác cả ghế ra ngoài ngồi cho mát. Sau lần ấy, tôi còn nghĩ ra nhiều cách để trả thù thầy. Tôi đi học thật sớm, đổ keo 502 lên bàn của thầy. Thế là khi thầy đặt sách xuống, sách dính luôn vào bàn, thầy cạy mãi không được và cuốn sách rách làm hai. Tôi còn bôi cả nến lên bảng để thầy không thể viết được.

Sau những lần quậy phá như vậy, những tưởng rằng thầy sẽ đầu hàng và khỏi tính “hênh hoang” như lần đầu tôi gặp. Ai ngờ…. Không một lần thấy nặng lời, không bao giờ thầy đưa tôi gặp thầy hiệu trưởng hay gửi giấy mời phụ huynh,… Tất cả những gì thầy làm là những lời khuyên bảo ân cần. Sau khi tan giờ, thầy thường ở lại lớp, hỏi han xem hôm nay tôi mải làm việc riêng như vậy thì nắm được bài đến đâu. Thế rồi những chỗ nào chưa biết, thầy lại kiên nhẫn ngồi lại và giảng giải cho tôi. Có những lần tôi bỏ học đi chơi, thầy đến từng quán điện tử để tìm tôi. Sau khi đi tìm hết quán này đến quán khác cuối cùng thầy cũng thấy tôi trong một quán Internet nhỏ. Thầy không vào, không kéo tôi ra, không nặng lời chỉ chích. Chơi xong ván game, tôi bước ra khỏi quán là lúc trời đã nhá nhem. Tôi sững người vì không biết từ bao giờ thấy thầy đứng ngoài cửa, cạnh chiếc xe đạp cũ… đợi tôi…

Cứ thế, thầy lúc nào cũng bao dung, tình cảm và cũng chính vì thế tôi mới nhận ra ý nghĩa và tầm quan trọng của những người quanh tôi. Không ai muốn những điều không tốt xảy ra với tôi, tất cả những điều họ làm đều là vì tôi, vì muốn tốt cho tôi. Họ có thể kiên trì, nhẫn nại vì tôi mà tôi sao lại quá tàn nhẫn…. Từ đó trở đi, tôi quyết định “cải tà quy chính”, chăm chỉ học hành và dần đã bị “loại” ra khỏi danh sách học sinh cá biệt để giờ đây có thể trở thành một chàng sinh viên của trường Đại học Ngoại Thương. 

Mười năm qua đi nhưng hình ảnh người thầy đã làm thay đổi cuộc đời tôi, tôi không sao quên được. Và cũng nhờ thầy mà tôi hiểu rằng, có những điều không hay nhưng không thể thay đổi bằng sự giận dữ. Tình yêu thương và sự sáng tạo mới là thứ giúp bạn thay đổi mình, thay đổi mọi người.

Thứ Tư, 17 tháng 9, 2014

Đua nhau cho trẻ học năng khiếu ở thời điểm “vàng”

Dù thời điểm “vàng” để khơi gợi tiềm năng cho trẻ nhỏ là trong độ tuổi từ 3 - 5 tuổi, nhưng điều quan trọng là cần khơi gợi đúng và trúng với những năng khiếu của từng trẻ. Đừng quá áp lực cho các bé bắt các em đi học năng khiếu mà hiệu quả sẽ ngược lại mong muốn, khiến trẻ phát triển lệch lạc.

1. Học năng khiếu nhiều nhưng hiệu quả chưa cao




Ngày nay ở các trường mầm non rộ lên phong trào cho con đi học các môn năng khiếu như Múa, vẽ, võ, hát, bơi lội, tiếng Anh… với mục đích bồi dưỡng cho các em trong lứa tuổi vàng phát triển tiềm năng ( từ 3-5 tuổi gọi là tuổi vàng phát triển tiềm năng). Tuy nhiên các em thi nhau học nhưng hiệu quả chẳng thấy đâu. Như trường hợp con gái anh Tuấn (Mỹ Đình) là một ví dụ. Anh cho con đi học bơi theo phong trào của nhà trường đã 2 năm rồi mà con chưa biết bơi, ngoài ra cháu học tiếng Anh cũng được 1 kỳ rồi mà khi bố hỏi con gà là gì thì cháu trả lời là: ò ó o.
Anh Tuấn cho biết, tiền học phí chẳng đáng là bao tổng 1 tháng khoảng 70.000, nhưng có lẽ vì thời gian học quá ít 30 phút/ngày/môn, 1 tuần học từ 1-2 buổi nên dù các thấy cô rất cố gắng, các cháu vẫn không đạt kết quả cao.


2. Vì sao đua nhau cho con đi học năng khiếu


* Học năng khiếu để bớt xem ti vi

Trong điều kiện thiếu đồ chơi cho trẻ, các hoạt động vui chơi còn nghèo nàn nên nhiều trường sáng tạo bằng cách cho trẻ xem tivi. Dùng tivi để thay thế các hoạt động giảng dạy là phản khoa học. Trẻ đến trường chỉ biết ngồi xem tivi sẽ tạo ra tâm lý ù lì, thụ động, về lâu dài sẽ dễ bị các tật về mắt. Hiệu trưởng một trường mầm non thừa nhận cũng chính vì nguyên nhân này mà nhiều phụ huynh dù không mặn mà cho con học năng khiếu vẫn bất đắc dĩ tham gia vì sợ trẻ phải ở lại lớp xem tivi.

Chị Huyền My, phụ huynh có con theo học tại một trường mầm non tại quận Đống Đa, cho biết con trai mới 3 tuổi nhưng chị phải đăng ký cho con đi học... võ. “Không rõ trẻ mới 3 tuổi mà học võ thì học những gì, việc luyện tập ra sao nhưng hầu hết phụ huynh trong lớp đều đăng ký nên phải cho cháu học. Nếu không cho con học thì cháu phải ở lại lớp xem tivi lại càng nguy hiểm hơn nữa” - chị My kể

* Đi học vì sợ thua bạn kém bè

Mặc dù biết là tốn tiền nhưng chị Lan (quận 7, tp. Hồ Chí Minh) cho biết chị vẫn phải đăng kí đủ các môn năng khiếu cho con học vì sợ trong khi các bạn học mà con mình ngồi nhìn thì thiệt thòi và tội. Nghe nói giai đoạn từ 3-5 tuổi là thời điểm vàng của trẻ nên cố gắng cho con tham gia các môn năng khiếu vì sợ sẽ bỏ lỡ cơ hội “có một không hai” này. Bên cạnh đó, tôi thấy nhiều bé khác trong lớp cũng học nên không muốn con mình thua kém bạn bè. Tuy vậy, kết quả học tập của con khiến chị phải cân nhắc lại xem có cho cháu tiếp tục theo học hay không



*  Hi vọng con thành tài

Nhiều cha mẹ thì hi vọng con sẽ phát triển thành ông nọ bà kia trong tương lai nên vội vàng đăng kí con đi học năng khiếu. Tuy nhiên cô Phạm Thị Hà - Hiệu trưởng một trường mầm non tư thục ở quận Hà Đông khuyên nhủ cha mẹ không nên đặt nặng chuyện hiệu quả vì điều này sẽ gây áp lực cho trẻ. Bên cạnh đó, nếu bố mẹ thúc ép, bắt con luyện tập quá nhiều có thể gây phản tác dụng, khiến trẻ mệt mỏi, sợ hãi ngay cả khi trẻ có năng khiếu thực sự. 

Còn theo bác sỹ - Tiến sỹ Tâm lý Hoàng Cẩm Tú, dù thời điểm “vàng” để khơi gợi tiềm năng cho trẻ nhỏ là trong độ tuổi từ 3 - 5 tuổi, nhưng điều quan trọng là cần khơi gợi đúng và trúng với những năng khiếu của từng trẻ. Điều đáng lo ngại là hiện nay, số trẻ trong độ tuổi từ 4 - 5 tuổi mắc các bệnh về tâm lý ngày càng nhiều. Một số phụ huynh thấy con có biểu hiện thích vẽ, thích hát… đã cho rằng con có năng khiếu nên ra sức “bồi dưỡng”, khiến trẻ từ chỗ nhanh nhẹn trở thành nhút nhát, sợ đi học. Trong khi đó, trẻ ở lứa tuổi mẫu giáo có tâm lý thích học đàn, học hát, học vẽ là chuyện bình thường. 

3. Để việc học năng khiếu hiệu quả phụ thuộc vào cha mẹ và thầy cô


Để trẻ phát triển tốt nhất trong khả năng của mình, khi trẻ tỏ ra đặc biệt thích một lĩnh vực nào đó, phụ huynh cần phối hợp với cô giáo ở trường để theo dõi và định hướng cho trẻ đúng lúc. Nếu phát hiện thấy con mình có năng khiếu thực sự, cha mẹ cần tạo cho trẻ niềm say mê hứng thú. Bên cạnh đó, phụ huynh cũng nên quan tâm, động viên trẻ kịp thời, không nên tỏ ra thất vọng khi con không phát triển năng khiếu như mình mong muốn bởi không phải năng khiếu nào cũng có thể phát triển thành thiên tài. 

Ngoài ra, các bậc cha mẹ cũng không nên đăng ký học năng khiếu cho trẻ mầm non một cách tràn lan theo kiểu phong trào, vừa gây áp lực cho trẻ vừa lãng phí tiền của một cách vô ích. Đó chính là lý do vì sao mà các bậc cha mẹ thường rất gian nan khi tìm trường mầm non cho con trong khoảng thời gian hiện nay.

Còn đối với các thầy cô giảng dạy thì yêu cầu phải có chuyên môn, nghiệp vụ sư phạm. Đành rằng các môn năng khiếu không nằm trong danh mục đánh giá, nhận xét trẻ nên các trường tổ chức tùy theo tình hình thực tế. Nhưng ở góc độ quản lý, trường mầm non nào tổ chức dạy năng khiếu phải có báo cáo đầy đủ cho phòng Giáo dục về kế hoạch giảng dạy, giáo trình và giáo viên và phải trên nguyên tắc phụ huynh hoàn toàn tự nguyện.

Thứ Ba, 16 tháng 9, 2014

Học cách sống chung với việc các em học sinh dùng Facebook

Mặt trái của mạng xã hội Facebook với đời sống con người, đặc biệt là các em học sinh thì ai cũng có thể nhận ra, thế nhưng việc cấm các em sử dụng Facebook lại gần như là điều không tưởng. Sự việc mới đây  một học sinh lớp 8 ở Trường THCS Lý Tự Trọng (TP Tam Kỳ, Quảng Nam) bị đình chỉ học 1 năm vì xúc phạm thầy cô giáo trên Facebook đã dấy lên những lo lắng về việc làm thế nào để các em nhìn nhận được mặt lợi, mặt hại của mạng xã hội lớn nhất thế giới này và sử dụng nó một cách thông minh, hiệu quả. 


Biết hại nhưng không thể cấm


Facebook mang lại rất nhiều hệ lụy, trước hết là tốn thời gian khiến các em chểnh mảng học hành. Sau nữa là nhiều em đưa lên mạng các nội dung phản giáo dục, thóa mạ thầy cô giáo… Thế nhưng các em học sinh cấp 2, cấp 3, thậm chí là bậc tiểu học vẫn dùng thường xuyên, bởi các em còn quá nhỏ tuổi, nhận thức còn quá non nớt để hiểu được mặt trái của mạng xã hội này. 

Nhiều nhà giáo dục khẳng định Facebook hoàn toàn không có giá trị giáo dục, xã hội với đối với trẻ em. Tuy nhiên, Facebook có lý luận riêng của họ khi cho rằng dù muốn hay không thì hàng triệu trẻ em trong số 900 triệu người dùng hiện tại vẫn dùng mạng xã hội này và con số đó đang không ngừng tăng lên.

Trên thực tế, chính Facebook cũng đã cấm trẻ em dưới 13 tuổi sử dụng nhưng không có hiệu quả vì các em hoàn toàn có thể khai gian năm sinh để đăng ký mà không gặp trở ngại nào. Facebook cũng có một tính năng để giúp phụ huynh kiểm soát việc sử dụng mạng xã hội này bằng cách kết nối tài khoản của các em với cha mẹ nhưng ít bậc cha mẹ nào biết đến và sử dụng. Vì thế việc kiểm soát các nội dung trên trang mạng  xã hội này là điều gần như không thể.

Không quản được thì cấm, đó là cách ứng xử thường thấy ở các bậc phụ huynh và thầy cô giáo. Những rõ ràng, việc “cấm” đối với Facebook là hoàn toàn bất lực. Bên cạnh đó, nếu nhìn dưới con mắt của một người lạc quan thì Facebook mở ra nhiều cánh cửa cho các em nhìn xã hội, thế giới. Vậy thì tại sao chúng ta không biến Facebook thành công cụ giáo dục sinh động và hấp dẫn dành cho các em, đây có thể coi là cách ứng xử khả dĩ nhất hiện nay khi chưa có công cụ nào hiệu quả hơn để ngăn chặn những mặt trái của nó.

Học cách “sống chung với lũ”


Có lẽ đã đến lúc chúng ta nên đưa môn học “văn hóa trên mạng” vào giảng dạy để các em biết cách ứng xử, tự vệ trên các trang mạng xã hội, đồng thời hướng dẫn các em sủ dụng Facebook một cách hiệu quả và ngăn chặn những tác hại của nó. Thế nhưng trong lúc chờ điều đó thành sự thật, làm sao biến Facebook thành công cụ giáo dục tốt lại chính là việc của các thầy cô giáo và các bậc phụ huynh. 

Trước tiên thầy cô giáo và phụ huynh cũng nên dùng Facebook như một cách để tương tác với học sinh. Người lớn nên coi đây là phương tiện, kênh thông tin để hiểu rõ học trò, con cái của mình vì ở lứa tuổi mới lớn, các em thường có nhu cầu được chia sẻ cảm xúc về học tập, thầy cô, bạn bè, gia đình… Nhiều khi các em coi Facebook là một nơi giải tỏa tâm trạng khi ngại nói chuyện trực tiếp. Khi các thầy cô hiểu rõ được cảm xúc của các em (thích môn học nào, thầy cô nào.  buồn vì bị điểm kém, giận nhau với bạn, những khúc mắc trong gia đình…) thì có hướng điều chỉnh hợp lý và đưa các em đến những suy nghĩ, hành động tích cực.

Thầy cô và phụ huynh cũng nên khuyến khích các em sử dụng facebook như là một nơi để trao đổi về vấn đề học tập. Hãy coi nó như một công cụ giao tiếp thông thường như gặp trực tiếp, điện thoại… Đôi khi nó lại rất tiện lợi, ví dụ học sinh có thể hỏi bài nhau bất cứ khi nào hay nhờ thầy cô giảng cho mình những điều chưa hiểu trong bài học ở lớp mà không mất thời gian cần lặn lội đến tận nhà.

Thứ ba, nhà trường nên có những buổi hội thảo, hướng dẫn, giáo dục, định hướng cho cụ thể các em cách dùng Facebook: những nội dung gì được đăng tải lên trang cá nhân, hình ảnh và bình luận như thế nào… Đặc biệt, cách các em sử dụng văn hóa giao tiếp trên facebook cần được chú trọng, ngôn ngữ phải trong sáng, thuần Việt, không được văng tục hay nói xấu bất cứ ai...  Chúng ta thà vẽ đường cho hưu chạy còn hơn là để nó chạy lung tung.

Thứ tư, nhà trường nên quản lý việc quản lý học sinh sử dụng facebook bằng cách bắt học sinh phải đăng ký địa chỉ Facebook mình dùng. Nhưng điều này quả thật không dễ vì một học sinh có thể sử dụng nhiều địa chỉ. Vì thế nên cử cán bộ lớp, cán bộ tổ theo dõi các hoạt động của học sinh trong lớp, tổ, nhóm về sử dụng facebook. Khi phát hiện cá nhân nào dùng facebook không đăng ký, hoặc có dấu hiệu lệch lạc, không tốt (nói tục chửi bậy, đăng ảnh phản cảm làm ảnh hưởng xấu đến người khác, xuyên tạc tiếng Việt…) sẽ thông báo cho trường kịp thời xử lý. 

Cuối cùng nhà trường và gia đình cần tăng cường cho các em những  sân chơi lành mạnh, hấp dẫn như các hoạt động ngoại khóa, vui chơi, tình nguyện… Khi bị thu hút bởi những điều có ích ngoài đời thực, các em sẽ không còn chỉ biết “ôm” Facebook, không đắm chìm vào thế giới ảo nữa. 

Hiện nay ngày càng có nhiều ứng dụng mới, phần mềm mới, những trang mạng mới để kết nối và rất nhiều cám dỗ khác, nên việc cấm đoán các em là điều không nên và không thể làm được. Vì thế chúng ta nên hướng dẫn cho các em tiếp thu chúng một cách hiệu quả chứ không là nạn nhận của nó. Làm sao để các em đừng mê Facebook mà quên đọc sách, đừng mải nói chuyện với người trên mạng mà quên giao tiếp với người thân, đừng “phây” đến phờ phạc, phí phạm đời mình vào những điều vô nghĩa.

Thứ Hai, 15 tháng 9, 2014

U19 Việt Nam: Bài toán giáo dục đã được giải quyết

Chuyện các cầu thủ đá láo trên sân, nói tục chửi bậy, sa ngã vào những tệ nạn, cá độ và bán độ… lâu nay vẫn là vấn đề nhức nhối của ngành văn hóa. Rõ ràng công tác giáo dục, dạy văn hoá cho các cầu thủ đang có lỗ hổng lớn nhưng lại được rất ít người quan tâm. Không được đào tạo tới nơi tới chốn, các cầu thủ dù có đá hay, vẫn có thể sa ngã bất cứ khi nào. Tấm gương của Văn Quyến cho đến giờ vẫn là bài học quá lớn của bóng đá Việt Nam. Nhưng trận thắng 4-1 của U19 Việt Nam trước Myanmar và những gì họ thể hiện trên sân vừa qua, người hâm mộ bóng đá Việt Nam có quyền hy vọng rằng “Bài toán giáo dục trong bóng đá đã được giải quyết ở đội U19 của bầu Đức” khi ông không đi theo chiều hướng “cứ phát triển chuyên môn thôi, có thành tích là tốt rồi” nữa. 

Bầu Đức đã đào tạo như thế nào?

Bầu Đức và những cầu thủ trẻ..

Bầu Đức (tên thường gọi của ông Đoàn Nguyên Đức) là người dành rất nhiều tình cảm cho bóng đá nước nhà, đặc biệt là lứa cầu thủ trẻ ông đặt trọn niềm tin: Đội U19 – những người vừa làm nên kỳ tích khi kiến tạo những pha bóng đẹp mắt trong trận đấu gặp Myanmar tối 11.9 vừa qua. Thành công của U19 Việt Nam có dấu ấn rất lớn từ lò “luyện gà nòi” của bầu Đức. Hơn 6 năm trước, ông Đức đích thân tuyển chọn lứa cầu thủ rồi kết hợp với mô hình đào tạo của Arsenal để tạo nên một Học viện có quy mô, chuyên nghiệp bậc nhất Việt Nam (Học viện Hàm Rồng). U19 được kỳ vọng sẽ là tương lai của bóng đá nước nhà, trong bối cảnh tuyển quốc gia và U23 Việt Nam ngày càng tệ và đánh mất hết niềm tin.

Vậy từ khi bước chân vào Học viện Hàm Rồng, các cầu thủ nhí khi đó mới là những cậu bé 12 – 13 tuổi đã được đào như thế nào?

Trước hết và quan trọng nhất các em được đào tạo về những kỹ năng trong bóng đá, nhưng là những kỹ năng của một người đá bóng “có văn hóa”. Bầu Đức luôn “chỉnh” cầu thủ của mình để mong các em đi đúng hướng. Ông không cho phép có thứ bóng đá xấu xí, triệt hạ đối phương tồn tại trong đội hình mà ông đặt nhiều tâm huyết. Nghĩa là ông không quan trọng đặt thành tích cao hơn tất cả mọi thứ, đạt thành tích bằng bất cứ giá nào như nhiều người vẫn làm. Các cầu thủ U19 Việt Nam hiểu rõ: nếu đá láo, đá xấu xí thì chuẩn bị tâm lý rời khỏi đội. Thực tế là trong trận giao hữu quốc tế trên sân Thống Nhất, từng có một cầu thủ bị loại khỏi đội vì phạm lỗi khiến cầu thủ đội bạn chấn thương nặng.

Thứ hai, ông “dạy” các em cách ứng xử có văn hóa cả trên sân bóng và cả ngoài đời thường. Theo dõi một trận đấu, ông Đức không chỉ xem những pha bóng, tình huống xử lý mà còn xem thái độ các cầu thủ trên sân. Ông không cho phép cầu thủ được nói tục chửi thề, ngay cả trong những tình huống tức giận nhất. Sau trận đấu gặp U19 Australia, bầu Đức liên hệ ngay với ban huấn luyện để nhắc nhở rất nhiều, trong đó có nói đến tình huống Quang Hải “nóng máu” với thủ môn đội bạn. 

Thứ ba, ông dạy các em biết yêu thương gia đình của mình. Vì thế dù đưa các em về học tập trung ở Học viện Hàm Rồng, ông vẫn rất quan tâm đến cả gia đình của chúng. Hiểu được tâm lý phụ huynh muốn được trực tiếp chứng kiến sự trưởng thành của con cái, còn các em cần cha mẹ ở bên trong những trận đấu quan trọng để thêm động lực thi đấu, bầu Đức mới “bao” toàn bộ chi phí ăn ở cho người thân của cầu thủ về xem các trận đấu của U19 Việt Nam. Cách đây 7 tháng, tại giải đấu trên sân Thống Nhất, TP HCM, ông cũng đã áp dụng chính sách này.

Thứ tư, ông cho rằng việc học văn hóa luôn là nhiệm vụ bắt buộc, thậm chí còn quan trọng hơn bóng đá. Ông đặt mục tiêu các cầu thủ phải có văn hóa (văn hóa ứng xử và bằng cấp) khi ra trường. Thậm chí bầu Đức không tiếc tiền khi thuê nhiều chuyên gia, giáo viên nước ngoài dạy học cho các cầu thủ trẻ. Các thành viên U19 HAGL không chỉ đá bóng giỏi mà còn hoàn thành 12 năm phổ thông, bước vào giảng đường đại học. 

Cuối cùng, ông “dạy” các cầu thủ lòng yêu nước, tinh thần thi đấu vì màu cờ sắc áo chứ không phải vì tiền thưởng. Ông dặn họ tuân thủ triết lý cứ cho đi rồi sẽ nhận lại rất nhiều và nghĩ về bản thân, gia đình, về đất nước…các em sẽ có sức mạnh vượt qua những cám dỗ.

Thành quả


Vụ việc bán độ của cầu thủ trẻ tài năng Văn Quyến cho đến giờ vẫn được nhắc lại như một bài học lớn cho các cầu thủ trẻ. Bởi không ít cầu thủ trẻ xác định đến với bóng đá như một cách thoát nghèo, có người nghĩ xa hơn thì cố gắng kiếm vài trăm đến vài tỷ đồng để sau này giải nghệ, sẽ chuyển hướng làm công việc khác… nên khi bị dụ dỗ bán độ, họ bị đồng tiền làm cho mờ mắt. Nhưng ở U19, các em được giáo dục từ nhỏ để “miễn dịch” với những cám dỗ và ông Đức đảm bảo cho tương lai của các em nên việc bán độ cho đến giờ vẫn chưa có. 



Chuyện học không bao giờ là đủ, bởi học nữa, học mãi mới thành người. Mới đây, theo thỏa thuận giữa bầu Đức và hiệu trưởng trường Đại học Sư phạm TDTT TP HCM, các cầu thủ U19 Việt Nam thuộc Học viện bóng đá HAGL sẽ được đào tạo đại học trong 7 năm. Chương trình sẽ được bắt đầu ngay sau khi các em tốt nghiệp THPT, vào mùa hè năm nay. 

Không chỉ được trang bị đủ kiến thức, các cầu thủ U19 còn được mở rộng sự hiểu biết của mình với thế giới, được học nhiều ngoại ngữ để có thể giao tiếp khi ra nước ngoài. Hình ảnh những cầu thủ U19 Việt Nam trả lời báo chí nước ngoài bằng tiếng Anh, tiếng Pháp thông thạo khiến người hâm mộ rất ngưỡng mộ và thêm tự hào với đội quân trẻ của Việt Nam.

Những trận đấu của U19 Việt Nam trước bất cứ đối thủ nào hiếm khi thấy họ đá láo, chơi xấu, phạm lỗi với đối phương. Vì thế, U19 rất ít khi phải nhận thẻ vàng, chứ chưa nói tới thẻ đỏ. 

“Ở HAGL, chúng em được học văn hóa rất tốt nên có thể tránh sa ngã, hiểu mình cần làm gì”, Công Phượng - người vừa giúp đỡ gia đình xây lại căn nhà mới từ tiền đi đá bóng - nói trước giải đấu đã cho người hâm mộ có thêm niềm hy vọng rằng: Bài toán giáo dục trong ngành thể thao đã có lời giải đáp.

Thứ Bảy, 13 tháng 9, 2014

Chia sẻ kinh nghiệm giúp trẻ tự kỉ hòa đồng ở trường mẫu giáo

Con tôi đi mẫu giáo về kể, hôm nay các thầy cô trong trường náo loạn vì một bạn mất tích. Hóa ra bạn ấy  bị tự kỉ đã bỏ lớp đi ra ngoài mà các cô không biết, mãi sau bảo vệ trường mới tìm thấy để đưa về nhà. Nhà trường đã kỉ luật cô giáo đứng lớp và coi đó là bài học sâu sắc cho các thầy cô giáo trong trường về việc chăm sóc trẻ tự kỉ.



Thấy con có vẻ sôi nổi nói về đề tài này, tôi muốn nhân tiện giáo dục con trong việc hòa nhập với bạn bè liền hỏi: 

- Con thấy bạn ấy thế nào?

Con gái tôi trả lời: 

- Bạn ấy lạ lắm mẹ ạ, bạn ấy thường ôm khư khư một con gấu hồng không cho ai động vào. Cô giáo hỏi bạn ấy cũng không trả lời. Khi chơi xếp đoàn tàu bạn ấy cứ xếp theo ý mình, ai động vào là bạn ấy khó chịu và hung dữ lắm”.

- Con có chơi với bạn ấy không?

- Không mẹ ạ, bạn ấy thường nhại lời con mỗi khi con chơi với bạn ấy mà chả có ý nghĩa gì cả. Bực mình lắm.

Tôi dặn con: 

- Con không được khó chịu với bạn vì bạn mắc bệnh nên mới vậy. Lần sau con rủ bạn chơi cùng nhé

Hôm sau, đến lớp đón con cô giáo đã hồ hởi kể là con gái tôi ăn nhanh, xong cơm trước thấy bạn tự kỉ chưa ăn xong, cô còn chưa xúc kịp, con đã xúc cơm cho bạn ăn. Cô khen là con rất ngoan. Thấy vậy tôi đã động viên con làm đúng. Những hôm sau nữa, con còn kể là con tự động nằm ngủ cùng bạn tự kỉ và vuốt đầu, xoa tai con gấu hồng cùng bạn ấy nữa. Không thấy bạn ấy hất ra và khó chịu như mọi lần. Tôi ôm con vào lòng và bảo: Con làm đúng rồi, bạn ấy rất cần sự yêu thương như mẹ yêu con này.

Ngoài việc có sự nỗ lực của các bạn như bé Bống nhà tôi nhà trường đã cắt cử cô Hồng Nga người có chuyên muôn về dạy trẻ tự kỉ phụ trách lớp. Cô đã tìm hiểu sở thích của bé, xem bé thích ăn gì, uống gì,  thích môn học nào, các đồ dùng học tập cho bé cũng đặc biệt hơn các bạn. Cô còn rất nhẹ nhàng trong việc nói chuyện với bé, thường động viên bằng phần thưởng khi bé ngoan hơn và hòa đồng với các bạn hơn. Khi bé hung hăng muốn phá phách, cô thường đưa bé ra một chiếc ghế xa các bạn để trấn tĩnh lại. Mậc dù lớp đông nhưng lúc nào cô cũng quan sát để bé không bị rơi vào tình trạng bị cô lập.

Dần dần tình hình đã được cải thiện rất nhiều. Bé tự kỉ đã biết nói những từ đơn giản để biểu lộ cảm xúc và nhu cầu của mình như: Không, có, vâng, thích, ghét…. Bé dần chơi cùng các bạn những trò chơi đơn giản. Lên bảng bé trả lời sai cũng không tỏ ra quá sợ hãi như trước nữa vì được cô giáo động viên và các bạn cổ vũ. Bố mẹ bé đã mừng đến phát khóc khi con có sự tiến bộ như vậy. 

Bố mẹ bạn đã thừa nhận việc đưa bé đến trường học học cùng với trẻ bình thường để giúp các em hòa đồng với xã hội là việc làm đúng đắn. Không còn có sự kì thị như một số trường khác: Nhất định không nhận trẻ tự kỉ hoặc có nhận thì cũng bỏ bê và xa lánh. Các bé đã mắc bệnh là một sự thiệt thòi, lại không nhận được sự quan tâm của xã hội thì càng thiệt thòi hơn. Tương lai các bé sẽ ra sao khi ngay từ bé các bé đã phải chịu đựng những tổn thương về mặt tinh thần.

Do đó, rất cần thiết đưa trẻ tự kỉ đến trường học cùng trẻ bình thường như chính sách xã hội của nhà nước ta hiện nay đối với các trường mầm non công lập. Đồng thời, rất cần sự nỗ lực của các thầy cô và bạn bè trong việc giúp trẻ tự kỉ trở nên tốt hơn. Mỗi phụ huynh hãy giáo dục con em mình coi bạn tự kỉ như một người bạn bình thường để các em có cơ hội phát triển trong cuộc sống, đừng phân biệt đối xử mà làm thui chột đi nhân cách của một con người mà sẽ trở thành một công dân của đất nước trong tương lai.

Dù biết rằng, tìm được trường thích hợp cho các cháu mới bắt đầu đi học mẫu giáo hiện nay là việc rất khó như trong bài chúng tôi đã chia sẻ Gian nan đi tìm trường mầm non cho con, tuy vậy đó vẫn là công việc mà các bậc cha mẹ bắt buộ phải làm để cho con trẻ được học tập trong môi trường thích hợp nhất.

Thứ Sáu, 5 tháng 9, 2014

Ra Hà Nội học cấp 3: Bước đi sai lầm hay đúng đắn?

Cho con ra Hà Nội học cấp 3 (tức là khi các em còn khá nhỏ) là bước đi lớn của những gia đình tiến bộ với ước mong điều tốt đẹp cho con trong tương lai và con em họ cũng toàn là học sinh giỏi giang của tỉnh nhà. Nhưng có người thì con đạt được ước nguyện của bố mẹ, có người thì con cái lại bị tuột dốc, trở nên tự ti trước cuộc sống xa hoa và náo nhiệt chốn đô thành

1.    Cho con ra Hà Nội học là bước đi đúng đắn


Hà Nội là trái tim của cả nước, nơi hội tụ những tinh hoa của dân tộc. Không chỉ phát triển về các mặt văn hóa, xã hội, kinh tế… mà giáo dục ở đây cũng tốt hơn rất nhiều so với các tỉnh thành khác. Không chỉ có các sinh viên đại học đổ về đây mà rất nhiều bạn trẻ từ khi mới vào cấp 3 cũng đã xách hành lí lên đường gia nhập vào thành phần học sinh ngoại tỉnh học tại Hà Nội với ước mơ trở thành con người giỏi giang đáng tự hào của gia đình và xã hội. Tại Hà Nội có các trường nổi tiếng mà nhiều học sinh giỏi hay đăng kí vào như Trường THPT Nguyễn Tất Thành, Amsterdam, Chu Văn An, chuyên Nguyễn Huệ, THPT Chuyên ĐH Sư Phạm, trường THPT chuyên Khoa học Tự nhiên, trường chuyên Ngữ… Đây là các trường toàn học sinh giỏi do các thầy cô giáo chuyên môn cao, kinh nghiệm vững vàng và kĩ năng sư phạm tốt giảng dạy. Do đó khi đi học ở đây, các bạn đã học giỏi lại càng giỏi hơn.


Nguyễn Minh Khang (Thanh Hóa) là một cậu con trai của một gia đình nghèo ở Thanh Hóa. Tuy gia đình không có điều kiện nhưng cậu không tự ti, cậu một thân một mình ra Hà Nội trọ học, làm thêm và thi vào trường Amsterdam với mong ước sẽ chứng minh bản thân tại ngôi trường danh tiếng này. Với tố chất của một học sinh giỏi các môn tự nhiên, cộng với nghị lực tuyệt vời của một học sinh ngoại tỉnh, cậu đã có số điểm tổng kết cao nhất lớp 10 chuyên Toán mà cậu theo học. Kết thúc năm học lớp 12, cậu đã giành được học bổng theo ngành Kinh tế tại một ngôi trường Đại học danh giá của Mỹ trong sự ngỡ ngàng của rất nhiều người. Tương lai của cậu mở ra rộng lớn vì tỉ lệ người kiếm được việc làm tốt của ngôi trường này sau khi ra trường là rất cao so với các trường Đại học khác. Cậu trở thành niềm tự hào của cả gia đình. 

Như vậy, Khang đi học ở Hà Nội đã trở thành bước đệm để cậu đến với ngôi trường bên Mỹ, nơi mở ra tương lai tươi sáng cho cậu bé nghèo. Nếu không có nghị lực phi thường và quá trình rèn luyện bản thân ở trường Ams biết đâu cậu đã phải bỏ học vì cuộc sống quá khó khăn và kết thúc tuổi trẻ của mình với cái nghề nhọc nhằn nào đó.

2.  Giá như bố mẹ không quá  ham vinh hoa



Nhiều em phải ra Hà Nội học từ khi còn bé chỉ vì bố mẹ quá ham vinh hoa - Ảnh minh họa

 Không nghèo giống như Khang, Dũng (Thái Nguyên) là một chàng trai độc nhất của một gia đình giàu có và trí thức của tỉnh. Bố cậu là hiệu trưởng của một trường cấp 3, mẹ là kế toán trưởng của chi cục Thuế. Cậu cũng là một học sinh giỏi toàn diện từ những năm cấp 2. Dù không muốn đi xuống Hà Nội học nhưng vì bố mẹ quá muốn con trở nên thành công để làm rạng danh cho gia đình nên dã đốc thúc Dũng thi vào một trường cấp 3 ở Hà Nội để học. Tuy nhiên, cậu lại không đỗ được vào trường THPT Chuyên Khoa học tự nhiên như mong muốn mà chỉ đỗ được vào trường chuyên Ngữ. 

Chỉ thích các môn tự nhiên, giờ lại phải học tiếng Anh  nên cậu chán nản. Cộng với tâm lý bị hẫng hụt do phải một thân một mình dưới Hà Nội xa bố mẹ, vốn được chiều quen, nay lại phải tự lực cánh sinh mọi thứ nên cậu đã bị sốc, thành ra cậu không hứng thú với cuộc sống dưới này. Chán học và cô đơn, cậu quay ra chơi điện tử để khuây khỏa. Từ một cậu học sinh giỏi ngoan ngoãn, cậu toàn nói dối bố mẹ để chơi điện tử. Ban đầu cậu còn chơi ít nên việc học vẫn đảm bảo nhưng đến năm lớp 12 cậu đã trượt dốc với bảng điểm toàn năm là trung bình và trượt đại học. Tưởng con thi bị ốm nên làm bài không tốt như lời con nói nên bố mẹ không trách nhưng đến năm thứ 2 thi lại cậu vẫn trượt. Bố mẹ cậu đã thật sự sốc. Lúc này, họ mới thật sự tìm hiểu con qua những người bạn và biết được thực trạng của con mình. Mẹ cậu cứ khóc khi nói chuyện với mọi người rằng, bà rất ân hận vì đã cho con xuống Hà Nội học, chỉ vì niềm tin rằng con hiệu trưởng thì phải học giỏi hơn người nên đã đẩy con vào môi trường khó khăn khi con còn non nớt chưa đủ bản lĩnh đương đầu. Vì vậy, lỗi con trượt đại học là do bố mẹ chứ không phải do con. 

Bố mẹ Dũng đã thay đổi bản thân mình bằng cách động viên con ôn thi lại và từ bỏ điện tử. Được ở với bố mẹ và chịu khó ôn tập, năm sau Dũng cũng thi được vào Cao đẳng Kinh tế Thái Nguyên. Vậy là cậu đã không chọn ngôi trường Hà Nội nữa mà theo học tại quê nhà. Cậu xác định sẽ ở với bố mẹ để họ kèm cặp cho đến khi đủ bản lĩnh rời xa bố mẹ thì mới thôi.

Tóm lại, xa nhà xuống Hà Nội theo học là một trong những bước đi quan trọng của rất nhiều gia đình có con học giỏi. Họ ước muốn rằng với một môi trường văn minh nhiều người tài như thế này thì chắc chắn con họ sẽ thành đạt. Tuy nhiên, nếu họ may mắn và có cố gắng thì sẽ thành công như Khang. Còn nếu họ bị cuộc sống xa hoa và đầy cám dỗ nơi này làm lu mờ khi tuổi đời còn quá trẻ và dễ bị giao động thì sẽ thất bại như Dũng mà thôi. Do vậy, tùy từng hoàn cảnh và điều kiện của mỗi em học sinh mà có quyết định sao cho phù hợp. Đừng quá tham lam mà làm hỏng tuổi trẻ của con em mình như trường hợp của Dũng là một ví dụ.

Có nhiều con đường để thành công trong công việc và cuộc sống, nhiều tấm gương về sự thành công trong lập nghiệp mà không qua cánh cổng đại học, họ có đủ tự tin và dũng cảm đối mặt với thử thách của cuộc sống, họ đã thành công. Còn bạn thì sao?